[Truyện ngắn] Đông Dương kỳ bí – Kỳ 1: Dưới làn nước đục

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
[Truyện ngắn] Đông Dương kỳ bí – Kỳ 1: Dưới làn nước đục
Đông Dương kỳ bí

– Nội ơi, chở con ra coi đi.

– Có cái gì hay đâu mà coi, ăn cơm đi Giang.

Lão Bảy ôn tồn nói với đứa cháu. Hai ông cháu ngồi trên cù lao Thới Sơn nhìn về mé sông Rạch Gầm. Tiếng huyên náo vang lên ầm ĩ cả vùng. Kẻ vật vã than khóc, người gọi nhau í ới. Lão Bảy lắc đầu thở dài: 

– Lại có ai chết đuối rồi. Con nghe lời nội, đừng có ra sông chơi nếu nội đi vắng. Khổ, ba má mày mất sớm, không thôi nội cũng đâu có lo như vầy.

– Dạ.

Con Giang đáp mà ánh mắt nó cứ liếc nhìn về phía đám đông đằng xa. Lão Bảy gắp cho nó một miếng cá linh, giải thích:

– Không phải nội không muốn con ra sông. Dân miền Tây mình lớn lên với sông nước từ nhỏ, nó cũng tự nhiên như chim bay trên trời, cá lặn dưới biển. Nhưng giờ đang mùa nước nổi, khúc sông này lại nhiều xoáy, người lớn còn chết nữa con à. Chưa kể ma da nó kéo giò nữa.

– Ma da là gì ông nội?

_Ờ mấy người chết đuối oan ức. Kẻ tới số kéo người chưa tới số chết chung, dương gian gọi nôm na là cộng số. Vì không siêu thoát nên linh hồn quanh quẩn đáy sông dù thịt xương tan rã chỉ còn trơ lại đống da.

Con nhỏ nghe xong rùng mình. Nó liếc bờ nước mà không giấu được vẻ mặt khiếp sợ. Lão kể tiếp:

– Bọn ma da rình rập, chỉ chờ người ta sơ hở kéo giò và lôi xuống tận đáy sông. Khi nào giết đủ rồi nó sẽ trèo lên đầu cây ngọn cỏ, không còn ở dưới sông nước lạnh lẽo nữa. Hoặc nếu ai gây ra oán thù sâu nặng, nó cũng sẽ đi theo để đòi mạng.

Con Giang nghe tới đâu co rúm người tới đó. Ăn xong nó đứng dậy phủi đít chạy biến vào làng chơi với bọn trẻ con. Lão Bảy ngồi trên chiếc ghe, nheo mắt nhìn về phía sông Tiền. Từ độ Tây càn về, cuộc sống khó khăn quá. Năm nay cây trái cũng chết vì nước mặn. Nông dân bỏ quê ly tán càng lúc càng nhiều khiến cho công việc của lão cũng ảnh hưởng. 

Hơn nửa đời người đưa khách trên sông Tiền, chưa có khổ cực nào lão chèo ghe chưa nếm qua. Cha lão chết trên khúc sông này trong một lần say rượu, mẹ lão sau đó cũng đuối nước trên một khúc sông khác. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, lão lang thang khắp nơi xin ăn rồi ở đợ cho một nhà địa chủ. Ám ảnh với sông nước nên lão tự nhủ phải học bơi thật giỏi. 

Khi trưởng thành, với chút ít vốn liếng, chàng thanh niên Bảy dựng một chiếc chòi trên cù lao Thới Sơn rồi mua chiếc ghe chở khách mưu sinh. Tại đây chàng cũng quen bè và yêu thương một cô gái bán hàng ở chợ nổi Cái Bè. Hai người có với nhau ba đứa con. Rồi năm Thìn bão lụt tai ác kéo đến.

