Tranh thờ trong đời sống tinh thần của người Việt – Kỳ 2

Tác giả Tường Vân
Tranh thờ trong đời sống tinh thần của người Việt – Kỳ 2

Tranh thờ vùng cao

Tranh vẽ của các sắc tộc thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Nùng, Thái, Tày, Dao, Giáy, Cao Lan,… phần nhiều là tranh thờ với chủ đề bám sát các câu chuyện kỳ ảo trong Đạo giáo và Phật giáo. Tuy khai thác chủ đề quen thuộc nhưng tranh luôn mang giá trị thẩm mỹ và văn hóa rất riêng. Mỗi dân tộc thậm chí còn có một dòng tranh đặc thù với bố cục, nét vẽ, hệ thống nhân vật và số lượng tranh khác biệt, tùy theo phong tục tập quán và nếp sinh hoạt của họ. 

Người dân tộc vùng cao không dùng tranh cho mục đích thưởng thức nghệ thuật thuần túy hay để trang trí nhà cửa mà sử dụng chúng trong nghi lễ cúng tế hay tang ma. Đối với họ, tranh thờ thuộc về hệ thống các loại vật phẩm thờ cúng như lệnh bài, mặt nạ, áo choàng, sách lễ,… nên rất linh thiêng, không thể dùng tùy tiện. Bởi có giá trị cao như vậy, không ai được sở hữu tranh thờ ngoài các thầy Tào – là những vị thầy cúng được học hành bài bản, đã chính thức trải qua lễ cấp sắc(1) và nhận được sự tôn trọng, tin cẩn của cộng đồng. 

Một điểm đặc biệt là do gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng nên tranh thờ dẫu có rách hỏng cũng không được bỏ đi, phải bồi lại cho chắc chắn như cũ. Nên trong quá trình khảo sát, một số người đi thực địa chỉ ra rằng có những tranh còn in dấu tàn hương cháy hay vết dầu mỡ, ắt hẳn là dấu vết từ những dịp cúng tế trước đó, khiến cho bản thân tranh thờ tràn đầy hơi thở của đời sống nơi trần thế.

Tranh thờ "Thập Điện Diêm Vương'" của dân tộc Tày-Nùng

Có thể thấy rằng, tranh thờ chủ yếu xoay quanh chủ đề tôn giáo và phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân tộc vùng cao. Tuy nhiên,có một vài bức tranh vẽ cảnh địa ngục cùng những hình phạt tàn khốc không chỉ minh họa một đề tài Phật giáo mà còn nhằm khuyến thiện trừng ác, răn dạy người xem chớ làm những việc trái lương tâm, hại đến luân thường đạo lý. 

Theo một số nhận định, tranh thờ vùng cao được người dân tộc tự vẽ hoặc chọn mua từ dòng tranh thờ Hàng Trống. Với loại tranh tự vẽ, người dân dựa trên bố cục tranh có sẵn từ miền xuôi để sáng tạo thêm các nét và cách tô màu riêng. Cũng tương tự các dòng tranh dân gian trước đây, màu vẽ dùng trong tranh thờ vùng cao hoàn toàn được chế biến từ các thành phẩm tự nhiên, chủ yếu dùng các màu cơ bản như lục, lam, vàng, đỏ,…, thi thoảng có thêm nhũ vàng nhũ bạc để thiếp vào những chi tiết cần làm nổi bật. 

Về phong cách nghệ thuật của tranh, có thể dễ dàng thấy rằng các nghệ nhân ưa dùng kỹ thuật vẽ đồng hiện và liên hoàn để thể hiện một thế giới thần linh uy nghiêm, nhiều quyền phép. Với kỹ thuật đồng hiện, người xem thấy trong cùng một khung tranh có biết bao thế giới hiển hiện: Từ cao xanh thăm thẳm tới non sông thanh tú cùng biển cả bao la, thậm chí có những tranh còn thể hiện cùng lúc cả cõi trần và chốn âm ty. 

Do đó, tranh không bó buộc trí tưởng tượng của người vẽ, cũng không giới hạn cảm nhận của người xem trong bất kỳ khoảng thời gian hay không gian nào, để cho trí tưởng tượng bay bổng qua nhiều miền thế giới cả thiêng lẫn phàm. Đồng thời, vì là một phần của ma thuật sử dụng trong các nghi lễ, tranh thờ cũng là phương tiện kết nối con người với sức mạnh thần linh để nhận lấy sự phù hộ, chở che của họ trong đời sống thường ngày vốn chứa đựng không ít trắc trở.

