1. Đại Việt, mùa xuân năm Quang Thuận thứ 2, nhằm vào năm Tân Tỵ (1461), đất nước thái bình dưới thời Lê Thánh Tông. Vậy mà dưới chân thiên tử, tội ác vẫn ẩn tàng.
Chạng vạng, trời đổ mưa xuân, chút ánh sáng tàn ngày cũng chóng lụi.
Ngoại thành Thăng Long có một cánh rừng nhỏ. Trong cánh rừng có một hốc đất dưới chân một con dốc, do những người thợ săn đào ra để trú ẩn mỗi bận đi rừng. Trong hốc đất có hai đứa nhỏ tuổi còn niên thiếu, một gái một trai, cùng một con rắn hổ mang đang rúc mình tránh mưa.
Rừng mưa tịch mịch chỉ còn lại tiếng thở hồng hộc của hai đứa trẻ sau khi vắt sức chạy trốn.
Vừa thoát khỏi truy đuổi cũng không khiến cậu trai thu lại cảnh giác. Trong không gian nhỏ hẹp xoay người chẳng đặng, cậu ra sức nép vào vách đất, không để một tí thịt da nào đụng vào người cô bạn đồng hành và lồng mây đựng con rắn hổ mang trong tay cô.
Sau khi điều chỉnh nhịp thở, phát hiện sự bất thường của cậu bạn, cô bé nổi tính đùa dai, bất thình lình huơ cái lồng mây ra trước. Khuôn mặt đang đỏ ứng sau khi vận động mạnh của cậu chàng bỗng chốc cắt không còn một giọt máu.
Như phát hiện ra một điều gì thú vị lắm, bất chấp hiểm nguy vừa bị bỏ lại phía sau, cô bé thầm thì trêu:
– Anh sợ rắn!
Sợ trò đùa chưa đủ tai quái, cô còn cố ý bồi thêm:
– Con cháu quan đại thần đánh trăm trận với quân Minh mà lại nhát cáy. Em tên Viên. Nghĩa là tròn như trăng rằm đấy. Anh tên gì?
Tình cảnh hiện tại không cho phép cậu trai phản kháng, dù là la mắng, hay thoát khỏi hốc đất chật hẹp để không phải chia sẻ không khí với đứa dân nữ xấu tính và con rắn xấu xí này.
– Tôi tên Đảm!
Đảm nghĩa là can đảm. Những lời này bị Đảm nuốt lại, chỉ còn câu trả lời cộc lốc lọt thỏm trong cơn mưa rừng. Đảm nhủ thầm trong bụng, quả nhiên phụ nữ thì khó nuôi dạy, dỗ dành. Đây lại còn là loại phụ nữ đi kèm với rắn.
Cô gái đẹp và rắn là một bộ đôi không lấy gì làm lành.
Xứ này sông rộng rừng sâu, nên cũng đầy rẫy thuồng luồng, rắn rết. Rắn bò vào điện thờ, chui vào sách vở, nấp trong quán ăn, chực chờ để tung những nhát cắn chí mạng. Loài này khi sống đã là ác tai, lúc chết đi lại mang oán nghiệt nặng nề.
Mùa thu hai mươi năm trước, cả nước rúng động với một chính biến kinh thiên động địa. Thái Tông đột tử ở tuổi 20 khi đang ở cùng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, vốn là ái thiếp của Nguyễn Trãi.
Cái chết đột ngột trong đêm của vị minh chủ khiến công thần Nguyễn Trãi chịu họa sát thân, tru di ba họ. Thiên hạ đều biết là án oan, nhưng chỉ dám rầm rì bàn tán nhân tiền quả hậu ẩn sau.
Thái Tông vì sao mà chết? Ai mới thực sự là kẻ chủ mưu đứng sau vụ hành thích? Tất cả mọi giả thiết đều xoay quanh những âm thanh trừng lẫn nhau và củng cố quyền lực của các thế lực chính trị trong triều.
– Biết án oan Lệ Chi Viên của cụ Thừa chỉ Nguyễn Trãi 20 năm trước chứ? – Đảm thì thào hỏi Viên, nhưng thật ra là tự thuật mớ suy tưởng ẩn ức trong lòng bấy lâu. – Họ bảo rằng, Thị Lộ vốn là yêu nữ, do tinh rắn cái hóa thành để báo oán. Năm đó tổ tiên cụ Trãi làm nhà, lỡ động phải tổ rắn mà ngộ sát mẹ con nhà nó. Con rắn đã thành tinh, ngậm thù, đầu thai vào người Thị Lộ.
Viên rất nhanh đã hiểu được được câu chuyện:
– Nên Thị Lộ dùng tài sắc để trở thành thiếp của Nguyễn Trãi, rồi sau đó tìm cách tiếp cận hành thích quân chủ để đổ tội, báo oán.
Đảm gật đầu:
– Họ nói rằng, ngày hành hình, Thị Lộ xin ra ngoài sông tắm rửa lần cuối, rồi bỗng biến thành con rắn trắng bò xuống nước mà bơi đi mất. – Cậu ghé sát tai Viên hạ giọng tỏ vẻ trầm trọng. – Họ nói dưới sườn bụng Thị Lộ còn lưu lại ba vảy rắn đấy.
Cô bé bất giác thấy buồn cười, lẩm bẩm:
– Không phải Nho sĩ các người thường bảo nhau, “Tử bất ngữ: quái, lực, loạn, thần đấy sao”…
Rầm rập! Rầm rập!
Tiếng bước chân dồn dập truyền từ mặt đất phía trên hầm trú bỗng cắt ngang cuộc thầm thì của hai đứa nhỏ.
Đảm và Viên đưa mắt nhìn nhau. Bọn bắt cóc tống tiền đuổi đến đây rồi. Vậy mà chúng có thể lần theo dấu vết đuổi đến tận đây.
