Kỳ vĩ đường sắt Đông Dương – Kỳ 4: Tuyến xe lửa Đà Nẵng – Đông Hà, cuộc chinh phục đèo Hải Vân

Tác giả Long Tự
Kỳ vĩ đường sắt Đông Dương – Kỳ 4: Tuyến xe lửa Đà Nẵng – Đông Hà, cuộc chinh phục đèo Hải Vân

Giao thông vận tải là một lĩnh vực quan trọng có tác động lớn đến sự phát triển của kinh tế xã hội lẫn an ninh quốc gia. Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến xứ thuộc địa, trong mắt của những nhà thực dân người Pháp, việc phát triển một tuyến đường sắt chạy dọc và kết nối toàn bộ Đông Dương đã là một đề án quan trọng được mang ra thảo luận thường xuyên. 

Năm 1897, khi Paul Doumer nhậm chức Toàn quyền Đông Dương, kế hoạch mang tên Transindochinois được nhanh chóng đề cập và triển khai không lâu sau đó. Lần lượt các tuyến đường sắt dài được xây dựng trên khắp Đông Dương được xây dựng và đưa vào hoạt động. Không lâu sau khi tuyến đường sắt Hà Nội – Vinh được xây dựng, đoạn thứ hai của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương đã được bắt tay vào xây dựng tại Trung Kỳ. Tuyến đường sắt này sau khi hình thành sẽ kết nối vùng cảng biển Đà Nẵng với Kinh đô Huế của Đại Nam sau khi băng qua đèo Hải Vân, cuối cùng kết thúc hành trình tại Đông Hà tỉnh Quảng Trị.

Trong các tuyến đường sắt đề xuất xây dựng bởi Paul Doumer, đây là tuyến đường sắt ngắn nhất được xây dựng. Con đường này được đấu giá thầu vào ngày 13 tháng 8 năm 1901 và được khởi công xây dựng nửa năm sau đó vào tháng 3 năm 1902. Khu vực từ Đà Nẵng đến Đông Hà bị chia cắt bởi đèo Hải Vân với đặc trưng địa lý phức tạp và hiểm trở. 

Ở phía Nam của đèo Hải Vân có khoảng 50km là địa hình núi non và thưa thớt dân cư. Trong khi đó, ở phía Bắc với đặc trưng là một dải đồng bằng nhỏ hẹp trải dài ven biển và nhiều đèo cát. Vì địa lý phức tạp đó nên tuyến đường được chia làm hai đoạn thi công khác nhau, bao gồm Đà Nẵng – Huế dài 106km và Huế – Đông Hà dài 68km. Tổng chi phí công trình toàn tuyến tiêu tốn của chính quyền Pháp gần 32 triệu francs, tức khoảng 183.000 francs trên 1km đường.

Tuyến Đà Nẵng – Huế được tuyến hành thi công đầu tiên. Đây là đoạn đường khó nhất và cũng tiêu tốn nhiều thời gian nhất trong quá trình thi công toàn tuyến. Để hoàn thành con đường này, các kỹ sư đã cho tiến hành đào 9 đường hầm xuyên qua các khu vực đồi núi. Tổng chiều dài của 9 đường hầm là 3.226km, trong đó hầm Liên Châu có chiều dài lớn nhất với 932m. 

Do tính chất địa lý phức tạp cùng sự chuyển biến thất thường của thời tiết. Tình trạng lũ lụt, ngập úng kéo theo sạt lở diễn ra thường xuyên khiến tiến độ công trình diễn ra rất chậm chạp. Bên cạnh việc xây dựng những đường hầm, các kỹ sư còn phải tiến hành thiết kế và xây dựng những cây cầu, trong đó gồm 1 cây cầu dài 350m bắc qua sông Cu Đê và 12 cây cầu lớn nhỏ lần lượt dài từ 40-120m.  

Chưa dừng lại ở đó, khi đến đèo Hải Vân những thách thức thật sự mới đón chờ đội ngũ thi công. Họ phải tiến hành đục đá, phá núi để đào thêm 2 đường hầm lớn với chiều dài lần lượt là 840m và 562m xuyên qua đèo Hải Vân. Ngoài ra, trong quá trình thi công, các kỹ sư cũng phải tính toán giảm thiểu tối đa chiều dài đường hầm tại đèo Hải Vân. Độ dốc của tuyến đường vì vậy cũng được hạ xuống 15mm và các khúc đường cong có bán kính 100m. Toàn công trình tiêu tốn thời gian 6 năm để hoàn thành, trễ hơn một năm so với dự kiến của chính phủ Pháp. 

Việc xây dựng con đường cũng được phân chia thành nhiều bộ phận và được giao cho nhiều nhà thầu khác nhau. Trong đó, công việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà trạm, lắp đặt đường ray và rải đá được giao cho nhà thầu Waligorski với giá 3,4 triệu francs (về sau còn có thêm sự tham gia của 2 nhà thầu khác là Bartissol và Hoffer). Còn việc xây dựng những cây cầu lớn và khung dầm thép cho những cây cầu nhỏ được giao cho Societe des ponts et travaux en fer với giá thầu 2,8 triệu francs. Với tổng cộng 11 ga và trạm dừng, 18 cây cầu và 11 đường hầm lớn nhỏ được bố trí dọc theo tuyến đường. Ngày 15 tháng 12 năm 1906, tuyến xe lửa chạy từ Đà Nẵng đến Huế chính thức được đưa vào hoạt động.

Đoạn thứ còn lại của con đường kéo dài từ Huế đến Đông Hà – Quảng Trị. Tuyến đường này được khởi công vào cuối năm 1905 sau khi hợp đồng đấu giá được thông qua. Theo đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt đường ray và rải đá được giao cho Vegriete et Goudemant. Còn nhà thầu Dayde et Pille được giao cho công việc xây dựng các cây cầu và cung cấp, thiết lập các dầm thép dưới 35m. Toàn bộ quá trình thi công tuyến đường được đánh giá là thuận lợi bởi đây chủ yếu là khu vực đồng bằng bằng phẳng. Toàn tuyến được đưa vào hoạt đồng ngày 10 tháng 12 năm 1908, sau gần 3 năm xây dựng, lần lượt đi qua các ga Hiền Sĩ, Mỹ Chánh, Quảng Trị và kết thúc ở Đông Hà. 

Như vậy, tổng tuyến Đà Nẵng – Huế tiêu tốn của chính phủ Pháp 7 năm để hoàn thành. Con đường sắt đầu tiên của Trung Kỳ dài tổng cộng 174km, kết nối 4 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế và Quảng Trị với tổng 3 ga chính, 15 ga xếp và 8 trạm dừng. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, ngày nay, tuyến đường sắt này là một trong những tuyến đường quan trọng trong việc kết nối giao thông Bắc Nam. Những cung đường sắt hiện nay đã được nâng cấp, xây mới nhiều đoạn. Trong đó, cung đường chạy qua đèo Hải Vân được xem là một trong những con đường đẹp nhất Đông Dương. 

Những cung đường này vẫn tiếp tục thực hiện vai trò và sứ mệnh của mình trong công cuộc phát triển và hiện đại hóa đất nước nhưng cũng có những cung đường đã dần chìm vào lớp bụi mờ của lịch sử…

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế Minh Hiếu

Share