Những năm đi sơ tán về miền quê Sơn Tây mạn gần Phú Thọ, nhà nào cũng trồng chuối nên má tôi chỉ cần hỏi xin là được cả ôm những tàu chuối to và đẹp, thoải mái rọc lá xé lá mà không lo bị thiếu. Tôi còn nhớ mãi những lần má tôi gói bánh tét ở nơi sơ tán, bà con ở đó rất ngạc nhiên hỏi “vì sao bác ở miền Nam mà lại biết gói cái bánh tày quê cháu?”. Bà trả lời “tôi cũng chỉ biết ông bà dạy sao thì làm theo vậy”. Má tôi cũng ngạc nhiên không kém khi thấy những cái bánh chưng tày tròn dài như đòn bánh tét, chỉ khác là nhân bằng đậu xanh không đồ chín và không có cục mỡ, như vậy để được lâu hơn, bác chủ nhà nói vậy. Nhưng bánh tày để người trong nhà ăn, không để lên bàn thờ mà chỉ cúng bánh chưng vuông.
Sau này, tôi ra Hà Nội làm luận văn tốt nghiệp đại học đúng vào dịp Tết 1981, được Thầy Trần Quốc Vượng dẫn sang Cổ Loa ăn tết mùng Ba. Ở đây có lệ gói bánh chưng tày vào ngày mùng ba để tưởng nhớ vua Thục Phán An Dương Vương và cho con cháu về ăn Tết mang theo. Tôi bỗng nhớ đến chiếc bánh tày bánh tét thời sơ tán…
Đem chuyện hỏi thầy Vượng, thầy bảo: vùng cao và trung du người ta vẫn gói bánh tày đấy chứ. Bánh tày nhưng không có nghĩa là chỉ loại bánh của người Tày, mà còn có nghĩa là hai đầu của cái bánh tròn bằng (tày chứ không nhọn). Sau này mới “học” người Kinh gói bánh chưng vuông, nhưng bánh tày không mất đi mà “lặn” vào trong lễ hội truyền thống và những ngày lễ trong gia đình như cưới hỏi giỗ chạp…
Phải chăng, theo bước đường lưu lạc vào phương Nam xa xôi, từ nhiều thế kỷ trước lưu dân đã mang theo những chiếc bánh tày làm lương thực ăn dần… Để rồi mỗi dịp Xuân về Tết đến tưởng nhớ quê hương bằng việc gói những chiếc bánh được gọi chệch đi là Tết/Tét? Sự giống nhau của bánh tày và bánh tét do cùng nguồn gốc hay do hiện tượng đồng quy văn hóa thì cũng mang lại nhiều điều thú vị. Nghiên cứu lịch sử cần tìm hiểu thêm những hiện tượng văn hóa như thế, vì nó sẽ cho biết nhiều “sự thật” mà sử học bỏ qua không ghi chép hoặc không chú ý.
Từ khi về Sài Gòn, má tôi vẫn gói bánh tét, bánh ít, “để tết nhất con cháu biết mà làm”. Nhưng vài năm nay, má tôi không được khỏe nên nhà tôi không gói bánh tét nữa, dù hai chị em tôi gói bánh thành thạo, các con gái biết cột bánh rất khéo, vì cứ bàn việc gói bánh tét là bà lại lo lắng đủ chuyện đến mất ngủ, như ở thời bao cấp ngày xưa…
Bây giờ ít nhà tự gói bánh vì có nhiều dịch vụ tiện lợi, ăn uống no đủ hơn nên bánh chưng bánh tét giò chả đâu còn là đặc biệt dù ngày Tết vẫn không thể thiếu. Mà Sài Gòn cũng chỉ còn vài nơi bán lá dong lá chuối hay lạt tre, còn dây bằng cọng chuối thì hầu như không còn nhìn thấy… Vậy mà mỗi khi Tết gần kề tôi vẫn hay đi chợ tìm nơi bán lá chuối, mua một xấp lá về để trong bếp cho thấy lại cái mùi Tết hồi những năm còn xa quê…