Trang sức Sa Huỳnh – Kỳ 1: Rực rỡ đá ngọc và thủy tinh

Tác giả Huyết Vy
Trang sức Sa Huỳnh – Kỳ 1: Rực rỡ đá ngọc và thủy tinh

Phòng trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, sức hút của tầng tầng lớp lớp trang sức Sa Huỳnh đã kéo những kẻ xa lạ tìm về. Họ gặp nhau trong một không gian là điểm giao của quá vãng và thực tại. Một đoạn nhân duyên không chủ đích và không thể đoán định, nhưng tự nhiên và hiển nhiên như được vũ trụ dẫn dắt. Hai con người tìm thấy tiếng nói chung trong niềm say mê trang sức cổ. Họ bắt chuyện, say sưa trao đổi. 

Dải đất họ sống hơn hai ngàn năm trước, công hầu khanh tướng còn mờ mịt trong luân hồi, đã có những tập đoàn người đời đời oanh liệt. Họ mưu sinh, sản xuất và trao đổi. Những nền văn hóa rực rỡ song song tồn tại và phát triển. Người Đông Sơn và Sa Huỳnh, sinh tồn trên mảnh đất chạy qua nhiều vĩ độ nhưng vẫn mang tính thống nhất trong khí hậu nhiệt đới gió mùa. Non sông một dải tạo nên sự gắn bó, giao thoa của các yếu tố tự nhiên, nhân chủng, xã hội,… vô tình hữu ý tạo ra nhiều nét tương đồng trong hai nền văn hóa.  

Loài người không ngừng khám phá vạn vật quanh mình. Khi mở rộng không gian sinh tồn, họ đồng thời cũng mở rộng không gian văn hóa của cộng đồng mình. Rồi một ngày nào đó, tại một vùng biên, hai cộng đồng người gặp nhau, giao tiếp, trao đổi, nảy sinh cảm tình, sự hợp lưu của hai dòng chảy văn hóa đã dựng lên những cột kèo đầu tiên cho văn hóa và văn minh Việt Nam. Đông Sơn và Sa Huỳnh, cùng xuôi dòng thời gian và trải qua những biến thiên dữ dội, từng tỏa sáng ở những thời điểm khác nhau trong quá khứ, để lại những dấu ấn của một thời quá vãng một đi không trở lại. 

Dòng hợp lưu tuy bắt đầu từ một sự tình cờ ngẫu nhiên, nhưng không nằm ngoài quy luật và bản chất mà vạn vật tuân theo. Như viên mã não đỏ đặc trưng Sa Huỳnh lọt giữa vô số trang sức đồng thau Đông Sơn. Viên mã não đỏ rực sắc giữa những món trang sức đồng xanh thâm u, rõ ràng là một sự tồn tại khác biệt. Nó biểu thị một tầng nghĩa mới, cho một điểm giao, một sự trao đổi giữa các cộng đồng người. Anh và cô rảo bước khỏi khu vực trưng bày cổ vật Đông Sơn, tìm nghe chuyện xưa ẩn trong những món trang sức  Sa Huỳnh.

Năm 1909, tại cánh đồng muối Sa Huỳnh ngay cửa sông Trà Bồng, Đức Phổ, Quảng Ngãi, nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet đã tìm thấy một lượng lớn khoảng 200 chiếc mộ chum. Trong chum, ngoài hài cốt, than củi, dụng cụ lao động, là hằng hà sa số trang sức cổ. Với muôn hình vạn trạng chất liệu và dáng hình, chúng cất lên lời kể đầu tiên về những chủ nhân 3000 ngàn năm trước. Sa Huỳnh từ đó, cũng được dùng để gọi nền văn hóa rực rỡ mà những ngôi mộ chum đó thuộc về.

Hơn một thế kỷ qua, liên tiếp những cuộc khai quật và khảo sát được thực hiện, xác định Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa khảo cổ riêng biệt, có niên đại từ 500 năm TCN đến thế kỷ I – II ở Duyên hải Miền Trung Việt Nam. 

Hàng loạt di chỉ trải khắp Đông Tây, Nam Bắc, qua đủ địa dạng từ thượng nguồn, đồng bằng duyên hải đến hải đảo. Nối nhau bằng những dòng chảy, chúng ghép thành một địa vực phân bổ rộng lớn mà giới chuyên môn gọi đó là “Bức khảm Sa Huỳnh”. 

