“Hôm nay mình lại bị thầy mắng vì mình trả bài không thuộc. Rõ ràng mình đã học rất kỹ rồi mà. Hôm đó thầy dạy mình về niềm tin của con người trung đại vào trời Phật, mình nhớ rõ lắm cơ. Ít nhất mình đã nhớ rõ thầy dạy mình Trời trong văn chương trung đại được đề cập dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau: thiên, mệnh, cơ, trời, số, tạo vật, tạo hóa, hóa công, con tạo… bởi người xưa tin rằng trời có quyền năng tối thượng, sắp đặt toàn bộ đời sống trần thế của con người, từ việc phân chia ranh giới quốc gia đến việc ủy thác trọng trách chăn dân cho người có chân mệnh thiên tử.
Trời không những quyết định đại sự mà còn an bài số mệnh của từng người: tốt – xấu, giàu – nghèo, họa – phúc hết thảy đều là ý trời: Nhân sinh vạn sự tổng quan thiên
Trong Chuyện tưởng Dạ Xoa, Nguyễn Dữ cho rằng mọi thứ đều do trời, do số mệnh quy định: “Phú quý không thể cầu, nghèo cũng do tự số“. Truyện Ông Đỗ Thế Giai, ông Hoàng Ngũ Phúc, có đoạn: “Viên hoạn quan hăm hở nói: “Tôi xem vận trời và việc người, họ Trịnh sắp mất…”. Hai ông nói: “Không phải, nhà Trịnh có công lớn, ấy là mệnh trời. Có lẽ phục hưng cũng nên”.
Hiểu luật trời mà người xưa chấp nhận số mệnh do trời sắp đặt, sống yêu đời, cũng nắm hết cái vô thường trong bàn tay:
Sang cùng khó bởi chưng trời, Lăn lóc làm chi cho nhọc hơi.
Nẻo trời có sinh thì có dưỡng, Dễ hầu nằm giữa mất phần chăng?
Tạo vật phủ dư dĩ tiền định, Không sử thân tâm dịch dịch sầu
Niềm tin của người bình dân đối với trời bao giờ cũng đơn sơ, mộc mạc. Họ luôn tìm thấy ở đấng tối cao linh thiêng mà gần gũi ấy một chỗ dựa vững vàng trong mọi cảnh ngộ cuộc đời.
Vái trời cho đặng vuông tròn, Trăm năm cho trọn lòng son với chàng.
Có lẽ là mọi học thuyết tư tưởng dù hoàn bị đến đâu cũng có những giới hạn, những mâu thuẫn nhất định khi tham chiếu vào đời thực – nhất là khi va chạm với lợi ích và hạnh phúc của con người trần thế. Quá nhiều bất công và nghịch lí xảy ra ở đời khiến người ta không khỏi nghi ngờ số mệnh mà trời cao an bài.
Những ngày đầu bước chân vào con đường văn chương, thầy đã dặn mình cơm áo không đùa với khách thơ. Mà quả thật vậy, chắc là tạo hóa đố kị, ghét ghen với văn chương, với người đẹp, người tài hay chăng? Từ xưa đến nay, có mấy văn nhân giàu nhờ con chữ của mình đâu. Đến tận giờ, mình vẫn tự hỏi là do đâu? Là do không may mắn gặp thời hay chưa đủ tài?
Nhưng mà người xưa, họ hiểu được tài năng của chính bản thân mình. Còn tại sao cuộc đời không may mắn, họ chỉ hiểu rằng đây là một trò con tạo may rủi, võ đoán. Đôi lúc, đối diện với thực tế phũ phàng, nghiệt ngã, người ta rơi vào tình trạng bất khả trì về số mệnh hay ý trời, cuối cùng trở nên thụ động và mất phương hướng:
Càng một ngày một ngặt đến xương, Ất vì số mệnh ắt văn chương.
Hơn đâu hết, văn tế thể hiện rất rõ mối hoài nghi, bất bình và phản kháng luật trời cay nghiệt:
Ôi! Tạo vật làm sao, con người thế mà đến điều đau đớn thế?
(Văn tế chị) Ôi thôi! Do Trời ư? Do mệnh ư? Chị tôi sao lại đến nỗi này?...
Làm ra cỡ ấy, Tạo hóa ghét nhau chi, Nhắc đến đoạn nào, anh hùng rơi luy mãi.
Cám cảnh Nam Trung, trách lòng Tạo vật.
