Chỉnh nghe vậy cả mừng, toan nhận lời nhưng bỗng nhiên Nghị khoát tay ngăn lại, đưa mắt nhìn Phúc Nguyên Đại sư, nói:
– Chuyện này nói dễ không dễ, nói khó không khó. Chưa kể chín hạt gạo ngũ sắc rồi thêm bọn Tề Các, có cả lũ. Những thứ này liên quan khá mật thiết với nhau. Phải chăng đây không phải là chuyện diệt Tề Các bình thường mà là Vá Thổ Địa?
Chỉnh nghe vậy cũng thoáng chau mày mới sực nhớ đến lục ngữ vá thổ địa. Thổ địa là cách lục lâm chỉ mạch đất cố định tại một vùng, giúp điều hòa nước, độ ẩm, chuyện này liên quan nhiều đến nông nghiệp. Vá thổ địa nghĩa là đất vùng đó biến đổi thổ nhưỡng nặng nề, cần phải cấp tốc tái tạo lại mạch đất như cũ.
Chỉ có hai nguyên nhân dẫn đến “thổ địa” bị thủng. Một là do thiên tai vô cùng nặng nề, hai là do có người quấy phá. Nguyên nhân thứ hai có thể do kẻ đó nuôi Tề Các nhằm cho chúng hút sạch dưỡng chất (điều này không giống với chuyện hút dưỡng khí, long khí từ long mạch). Khi đất khô kiệt thì nước không thoát được, dần thành mục rữa, ruộng đồng thành ra một cái đầm lầy, lúc đó Tề Các mới được gọi là “nuôi lớn”. Đến giai đoạn này thì kẻ nuôi sẽ dùng thuật Tróc Bảo, nghĩa là lấy bọn chúng lên, moi phần lõi hình dạng như một trái tim, màu hồng như thịt tươi. Thịt này dùng vào rất nhiều chuyện, đa phần đều liên quan đến cách dùng ngoại biến của lục lâm.
Nghị có phần e dè chuyện vá thổ địa vì chưa nắm chắc được tình hình tại những nơi bày trận yểm nuôi bọn Tề Các. Thường thì ở đấy luôn được bố phòng chặt chẽ với nhiều lớp miễu vây chặt. Đập miễu bình thường gặp Tề Các thì có thể nhắm mắt đập cũng được, nhưng rơi vào trận yểm như vậy thì lại khó lòng vô cùng. Mà đã gọi là vá thổ địa thì thế nào nơi đó cũng được sắp xếp trận đồ hết sức cầu kỳ, gặp phải dân cứng cựa thì trận bày ra phải nói là hết sức khủng khiếp.
Từ đó tới giờ, chuyện vá thổ địa kiểu này đều được một nhóm đập miễu làm cùng, nhiệm vụ phải được phân chia kỹ lưỡng, người canh chừng, người diệt Tề Các, tuyệt nhiên không dám manh động. Nay Nghị thấy đi chỉ có hai người, dù bản thân họ đều là dân lão làng có kinh nghiệm vẫn cảm giác rằng còn quá mạo hiểm. Nghị cho rằng, thời buổi này, ruộng đất phần lớn bị bỏ hoang, cây rậm nhiều, âm khí dâng cao, có thể nói là chọn bừa một mẫu đất nào đó để nuôi Tề Các cũng tạm chấp nhận được. Đằng này, “vườn nuôi” rộng đến một Tổng. Kẻ nào chọn được khu vực nuôi Tề Các rộng lớn đến vậy thì không thể không đề phòng dã tâm của kẻ đó. Ấy là chưa hình dung được đạo hạnh của hắn đã cao thâm đến đâu.
Thấy Nghị có vẻ e dè, Chỉnh vẫn biết chuyện đề phòng trong giới lục lâm là thứ bắt buộc, nhưng hiện giờ tình cảnh hết sức cấp bách. Nghĩ đến cái chết oan uổng của Tuyết Hoa, Chỉnh đau như xé ruột cho nên đâu thể nói bỏ là bỏ được. Cho là vậy, Chỉnh nói riêng với Nghị:
– Chuyện đến nước này, cứ để mình Chỉnh tôi làm. Huynh giúp đỡ đến đây thì tôi quý lắm rồi. Chuyến này đi coi bộ khó khăn, sao tôi nỡ để huynh phải lâm vào cảnh khốn đốn!
Nghị vốn là người khảng khái, trọng nghĩa, giúp người luôn giúp đến cùng, dĩ nhiên không đồng ý. Nghị nói:
– Huynh chớ hiểu lầm, tôi chỉ không muốn chuyến đi này của mình công cốc mà thôi!
Phúc Nguyên đại sư khẽ thở dài, nói:
– Thực ra chuyện thí chủ đây lo lắng, bần tăng cũng suy nghĩ đến. Chỉ e là nơi đó đúng rằng có kẻ mưu đồ làm chuyện xấu, như vậy quả vùng này đại nạn khó tránh khỏi.