Còn với kỹ thuật vẽ liên hoàn, các nghệ nhân sử dụng kỹ thuật này trong việc thể hiện hệ thống các nhân vật phụ trong tranh. Các nhân vật phụ ít được chăm chút tỉ mỉ đến từng nét mà thường là một chuỗi các bản sao mang sắc thái tương đồng để làm nền cho nhân vật chính. Dưới ngòi bút các nghệ nhân, hàng loạt nhân vật được vẽ lặp lại cùng một nét, được sắp xếp theo một trình tự liền mạch, có lúc chồng chéo lên nhau như những họa tiết dệt thổ cẩm. Kỹ thuật vẽ này khiến không gian trong tranh được lấp đầy, nhưng không gây rối mắt cho người xem, tạo cảm giác trù phú, nảy nở, tựa quyền năng của hóa công dồi dào khắp vũ trụ. Cùng với kỹ thuật vẽ đồng hiện, kỹ thuật vẽ liên hoàn góp phần tạo nên tính hình tượng, thiên về ước lệ biểu trưng nhiều hơn là tả thực của dòng tranh thờ vùng cao.

Anh Hà Văn Tài vẽ tranh thờ của người Dao

Vì được sử dụng phần lớn trong các nghi lễ thờ cúng của đồng bào vùng cao nên tranh thờ chứa đựng nguồn năng lượng ma thuật rất lớn. Các thầy Tào giữ gìn và bảo vệ tranh hết sức cẩn mật sau khi làm lễ, bởi nếu tranh bị mở ra khi không hội đủ điều kiện thì các âm binh thần tướng được yểm trong tranh sẽ tràn ra ngoài, gây hiểm họa cho nhân gian. 

Với những bức tranh mới, nghệ nhân phải ở gian nhà riêng, giữ mình thanh tịnh trong một thời gian nhất định trước khi cầm bút. Khi vẽ xong phải kính cẩn làm lễ rước các âm binh thần tướng vào trong tranh, lúc đó tranh mới có thể đem vào sử dụng. Như đã đề cập ở trên, tranh thờ một khi đã được dùng sẽ hiếm khi bị hủy, mà được trao truyền cùng các vật phẩm tế lễ khác cho thế hệ thầy Tào kế cận. Trong trường hợp không tìm được lớp người nối nghiệp, thầy Tào sở hữu tranh sẽ đem tranh đi chôn giấu ở nơi vắng vẻ để âm binh không tìm được đường về thôn bản mà giáng họa. 

Nhìn chung, tranh thờ có vai trò quan yếu trong sinh hoạt tín ngưỡng của người dân tộc vùng cao, vừa có vai trò hướng đạo, làm chỗ dựa về tinh thần lại vừa có tác động trên khía cạnh giáo dục. Ngày nay, tranh thờ vẫn được đồng bào dân tộc sử dụng trong các buổi cúng tế ma chay, một số thì được đem trưng bày tại bảo tàng và thuộc bộ sưu tập cá nhân của một số họa  và nhà khảo cứu. 

Sau đây là những bức tranh thờ vùng cao tiêu biểu:

1. Tranh Thần Nông - Địa Trạch của người dân tộc Cao Lan

Tranh Thần Nông
Tranh Địa Trạch

Cao Lan là tên gọi một nhóm người thuộc dân tộc Sán Chay, có ngôn ngữ thuộc hệ chi Thái, sinh sống chủ yếu tại tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên và Bắc Giang. Vốn là dân tộc xuất phát các tỉnh miền Nam Trung Quốc nên tín ngưỡng của người Cao Lan chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo dân gian của nước này. Tranh thờ của người dân Cao Lan chỉ vẽ các vị thần chủ về nghề nghiệp, ví như Thần Nông (chủ về nông nghiệp), Địa Trạch (chủ về chăn nuôi), Phật Dược Bà, Phật Dược Tiên,.. trong đó có cặp tranh Thần Nông – Địa Trạch là cặp tranh thờ nổi bật nhất bởi chúng thường được người dân treo vào đầu năm mới để đón may mắn, hạnh phúc về nhà. 

