Tính thiết thực của người Nam Bộ

Tác giả xnghiem
Tính thiết thực của người Nam Bộ
Tính thiết thực của người Nam Bộ

“Ủa vậy đặc trưng của chữ Nghĩa trong Lục Vân Tiên là gì vậy mấy đứa?”

Tiếng cô giáo vang lên một góc lớp học kéo lại sự chú ý của một đứa nhỏ đang ngủ vùi trong lớp. Một bạn, hai bạn, rồi ba bạn, lớp cứ nhao nhao lên để trả lời được câu hỏi của cô.

Đứa nhỏ cảm giác đối với câu hỏi này của cô nó không cần tốn sức trả lời làm gì, vì vấn đề này dễ. Muốn hiểu chữ Nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu thì cần đặt ông vào hệ tọa độ tính cách của người Việt ở Nam Bộ. Ở đó, người ta trọng thực tế hơn, cái gì cái nấy cũng phải được thể hiện bằng hành động chứ đừng nói miệng. Hay nói đúng hơn, người Việt ở Nam Bộ thiết thực lắm.

Nó nghĩ vậy, rồi để đầu óc bay lửng lơ đâu đó, quay về cái thời mà người Việt vừa mở cõi ở đất phương Nam này.

1. Các yếu tố hình thành nên tính thiết thực

Cơ sở đầu tiên cho tính thiết thực là óc thực tế của người Việt. Khi di chuyển đến Nam Bộ, gặp phải điều kiện tự nhiên vừa khắc nghiệt với con người đã giúp cho óc thực tế có cơ hội trở thành tính thiết thực. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt buộc con người phải tìm ra phương thức để có thể thích nghi, sống sót. Ngược lại, điều kiện tự nhiên ưu đãi cũng giúp con người ta không cần phải lo xa mà tập trung giải quyết vấn đề trước mắt của bản thân.

Điều kiện thứ hai để óc thực tế có thể trở thành tính thiết thực là quá trình dương tính hóa. Trước hết, trong quá trình xâm lược Việt Nam, lối sống thực dụng đã xâm nhập vào đây một cách rõ rệt khi người dân Nam Bộ được tận mắt thấy những phát minh khoa học kỹ thuật, những kỳ tích của nhân loại lúc bấy giờ, giúp cho người dân nơi đây có cơ hội mở mang tầm mắt, óc thực tiễn khi này đã có cơ hội phát triển. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của nền kinh tế thị trường kết hợp với việc lưu thông tiền tệ Đông Dương, sự tấp nập người mua kẻ bán của các khu đô thị đã lôi kéo người Việt vốn ngại cái mới bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Về sau, văn hóa của người Việt ở Nam Bộ còn bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa thực dụng từ Đế quốc Mỹ, càng làm cho người ta phải coi trọng thực tế, coi trọng kết quả hơn.

2. Biểu hiện

2.1 Văn hóa tư tưởng, sinh hoạt bám sát thực tế 

Óc thực tiễn kết hợp với với các yếu tố khách quan như sự linh hoạt trong tính cách người Việt, sự giao lưu giữa các cộng đồng người, quá trình dương tính hóa đã tạo nên tính thiết thực trong tâm thức và sinh hoạt của con người Việt. 

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép lại về người dân Nam Bộ như sau: “Sĩ phu Nam Bộ ham đọc sách cốt yếu để hiểu rõ nghĩa lý mà lại vụng văn từ”. Nghĩa là ở nơi đây, con người ta đọc sách cốt để rèn luyện con người, để biết chứ không phải để khoe mẽ học đòi, làm sang, cũng chính những nhà Nho Nam Bộ cũng là những người quay lưng lại với nền Nho học hư học để đến với thực học. Trong dân gian, người ta bắt gặp ca dao nói về quan niệm của người dân nơi đây về vấn đề học hành như sau:

Nước đứng ròng, sao Mai dựng mọc
Cả tiếng kêu thầy giáo dạy học trong trường
Dạy em tôi học cho thường
Đặng mai đây khi cha già mẹ héo, nó cũng biết đường tới lui

Đối với họ, học hành không phải là để làm những điều quá lớn lao như giáo dục ở Việt Nam truyền thống, mà với họ, học hành chủ yếu là làm sao để con người ta có thể ứng dụng nó vào đời sống sống của mình (Đặng mai đây khi cha già mẹ héo, nó cũng biết đường tới lui)

Là nơi gặp gỡ của các cộng đồng người, để có thể chung sống hòa thuận với nhau, người Việt đã phát huy tính bao dungtính năng động, sáng tạo để tiếp nhận, thay đổi, những nếp sống của các dân tộc khác sao cho phù hợp với dân tộc mình.

