Cẩm nang thoán nghịch: Logic của một cuộc nổi dậy – Kỳ 1

Tác giả Phach Ho Nguyen
Cẩm nang thoán nghịch: Logic của một cuộc nổi dậy – Kỳ 1

Thoán nghịch – Nói theo kiểu tục tằn thì gọi là “ làm giặc”. Nói theo kiểu nhà Nho là “ chân mệnh thiên tử”. Nhưng nói theo kiểu gì đi nữa thì bản chất nó là một quá trình hoạt động dẫn dắt một bộ phận cư dân để lật đổ triều đình hiện tại, thay thế nó bằng một triều đình mới do bạn vạch ra. Và, cũng như kinh doanh, nghiên cứu, lao động,… thoán nghịch cũng có những quy luật của riêng nó. Mọi cuộc chơi đều có luật chơi và cách chơi. Kẻ biết cách vận dụng, thì dù tài năng tầm thường cũng có thể làm đến Lê Thái Tổ.

Về cơ bản, thoán nghịch là hoạt động thiết lập một tập thể, rồi sử dụng tập thể đó để đánh bại hoặc vô hiệu hoá chính quyền đương thời. Một con ngựa, một cây đao không thể làm nên đại nghiệp. Làm phản là một quá trình kết hợp nhiều loại công việc chứ không chỉ có chém giết. Kẻ một tay giết nghìn người chỉ có thể làm thất phu, chứ không thể làm đế vương vậy. Vì thế, mọi vấn đề đều nằm ở chỗ làm sao để tạo ra một lực lượng nhân sự cho riêng mình. Mà để làm điều này, luôn phải chú ý đến hai vấn đề là danh tiếng và vô hiệu hoá chính quyền.

Vì sao gọi là "danh tiếng"

Cả nước hàng chục triệu người, nhân tài ức vạn. Tại sao họ không theo ông Tí ông Tèo mà lại theo ngươi? Thời thuộc Minh, cờ phất hàng trăm, tại sao họ không theo Trần Ngã, Phạm Ngọc mà lại theo Lê Lợi? Là do danh tiếng vậy. 

Làm loạn là chuyện sống chết, ai chẳng mong tìm được chân chúa để thờ? Ai chẳng sợ đi theo kẻ vô năng hôn ám? Vậy dựa vào cái gì mà hào kiệt lựa chọn? Dựa vào danh tiếng vậy. Đại khái, cứ như bảng rating trên Tiktok hay Youtube, ai nổi hơn, nhiều người biết hơn thì tên lên đầu bảng, số người tìm đến càng tăng vọt. Tác dụng của danh tiếng cơ bản là như thế.

Lực lượng hùng mạnh của nhà Tây Sơn - Minh họa: Lâm Lê

Vì thế, xét các bậc Cao Tổ thường đều có gốc hào môn. Lê Thái Tổ thì làm phụ đạo ở địa phương. Vua Thái Đức thì là thương nhân buôn trầu có tiếng. Họ Trần tiếm vị triều Lý, nhưng cũng là cự tộc đất Thái Bình. Ấy là vì xuất phát điểm vốn đã cao, đã có cái gốc danh tiếng truyền đời, nhân dân đều biết đến, nên việc dễ dàng hơn người thường vậy. 

Còn những người xuất thân kém hơn, chưa có được danh tiếng như thế thì phải nghĩ cách “sáng tạo” hơn. Bà Triệu đục đá giả giọng thần. Thân Lợi làm thần y để mua lấy tiếng tốt. Lý Giác dùng tà thuật dụ dỗ người Man. Lê Hoàn thì làm con nuôi nhà quan lớn. Tề, Ngã thì mạo danh quốc thích họ Trần. Cách thức muôn hình vạn trạng, nhưng chẳng qua là để gầy dựng danh tiếng cho mình vậy.

Vì sao gọi là "vô hiệu hoá chính quyền"?

Phàm chiêu hiền đãi sĩ, rèn đao tậu ngựa, đều là chuyện ầm ĩ thôn xóm, há có thể im lặng mà làm? Đôi mắt triều đình dò xét khắp cõi, làm sao có thể chưa từng phát giác. Bảo rằng “ngầm đưa quân vào cung” thì chẳng qua là tự lừa dối mình, tất chuốc lấy cái tai vạ như Hà Tiến thời Hán mà thôi. Nếu ngươi là kẻ tứ cố vô thân, thì đời đời chẳng nên đại nghiệp, cũng chẳng ai buồn ngó đến. Nếu ngươi là danh sĩ một thời, thì tất tất hào kiệt theo về, nhưng triều đình sẽ cử người để mắt rất kỹ. Đây là mâu thuẫn muôn đời của kẻ khởi nghiệp, cũng là bài toán mà mọi bậc Tiên Hoàng phải giải qua. Kẻ làm được thì cơ hội mở ra. Kẻ thất bại thì thân tan chí tận vậy.

Cũng bởi thế mà xưa nay, các bậc tiên tổ đều tìm trăm phương nghìn kế để che mắt chính quyền. Lý Bôn thì mở hội đấu vật để ngầm tuyển dũng sĩ. Thái Bình đạo lấy tôn giáo để chứa chấp quân binh. Lê Lợi thường tiến cống sơn phẩm để mua lòng quan trên. Phạm Thái dùng ngày Phật đản để tụ tập nghĩa sĩ. Mưu kế bao năm, kể sao cho xiết, nhưng nói đến chu toàn thì đến Hưng Đạo Vương cũng nín lặng lắc đầu. 

Đây là một canh bạc chết người, độ rủi ro cực cao. 

