Nhiều nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật nước ngoài quan niệm rằng khí hậu và điều kiện kinh tế của các nước Đông Nam Á cổ xưa không cho phép áo giáp phát triển. Thực tế, đây có lẽ là vùng có nền văn hóa giáp trụ đa dạng và có bề dày thuộc hàng nhất châu lục, với thiên biến vạn hóa các loại vật liệu như đồng, sắt, da thú, da cá, mây trúc, sừng… và thiết kế khác nhau.
Những hiện vật giáp trụ sớm nhất trong khu vực có lẽ là những tấm hộ tâm bằng đồng của văn hóa Đông Sơn, cách nay 2300 năm đến 1700 năm. Vào thế kỷ thứ 5, vua nước Lâm Ấp (Chăm Pa) là Phạm Dương Mại đã trang bị áo giáp cho voi chiến để cự nhau với tướng nhà Lưu Tống (Trung Quốc) là Đàn Hòa Chi. Như vậy, trên bán đảo Đông Dương đã có truyền thống sử dụng áo giáp cho người và thú từ rất sớm.
Hộ tâm phiến Đông Sơn
Những bích họa và phù điêu nửa đầu thiên niên kỷ thứ hai trong khu vực thể hiện rất nhiều dạng giáp trụ. Chẳng hạn các phù điêu ở Angkor Wat cho thấy binh sĩ đế quốc Khmer và Champa trang bị những loại giáp xích sắt, giáp tấm, giáp vảy, giáp vải… hoặc binh sĩ đế quốc Ava (Myanmar) mang trên mình những bộ giáp lamellar (dạng tầng, lớp) hoặc vảy.
Áo giáp xích sắt, vảy, vải (?) của binh sĩ Chăm Pa trên phù điêu Angkor Wat
Những hiện vật giáp trụ của Đông Nam Á còn lại đến nay đều là từ thế kỷ 19 – 20, nhưng chúng không kém đi sự đa dạng. Dường như mỗi nước hay hòn đảo lại có những dạng áo giáp riêng biệt mà không đâu khác có. Đơn giản nhất là áo giáp cung thủ của người Shan ở Myanmar: Chỉ là những tấm da trâu được sơn vẽ và đeo vào ngực bên trái (bên cầm cung, và cũng là bên quay về phía địch).
Người bộ tộc Nias ở đảo Sumatra lại có dạng áo giáp bằng sắt gò, hình dáng như chiếc áo jacket, mở ở giữa, gọi là Baru Oroba.
Áo giáp sắt của người Nias
Dưới sự ảnh hưởng của Hồi giáo, các tiểu quốc ở Malaysia và Indonesia du nhập kiểu áo giáp xích sắt từ Trung Đông, với tên gọi là Baju Besi hoặc Baju Rantai. Đây là kiểu áo giáp có độ bảo vệ cao, nhưng chế tác lại cũng rất cầu kỳ. Mỗi tấm áo giáp có thể gồm hàng ngàn đến hàng vạn mắt xích.
Áo giáp xích sắt của bang Kelantan, Malaysia
Dân vùng này và người Moro ở Philippines còn sáng tạo ra kiểu áo giáp kết hợp giữa xích sắt và các tấm sắt, đồng hoặc sừng trâu. Thân áo gồm những tấm rời, nối với nhau bằng xích sắt, nên vừa linh hoạt, lại không để hở chỗ nào trên thân. Kiểu áo giáp này cũng phổ biến ở Trung Đông, Trung Á và Đông Âu, nhưng những phiến sừng trâu là điểm đặc sắc của Đông Nam Á
Áo giáp kết hợp giữa phiến đồng và xích sắt của bang Sarawak, Malaysia
Một dạng áo giáp cổ xưa hơn là kiểu áo giáp vảy. Các dân tộc Đông Nam Á đã sử dụng vảy cá, vảy tê tê, thậm chí vỏ cây để chế tạo kiểu áo giáp và mũ trụ đó. Tuy nhiên hình dáng áo cụ thể thì mỗi vùng lại khác nhau.
Áo giáp và mũ trụ bằng vảy tê tê của người Moro
Một dạng áo giáp đặc sắc khác là áo giáp vải. Nhiều lớp vải bông may chập lại có thể tạo nên một lớp phòng ngự đủ dày để chống được các nhát chém hay tên yếu. Để giữ cho các lớp vải không xô lệch, toàn tấm áo có những đường khâu chạy ngang dọc như bàn cờ. Các chiến binh đảo Mindanao đã mặc loại áo giáp này để hộ thân trên chiến trường, bất chấp khí hậu nhiệt đới. Họ còn sử dụng nhiều loại vải màu sắc khác nhau để tạo ra một bộ áo giáp nhiều màu sắc đẹp mắt.
Mây, trúc cũng là một vật liệu đủ bền để chế tạo áo giáp. Sử liệu Trung Quốc chép lại người Lâm Ấp đã sử dụng áo giáp mây từ thiên niên kỷ thứ nhất. Đến tận thế kỷ 19, người Khmer và Thái Lan vẫn duy trì các loại mũ chiến, áo giáp và khiên đan bằng mây. Loại mây được sử dụng có sợi rất mảnh nhưng bền, và mỗi tấm áo/khiên được đan ken đặc để không có mũi tên, ngọn giáo nào có thể xuyên qua được kẽ hở. Sau khi đan, áo/khiên được nhúng vào dầu hoặc quết sơn để làm cứng và bảo vệ khỏi ẩm mốc, mối mọt, đồng thời tô điểm cho chiếc áo/khiên một bề mặt bóng nhẵn hoặc những màu sắc đẹp mắt.
Mũ chiến đan bằng mây của Cambodia, thế kỷ XIX
Những ví dụ kể trên chưa bao gồm Việt Nam với những kiểu áo giáp mang ảnh hưởng từ Trung Quốc. Tổng thể lại, ta thấy một bức tranh rực rỡ về giáp trụ Đông Nam Á, với bề dày, màu sắc đặc trưng và ảnh hưởng từ rất nhiều các nền văn hóa ngoại lai. Những yếu tố như khí hậu, trình độ phát triển rõ ràng không phải là rào cản các dân tộc trong khu vực trong việc sáng chế và sử dụng các loại giáp trụ. Mỗi bộ áo giáp lại là một công trình kỳ công về trình độ chế tác và sự tỉ mẩn. Đáng tiếc là trong giới sưu tầm cổ vật thế giới, chúng lại chưa có được sự quan tâm xứng đáng.