Nhiều lúc đời bạc như vôi, con người ta không kìm chế được nữa. Nỗi bất lực, tuyệt vọng hóa thành những than thở, đôi khi còn là oán trách, nhiều người còn tỏ ra hằn học, chửi rủa thói bất công của tạo hóa:
Chém cha cái kiếp má đào, Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi
Mình tự hỏi, có khi nào mọi việc trong cuộc đời mình đã được thế lực khuất mặt khuất mày mang tên ông Trời kia sắp đặt sẵn, còn những việc mình gặp phải chính là việc mình cần phải gặp để trở nên trưởng thành hơn không? Luật trời toàn năng như vậy, độc đoán như vậy, con người có cải mệnh được chăng? Có chứ, phải có chứ, con người yếu đuối là thế nhưng cũng toàn năng toàn vẹn hơn là thế. Mình sống cuộc đời mình chứ không ai, nên không thể để trời quyết cuộc đời mình được. Chẳng phải từ hơn 500 trước, Nguyễn Trãi đã cho con người ta một câu trả lời tuy không nhiều nhưng cũng hé mở một lối thoát hay sao?
Trong Bình Ngô đại cáo, chính Nguyễn Trãi đã nhận ra quy luật của cuộc đời “Càn khôn bĩ rồi lại thái, nhật nguyệt hối rồi lại minh”. Nhưng càng về sau, cũng chính ông chủ trương lấy tâm hướng thiện mà đối đãi ở đời: “Phú quý lòng hơn phú quý danh” , “Tu ki đãn tri vi thiện lạc”… Mặc dù cảm thấy sợ hãi trước cái thâm hiểm, tráo trở, bạc ác của nhân tâm nhưng Ức Trai tiên sinh chưa khẳng định rõ rằng chính nó tạo nên những nghịch cảnh.
Đến Nguyễn Du thì vấn đề nhân mệnh được nhận thức rõ tuy không triệt để. Tố Như nhận thấy số phận con người đôi khi không phụ thuộc vào thiên mệnh: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” và lắm lúc ông mơ hồ nhận ra cốt lõi vấn đề là do lòng người chứ không hẳn là ở ý trời:
Sự rằng: Phúc họa đạo trời, Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra. Có trời mà cũng có ta, Tu là cõi phúc tình là dây oan. Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Như vậy là, niềm tin vào quyền năng của Trời trong văn chương trung đại được thể hiện qua nhiều cấp độ khác nhau, một phần là chấp nhận nó như một quy luật tất nhiên, nhưng phần lớn là hoài nghi, thù hận, chống đối.
Nói đến đây thì mình vừa nhận ra rằng hai danh từ Trời – Phật thường song hành như một cách gọi chung. Mọi người đã quá quen thuộc với cổ tích Tấm Cám rồi, nhưng sinh viên Ngữ Văn tụi mình còn được học truyện thơ Cái Tấm cái Cám. Các tác giả dân gian đã thể hiện một niềm tin vào đạo trời:
Đạo trời báo phục rất công Làm điều gian ác chở hòng được lâu Làm lành trời Phật giúp sau Chuyện này chép để khuyên nhau gọi là.
Mình đồ rằng khi người Việt ngưỡng vọng Phật Trời không gì ngoài lòng mong cầu sự giúp rập nhiệm mầu cho đời sống gặp may mắn, đạt thành ước nguyện và vượt qua những tai ách:
Rằng: “Xin đợi lại mấy ngày, Cầu trời khẩn Phật hoa này lại tươi.
Mình nhớ hồi bé mình sợ ma lắm, nên mỗi lần đi đâu cũng phải niệm Phật để xua đuổi tà ma, giống như mẹ mình vẫn hay cười bảo mình rằng: “Chân đi miệng niệm di đà hộ thân”.
Đối với người Việt, uy lực, thần thông của Phật thực sự chứng hiện, không phải là thứ quyền phép mông lung, vô căn cứ. Điều đó trở thành điểm tựa vững chắc cho niềm tin vào sự che chở của thế lực bên trên đối với sự nhỏ bé của thân phận của kiếp người. Đó còn là chỗ dựa tinh thần và là niềm kính tín và hướng thượng cao cả giúp thanh lọc tâm hồn, vươn tới chân, thiện, mỹ. Trong tình cảnh khó khăn, cùng cực, người có lòng thành luôn nhận được sự cứu giúp nhiệm mầu:
Phật trời xem thấy người ngay, Thích Ca xuống phước cho ngay cây đàn.
Như vậy là nhận định “người Việt đón nhận tất cả các tôn giáo nhưng không nhiệt tín đối với bất cứ tôn giáo nào” của mình cũng không hẳn không có lý. Trong tâm thức người Việt, Phật ít khi được tôn sùng như một vị chánh giác mang hàm nghĩa tôn giáo chính thống mà chủ yếu được kính ngưỡng như cha mẹ, ông bà giản dị và gần gũi luôn theo sát đời sống con người, sẵn sàng cứu giúp người sống lành thiện, ngay thẳng nhưng gặp cảnh khốn cùng.
Hôm nay mình lại bị thầy la! Nhưng mà mình thấy mình nhớ bài kỹ mà, ngày mai mình lên trả bài lại mới được.”
Trang nhật ký đến đây là hết. Tôi tin rồi cô bé cũng đã chịu học bài đàng hoàng, vì không học bài thì vẫn còn bị thầy cô mắng, bị thầy cô mắng thì cô bé còn viết nhiều. Học bài rồi là hết chuyện.