Vì tai mắt có thể che ngày một ngày hai, chứ không thể bịt năm này sang năm khác. Lê Lợi cử sự khi quân chỉ có 2000. Cao Bá Quát chuẩn bị kỹ lưỡng mà vẫn bị cáo giác. Khởi nghĩa bị bóp từ trứng nước, 10 người hoạ sống được 1 – 2. Đó là ý trời muốn thử thách người tài vậy.

Đây là một canh bạc chết người, độ rủi ro cực cao. | Minh họa : Lâm Lê

Bởi thế, nhìn thiên hạ nghìn năm qua, thời Kiệt – Trụ luôn là lúc anh hùng tựu nghĩa. Vì sao lại thế? Xã hội thịnh trị thì kẻ bất mãn ít, triều đình có kỷ cương vững chắc, dẫu có tài như Quách, Khổng cũng đành bó tay. Xã hội mục nát thì dân chúng oán hận, tham nhũng tràn lan, canh phòng lỏng lẻo. Đó chính là cơ hội để xướng nghĩa mà không bị phát giác quá sớm vậy. Há đâu Chu Thần kém đức hơn Lý Nguyên? Đó chỉ vì nhà Trần đã rệu rã tận gốc, nên Hồ Quý Ly động một ngón tay là ngồi tót lên ngai vàng vậy.

Lại hỏi, học theo kế của Khoái Triệt, làm quan lớn, nắm quyền bính một phương rồi phất cờ mở nước, có được chăng?

Trả lời: Chết chắc.

Lý Bôn làm quan mà phải xin về là bởi vì sao? Vì sống ở nơi không có người cùng chí, thì dù quan tước cao cũng chẳng khác gì làm dê giữa hang hùm. Hôm nay ngươi làm quan, chúng tướng nghe ngươi sai phái, không phải vì họ yêu ngươi, mà vì họ tuân lệnh triều đình. Một mai ngươi dựng cờ tạo phản, thì đâu còn là quan của triều đình nữa. Họ đã chẳng bất mãn với thiên tử, cũng chẳng phải đồng chí, bằng hữu của ngươi. Bảo họ theo ngươi làm giặc thì có khác gì bảo ngươi chết vì kẻ qua đường? Văn Trường không hiểu đại nghĩa mà phải nộp đầu cho Dương Nghi vì lẽ ấy.

Cuộc tranh hùng giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn - Minh họa: Mỹ Thanh

Xét lịch sử xưa nay, phàm kẻ làm phản mà xuất thân thế tộc, thì trước chiếm ngôi cao, cắt đặt quan lại, sau thì thanh trừng phe cánh, hiếp thiên tử lệnh chư hầu, noi theo Tuyên Vương nhà Tấn. Đó là thượng sách vậy.

Phàm kẻ xuất thân cự tộc địa phương, thì trên bợ đỡ thượng quan, dưới thương yêu bách tính. Ngày thường đi lại giao kết với đồng liêu, dò xét tìm người cùng chí hướng. Dần dần mua chuộc, tha hoá quan lại sở tại, che mắt khâm sai của triều đình. Biến địa phương thành lãnh địa riêng để quy tụ hiền tài, đợi khi có biến thì nhất tề cử sự. Học theo Đinh Tiên Hoàng. Đó là trung sách vậy.

Còn nếu là kẻ lương dân áo vải, không thước đất cắm dùi. Thì trăm sự đều khó. Hoặc vùi sông ẩn núi, lấy nơi thảo dã làm đất thang mộc. Hoặc mê hoặc quan lại địa phương, để mở đường dựng nên nghiệp lớn. Mỗi ngày đều phó thân cho nguy hiểm, có thể bị phát giác bất cứ lúc nào. Đó là hạ sách vậy.

Tùy theo thân phận mình mà tuỳ thời xử thế. Kẻ qua được cửa này mới có tư cách đứng trên muôn người. Các ngươi phải nhớ cho kỹ.

Đọc tiếp kỳ sau.

Chú thích

Tề: không rõ xuất thân. Năm 1354, tự xưng cháu ngoại của Trần Hưng Đạo, tụ tập các gia nô bỏ trốn, nổi lên chống lại nhà Trần.

Lê Ngã: gia nô của quý tộc Trần là Trần Thiên Lại. Năm 1420, ông tự đổi tên là Trần Ngã, xưng là cháu bốn đời của Trần Duệ Tông, được tù trưởng Bế Thuấn gả con gái cho. Nhân đó, Ngã chiêu tập lực lượng khởi nghĩa chống lại nhà Minh, sau thất bại.

Thái Đức: Nguyễn Nhạc.

Khoái TriệtBiện sĩ du thuyết, sống vào đầu thời nhà Hán, từng khuyên Hàn Tín nhân lúc đang nắm đại quyền mà trở cờ phản Hán để tự lập. Hàn Tín không nghe, sau bị vua Hán thanh trừng. Kể của Khoái Triệt thường được người đời đem ra để bàn luận, than thở, cho rằng nếu làm theo thì Hàn Tín tất đã thành công.

Tuyên Vương nhà TấnTức Tư Mã Ý, vốn là trọng thần triều Tào Nguỵ thời Tam Quốc, nhưng nhân cơ hội mà cướp binh quyền, cắt đặt thân tín, thao túng triều đình. Sau khi ông mất, con cháu ông cuối cùng soán ngôi nhà Tào Nguỵ.

Chu ThầnTên tự của Cao Bá Quát. Nhân nạn châu chấu mất mùa, Quát chiêu tập dân đói nổi dậy chống nhà Nguyễn, nhưng nhanh chóng thất bại.

– Lý NguyênTên tự của Hồ Quý Ly. Đương thời ông bị xem là kẻ gian hùng, nhiều tham vọng, nhưng đánh trận thường thua, nhưng cuối cùng vẫn lật đổ được nhà Trần để lên ngôi.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share