Đông Dương kỳ bí

Nam Kỳ vốn là Phật địa, không bao giờ có bão lụt tàn phá như các xứ thuộc địa khác. Ấy là sự bảo đảm của nên thịnh vượng chung cho xứ sở, cho mọi người, mà cũng là một hạnh phúc riêng cho các công ty xe lửa…” 

Đó là tuyên bố chắc nịch của một quan chức Sài Gòn năm Giáp Thìn 1904. Ngay hôm sau, Sài Gòn tưởng dông thường thôi, đến 5 giờ chiều mưa gió cực to, nhà bay nóc, dây điện bị xé, ngựa bứt dây cương chạy vì sợ, tàu ở Bến Nhà Rồng chìm đồng loạt. Toàn bộ các tỉnh Nam Kỳ đều dính không chừa một tỉnh nào hết. Nguyên hàng dừa do người Pháp trồng ở bãi Sau Vũng Tàu bị đốn ngã sạch sẽ do sóng thần cao gần 4m. Từ Kiên Giang đến Long An bão quật tơi bời, thây ma nổi lềnh bềnh trên sông Vàm Cỏ. 

Tháng ba, mười sáu lai niên, 
Cũng trùng một bữa, đậu tiền cúng chung” 

Lão Bảy nhớ đến đấy thì rơi nước mắt. Nặng nhất là ở Tiền Giang quê lão, chỗ Gò Công và Mỹ Tho, dân vẫn đang đánh cá và thu hoạch nông sản. Hôm đó là 16 tháng 3 âm lịch, dân làng Tân Bình Điền hồ hởi đi xem tuồng Quan Công dẫn 2 chị dâu tìm Lưu Bị. Đang tới lúc gay cấn thì nước lũ quét đến, không ai chạy kịp. Khi nước rút, người ta đi kiếm thân nhân thì thấy xác Tào Tháo, Quan Công mặt còn nguyên son phấn nằm vắt vẻo trên cây tre. Vợ và hai đứa con lão cũng chết sau đợt ấy, chỉ còn thằng cả đang đi làm mướn dưới miệt Đồng Tháp thì thoát. 

"Mỹ Tho, Cửa Tiểu ba đào, 

Bến Tre, Cần Giuộc, Vũng Tàu, Đồng Tranh. 

Cần Giờ, Bà Rịa chung quanh, 

Thảy đều hư hại đành rành chẳng sai.  

Vĩnh Long, Sa Đéc một vài, 

Cần Thơ cây ngã, lầu đài vô can"

"Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc 

Gió nào độc bằng gió Gò Công 

Một trận đông phong xiêu vợ lạc chồng 

Em nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi" 

"Mới hay chết hết mẹ cha, 

Kẻ đi tìm vợ người thời tìm con. 

Chẳng biết ai mất ai còn 

Phen này thịt nát xương mòn trời ôi"

Giờ đây khi đang chống sào đợi khách, nhìn mặt nước phẳng lặng kia mà ký ức hãi hùng năm đó vẫn dội về như mới hôm qua. Biết bao nhiêu con người đã trở thành ma da dưới đáy sông. Đâu có ai siêu thoát được. Đâu có ai biết mình sẽ về âm tào địa phủ trong cái ngày định mệnh kia. 

Bão ít khi đổ bộ vào miền Nam nhưng mỗi lần tới là thiệt hại nặng vô cùng do dân Nam chưa có kinh nghiệm về sức công phá của bão, một trong những thiên tai nguy hiểm nhất. Riêng năm Giáp Thìn đó, 3000 người Sài Gòn đã tử nạn. Đốt điếu thuốc, lão lẩm bẩm:

– Đợi con Giang lớn chút nữa rồi mình dạy nó bơi. 

Con cháu đó là thứ quý giá nhất còn sót lại với lão. Cha nó tuy thoát qua đợt bão năm Giáp Thìn, nhưng cũng treo cổ tự tử khi thua cờ bạc, khiến mẹ nó bỏ đi để trốn nợ. Trời đã ngả về chiều, lão thấy hơi đói. Hôm nay ế quá, cứ thế này mãi không ổn. Lão lục trong túi ra một chiếc nhẫn bạc nạm ngọc rất đẹp. Định bụng tặng cho con Giang nhân sinh nhật nó, nhưng mà chắc phải bán đi mất. Kỷ niệm thì cũng vui đấy, mà cái bụng no đủ vẫn quan trọng hơn. Đang mân mê chiếc nhẫn thì lão nghe tiếng gọi. Nhìn sang bờ bên kia thì thấy có người vẫy tay.

Đông Dương kỳ bí

– À, hôm nay ấm rồi. Chờ mãi mới có khách.