Trên bức khảm ấy, theo từng nét cọ phủi bay cát bụi, rực rỡ đá ngọc, thủy tinh Sa Huỳnh lần nữa hiển lộ dưới ánh mặt trời. Tưới tắm bầu không của thời đại mới, chúng âm thầm kể lại quá vãng đã ngàn năm. Dọc sông – trục giao thông cổ nối liền thượng nguồn, đồng bằng và biển, từng có những tộc người nhiệt thành sống. Họ trồng trọt, cấy lúa, khai thác lâm sản, ra khơi đánh cá,…. 

Khi lúa được mùa, cá đầy lưới, họ sáng tạo ra đủ loại trang sức bằng bất kỳ chất liệu kiếm được, đất nung, xương, sừng, vỏ nhuyễn thể, san hô, đá quý, thủy tinh, kim loại… Có thể mường tượng ra cảnh sắc của những năm tháng đó, giữa triền cát và biển xanh miên mải, vòng đeo tay, khuyên tai, hạt chuỗi, lục lạc,… thấm mướt mồ hôi lao động, rực sắc trên thân thể và phục trang cư dân Sa Huỳnh.

Sau này, thuần thục khai thác tự nhiên, cùng sự giúp sức của công cụ kim khí, của cải vật chất dư thừa và tích lũy, người Sa Huỳnh có điều kiện để chú trọng hơn đời sống tinh thần, phát triển kỹ nghệ tạo tác trang sức. Từ đây, người Sa Huỳnh mang tinh hoa vật chất và tinh thần ẩn trong từng món trang sức, dọc ngang dòng chảy, hòa ra biển lớn, giao thương trao đổi với cư dân Đông Sơn, Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ,… 

Chuỗi hạt mã não, thủy tinh, khuyên ba chấu, khuyên hai đầu thú,… những món đồ mà người Sa Huỳnh chuộng đeo cũng theo đó đến đi. Ba ngàn năm sau, những món trang sức độc đáo và tiêu biểu này theo lòng người mến mộ, lần nữa nhập thế, trở thành dấu chỉ để nhận biết vết chân rực rỡ Sa Huỳnh.

Khi khai mở các mộ chum Sa Huỳnh, giữa nhiều loại hình tùy táng, các nhà khảo cổ đặc biệt ấn tượng trước số lượng cũng như sự đa dạng hình hài, màu sắc của những xâu chuỗi đeo cổ. Hằng hà sa số hạt cườm tấm li ti bằng đá trắng, vàng, nâu, đen, hoặc thủy tinh xanh lục. Còn có những chuỗi thủy tinh, đá to cỡ hạt đậu đen, màu xanh lơ, xanh đen, tím, vàng, nâu… tương tự như loại hạt chuỗi của người Chăm cổ ở di tích Trà Kiệu. 

Trong các cuộc khai quật sau này, nhiều bộ hạt chuỗi giá trị đã xuất lộ tại khu mộ táng Lai Nghi. Qua rây sàng, đếm được hơn 8.600 hạt cườm bằng thủy tinh màu xanh, vàng hoặc nâu có đường kính 1-3 mm; khoảng 1.500 hạt bằng mã não, thạch anh, ngọc bích…, mã não chiếm ưu thế với hơn 1.136 hạt chuỗi.

Dường như người Sa Huỳnh rất ưu ái sắc màu và chất đá mã não. Hồng mã não, mã não vân trắng – đen – nâu được chế tác thành đủ loại hạt chuỗi, hình cầu, hình đốt trúc, hình thoi, hình quả nhót… Giữa vô vàn, đặc biệt có 3 viên mã não độc nhất vô nhị, mang hình con chim nước, hình con hổ hoặc sư tử, và một hạt được khắc axit. Cả ba hạt chuỗi này được phát hiện trong ba mộ chum khác nhau có niên đại vào thế kỷ 1-2 trước Công nguyên tại Lai Nghi.

Từ dáng hình hồi khứ, có thể mường tượng được bóng hình tỉ mẩn khoan mài của người thợ thủ công Sa Huỳnh. Lỗ khoan nhỏ, đường kính dưới 1mm ở loại đá có độ cứng khá cao như mã mão, còn đặt câu hỏi về những mũi khoan bằng kim loại rất cứng, hoặc phương pháp phối hợp giữa mũi khoan với bột đá và nước để tăng ma sát. Những dáng hình độc đáo ấy đã phác nên những biểu tượng tín ngưỡng đầu tiên, cũng như quá trình tiếp thu – phát triển kỹ thuật tạo tác trang sức của người Sa Huỳnh.

Sắc đỏ hồng không chỉ rực cháy trong ngàn vạn hạt mã não, mà còn lung linh nhảy múa trong những ngọn lửa nung nấu thủy tinh. 

Ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ 20, các nhà khoa học Pháp đã phân tích thành phần hóa học của đồ trang sức thủy tinh ở khu mộ chum Sa Huỳnh. Họ nhận thấy rằng, thủy tinh Sa Huỳnh có màu nâu là do có thành phần của sắt, màu xanh là do tỷ lệ đồng cao, bề mặt thủy tinh có một điểm đen là do men chảy ra.

Trang sức thủy tinh phổ biến trong văn hóa Sa Huỳnh muộn. Sự thống nhất trong loại hình và mức độ tinh tế của kỹ thuật cho thấy đã có những lớp thợ chuyên chế tác thủy tinh tại chỗ, có lẽ ở quy mô hộ gia đình. Ở mức độ nào đó, họ còn biết cập nhật trình độ sản xuất thủy tinh trong khu vực và Ấn Độ. Sự hiện diện của những viên mã não đặc biệt hình chim nước, sư tử, khắc axit là minh chứng.

Để hoàn thành một chế phẩm thủy tinh, người thợ Sa Huỳnh phải có đủ nguyên liệu gồm cát thạch anh, chất nóng chảy, chất ổn định gồm vôi hoặc chì và chất tạo màu là oxit kim loại. Vật liệu nóng chảy ở khoảng từ 900 đến 1200 độ C, nhưng người thợ lành nghề có thể hạ nhiệt độ nóng chảy xuống thấp hơn để tăng độ bền cho sản phẩm. Theo từng vùng và kinh nghiệm riêng, các mẫu thủy tinh Sa Huỳnh sẽ có những công thức pha trộn vật liệu khác nhau, cho ra những chất lượng và màu sắc khác nhau. 

Trích đoạn quá trình chế tạo thủy tinh

Giữa sóng vỗ rì rầm, sỏi cát vô viên, bên lò lửa rực cháy, đấng tối thượng thông qua trí tuệ và bàn tay khéo léo của người Sa Huỳnh, tiếp tục công cuộc tạo tác vĩ đại. Cứ thế muôn hồng nghìn tía sắc màu thủy tinh, trải qua lửa nóng ngàn độ, lấp lánh tỏa sáng dưới ánh mặt trời, phô bày cùng vẻ đẹp cổ nhân.

Đồ trang sức thủy tinh đặc biệt gắn bó đậm sâu với cư dân Sa Huỳnh. Họ tạo tác, biếu tặng, đổi trao, điểm trang lên thân trong suốt sinh thời, rồi bầu bạn ngàn năm trong chum gốm. Với sự xuất hiện của kỹ thuật thủy tinh, những món trang sức cầu kỳ, mang tính biểu tượng của văn hóa Sa Huỳnh như khuyên ba mấu, khuyên hai đầu thú – thay vì đá ngọc – được tạo tác dễ dàng và tỉ mỉ hơn. Đến nay, ngoài Việt Nam, khuyên ba mấu làm bằng thủy tinh chưa được tìm thấy bên ngoài và chỉ duy nhất hai tiêu bản khuyên hai đầu thú thủy tinh được tìm thấy ở Philippines.

Độc đáo, tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao, khuyên ba mấu và khuyên hai đầu thú được xem là biểu tượng đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh. Chúng được tìm thấy với đa dạng chất liệu, thủy tinh, đá quý trong đó chủ yếu là đá ngọc. Ở góc độ thẩm mỹ, chúng là điểm nhấn thể hiện năng khiếu và thẩm mỹ; ở góc độ văn hóa, chúng là tiếng vọng của phong tục và tín ngưỡng con người đương thời.

Dáng hình cũng như tên gọi, khuyên ba mấu có ba mấu nhọn hoặc tròn nhô ra từ một đế tròn hoặc bầu dục. Ba mấu này có thể được sắp xếp đối xứng hoặc không, tạo nên những biến tấu về hình dáng. Loại khuyên tai này thường ôm khít tai, đường kính từ 2,3cm đến 2,5cm,  phía trên đầu có khe hở tạo thành mấu đeo. 

Mỗi một dáng hình đặc biệt có lẽ đều biểu thị cho một ý niệm tâm linh nào đó. Khuyên ba mấu, có phải là phản ảnh của một vị thần hoặc một tín ngưỡng cổ xưa không, còn là câu đố bỏ ngỏ của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, một chiếc khuyên ba mấu tinh xảo, ắt hẳn thể hiện địa vị xã hội và sự sung túc của chủ nhân. Đường cong duyên dáng đáng yêu của nó, được người thời nay cho là món trang sức chuyên dụng của phụ nữ Sa Huỳnh.

