Thổ Nhĩ Kỳ: Trung tâm thiên hạ

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Thổ Nhĩ Kỳ: Trung tâm thiên hạ
Thổ Nhĩ Kỳ là điểm cuối cùng trên con đường tơ lụa ngày xưa. Khi một quốc gia được đặt ở vị trí giao điểm giữa châu Âu và châu Á, bản thân nó đã vô cùng quan trọng.

Trung tâm của thế giới

Nếu cả thế gian này là một đất nước thống nhất, kinh đô của nó chắc chắn nằm tại Istanbul.

Napoleon Bonaparte

Không phải đơn giản mà Napoleon Bonaparte, một người cực kỳ am hiểu lịch sử, đã phán như vậy. Constantinople, được mệnh danh Nữ hoàng của các thành phố, nơi giao thoa giữa hai châu lục, hai tôn giáo, và ba đế chế vĩ đại. Người Hy Lạp gọi nó là thành phố Thần thánh, người Thổ gọi nó là Người mẹ của thế giới, và người Ba Tư gọi nó là Cánh cổng dẫn lối đến hạnh phúc vĩnh cửu.

Đế quốc Tây La Mã diệt vong vào năm 476 nhưng đó chưa phải là kết thúc. Nửa còn lại của nó trở thành đế quốc Đông La Mã và tồn tại huy hoàng hơn 1000 năm tiếp theo. Kinh đô Constantinople – hay còn mệnh danh là Rome thứ Hai – nằm trong số những thành phố giàu đẹp nhất thế giới và cũng là trung tâm lớn của Kitô giáo. Thành phố được một bức trường thành kiên cố bảo vệ. Bên phải là vịnh Sừng Vàng, một eo biển hẹp có thể chăng dây xích để ngăn thuyền địch lọt vào trong uy hiếp kinh đô.

Với hệ thống phòng thủ như thế, đô thành Constantinople đã đứng vững suốt một thiên niên kỷ, trừ lần hiếm hoi trong cuộc Thập tự chinh thứ Tư. Sau cùng, đế quốc Ottoman do người Thổ sáng lập mới là kẻ kết liễu được đế quốc La Mã vĩ đại và đây là sự kiện bi tráng luôn được nhắc đi nhắc lại như bước ngoặt của lịch sử thế giới. Từ đây, Constantinople trở thành kinh đô Istanbul của người Thổ.

Khi thay thế Đông La Mã, người Thổ đồng thời cũng chiếm luôn được địa lợi cửa ngõ Á – Âu.  Bây giờ phương Tây ngán Nga, chứ ngày xưa Ông Kẹ thật sự của họ là đế quốc Ottoman. Đối với người châu Âu, Thổ như hiện thân của ngày tận thế. Ottoman là một đại cường quốc Hồi giáo đã xâm nhập vào tận lục địa châu Âu. Người Thổ đắc chí vì chính họ mới là kẻ tiêu diệt La Mã sau hàng ngàn năm đế chế này tồn tại nên xứng đáng kế thừa La Mã. 

Từ vị trí thuận lợi của mình, Ottoman không ít lần xuất quân tràn qua châu Âu và châu Phi, khiến bao quốc gia điêu đứng. Nằm ở trung tâm thiên hạ, họ nghiễm nhiên có được đặc quyền đó. Peter Đại đế nước Nga không giấu được sự thèm muốn:

Tiếp cận càng gần Constantinople và Ấn Độ càng tốt. Bất cứ kẻ nào nắm quyền cai trị ở đó sẽ là bá chủ thực sự của thế giới.