Là mảnh đất của những người dân từ tứ xử đến đây, đối mặt với tự nhiên và xã hội mới mẻ, con người ta cần có một đức tin để nương tựa. Vậy nên mảnh đất Nam Bộ đã trở thành cái nôi khai sinh ra nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau như đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Phật Giáo Hòa Hảo, hay thậm chí là đạo Dừa. Các tôn giáo sống hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau, nếu có một tôn giáo nào gây loạn thì sẽ được các chính quyền địa phương xử lý chứ tiệt nhiên không có sự tranh chấp giữa các đạo. Không chỉ có các tôn giáo bản địa hoặc những tôn giáo đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam, kể cả Thiên Chúa giáo cũng chung sống hòa thuận với người dân:

Gặp em anh cũng muốn thương

Ngặt vì bên giáo bên lương khó lòng
– Quý hồ anh có lòng thương

A-men mặc thiếp, khói hương mặc chàng

Đừng nói lương giáo khác lòng

Vốn đều con Lạc cháu Hồng ngàn xưa

Bước ra khỏi không gian văn hóa làng xã là không gian văn hóa tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ trong phạm vi của vùng. Tục thờ Bà Chúa Xứ là một tín ngưỡng quan trọng trong tâm thức người Việt ở Nam Bộ:

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ kinh Vĩnh Tế, vía Bà núi Sam

Hình tượng Bà Chúa Xứ là bằng chứng rõ ràng nhất cho tính bao dung và năng động sáng tạo của người Việt trong việc dung nạp tín ngưỡng của các dân tộc. Sự hình thành tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ là sự góp sức của cả ba cộng đồng lớn (trong đó người Việt đóng vai trò chủ đạo), đó là người Việt với truyền thống trọng nữ và tục thờ Mẫu, người Chăm với tín ngưỡng thờ Bà Mẹ Xứ Sở và tín ngưỡng Bà Đen của người Khmer. Lúc ban đầu, tượng Bà Chúa Xứ ở núi Sam chính là tượng thần Vishnu (nam thần) của đạo Bà La Môn, nhưng nhờ sự tổng hợp, dung hòa của ba cộng đồng người mà tượng nam thần đã được đưa xuống và trở thành người đàn bà phúc hậu trong tâm thức của không chỉ người Việt mà còn là các cộng đồng người khác ở Nam Bộ. 

Nam Bộ là vùng đất sinh ra nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Các tôn giáo, tín ngưỡng không chỉ là chỗ dựa, chi phối sâu sắc tư tưởng của con người nơi đây. Mà ngược lại, những tính cách của người dân Nam bộ cũng ảnh hưởng đến người triết lý của các tôn giáo. Bài sấm truyền của thầy Huỳnh Phú Sổ đã thể hiện tính thiết thực của người dân nơi đây:”Ta là cư sĩ canh điền/ Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành”. Cõi niết bàn nào có phải ở thế giới bên kia như người ta hay nhằm tưởng, cõi niết bàn chính là làng mạc nơi con người ta đang sống đấy thôi. 

Một vị thần rất điển hình cho mảnh đất Nam bộ là Ông Địa. Ông xuất hiện trong hình ảnh rất bình dị, dân dã, thiết thực với bộ bà ba hở phanh ngực, hút thuốc lá, thuốc lào đã thể hiện được phần nào con người Nam Bộ. Ông xuất hiện trong ca dao nơi đây một cách dí dỏm:

Chiều chiều ngó ngọn cây bần
Thấy ba ông Địa ở trần nấu cơm
Ông kia xách dĩa lại đơm 
Ông nọ ứ hự nồi cơm mới vần
Mới vần mặc kệ mới vần
Bây giờ đói bụng xúc lần ra anh

Tính thiết thực của người Nam Bộ

Hình ảnh ông Địa trong câu ca dao trên cũng đã tái hiện lại một phần cách sống của người dân Nam Bộ. Người dân nơi đây thuở đầu là dân nghèo, vậy nên miếng ăn đối với họ là điều cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, nếu người dân Việt mình ở các nơi khác xem ăn uống như là nghệ thuật, là sự kết hợp của các yếu tố âm dương ngũ hành (yếu tố âm dương ngũ hành vẫn xuất hiện trong bữa cơm người Việt ở Nam bộ tuy nhiên nó xuất hiện một cách vô tình do đây không phải là điều ưu tiên của người dân chốn này), thì người Nam Bộ cho rằng miếng ăn là để cứu đói, để sống sót, cái thiện cái nghĩa của tâm hồn nếu muốn làm chỗ dựa vững chắc cho đạo đức con người thì cái ăn, nhu cầu bức thiết của con người, phải được đáp ứng trước cái đã:

Nhân chi sơ tay rờ cơm nguội
Tính bản thiện cái miệng đòi ăn

Với người dân khẩn hoang, đã ăn thì phải ăn miếng lớn mới “chắc bụng”, vì thế nên ông Địa trong bài ca dao mới ăn “ứ hự nồi cơm mới vần”. Ăn thì ăn miếng to nhưng nhậu thì phải lai rai: 

Ví dầu cầu ván long đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mượn chén ăn cơm
Mượn ly uống rượu, mượn đàn kéo chơi

Tính thiết thực khiến cho bàn nhậu của người Nam Bộ cũng bình dân. Nếu món ăn giải cảm quen thuộc của người dân Bắc bộ là món cháo hành (Vào vườn lấy củ gừng thơm/ Trở vô cháo nóng múc lên bát đầy/ Tía tô, hành với gừng này/ Cho vào cháo nóng bưng ngay lên giường) thì của nơi đây là rượu. Người đi khẩn hoang mỗi khi thấy lạnh trong người thì sẽ uống rượu để có sức vực dậy cơ thể mà dầm mưa dãi nắng, còn nếu dưỡng sức như người Bắc Bộ thì biết bao giờ mới khẩn hoang xong.

Trong trang phục, người Nam Bộ cũng lựa chọn trang phục phù hợp với công việc lao động (chèo ghe, xuồng, cấy lúa…) mà nổi bật nhất là bộ đồ bà ba. Không chỉ dung nạp, đón nhận tôn giáo, tín ngưỡng mà cả nếp sống của các cộng đồng người khác cũng được người Việt tiếp thu. Bộ bà ba và chiếc khăn rằn của đồng bào người Chăm đã trở thành vẻ đẹp đặc trưng của Nam Bộ:

Bần gie, bần liệt, diệc đậu cây chanh

Ai đi thấp thoáng giống dạng người nghĩa mình

Khăn rằn, nón lá, quay mặt lại em nhìn

Phải duyên em kết, phải tình em theo

Bộ đồ bà ba là kiểu trang phục rất giản tiện. Áo xẻ hai bên hông tạo cho người mặc cảm giác thoải mái, hai túi to ở vạt áo rất tiện cho việc đựng đồ:

– Ai mà bày đặt dị kì

Áo bà ba may hai túi đựng giống gì hở anh

– Ba má bày đặt cho anh

Áo bà ba may hai túi đựng dầu chanh o mèo

Vì giản tiện nên ai mặc nó cũng được, bất kể trai gái, lứa tuổi, mục đích sử dụng. Chàng trai Nhơn Ái nổi tiếng với hình ảnh mặc áo bà ba: 

Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái

Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba

Mặc áo bà ba khăn rằn choàng cổ

[...]

Đi kèm bộ áo bà ba là chiếc khăn rằn và chiếc nón lá. Cả hai đều là những vật đa năng, bền chắc, tiện dụng. 

Ớ này cô mặc áo nâu

Đầu đội nón lá, đi đâu vội vàng?

 

Bước lên xe, đầu đội khăn rằn

Dáng đi yểu điệu, ngồi gần say mê

 

Tay bắt tay hai ngả,

Anh đưa khăn rằn cánh trả cho em nằm,

Mai sau anh về trển,

Em lót đầu nằm cho bớt nhớ thương

Tính thiết thực của người dân nơi đây còn thể hiện ở việc “ăn theo thuở, ở theo thời”. Người dân Nam Bộ sẵn sàng tiếp nhận và còn tiếp nhận rất nhanh cách ăn mặc ở phương Tây:

– Áo bà ba cái vắn cái dài

Sao anh không bận, bận chi hoài cái áo bành tô

– Bành tô xấu mặt dễ nhìn,

Anh bận cho có túi để đựng cục tình của em

 

Khăn rằn nhỏ sọc, khăn rằn Tây,

Thấy em ốm ốm, mình dây, anh ưng lòng

 

– Áo bà ba trắng không ngắn, không dài

Sao anh không bận, bận hoài áo thun?