Trên nền giấy khổ dọc, hẹp bề ngang, nghệ nhân chia làm các phần rõ ràng, dành phần trên cùng để vẽ hai vị thần tối cao là Thần Nông – Địa Trạch. Thần Nông là một người đàn ông khỏe mạnh hồng hào, thân trên để trần, chỉ đeo vòng lá tết quanh cổ và mặc khố che hạ bộ, đang tự do nhảy điệu múa vũ trụ với mặt trăng, mặt trời ở hai bên tay. Trong tín ngưỡng của nhiều nền văn minh nông nghiệp, điệu nhảy vũ trụ sẽ kêu gọi mùa xuân về, đem lại sức sống cho vạn vật sau một mùa đông dài lạnh lẽo, thật thích hợp với vai trò của Thần Nông. 

Phần còn lại của tranh vẽ cảnh canh tác đồng ruộng với những phương thức sản xuất như chọc lỗ tra hạt, cày bừa, gieo mạ, tát nước. Điểm đặc biệt của bức tranh này là nghệ nhân đã khéo léo đưa thêm những yếu tố văn hóa bản địa của người Cao Lan vào cảnh hai vợ chồng mặc áo màu lục đứng ngay dưới chân Thần Nông. Người vợ mặc y phục truyền thống, bên thắt lưng đeo bộ xà tích bạc và giỏ đựng hạt giống để vãi hạt vào lỗ trên đất ruộng do người chồng vừa dùng sào chọc xuống. Những người nông dân khác đội nón, mặc quần áo nhiều màu, mỗi người một việc đồng áng, khiến tổng thể bức tranh chan hòa niềm vui và ước vọng về mùa màng bội thu. 

Bức Địa Trạch vẽ nữ thần Hậu Thổ, vốn là nữ thần đất trong quan điểm Đạo giáo dân gian, ngự nơi cao nhất trong tranh, mặc áo đỏ và đội mũ nghiêm trang. Phía dưới nữ thần là các vị thần thổ địa và bà mụ cùng các loài gia súc gia cầm quen thuộc với nhà nông, mang hàm ý cầu chúc một năm chăn nuôi thuận lợi, súc vật sinh sản đầy đàn. Như vậy, tranh Thần Nông – Địa Trạch được người dân tộc Cao Lan đặt theo cặp để nhân đôi sự may mắn, mong cho cả năm mưa thuận gió hòa để nhà nhà làm ăn yên ổn, hưởng cảnh điền viên sung túc.

2. Tranh Tứ đại nguyên sư và Tứ trực công tào của người dân tộc Dao

Đặng Nguyên Sư, Quan Nguyên Sư (tranh bên trái), Triệu Nguyên Sư, Mã Nguyên Sư (tranh bên phải), tranh thờ dân tộc thiểu số. Ảnh: Sách tranh thờ các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động Xã hội, 2006.

Người Dao là một tộc người cư trú chủ yếu tại miền Nam Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Tại nước ta, địa bàn sinh sống của người Dao trải rộng khắp các tỉnh miền núi phía Bắc tới các tỉnh trung du và ven biển. Cũng như người Cao Lan, tín ngưỡng của người Dao chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Hán hóa, song trong quá trình thích nghi với vùng đất mới, họ pha trộn thêm những yếu tố bản địa vào dòng văn hóa chủ lưu này, khiến cho những thực hành tín ngưỡng của dân tộc mang diện mạo hết sức đặc sắc. Tuy giữa các nhánh Dao khác nhau có nếp sinh hoạt khác biệt, nhưng họ đều thờ chung một vị thủy tổ là Bàn Vương. 

Theo truyền thuyết dân tộc Dao, Bàn Vương vốn là Long Khuyển Hồ, lấy công chúa con vua Bình Vương sinh được sáu trai và sáu gái. Mười hai đứa trẻ được vua Bình Vương ban sắc thành mười hai họ người Dao, gồm họ Bàn, Lam, Mãn, Uyển, Đặng, Triệu, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu và Lý. Sau này khi vua Bình Vương qua đời, Bàn Vương kế nghiệp, trở thành vua người Dao, hết lòng truyền dạy cho dân cách trồng lúa, dệt vải để ổn định cuộc sống. Chính vì công lao ấy mà Bàn Vương được người Dao đời đời thờ cúng, hưởng nghi lễ trang trọng nhất. 