Lão cười, mấy nếp nhăn trên khóe mắt xô lại với nhau trông vừa vui mừng vừa khắc khổ. Tiện tay xỏ chiếc nhẫn, lão chống sào đẩy ghe ra giữa dòng, hướng về phía người khách. Một người đàn ông trẻ tuổi đeo kính, vận Âu phục, khoác áo măng tô, chiếc đồng hồ Thụy Sĩ sáng lấp lánh càng làm tôn thêm vẻ sang trọng. Bên bờ sông nhiều sình lầy, lão Bảy đưa tay ra đỡ để không làm bẩn đôi giày da láng coóng của ông khách. Người khách sau khi yên vị, liền nói:

– Qua bờ kia hết bao nhiêu bác?

– Dạ, ông muốn đưa bao nhiêu thì đưa. Tui chèo đò ở khúc sông này chủ yếu sống nhờ lòng hảo tâm của hành khách.

Người khách gật đầu:

– Được rồi, bây giờ mặt trời chưa tắt hẳn. Bác chở tôi dạo một vòng sông Tiền rồi tôi đưa thêm. Tôi có công việc đi từ Cần Thơ lên Sài Gòn, tối nay chắc ngủ lại Mỹ Tho một bữa.

Người khách lấy trong túi quần ra một xấp tiền đưa cho lão Bảy. Lão choáng váng, chưa bao giờ lão chở khách nào chơi sộp đến thế. Lão nuốt nước bọt, miệng khô đắng. Số tiền này đủ để hai ông cháu ăn cả vài tháng chứ không chơi.

– Bác chèo đò ở đây lâu chưa?

– Chắc nửa đời rồi cậu ạ. Hồi xưa tui đi ở đợ, góp được chút tiền mới mua ghe chở khách kiếm tiền nuôi cháu.

– Ồ bác có cháu à?

– Dạ, con nhỏ kháu khỉnh lắm. Ba mẹ nó mất hết, giờ nó còn mình tui thôi. Hôm nào đông khách thì ông cháu no bụng. Ế quá thì lại ra sông bắt cá thôi.

Lão Bảy bộc bạch, người khách gật đầu ra chiều thông cảm:

– Dạo này làm ăn khó khăn quá. Tôi cũng có chuyến công cán dưới miền Tây mà không biết ra cơm cháo gì không nữa. À tôi tên Lộc, chủ một hiệu buôn đồ cổ ở Sài Gòn.

– Chu cha, hèn gì ăn mặc bảnh quá ta.

– Tôi làm ăn khấm khá nên ngoài quần áo cũng có trang sức nữa. Chiếc nhẫn trên tay bác đẹp thật.

Lộc trầm trồ, lão Bảy sốt sắng:

– Của gia truyền nhà tui. Nếu cậu thấy thích tui có thể bán để lo cho cháu nó.

– Đâu, đưa tôi xem.

– Dạ đây.

Lão Bảy tháo chiếc nhẫn trao cho Lộc. Vị doanh nhân cầm lên ngắm nghía, mân mê một hồi rồi kết luận:

– Bạc thật, ngọc cũng thật, đồ độc bản được chế tác thủ công. Cái này giá cao lắm, cả gia tài chứ không ít.

– Ồ thế à?

Lão Bảy biết chiếc nhẫn quý nhưng không rõ thế nào. Nay nghe Lộc nói như vậy thì mừng như mở cờ trong bụng. Ông khách sộp này dám sẽ chịu chi lắm. Lộc mỉm cười:

– Tôi lấy.

Lão không giấu được vẻ phấn khởi, đôi mắt hấp háy nhìn Lộc đưa tay vào áo măng tô. Hẳn trong đó phải chứa đầy bạc Đông Dương. Nào ngờ Lộc rút ra khẩu súng lục Browning từ trong áo ra chĩa vào lão, ra lệnh:

– Bỏ mái chèo xuống, đưa hai tay lên đầu.