– Hai đứa mình chẳng đặng nằm chung

Tháng này gió bấc, bận áo thun cho ấm mình

Để có thể chung sống hòa thuận với các dân tộc khác, người Việt ở Nam đã bao dung với các nền văn hóa khác.

Biểu hiện rõ nhất của việc dung nạp sự đa dạng văn hóa trước tiên là sự đa dạng về ngôn ngữ. Ở Nam bộ, với tính mở thoáng đặc trưng, lời ăn tiếng nói của các dân tộc đã được dung hòa vào nhau để tạo ra những từ ngữ đặc trưng cho mảnh đất này.

Tính thiết thực của người Nam Bộ

Từ xưa, người Việt đã vay mượn một số lượng lớn chữ Hán vào trong tiếng nói của mình, nhưng phần lớn là tiếng Quan Thoại. Ở Nam bộ, cộng đồng người Hoa, đặc biệt là người Triều Châu (Tiều Châu) là một cộng đồng đặc biệt lớn nơi đây, những từ ngữ thường dùng của họ đã được du nhập vào cuộc sống bình dân của người Việt như lối xưng hô qua – bậu, tía (cha) hay tài có (anh)…

Bậu nói với qua, bậu không lang chạ,

Bắt đặng bậu rồi, đành dạ bậu chưa.

 

Bậu có chồng chưa, Bậu thưa cho thiệt

Kẻo Qua lầm tội nghiệp cho Qua

 

Chọn nơi sang cả, tía má gả em nhờ

Anh đây nghèo khổ, biết chờ được không?

Bên cạnh người Hoa, người Khmer cũng là một cộng đồng người lớn ở Tây Nam Bộ. Sinh sống trong môi trường nhiều sông nước, từ ngữ của họ cũng mang theo rất nhiều yếu tố liên quan đến nước. Về sau, khi người Việt đến mảnh đất này, những từ ngữ này đã được Việt hóa và in dấu rõ nét trong lời ăn tiếng nói của người Việt:

Vàm là cửa sông, được Việt hóa từ péam của tiếng Khmer, còn cá bông lau lại có gốc từ “trey bong lao”:

Ai về Ông Chưởng, Vàm Nao

Cho em hỏi cá bông lau có còn

“Ghe bầu” có nguồn gốc từ “xòm bầu” trong tiếng Khmer:

Ghe bầu dọn dẹp kéo neo

Mấy chú bạn chèo bắt cái hò khoan

Cá lóc có nguồn gốc từ “trey rot”:

Con cá lóc nằm trong bụi lách

Chim le le đứng đó mà lo

Lo cho biển cạn thành gò

Sông sâu lấp lại, con đò thôi đưa

Về sau, cũng chính Nam bộ là nơi tiếp nhận từ ngữ gốc Pháp sớm nhất. Ở miền Tây còn lưu truyền câu chuyện về cậu hai Huỳnh Công Miêng vào thăm tên quan Pháp với một thái độ kẻ cả, rằng:

Bước vô trường án vỗ ván cái rằm

Búa xua ông tham biện, bạc tiền ông giấu ở đâu

Trong đó, búa xua là từ đọc trại đi từ Bonjour của Pháp.

Trong việc ở, người Việt ở miền Nam không chuộng lối nhà kiên cố như Bắc Bộ mà chuộng nhà đá, nhà đạp để thích nghi với điều kiện sống của giai đoạn chiến tranh khói lửa

Tính thiết thực của người Nam Bộ còn thể hiện trong lối tư duy của họ, kể cả việc hệ trọng cả đời, người con trai cũng tìm kiếm người con gái có thể cùng mình làm giàu:

Trắng như bông lòng anh không chuộng

Đen như cục than hầm biết làm ruộng anh thương

Có bà mẹ quyết định gả con gái xuống Nam Bộ chỉ bởi ở nơi đây rau trái ê hề, không phải lo cái ăn cái mặc:

Mẹ mong gả thiếp về vườn

Ăn bông bí luộc dưa hườn nấu canh

Nhờ thiên nhiên trời ban, nên người dân Nam bộ không cần thiếu cái ăn, cái mặc, duy chỉ có tiền là thiếu, nên cô gái thẳng thừng bảy tỏ với chàng trai:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Ðiền,