Ngoài thủy tổ Bàn Vương, người Dao còn thờ các vị thần tự nhiên, thể hiện trọn vẹn qua cặp tranh Tứ đại nguyên sư. Theo đó, tranh gồm Đặng Nguyên sư tạo sấm sét, Triệu Nguyên sư tạo mưa, Mã Nguyên sư tạo gió và Khang Nguyên sư tạo mây. Bố cục tranh cân xứng với hai vị nguyên sư ở mỗi bức, trên tay mỗi vị cầm pháp khí để tạo ra mây, mưa, gió, sét;, giúp cho vạn vật sinh trưởng, mùa màng tốt tươi. Gam màu được dùng trong tranh hết sức tươi tắn, tự nhiên khiến chân dung bốn vị nguyên sư hiện lên đầy sinh động và có thần. Cặp tranh Tứ đại nguyên sư không chỉ được dùng để cầu mưa mà còn được thầy Tào sử dụng trong các dịp lễ cầu hồn, cúng tế ma chay và chữa bệnh cho dân bản.

Tứ Trực Công Tào, tranh thờ người Dao.

Đây là bức tranh thờ được sử dụng thường xuyên trong các dịp cúng tế của người Dao, bởi nội dung tranh chứa đựng rõ yếu tố ma thuật của Đạo giáo. Trong tranh là bốn vị thần cai quản thời gian, mỗi vị thay phiên nhau trực một khoảng thời gian trong ngày khác nhau, tượng trưng cho sự luân chuyển của thời gian. Ví như Mão Nhật Kê tinh quân cai quản buổi bình minh, Tinh Nhật Mã tinh quân cai quản ban ngày, Phòng Nhật Thổ tinh quân cai quản buổi hoàng hôn và Hư Nhật Thử tinh quân cai quản lúc nửa đêm. Bốn vị công tào ngoài nhiệm vụ kể trên còn làm chủ bốn vì sao và bốn mùa: Sao Phòng nằm phương Đông trực mùa Xuân, sao Tinh nằm phương Nam trực mùa Hè, sao Mã nằm phương Tây trực vào mùa Thu và sao Hư nằm phương Bắc trực vào mùa Đông. 

Một số nghệ nhân khi vẽ tách lẻ từng vị, còn một số lại gộp chung trong phạm vi một bức. Khi gộp chung tứ trực công tào, nghệ nhân minh họa bốn vị mặc áo, đội mũ nghiêm chỉnh, cưỡi trên mình bốn con vật thiêng là hổ, rồng, phượng, bạch mã. Mỗi vị đều cầm cờ lệnh và thẻ bài trong tay, lần lượt tiếp nối nhau bay bổng trong không gian có những cụm mây xanh trắng làm nền.

Nhìn chung, tranh thờ Tứ trực công tào phản ánh quan niệm có phần hồn nhiên của những người cổ sơ về quy luật vận động của thời gian. Nét vẽ liền mạch kết nối bốn vị thần trong một nhịp chuyển động thể hiện nguyên lý biến dịch của vạn vật trên đời dưới tác động của tháng năm. Do đó, có thể coi bức tranh này như một cuốn lịch dưới dạng đơn giản nhất, và đi cùng những yếu tố ma thuật có trong niềm tin nơi Đạo giáo dân gian, không quá khó hiểu khi bức tranh này được sử dụng rất nhiều trong các thực hành tín ngưỡng của dân tộc Dao.

KẾT LUẬN 

Việc tạo tác tranh thờ trước hết nhằm phục vụ thần linh, do đó nét vẽ và màu sắc trong tranh luôn được các nghệ nhân thực hiện sao cho thật chỉn chu kỹ lưỡng để tổng thể bức tranh hiện lên vừa rực rỡ vừa đủ sang trọng uy nghi. Vẻ đẹp của tranh không chỉ để gợi lòng sùng kính nơi người chiêm ngưỡng mà còn để làm vui lòng thánh thần, để thần thuận ý mà ban cho người trần những điều tốt lành họ mong ước. Vì thế, tranh thờ mang trong mình sức mạnh và quyền năng riêng – quyền năng của cái đẹp, sẽ mãi tồn tại lâu dài trong đời sống tinh thần của người Việt, dẫu cho bao biến thiên của thời cuộc.

Chú thích:

(1)Là lễ công nhận chính thức một người có đủ khả năng tiến hành các nghi lễ cúng bái quan trọng. Số lần làm lễ cấp sắc tương đương với từng cấp bậc thầy cúng có thể đạt được.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Vũ Hương Giang, Một số tranh thờ Đạo giáo của người Dao ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật (số 4), 2008.

[2]. Gia Bảy, Tranh thờ của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, Tạp chí điện tử Văn nghệ Thái Nguyên, đăng ngày 16/02/2016. 

[3]. Chưa rõ tác giả, Hai bức tranh “Thần Nông và Địa Trạch” của người Cao Lan – Sán Chỉ, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, đăng ngày 20/07/2017.

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế Minh Hiếu

Share