Trang sức Đông Sơn – Kỳ 1: Cái đẹp đầu tiên

Tác giả Huyết Vy
Trang sức Đông Sơn – Kỳ 1: Cái đẹp đầu tiên

“Cái đẹp là thứ duy nhất mà thời gian không thể làm tổn hại. Triết lý sẽ rơi rụng như cát, tín ngưỡng sẽ không ngừng bị thay thế, nhưng cái đẹp luôn là niềm vui suốt vĩnh hằng.”

_Oscar Wilde_

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trong tranh sáng tranh tối huyền bí của phòng trưng bày, ánh mắt anh va phải một cô gái, đẹp đẽ thâm sâu như huyền thạch. Cô mặc đầm linen đen dài chấm mắt cá, tóc đen xõa dài chấm lưng, mang rất nhiều trang sức. Trên bàn tay mảnh khảnh trắng ngần, xi lanh bạc khắc họa tiết dân tộc, lách cách leng keng theo từng chuyển động nhỏ của chủ nhân. Ngón giữa có một chiếc nhẫn bạc to bản, trên đó, một hình xăm như sợi tơ hồng kéo từ đầu ngón, xuyên dọc cánh tay, luồn vào vai áo rồi mất hút.

Tò mò với điểm cuối của đường xăm đỏ chói đó khiến anh bần thần. Cô gái dường như không phát giác, hoặc chăng không buồn bận tâm đến ánh mắt người ngoài. Cô đứng khoanh tay, chuyên chú nhìn ngắm những món trang sức Đông Sơn được sắp xếp ngay ngắn trong tủ kính. Thời đại của cô và những món đồ ấy cách nhau cả hàng ngàn năm, nhưng khí chất đôi bên lại tương hợp lạ kỳ trong vẻ thâm sâu huyền hoặc. Cô gái huyền thạch và cổ vật trầm vào nhau, tựa một bức cổ thư kinh tuyệt đang trầm mình trong bóng tối mộ thất. Từng nằm sâu hàng tấc đất, những món trang sức cũ kỹ giờ đây đang bày ra hình hài, chất liệu, màu sắc, âm thầm kể lại câu chuyện của những chủ nhân tài hoa trong buổi bình minh lịch sử.

Đó là những người trồng trọt, đánh cá, làm muối, đúc đồng, làm gốm, chế tác thủ công mỹ nghệ đầu tiên trên cương thổ, dần dà tạo nên 3 cái nôi văn minh được gọi là “tam giác văn hóa” trong buổi đầu lịch sử: Văn hóa Đông Sơn (thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên – thế kỷ thứ 1 Công nguyên), Văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên – cuối thế kỷ thứ 2 Công nguyên) và Văn hóa Óc Eo (thế kỷ 1 – cuối thế kỷ thứ 7 Công nguyên). Trong bầu tín ngưỡng huyền bí nguyên thủy thuở sơ khai đó, cổ nhân đã tạo tác nên những món trang sức tinh xảo, kỹ thuật cao và giàu tính nghệ thuật. 

Làm đẹp, phô diễn địa vị, bày tỏ sung túc, thuận theo tập tục và phục vụ tín ngưỡng,… dù nguyên cớ ra đời là gì, những món trang sức cổ vẫn mang trong mình sức nặng của một thời quá vãng xa xôi, đủ để hút hồn người chiêm ngưỡng bước vào không gian tưởng tượng về một buổi bình minh ban sơ mà rực rỡ. Dõi theo bước chân hoang hoải và ánh mắt say sưa của cô, anh vô tình bị dẫn dắt vào dòng ký ức của những món trang sức cổ lúc nào chẳng hay.

Trang sức là cái đẹp đầu tiên

Anh thấy thuở hồng hoang, con người bước khỏi nơi trú ẩn trong hang sâu tăm tối, bỗng lóa mắt trước ánh kim quang của bình minh càn rỡ. Họ được tưới tắm bằng ánh sáng thiêng liêng đẹp đẽ và rồi rung động mạnh mẽ. Phải chăng khi đó họ đã có những ý niệm đầu tiên về cái đẹp, dù khi đó cái đẹp chưa thể được định nghĩa, gọi tên. Để rồi xuyên suốt từ buổi ban sơ cho đến tận bây giờ, loài người vẫn nặng lòng với cái đẹp, không ngừng truy cầu, mô phỏng và sáng tạo ra nó. Mà trang sức chính là sự hiện diện bằng vật thể cho bản tính ngưỡng mộ và theo đuổi cái đẹp muôn thuở đó của nhân loại. 

Anh thấy, đoàn người sau khi tắm táp kim quang đẹp đẽ ấm áp, dắt nhau vào rừng kiếm ăn. Họ nhặt nhạnh những cọng lông chim mang màu sắc và họa tiết độc đáo, vẻ đẹp do con chim đực dồn hết sinh lực mà mọc ra để quyến rũ chim cái, đảm bảo sự truyền dòng. Họ tìm thấy ven suối một vỏ xà cừ bàng bạc ánh lên dưới nắng, vẻ đẹp mà loài thân mềm tích hết dinh dưỡng để kết nên thành trì sinh mệnh. Họ nhổ chiếc răng nanh nhọn hoắt cứng cáp trên bộ xương đang mục rữa xác thịt, chiếc răng biểu thị sức mạnh và khả năng sinh tồn của con dã thú trong tự nhiên.