Đông Dương kỳ bí

Trong lúc bất ngờ, lão Bảy ú ớ không biết nên làm gì. Lộc lạnh lùng bắn một phát đanh gọn. Viên đạn sượt qua tay lão đáp xuống mặt nước, tạo nên một gợn sóng nhỏ. “Chết rồi, gặp cướp rồi”. Lão trộm nghĩ. Mồ hôi lạnh bắt đầu rịn xuống trán. Nòng súng vẫn hướng về lão gia tội nghiệp, gã khách rít lên:

– Nếu không trả lời trung thực câu hỏi này, tôi cho lão bỏ xác dưới sông.

Lão đưa hay tay lên, gật gật đầu. Lúc này đôi mắt Lộc đầy những tia sát khí, gã đưa một tấm ảnh lên:

– Lão nhận ra người này không?

Gió sớm thu rờn rợn nước sông, lay động bức ảnh đen trắng họa một người con gái xinh đẹp. Cô mặc áo dài đỏ, tóc búi cao lộ phần gáy trắng nõn nà trông rất đài các. Lão thấy miệng đắng chát, lắc đầu:

– Cô này lạ quá cậu ơi. Tui chưa gặp bao giờ hết.

Lộc lại bắn thêm một phát nữa, hậm hực:

– Lão nói thật đi, cái nhẫn lão lấy ở đâu?

_Cậu… cậu là ai?

– Tôi là người tặng cô ấy chiếc nhẫn kia! Chiếc nhẫn tôi tự tay làm riêng cho vợ chưa cưới, còn khắc tên tôi rành rành trong đó.

Lộc quát lớn. Lão bủn rủn cả chân tay. Trong một phút bất cẩn, lão đã bại lộ. Sao mà lão không nhận ra cô gái đó được. Cô bước xuống ghe của lão vào một buổi chiều, nhờ chở qua sông để về Cần Thơ. Chính lão đã bổ cả mái chèo lên chiếc cổ trắng ngần đó rồi vứt cô ta xuống xoáy nước. Thực tình lão với cô gái không thù không oán. Chỉ trách hôm đó cô lại mang theo nhiều của như vậy. Chỉ trách chiếc nhẫn đẹp quá. 

– Mong cậu tha lỗi tại tôi nghèo quá. Túng quẫn nên mới phải làm vậy….

– Nghèo là được phép giết người? Nghèo là được phép tước đoạt mạng sống người khác? Khi lão xuống tay với hôn thê tôi, lão có nghĩ bao nhiêu người sẽ đau lòng không? 

– Tôi xin cậu. Tôi sẽ làm trâu ngựa cho cậu, mong cậu bỏ qua để tôi được nuôi con nhỏ khôn lớn.

Lão khẩn khoản van nài. Lộc lừ mắt, tay hươ hươ khẩu súng:

– Không ai có quyền hủy hoại hạnh phúc của người khác để đổi lấy hạnh phúc của mình được. Từ khi nàng mất tích, suốt một tháng nay tôi sống mà như đã chết. Tôi mặc kệ công việc làm ăn, cứ lang thang khắp Nam Kỳ lục tỉnh kiếm nàng. 

– Nhưng… nhưng sao cậu biết mà xuống đây?

– Tình cờ đọc báo phát hiện ra liên tiếp nhiều tháng nay dưới miệt Mỹ Tho có nhiều người chết đuối, tôi có linh cảm nên mới bắt xe đò xuống tìm hiểu. Mấy ngày miệt mài bên sông Tiền không uổng phí. Tưởng sắp bỏ cuộc ai ngờ lại tìm thấy kẻ thủ ác ngay tại đây. Lão đã giết quá nhiều người rồi, đây là lúc đền tội. 

Lộc lên đạn nghe đánh “cạch” một tiếng khô khốc rồi nói tiếp:

– Với cái bộ dạng khắc khổ này, chẳng trách không ai nghi ngờ lão mà cứ cho là do tai nạn. Chỉ cảnh báo khách cẩn thận khi qua sông thôi. Quay thuyền vào bờ. Tôi không phải sát nhân. Khám lớn Sài Gòn đang chờ lão. 

– Là cậu ép chứ tui không muốn.