Peter Đại Đế

 Tên cai ngục của địa lý

Sau Thế chiến thứ Nhất, Ottoman tan tành xác pháo. Trên tử thi của đế quốc già cỗi ấy, những quốc gia mới lần lượt chào đời. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia kế tục Ottoman – vẫn giữ được cho mình địa lợi là điểm giao giữa hai châu lục Á – Âu. Sự tuyệt vời của nơi đó vẫn còn vẹn nguyên. Nhờ vị trí cực đẹp, nằm ở nơi rất trọng yếu, nên kẻ nào cũng muốn lôi kéo Thổ về phe mình. Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) là một con gà Tây, nhưng con gà Tây này mổ rất đau.
Thổ Nhĩ Kỳ trước Thế chiến thứ Nhất.
Thổ Nhĩ Kỳ sau Thế chiến thứ Nhất.
Nói về tầm quan trọng của Thổ với Âu Mỹ, ta có thể lấy ví dụ ngay vào thời Chiến tranh Lạnh. Năm 1961, Mỹ đặt tên lửa ở Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ những vị trí này, tên lửa đủ sức bắn tan nát thủ đô Nga. Thế là sang năm 1962, Nga âm thầm đặt tên lửa ở Cuba để chiếu tướng lại. Với tầm bắn quá gần, nếu xảy ra chiến tranh, chỉ trong vòng 5 phút là toàn bộ bờ Đông nước Mỹ tan hoang. Xém tí nữa là rất nhiều người đăng xuất khỏi Trái Đất và chúng ta cũng đang sống trong thời hậu tận thế.
Thổ là thành viên NATO, đồng minh với Anh, Pháp, Đức, Mỹ nhưng Thổ cũng ý thức được mức độ quan trọng của mình nên không ngán ai cả. Ví dụ đòi dẹp cơ chế 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Với đồng minh đã vậy, còn với địch thủ của NATO là Nga thì sao?
Nga là nước luôn phải để ý đến thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu ví Biển Đen là một nhà tù, thì Thổ Nhĩ Kỳ là tên cai ngục. Các chiến thuyền Nga muốn ra ngoài Đại Tây Dương, họ phải trải qua một hành trình dài đằng đẵng mà điểm đầu tiên là phải đi ngang eo biển của Thổ. Giả sử Nga và Thổ cơm không lành, canh không ngọt, hạm đội Biển Đen của Nga coi như chết cứng. Tên cai ngục sẽ lấy chìa khóa cổng và thế là hết.
Do khác biệt rất lớn về sắc tộc và tôn giáo, cho nên mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đòi gia nhập EU nhưng châu Âu không đồng ý (chỉ cho đá banh chung thôi). 

Còn với châu Á, nơi có vùng Trung Đông kề cận với Thổ nhất, ta thấy gì? Một bối cảnh cho phiên bản Hồi giáo của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa với ba cường quốc:

– Thổ Nhĩ Kỳ: Sắc tộc Thổ, Hồi giáo Sunni.
– Iran: Sắc tộc Ba Tư, Hồi giáo Shia.
– Ả Rập Saudi: Sắc tộc Ả Rập, Hồi giáo Sunni.

Tuy nhiên, nhìn xa hơn, tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dừng ở Trung Đông. Chúng ta từng biết đến các thuật ngữ như chủ nghĩa Đại Hán hay Đại Nga, giờ ta nên biết thêm về chủ nghĩa Đại Thổ (Pan – Turkism). 

Sau khi Liên Xô tan rã, các nước Trung Á hướng về Thổ Nhĩ Kỳ như đối tác giao thương hàng đầu. Thổ Nhĩ Kỳ cũng thường xuyên gợi nhắc các nước Trung Á về lịch sử hào hùng của dân tộc Thổ. Họ không hề giấu diếm ý định trở thành một “minh chủ” của những nước nói tiếng Thổ.

Cán cân quyền lực của thế giới luôn thay đổi. Không một nước nào đứng trên đỉnh thế giới vĩnh viễn và chẳng ai dám chắc được tương lai sẽ như thế nào. Thổ Nhĩ Kỳ luôn tích cực chứng tỏ mình là kẻ nắm giữ vai trò địa chính trị then chốt mà không một nước nào có thể làm ngơ. Ánh hào quang của đế quốc Ottoman dù đã tắt hơn 1 thế kỷ, nhưng tham vọng của người Thổ thì không. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chờ đợi thời cơ để trỗi dậy xưng hùng xưng bá một lần nữa.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share