Trang sức Đông Sơn

Không có một định nghĩa nào về cái đẹp nhưng họ biết đây đều là những vật phẩm đặc biệt, ngày qua ngày không hư tổn, biểu trưng cho tự nhiên tối thượng. Một buổi chiều no bụng, họ đem những món đồ đặc biệt đó ra đục lỗ, kết đính, xâu chuỗi. Họ đeo thành phẩm lên cổ, cài lên tóc, soi mình qua mắt nhau, cười vui vẻ.

Những món trang sức nguyên sơ ấy hiện diện khắp những di chỉ văn hóa thời Tiền sử trên đất Việt. Thông tin của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những vỏ ốc được xâu lại với nhau thành chuỗi vòng đeo cổ nằm lẫn trong các công cụ lao động thuộc văn hóa Hòa Bình cách đây khoảng 1 vạn năm. Những vỏ sò vạn năm bước ra ánh sáng, cho thấy cư dân nguyên thủy trên đất Việt là nhóm người biết làm đẹp vào loại sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Vòng tay - Trâm cài tóc - Khuyên tai thời kỳ văn hóa Đông Sơn

Sự hiện diện hầu khắp của trang sức trong các di chỉ đồ đá mới là một dấu hiệu cho việc dư dả lương thực, hoặc chí ít là thời gian, khi mà chủ đề sinh mệnh của loài người không chỉ còn là chuyện kiếm ăn và no bụng. Bắt đầu từ vạn năm trước, loài người đã dần chuyển từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt chăn nuôi, tụ hội trong các khu định cư và trao đổi thương mại thô sơ. Cùng sự phân chia xã hội sơ khai, quan hệ giữa các bộ tộc, phân công lao động xuất hiện. Tổ chức xã hội dư dả, hoặc chí ít là đủ đầy vật chất hình thành nên ý thức về đời sống tinh thần. Ý niệm về lực lượng siêu nhiên xuất hiện và phát triển để lý giải vũ trụ quanh mình. Con người bắt đầu tin vào sự tồn tại của thần linh vĩnh sinh bất diệt.

Ngôn ngữ của trang sức lúc này không chỉ là tiếng nói của cái đẹp mà còn chất chứa nhiều hàm ý sâu xa, tùy thời, tùy chất liệu mà tự sự. Chúng có thể là biểu tượng của các thế lực siêu nhiên, là vật thể phân biệt thứ bậc trong bộ tộc, đồng thời cũng là biểu hiện của tư hữu. Gánh trên mình nhiều hàm nghĩa thâm sâu, trang sức nhắm tới chất liệu mới, mang trong mình mạch nguồn năng lượng và khả năng trường tồn ngang với đất trời – đá. Để khai thác được chất liệu cứng rắn này, con người đã dùng tới tuyệt phẩm của hàng triệu năm tiến hóa, đôi bàn tay 5 ngón linh hoạt uyển chuyển bắt đầu chế tác. Hệ thống xương, cơ, dây chằng và khớp hoàn hảo của bàn tay khéo léo đục, đẽo, mài, dũa. Vật liệu cứng rắn thô sơ hóa thân thành muôn hình vạn trạng trang sức, lý giải vũ trụ quan của cổ nhân.  

Cũng trong niên đại của văn hóa Hòa Bình, hạt chuỗi bằng đá xanh và hoa tai lục giác bằng ngà cũng được tìm thấy trong hang Minh Cầm (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Thời gian tịnh tiến đến khoảng 4000 – 2500 năm trước, bước vào giai đoạn chuyển biến từ thời đại đá cũ sang thời đại kim khí. Dấu vết đồng thau hiển hiện trong những phát hiện công cụ, vũ khí, đặc biệt đồ trang sức đồng thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. Trang sức lúc này chủ yếu là vòng đeo tay, hoa tai, hạt chuỗi… Các loại đá có màu sắc đẹp, thớ mịn được lựa chọn làm nguyên liệu, đồng thời kỹ thuật chế tác đã lên tới đỉnh cao, một số đồ trang sức như vòng đeo tay, khuyên tai tạo dáng hình tròn hoàn hảo, bề mặt nhẵn mịn và trau chuốt. 

Anh thấy cô lấy sổ, hí hoáy viết vẽ gì đó bên dòng chú thích của bảo tàng. Nội dung trên đó chủ yếu là nói về sự phát triển của văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun là tiền đề cho văn hóa Đông Sơn hình thành và phát triển vào khoảng 2500 – 2000 trước ở khu vực miền Bắc Việt Nam. Đỉnh cao của văn hóa kim khí chính là nền tảng cơ sở vật chất cho nhà nước đầu tiên trong lịch sử tộc Việt. Trong buổi phồn vinh đó, trang sức Đông Sơn rõ ràng là một dấu hiệu của công cụ truyền thông tự thân, đồng thời là vật chứng ghi dấu một thời rực rỡ của văn minh. Thông qua ký ức của chúng, dòng chảy vạn năm của truyền thống, phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng, công nghệ, và thẩm mỹ tổ tiên phần nào được khai mở.

