Trở lại với nhà Trịnh, thì lúc bấy giờ đẻ ra một hệ thống chính trị quái đản chưa từng có trong lịch sử Việt Nam là vừa có vua mà lại vừa có chúa. Nghe qua thì có vẻ khá giống mô hình Mạc phủ bên xứ Nhật Bản. Nếu ví nhà Lê như một tập đoàn, thì vua Lê là hình ảnh đại diện cho “thương hiệu”, còn quyền lực thực tế nằm trong tay họ Trịnh.
Trịnh Kiểm mất thì con là Trịnh Tùng lên thay. Vị chúa này chính là người thực sự đã đánh bại nhà Mạc để đưa vua Lê trở lại ngai vàng. Ông lạm dụng quyền lực còn lộ liễu hơn cả cha mình. Trịnh Tùng xin hoàng đế phong vương, rồi cho xây phủ chúa để sinh sống và làm việc. Mọi công việc của đất nước đều được đưa vào phủ cho chúa xử lý. Đúng kiểu hoàng thượng chỉ việc vui chơi thôi, còn cả thế giới cứ để ta lo. Việc mở phủ này cũng chính là điểm rạn nứt khiến họ Nguyễn quyết định ly khai.
Nói về phủ chúa Trịnh hay Soái phủ, tâm điểm của bài viết này, là một tòa thành bằng gạch với hệ thống cung điện cực kỳ đồ sộ. Công trình này có thể xếp trong nhóm vĩ đại nhất mà Việt Nam từng thi công, được xây tới 1 thế kỷ rưỡi với mấy đời chúa. Trịnh phủ nằm ở trung tâm Hà Nội bây giờ, chỉ tính riêng khu nội phủ chứ chưa tính khuôn viên và các cổng bên ngoài đã bao gồm khu bệnh viện Việt Đức, qua phố Tràng Thi, Thư viện quốc gia, Tòa án nhân dân tối cao, phố Hỏa Lò tới giáp phố Thợ Nhuộm.
Xung quanh phủ và ven các hồ lân cận thì các chúa cho xây dựng khá nhiều thứ như đình Tả Vọng trên nền Tháp Rùa ngày nay. Xây cung điện Khánh Thụy. Đắp núi Ngọc Bội để tôn vinh các chiến công ở bờ phía Tây hồ. Đặc biệt nhất là kỳ quan Ngũ Long Lâu mang hình 5 con rồng. Lầu này rất cao được dát bằng mảnh sứ và có đá cẩm thạch quấn quanh.
Hồi đó Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác may mắn được mời vào phủ chúa để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán. Ông vốn là người sống kín đáo, không thích phô trương, nhưng khi vào phủ chúa nhìn ngắm một lúc cũng thấy khoái quá, không thể không biên lại một bài:
“Đi tới cổng phủ, quan truyền mệnh dẫn qua hai lần cửa nữa rồi rẽ về phía trái. Tôi ngẩng đầu nhìn, thấy bốn bề tám phía chỗ nào cũng có cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, trăm hoa đua nở, gió thoảng hương trời. Hành lang, lan can quanh co, tiếp nối song song. Người giữ cửa truyền báo lệnh công đi lại tíu tít như mắc cửi. Vệ sĩ canh gác cửa cung, ra vào phải có phù hiệu…
Vòng quanh ước chừng một dặm, nơi nào cũng lầu đài, đình, gác, rèm châu cửa ngọc, ánh nước mây lồng, suốt lối toàn hoa cỏ kỳ lạ, gió thoảng hương trời, thú đẹp chim quý, nhảy nhót bay hót, giữa đất bằng nhô lên ngọn núi cao, cây to bóng mát, nhịp cầu sơn vẽ bắc ngang lạch nước quanh co, lại có lan can toàn bằng đá màu. Tôi vừa đi vừa ngắm, thực chẳng khác gì cõi tiên vậy.”