Nói đoạn, Đại sư liền quay sang bảo Thanh Đồng và Xích Đồng vào chánh điện, lấy ra một cái hũ gốm, trang trí cảnh Phật tọa thiền, hết sức sống động, bên trong có chứa thứ bột mịn màu nâu đen. Đại sư đưa cho Chỉnh rồi nói:
– Đây là tro xá lợi, dân đập miễu luôn săn tìm nó nhưng ít khi kiếm được đồ thật. Bần tăng tặng cho hai vị để chuyến đi sắp tới được thuận lợi. Tiếc rằng bần tăng chẳng thể tự tay giải quyết chuyện này được.
Nói xong ông trút ra những hơi thở dài não nề, đủ thấy được tuy đã lập ra Chùa Chìm với mong muốn được lánh đời, nhưng tâm tu hành không cho ông ngơi nghỉ.
Chỉnh và Nghị nghe thế gật đầu đồng ý, nhận chín hạt gạo ngũ sắc cùng tro xá lợi từ Phúc Nguyên Đại sư. Công dụng của tro xá lợi thì dân đập miễu nào cũng biết, thậm chí săn lan trong rừng cũng tìm kiếm thứ này rất nhiều, chỉ cần thoa đều lượng tro khoảng một nắm tay lên vũ khí, ma quỷ dù lợi hại cũng bị dao cùn chặt chém được. Pháp lực của thứ tro đó hết sức cao cường không cần phải nghi ngờ.
Từ giã trụ trì, cả hai rời khỏi Chùa Chìm, tìm đến chín mẫu ruộng bao bọc địa phận của Tổng (một đơn vị hành chính ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc, tương đương Huyện bây giờ). Nghị thấy địa thế nơi này, nên bắt đầu gieo hạt gạo đầu tiên ở mẫu ruộng hướng Tây Bắc vào giờ Tuất ba khắc, sau đó đi một vòng theo chiều kim đồng hồ để thực hiện ở những nơi khác. Giờ gieo hai hạt liên tiếp cách nhau tốt nhất nên là tám hai canh lẻ hai khắc. Đó đều là những bí thuật truyền miệng của dân lục lâm về cách vá thổ địa, vốn dĩ ẩn chứa nhiều huyền cơ, lúc khác thuận tiện sẽ nhắc đến.
Tề Các là một loại miễu cấp trung, hình thành do oán linh bộc phát từ những xác người được chôn cất bừa bãi ở ruộng đồng. Thân thể khi phân hủy thì bị tôm ốc bâu vào gặm nham nhở, hình thù chỉ còn lại nhục thể, đính bên ngoài là rất nhiều ốc bươu mắt người. Loại này thì vỏ ốc tựa như nhãn cầu, gân máu long lên sòng sọc, mỗi con to cỡ lòng bàn tay trẻ em, khỏi nói cũng biết độc hại như thế nào. Ốc bươu mắt người rất ít khi xuất hiện, vì chỉ có những nơi Tề Các sinh trưởng, bọn chúng mới có nơi phát triển. Lục tỉnh khi ấy tuy ruộng đồng bạt ngàn, nhưng cũng phải xét lại giai đoạn chiến loạn thì phần lớn số ấy bị hoang hóa, không ai canh tác, người chết thì có, nhưng cũng rải rác, số xác được chôn lấp tạm bợ ở ruộng đồng cũng không nhiều, cho nên thấy được ốc bươu mắt người phải nói cực kỳ hiếm. Có chăng người bình thường chỉ còn nghe được trong ký ức của các lão niên thời khai hoang lập ấp khi xưa mà thôi.
Chỉnh và Nghị lăn lộn giang hồ lục lâm xưa nay cũng có chạm trán với Tề Các, tuy nhiên chỉ ở những vùng sâu xa và chúng cũng chỉ sinh trưởng một cách tình cờ. Loại ấy thuộc hạng tôm tép không đáng kể đến. Lần này Chỉnh thấy lo sợ của Nghị không phải không có cơ sở, nói vậy thì mức độ sẽ ghê hơn nhiều, chưa kể là phải diệt tận chín con. Chỉnh nghĩ đến đó thì thoáng chau mày, tự hỏi trận đồ yểm Tề Các trải rộng trên cả Tổng như vậy thì đạo hạnh của người yểm cao cỡ nào?
Lại nói về chuyện ổ bọn Tề Các. Nơi đó thường có oán khí cao, cô hồn dã quỷ do thế tụ về rất đông, trú nấp phía sau hốc cây bụi cỏ, cho nên ở miền Tây trước giờ vẫn rất nhiều chuyện kỳ quái về ruộng đồng mỗi khi lũ về. Có người giăng câu nọ đêm đó dính một con lươn rất to, nhưng chỉ thấy phần đuôi, lần theo đến bụi cỏ, vạch ra thì thấy đầu con lươn là một người con gái tóc dài môi đỏ, nanh nhọn hoắt nhe ra, máu vẫn còn nhiễu. Có chuyện khác lại kể rằng đi ruộng mùa lũ, nếu đêm đó trăng tròn, đợi đúng canh ba, bước từ hướng Tây Nam của ruộng đi về hướng Đông Bắc mười chín bước, nhổ một bụi lúa lên thì thấy lúa là tóc, dưới gốc rễ là một cái đầu lâu. Hoặc nếu thấy một hang cua, đốt đèn soi vào chỉ thấy bên trong có con mắt nhìn ra trừng trừng. Những chuyện đó phần thì có thật, phần thì do thêu dệt mà nên, kể ra mấy ngày chưa hết.