Nếu vẻ uyển chuyển của khuyên ba mấu phù hợp với nữ giới, thì đường nét mạnh mẽ, dũng mãnh và quyền uy tỏa ra từ khuyên hai đầu thú khiến nó được xem là món đồ riêng dành của nam thủ lĩnh Sa Huỳnh.  

Các hiện vật khuyên hai đầu thú đều được tìm thấy với chế tác cầu kỳ, đạt độ thẩm mỹ cao. Chúng mang cấu trúc đồng nhất, với vòng khuyên ở giữa, hai bên là chiếc đầu đối xứng nhau của một loài thú nào đó. 

Hầu hết những khuyên tai hai đầu thú bằng đá ngọc đều được chế tạo đơn chiếc, với những chi tiết khác biệt nhau. Thông thường có hai loại cơ bản, một loại thân tròn, tai ngắn, mặt thú ngắn, mắt tròn lồi. Loại kia thân mảnh mai hơn, hai tai dài cong vút và nhọn đầu, mặt thú thon, mắt dài xếch như hình chiếc lá. Và dù không hiếm gặp, nhưng biểu tượng khuyên hai đầu thú vẫn còn là một bí ẩn lớn đối với các nhà nghiên cứu.

Đây là loài thú nào? Đáp án vẫn còn bỏ ngỏ trong cuộc tranh luận chưa hồi kết của giới nghiên cứu. Henri Fontaine và Edmond Saurin cho rằng đây là con lừa, Robert Fox cho rằng là con ngựa, Helmut Lsofs-Wissowa nhận định là con hươu cái. Trần Kỳ Phương, Hồ Xuân Tính, Trần Quốc Vượng đưa ra giả thuyết là con trâu. Phạm Văn Kỉnh, Trịnh Sinh, Tống Văn Huân, Liên Chiến Mĩ, Kano Tadao đều cho rằng đây là tượng dê, đặc trưng bởi cặp sừng dài và chòm râu. Gần đây, có thêm quan điểm của Phạm Thị Ninh, Vũ Thế Long cho rằng đây là con sao la.

Thậm chí, từng có thời gian, người ta còn phân vân về cách loại khuyên lạ này được đeo. Nó sẽ nằm trước ngực, trong chuỗi hạt hỗn hợp đa chất liệu bằng đá, thủy tinh, mã não, xương, sừng, vỏ ốc… mà người xưa thường đeo ở cổ, và ở đó chúng được dùng như một chiếc “bùa hộ mệnh”? Hay chúng được móc vào vách giữa hai lỗ mũi để thị uy vũ lực? 

Mãi sau này, tại khu mộ táng Giồng Cá Vồ, một khuyên tai hai đầu thú bằng đá ngọc màu xanh được phát hiện nằm ốp sát vào vị trí tai trái của di cốt sọ còn khá nguyên vẹn, rất ngay ngắn và đúng tư thế khuyên tai khi đeo vào tai. Cũng tại đây, lần đầu tìm thấy đầy đủ một cặp khuyên tai hai đầu thú – thay vì đơn chiếc như trước kia – trong 6 ngôi mộ chum.

Dáng hình độc đáo của khuyên ba mấu và khuyên hai đầu thú chính là những biểu tượng để định dạng và phân biệt văn hóa Sa Huỳnh, đánh dấu đường đi nước bước của nó trên bản đồ đất nước và khu vực. 

Điểm cực nam nơi giao lưu văn hóa mạnh mẽ, ở các mộ chum lưu vực sông Đồng Nai  như Phú Hòa, Dầu Giây, Hàng Gòn… việc khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu được tìm thấy là điều kiện cơ bản để các nhà khoa học gắn kết mộ chum khu vực này vào Bức khảm Sa Huỳnh

Ngoài xuất hiện trong phức hợp Sa huỳnh, những loại hình trang sức này, cùng những mô phỏng bằng đất nung và vỏ nhuyễn thể của nó còn được tìm thấy một lượng đáng kể ở Hồng Kông, Đài Loan, Philippines, Thái Lan. Tất cả đều cất lên tiếng vọng về những mối giao lưu và sự lan tỏa của văn hóa Sa Huỳnh trong khu vực.

Kết nối các điểm xuất lộ của chúng, ta sẽ tìm được một con đường hàng hải cổ đại – Con đường tơ lụa trên biển. Trên cung đường này, văn hóa cùng hàng hóa miên mải đến đi. Những người Sa Huỳnh nồng nhiệt sống từng đời đời lênh đênh trên đó.

Mời các bạn đón đọc phần 2 câu chuyện về trang sức Sa Huỳnh, với Con đường tơ lụa trên biển.

Chia sẻ câu chuyện này
Share