Trang sức Đông Sơn như phục sức

Trang sức Đông Sơn

Dạo khắp những hình khắc trên trống đồng, thạp đồng, cán kiếm Đông Sơn trong bảo tàng, khách quan sẽ có được những hình dung cơ bản về cách phục sức của con người thời đại. Hiển hiện trên đất Việt từ hàng vạn năm trước, nhưng phải đến thời đại của văn hóa Đông Sơn, nghệ thuật chế tác trang sức mới nở rộ về số lượng, chất liệu và dáng hình. Trang sức nở rộ như trong đời sống con người xứ sở như đỗ quyên thắm núi mỗi độ cuối xuân đầu hè, đến độ một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là thời đại người ta dùng trang sức thay cho y phục. Một lối phục sức không làm khuất lấp vẻ đẹp tự nhiên của đường cong và cơ bắp trên cơ thể mà cũng không quá trần trụi với những vòng kiềng dày đặc và ấn tượng phủ thân.

Trống đồng Đông Sơn

Đồ đồng Đông Sơn lưu lại hình tượng của những người mình trần, xõa tóc hoặc búi cao, quấn một mảnh vải hay một tràng vỏ cây che bụng, trán có một vòng trang sức đeo quanh khoang đầu, cổ đeo vòng lớn có thể che kín hết cả bộ ngực. Cán kiếm Núi Nưa, bảo vật quốc gia khai quật từ Triệu Sơn, Thanh Hóa là một phụ nữ, đường nét toát vẻ quý phái với mái tóc búi cao búp sen, cổ đeo hạt chuỗi dài đến bụng, hoa tai to chấm vai, hai tay đeo vòng. Thời kỳ này cả nam và nữ đều ưa chuộng và sử dụng rất nhiều trang sức, tuy nhiên vẫn có những phân biệt nhất định về giới.

Kiếm ngắn núi Nưa - bảo vật quốc gia đang được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Số tượng Đông Sơn được phát hiện cho đến nay cho thấy chỉ phụ nữ là đeo bận chuỗi trên cổ, vòng trong cùng sát cổ, vòng ngoài cùng chấm đến bụng. Khuyên tai dành cho nữ to, nặng, dài chấm vai, có loại còn gồm nhiều chiếc móc vào nhau thành chuỗi lục lạc. Trong khí đó, đàn ông đeo khuyên nhỏ hơn, nhìn nghiêng mới phát hiện. Trước ngực thường mang một miếng hộ tâm kính chạm hoa văn. Cánh tay có vòng lớn có chỗ cài dao găm, cổ tay đeo ống bảo vệ, hông có thắt lưng khắc linh vật, chân mang thố lớn, thường gắn lục lạc.

Nhìn nhiều vật cổ, tâm tưởng vô thức hồi khứ, tìm kiếm câu chuyện lưu lạc ngàn năm miên viễn. Những món trang sức này cũng từng có những năm tháng thanh tân, phô bày hết phong quang phồn thịnh của thời đại nó thuộc về. Sau này chìm vào bãi bể, phong hóa trong tháng năm, hoang phế dưới đất sâu, chúng vẫn bền bỉ tồn tại, đến một ngày được xẻng, cọ phủi hết cát bụi, một lần nữa được trở lại nhân gian, một lần nữa phô bày phong quang quá vãng cho người đời chiêm ngưỡng. Đối mặt chúng, cách một lớp kính ngăn, cô gái vẫn chăm chú viết, vẽ, phiêu du rất sâu trong những suy tưởng riêng mình. Chăm chú phân tích từng món đồ, cô đang tìm nghe lời tự sự sâu kín trong từng chất liệu và dáng hình.

Trong khu trưng bày hiện vật Đông Sơn, trang sức bằng đá tồn tại đa dạng loại hình như hoa tai, vòng tay, hạt chuỗi… Trong đó bật lên loại hoa tai hình vành khăn dạng dẹt, mỏng, đường kính dao động từ 2 đến 12 cm. Loại đá ưu mỹ trong mắt người Đông Sơn là các loại đá trắng, xanh, có vân, xám, vàng nâu, thi thoảng bật lên sắc đỏ của mã não, xanh mát của đá ngọc hay trong suốt của thạch anh. Nhưng rồi, bước vào thời đại kim khí, khi kỹ thuật luyện kim, đặc biệt là hợp kim đồng đạt đỉnh, trang sức bằng đá Đông Sơn lụi dần vẻ trau chuốt tỉ mỉ, nhường chỗ cho sự lên ngôi của trang sức đồng.

Art Director Lê Minh
Designer Nhím
Editor Huyết Vy

Chia sẻ câu chuyện này
Share