2. Ban nãy hai đứa đã vắt sức bú mẹ chạy sâu vào rừng. Rừng cây um tùm vô hướng, lại thêm mưa phùn xóa vết khử mùi, vậy mà hai kẻ thủ ác vẫn có thể theo đến tận đây. Ít nhiều cũng là tay giang hồ lão luyện chứ không phải hạng xoàng xĩnh xó chợ đầu đường.
Khoảng cách đôi bên đã rất gần, đủ để nghe thấy chúng lớn tiếng thảo luận:
– Đại ca, tới đây là mất dấu rồi. Lẽ nào hai đứa quỷ nhỏ này biết đằng vân độn thổ.
– Mày đừng nhảm nữa, chia nhau tìm quanh đây. Nhân lúc mưa chưa lớn, người nhà chúng chưa đuổi tới phải túm cổ bằng hết. Chẳng mấy khi thằng công tử nhà họ Trịnh một mình xớ rớ. Bỏ lỡ dịp này, không biết khi nào mới có cơ hội kiếm được một vố lớn để trốn về Nam lập nghiệp.
– Vốn chỉ có thằng ấm đó thì dễ xơi. Ngày thường không cưỡi ngựa thì cũng nằm ườn trên võng cho người khiêng, dư mấy hơi mà chạy. Không đâu lại xuất hiện thêm đứa con gái vác theo con rắn hổ mang dắt nó lủi mất.
– Có con hổ mang thì sao, nó cũng chỉ là đứa con gái mới lớn, chỉ có vài chiêu tạp kỹ sáo rắn. Hai thằng đực rựa sức dài vai rộng không đập nổi con rắn rồi túm cổ nó hay sao? Vố này không chỉ kiếm chác được tiền chuộc của nhà họ Trịnh, mà còn có hàng để bán cho nhà thổ nữa đấy.
Khà! Khà! Khà!
Tiếng cười khả ố của bọn cùng đinh mạt lộ bất chấp thiện ác vọng vang khắp rừng. Cái ác áp đảo trên đầu, khiến không gian trong hầm đất thêm ngưng đọng trong tiếng tim đập mạnh của hai đứa nhỏ.
Đảm hận không thể bảo trái tim mình ngừng đập đi, vì dù là tiếng hét không lời của lồng ngực cũng là động tĩnh quá lớn trong bầu không quỷ dị này.
Bỗng Viên nắm lấy tay Đảm, xòe ra, sột soạt viết lên mấy chữ:
Tráo – đồ. Em – hướng – Tây. Anh – hướng – Đông.
Giữa thẳm đen, đôi con ngươi Viên ánh lên vẻ hoang dã mà nhiệt thành. Sự ngoan cường và can đảm ở đó Đảm chưa từng thấy ở những khuê nữ kinh kỳ.
Đảm rất nhanh đã hiểu được ý Viên. Viên theo cha vào Nam ra Bắc biểu diễn sáo rắn, cơ thể nhanh nhẹn dẻo dai, ứng biến linh hoạt. Cô muốn cải trang thành cậu, dẫn bọn bắt cóc chạy sâu vào rừng để cậu có cơ hội chạy ngược về nhà tìm người cứu trợ.
Quá nguy hiểm cho Viên. Nhưng Đảm tự vấn, thậm chí cậu còn không nghĩ ra được một cách nào khác. Sách Khổng chữ Nho chẳng thể làm vũ khí trong giờ khắc nguy nan này. Mà cứ rúc mãi trong hầm trú, sớm muộn cũng bị tóm cả lũ.
Trong bóng tối và thinh lặng, hai đứa nhỏ lặng lẽ cởi đổi y trang. Vô tình hữu ý, Đảm liếc nhìn vòng eo nhỏ nhắn của Viên. Nơi đó trơn lẳng, không có miếng vảy rắn nào. Đảm thầm thở phào, cũng tự thấy e thẹn vì đã để thần hồn nát thần tính mà phi lễ.
Đến khi cởi bỏ tấm giao lĩnh dày dạn trên người, khoác lên váy áo mỏng manh của Viên, Đảm mới thấm thía cái buốt lạnh của đêm xuân mưa phùn. Thay đồ xong, Viên lặng lẽ đưa chiếc lồng mây nhốt con rắn hổ mang cho Đảm.
Đảm bản năng rúc tay tránh ra xa. Nỗi sợ rắn đến từ những truyền thuyết quỷ dị được nghe từ bé chưa hết ám ảnh cậu. Cậu không sao đưa tay nhận lấy con rắn gớm ghiếc đang cuộn tròn trong lồng. Dẫu biết, phải đến khi vác được nó lên người, cậu mới có thể hoàn toàn hóa thân thành Viên, một phù thủy sáo rắn.
Viên sáp lại thật gần, dùng âm mũi gần thì thào vào tai Đảm: “Con rắn vô hại, nó đã bị tước đi răng nanh và nọc độc”. Cùng lúc, cô bé cầm lấy tay Đảm, trực tiếp đặt lên mình con rắn, vuốt ve nhè nhẹ.
Da con rắn trơn ẩm, lạnh lẽo, trái ngược với bàn tay nhỏ bé khô ấm đang nắm lấy cậu. Theo sự dẫn dắt của Viên, Đảm và con rắn hổ có một cuộc chào hỏi không lời. Một khắc nào đó, dưới cái chạm, người và rắn dường như có thể cảm ứng lẫn nhau.
Biết Đảm đã dần chấp nhận, Viên dùng khẩu hình miệng hô:
“Một – Hai – Ba – Chạy!”.
Rồi bằng tốc độ của loài rắn lúc vồ mồi, Viên vụt khỏi hầm trú, luồn sâu vào rừng.