Đột ngột chiếc ghe chao đảo rồi lật úp. Cả lão Bảy và Lộc rơi xuống nước, khẩu súng văng ra chìm nghỉm. Lộc ngoi ngóp bơi lên thì bị một lực nhấn xuống nước. Lão Bảy đang cố gắng trấn nước để giết người diệt khẩu. Lão đã lớn tuổi nhưng là dân quen nghề sông nước, biết lựa thế ghì chặt. Hai cánh tay của lão siết ngang cổ họng Lộc, đôi chân quặp lại như con rắn quấn quanh chiếc trụ. Khúc sông này thật sự hoàn hảo để thực hiện hành vi sát nhân, lão đã tính toán rất kỹ. Ngoài phù sa đục ngầu, hai bên lại vắng vẻ, cây cối um tùm.

– Buông ra…!!!

Bong bóng thoát ra từ miệng Lộc, nhưng lão Bảy không quan tâm. Khi bị dồn đến đường cùng thì đừng nói gì đạo lý, đến cả nhân tính cũng không còn. Ban đầu lão còn run khi giết người, nhưng tới lúc quen tay thì mọi chuyện lại đơn giản. Lão buộc phải cho Lộc im lặng vĩnh viễn dưới lòng sông, mang theo bí mật này chôn vùi mãi mãi. Thà chết chứ không vào khám lớn Sài Gòn, một nơi chỉ nghe tên cũng thấy ớn lạnh. Xong việc, lão sẽ dẫn con Giang cao chạy xa bay, không trở lại nơi này nữa. Lồng ngực Lộc căng tức như muốn nổ tung ra, cảm thấy mình rơi dần vào ảo giác. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, anh lờ mờ nhìn thấy gương mặt thân thương của người vợ đã khuất.

– Anh đến gặp em đây.

Đông Dương kỳ bí

Thế nhưng dường như đó không phải ảo giác. Lão Bảy kinh dị nhìn vạt áo dài đỏ thấp thoáng trong làn nước sẫm màu. Hình hài đó trôi bồng bềnh như khói như sương. Rồi đột ngột nó mở mắt, đôi mắt trắng đục của người chết lâu ngày nhìn xoáy sâu vào lão già. 

– Đừng, đừng!

Lão Bảy rên thầm rồi buông Lộc ra, tìm cách bỏ trốn. Bóng ma bất động một lúc rồi trườn theo và biến mất sau làn nước đục ngầu. Bấy giờ lão Bảy đã ngoi lên được mặt nước. Bỗng một cánh tay lở loét vươn ra chụp lấy giò lão. Bàn tay trơn nhớt như da bị bủng lâu ngày nắm lấy chặt cổ chân như gọng kìm. Lão giãy giụa, bọt nước đập ầm ầm, nỗ lực níu kéo cơ hội sống sót mong manh. Bằng một cú giật sau chót, con ma da kéo lão chìm sâu xuống đáy nước thăm thẳm. Mọi thứ chìm vào im lặng, chỉ nghe tiếng gió thổi u u. Bấy giờ ánh trăng đã treo cao trên đầu, Lộc sải tay bơi vào bờ.

Sáng hôm sau, người dân xúm lại đen đỏ, chỉ trỏ bàn tán. Xác lão chèo ghe nằm trên bãi bồi, hai tay giang ra, đôi mắt mở to trừng trừng. Cũng như mọi lần, người ta đều cho rằng đây là một vụ chết đuối khác. Đứng lẫn trong đám đông hiếu kỳ, Lộc thấy một bé gái ôm xác ông lão chèo ghe kêu khóc thảm thiết. Ai cũng lắc đầu thương cảm sao số con nhỏ bất hạnh quá nhưng chẳng ai biết phải làm sao. Thời buổi đói kém này, thêm một miệng ăn là thêm một gánh nặng. 

– Nội ơi, sao nội bỏ con nội ơi!!!!

Bỗng ít ngày tới có xe từ Sài Gòn xuống, Lộc đã thu xếp với chính quyền làm thủ tục nhận nuôi em nhỏ mồ côi. Bé Giang rời khỏi nơi chôn rau cắt rốn của nó, để đến một nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bên bờ sông Tiền, lễ thủy lục trai đàn diễn ra. Giữa tiếng chuông mõ kêu la vang dội, hàng cờ phướn bay phần phật trong gió như vong linh siêu thoát về trời…

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế dàn trang : Nhím

Đông Dương kỳ bí
Share