Anh thương em thì cho bạc cho tiền,

Ðừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê

hay

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No,

Anh thương em xin sắm một con đò

Để em qua lại mua cò gởi thơ

2.2 Tinh thần trọng võ, trọng làm ăn buôn bán hơn khoa cử

Văn hóa người Việt thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp, tức là trọng âm, trọng tĩnh. Còn văn hóa người Việt ở Nam bộ, tuy vẫn là văn hóa của người Việt, nhưng cần lưu ý rằng, họ là những con người với tinh thần mang gươm mỡ cõi (Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long – Nhớ Bắc, Huỳnh Văn Nghệ), quá trình dương tính hóa đã tặng cho con người Việt vốn quen với những điều an toàn khả năng buôn bán với lối tư duy “phi thương bất phú”. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí cũng đã ghi nhận lại rằng ở hai huyện Thuận An và Phúc Lộc, “chín người làm nông thì một người đi buôn”. Ca dao Nam Bộ cũng đã đề cập đến con đường buôn bán bằng giọng điệu hân hoan:

Đạo nào vui bằng đạo đi buôn

Xuống biển, lên nguồn, gạo chợ, nước sông

Buôn bán trên sông nước là chủ yếu, người Nam Bộ cũng tự đúc kết ra cho mình kinh nghiệm buôn bán:

Dù ai buôn bán trăm nghề

Gặp ngày con nước cũng về tay không.

Do buôn bán trên con nước, ở Nam bộ đã xuất hiện tầng lớp thợ thuyền (giai cấp công nhân). Có thể thấy ở Nam bộ, dù là buôn bán (làm chủ) hay thợ thuyền (làm mướn) thì đều được coi trọng, trân quý như nhau:

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Ai ơi phải quý nghề mình mới nên

Hoặc buôn bán, hoặc thợ thuyền

Nghề gì cũng sẽ làm nên sang giàu

 

Thuyền dời nhưng bến chẳng dời

Bán buôn là nghĩa muôn đời cùng nhau

Việc người dân nơi đây coi trọng làm ăn buôn bán đã làm cho Nam bộ sở hữu một nền thương nghiệp phát triển. Sự phát triển đó còn lưu dấu trong ca dao đến bây giờ:

Chợ Bến Thành mới

Kẻ lui người tới

Xem tứ diện rất xinh

Thấy em tốt dạng tốt hình

Chẳng hay em có chốn duơn tình hay chưa ?

– Hỏi em về việc duơn tình,

Em đà có chốn, gởi mình cho Thanh

– Căn duơn đâu mà thấu đến bên Tàu,

Họa chăng em thấy chú tửng giàu em ham.

 

Chợ Sài Gòn còn đương buôn bán

Chợ Vĩnh Long lập quán cầu hiền

Gặp Ông Tơ, lột nón xá liền

Biểu chỉ giùm chỗ khác, chỗ có chồng rồi sao ổng lại xe

Song song với khả năng buôn bán, để thích nghi với môi trường dữ dằn ( Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lội tợ bánh canh/ Cỏ mọc cọng thành tinh/ Rắn đồng đà biết gáy), con người Nam bộ dần dần chuyển sang trọng võ hơn văn. Thậm chí, võ còn là kế sinh nhai cho người dân ở nơi này:

Chợ Thốt Nốt có lập đài khán

Chợ Cờ Đổ tuy nhỏ mà đông

Thấy em buôn bán anh chẳng vừa lòng

Để anh làm mướn kiếm từng đồng nuôi em

Thực chất, đài khán võ chinh là những gánh Sơn Đông mãi võ. Đài khán võ là để những gánh ấy múa võ trước rồi mới bắt đầu buôn bán thuốc. Những tiết mục họ trình diễn đều phải trải qua quá trình khổ luyện và cũng có những tiết mục rất nguy hiểm cho bản thân như: múa võ đánh cong thanh sắt vào người, chỏi cây thương vào cổ họng, đâm kiếm vào họng, chặt gạch bằng tay hoặc nuốt lưỡi lam… Tất cả họ đều tỏ ra là những người lao động chân chính để mưu sinh. Hình ảnh võ thuật trong đời sống người người dân Nam Bộ cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho văn học viết với tác phẩm Tấm ván phóng đao của Nghệ sĩ Mạc Can.

Bụp

Viên phấn từ bàn tay người cô thân yêu phóng thẳng vào bàn nó. Tiếng động dứt nó ra khỏi cơn bay bổng từ đầu buổi học đến giờ. Cô gọi nó lên bảng lặp lại câu trả lời của cô. Đứa nhỏ cứ đáp theo những gì mà nó nghĩ.

Mong là câu trả lời của nó đúng!

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế : Bảo Duy

Share