Cung phức hợp sừng – gỗ (composite) là loại cung được chế tạo từ các lớp gỗ, sừng và gân dán lại với nhau. Tên phức hợp để phân biệt với loại cung được cấu tạo tương tự nhưng hoàn toàn từ các lớp gỗ (laminated). Cung phức hợp được coi là vũ khí tối thượng của các dân tộc du mục trên thảo nguyên, nhưng thực ra địa bàn sử dụng chúng bao trùm hầu hết Cựu thế giới, bao gồm cả những dân tộc định canh, định cư, trong đó có Việt Nam. Lịch sử của cung phức hợp cũng kéo dài hàng ngàn năm, từ thời Đồ Đá Mới cho tới thế kỷ 19.
Các loại cung Mãn Thanh (trên cùng), Thổ Nhĩ Kỳ (giữa, bên trái), Triều Tiên (giữa, bên phải) và Mughal (dưới). Tuy kích thước và hình dáng khác nhau, chúng đều là cung phức hợp sừng - gỗ, thiết kế cho những mục tiêu khác nhau.
Ngay từ thời Đồ Đá Mới, loài người đã hiểu rằng nếu dán một lớp sừng ra ngoài cánh cung gỗ, thì lực đàn hồi sẽ mạnh hơn rất nhiều, và cánh cung cũng chống gãy tốt hơn hẳn. Đó là bởi lớp sừng ở ngoài chịu kéo giãn tốt hơn hẳn gỗ, trong khi lớp gỗ bên trong chịu nén tốt hơn. Một lớp gân động vật bên ngoài lớp sừng nữa càng tăng cường độ bền của nó. Kết hợp ưu thế của ba loại chất liệu, người ta có thể chế tạo được những cây cung có lực kéo rất mạnh mà không cần phải làm cánh cung dài để chống gãy như trường cung Anh.
Gỗ và sừng trâu để chế tạo cánh cung
Để tăng hiệu suất tích trữ năng lượng của cánh cung, nghệ nhân thường chế chúng theo dạng giác cung phản trương – khi căng dây, cung thủ uốn ngược hướng chiều cong tự nhiên của cánh cung. Như vậy, ngay cả khi chưa kéo dây, cánh cung đã có xu hướng bật ngược trở lại.
Cánh cung phức hợp khi căng dây (trên) và khi bỏ dây (dưới)
Những cây cung phức hợp được thể hiện sớm nhất trong nghệ thuật nhân loại là loại cung “tam giác” của các nền văn minh cổ đại Trung Đông như Akkadia, Ai Cập, Assyria. Khi căng dây, hai cánh cung và dây cung tạo nên một tam giác cân, bởi vậy các nhà nghiên cứu hiện đại đã đặt cho loại cung này cái tên như vậy. Cấu tạo của chúng hãy còn khá đơn giản. Tuy nhiên, ưu điểm của chúng là đủ ngắn để tiện dụng trên chiến xa, nhưng vẫn đủ uy lực, như cây cung của pharaoh Ramesses II có khả năng “xuyên vài tấm đồng một lúc”.
Cung “tam giác” của Ai Cập cổ đại khi chưa căng dây (trên) và đã căng dây (dưới)
Vua Akkadia Naram Sin với cây cung “tam giác” trên phù điêu. Kích thước cây cung rất nhỏ gọn.
Các nền văn minh kế thừa như Hán, La Mã, Parthia… cải tiến cây cung tam giác bằng cách gắn các thanh gỗ hoặc xương cứng, không uốn vào cuối hai cánh cung, gọi là ngọn cung. Phần ngọn này đóng vai trò là đòn bẩy, phóng mũi tên đi với lực lớn hơn nhiều. Ngọn cung có rất nhiều kích thước, chiều dài và vật liệu. Ngọn dài có thể khuếch đại lực để tăng gia tốc cho những mũi tên nặng. Ngọn ngắn để giảm bớt khối lượng của chính chúng nhằm đẩy những mũi tên nhẹ đi thật nhanh. Thậm chí người Huns còn sử dụng ngọn bất đối xứng – ngọn trên dài, ngọn dưới nhỏ – dành cho mục đích chưa xác định được.
Tuy nhiên, thiết kế này đủ ưu việt để đế quốc La Mã thu nạp và trang bị cho các legion của họ. Dẫu vậy, điểm chung của các loại cung này là dây cung chỉ tiếp xúc với điểm duy nhất là phần cuối của ngọn, do ngọn hướng về phía người bắn.
Cung thời Hán- Tấn với phần ngọn bằng gỗ cứng không uốn
Cung thời Tống với ngọn tương tự thời Hán - Tấn
Cung bất đối xứng của người Huns được binh sĩ La Mã du nhập
Vào thế kỷ 12 hoặc 13, người Mông Cổ lại cải tiến cây cung với một sáng tạo quan trọng: Ngọn hướng về phía mục tiêu. Với thiết kế đó, ngọn có xu hướng bật về phía trước mạnh hơn hẳn so với ngọn hướng ngược lại. Sau thời kỳ đế quốc Nguyên Mông, hầu như cung phức hợp của các nước đều chuyển sang sử dụng ngọn hướng trước, từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Triều Tiên, từ Nga đến Ấn Độ. Khác biệt chỉ nằm ở kích thước và chất liệu.
Hiện vật và phỏng dựng hai cây cung cùng thời kỳ đế quốc Mông Cổ: một có ngọn hướng về sau và một có ngọn hướng về trước.
Phỏng dựng cung Caagan Chad thời kỳ Nguyên Mông bởi Nanashi Bow, với ngọn dần hướng về phía trước
Cung Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ XIX với ngọn hướng về phía trước.
Việt Nam cũng là nước có truyền thống chế tạo và sử dụng cung phức hợp. Các sử liệu như Lê Triều Hội Điển, Nam Chân Tạp Ký hay Đại Nam Quấc Âm Tự Vị… đều nhắc tới “giác cung”- cung sừng của Việt Nam. Chẳng hạn, Lê Triều Hội Điển liệt kê thợ chế Cung Sừng “Xuân Nguyệt” là thành viên của Công Bộ thời Lê. Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Cambodia… đều có những phiên bản cung phức hợp của riêng mình.
Cung sừng Java khi chưa căng dây
Như vậy, cây cung phức hợp không phải độc quyền của những kỵ sĩ du mục, mà là một di sản chung của nhân loại trong hàng ngàn năm lịch sử. Dáng hình cây cung cũng biến đổi liên tục qua rất nhiều thời đại và vùng địa lý, và là minh chứng cho trí tuệ và bàn tay của bao thế hệ nghệ nhân. Bởi vậy, chúng xứng đáng được là xếp hàng trong những kho báu vật thể của nhân loại.