Ông mời bà lão về ở trong thành nhưng bà nhất mực từ chối, bảo là muốn sống ở mái nhà tranh này hơn, chỉ xin ông ban cho mỗi tháng ba con bò để bà cúng tế thần linh và làm từ thiện. Ông chuẩn y, hàng tháng cứ ngày mười lăm thì đem bò đến cho bà lão.
Vài tháng sau, cư dân vùng ven thành bảo là gia súc hay bị con gì cắn chết. Sự việc càng ngày càng nhiều khiến trưởng quan không khỏi lo nghĩ. Hôm đó cô gái xin về nhà thăm mẹ, ở vài hôm. Ông đồng thuận. Cô vừa đi, có người dân ở gần núi Trà Sư đến báo trong thôn nhiều heo gà bị cắn chết. Vị quan liền đến xem.
Khung cảnh hết sức ghê tởm. Súc vật bị cắn ngang cổ họng, uống sạch máu. Một số con bị moi lòng ra vứt bừa bãi. Ông cử một số lính tráng ở lại tuần rồi quay về thành sai người đến điều tra. Trên đường về thấy tiện đường nên ông ghé thăm nhà mẹ vợ. Đến nơi, ông dừng ngựa phía trước, đi bộ vào.
Vừa đến hiên nhà, ông nghe tiếng rên gừ gừ bên trong. Ghé mắt nhìn sang, ông vô cùng kinh hãi khi thấy trong nhà là hai con hồ ly có bộ lông trắng muốt, đang gặm nham nhở bộ lòng bò còn tanh máu. Người vợ xinh đẹp của ông đang dùng tay thọc tiết một con lợn, máu bắn cả lên người. Bỗng cô ta đứng dậy, lấy tay tách da đầu ra, lột bộ da trên người xuống. Bên trong là lớp thịt bầy nhầy có cái đầu con hồ ly. Trên vách là bộ da của bà lão.
“Cô ta” quay sang nói với hai con hồ ly kia, chỉ cần ăn thêm ba mươi sáu con bò nữa là có thể chuyển hóa hoàn toàn thành người. Nghe đến đó, cả bọn lại cười lên những tràng như tiếng chồn kêu. Vị quan sợ hãi, lên ngựa chạy thẳng về thành, huy động quân lính lập tức bao vây toàn bộ chân núi. Bọn hồ ly đánh hơi được liền sợ hãi trốn vào rừng.
Vây mấy ngày mà vẫn chưa bắt được đám hồ ly, vị quan tức giận đốt rừng. Cả đám yêu tinh chết cháy. Trước khi chết, chúng chỉ rú lên những tiếng đầy oán giận. Cứ tưởng vậy là đã trừ xong ác nghiệp. Tuy nhiên sau đó, linh hồn bọn chúng liên tục đến quấy phá, làm cho mất mùa hạn hán và dịch bệnh liên tục xảy ra. Vị quan hết sức lo buồn, bèn mời một vị cao tăng ở Phú Xuân vào, bày thế trấn yểm linh hồn bọn hồ ly. Vị ấy chọn Hòn Chông Chênh, dùng quan tài thép, quấn xích sắt, đóng đinh tán giữa nắp rồi chôn chính giữa núi, xung quanh là các mộ cải táng của người khác.
Về sau, đúng là cuộc sống trở lại bình thường. Thế nhưng, vị quan kia bỗng hóa điên. Thế lực thành thị đó suy giảm nhanh chóng, gặp tặc phỉ liên miên. Sau này, người dân cũng tứ tán. Cả một vùng trù phú bỗng chốc hoang tàn đổ nát. Vách Ma Giấu là nơi dẫn vào Hòn Chông Chênh, hay chính xác là mộ của con hồ ly. Tuy bị trấn yểm, nhưng yêu khí lâu ngày đã hồi phục. Nghe đồn viên ngọc rết được đặt vào quan tài của nó. Điều đó đồng nghĩa với việc muốn lấy được ngọc rết phải tiêu diệt con hồ ly, bằng không sẽ là thả hổ về rừng. Chín Danh và chú tiểu trong chùa có ý ngăn cản bọn Hùng Thông có lẽ là vì lẽ ấy.
Chuyến đi lần này, đúng là bọn họ đã tận mục sở thị được những thứ vốn dĩ là truyền thuyết. Tuy nhiên, thực tình mà nói, hồ ly thì quá mức kỳ vọng của Hùng. Nửa phần anh lo sợ, nhưng cũng có nửa phần tò mò. Anh đâu biết rằng, sự tò mò hôm đó khiến anh hối hận rất nhiều. Kể xong, Hùng cũng hút hết điếu, bảo Thông xắn tay lên, chuẩn bị tìm ngọc rết. Cẩn thận hơn, anh đưa cho Thông một ít sả còn dư, đề phòng cu cậu lại bị ảo giác. Thông hỏi cả vách núi rộng lớn thế này, biết ngọc rết nằm ở chỗ nào. Hùng nhìn địa thế rồi nói:
– Vách núi đều đặn, cỏ cây xanh tốt như nhau, theo anh đoán, ngọc rết chỉ nằm đâu đó ở giữa chỗ này, như vậy mới cân bằng âm dương!
Cả hai leo qua một số tảng đá nhỏ, tiến đến sát chân vách. Gió lúc này nổi lên, vách núi kêu u u như tiếng khóc, không gian ngoài âm thanh đó thì tĩnh mịch hết sức. Bỗng đâu từ phía bên kia chân núi có tiếng bước chân. Cả hai soi đèn về phía đó nhưng chỉ có bóng tối và vách đá sừng sững, sau lưng phía chân bên kia lại vang lên tiếng bước chân lần nữa. Họ lại rọi đèn qua nhưng cũng như vậy, Hùng đã nắm chặt nanh trăn trong tay, Thông cũng sẵn sàng, anh nói:
– Mẹ nó, gặp sớm quá vậy đại ca?
Hùng quay sang nói chắc thần hồn nát thần tính thôi, bỗng Thông trợn mắt hỏi:
– Anh, ông Chín Danh có nói bọn hồ ly thích cầm đèn cầy không?