Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 5: Không chốn nương thân

Tác giả Wong Trần
Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 5: Không chốn nương thân

Lê Văn Hiểu trúng đạn vào vai trái, rơi xuống đất. Quân lính hộ vệ bên cạnh voi vội vàng đỡ ông ta dậy, nhắm hướng núi mà chạy trốn. Lúc bấy giờ trời đã là giờ Thân [khoảng 3 đến 5 giờ chiều]. Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến cũng từ Dinh Cầu đưa quân tới. Các quân thượng đạo và hạ đạo hội nhau tại Hẻm Nỏ. 

Sáng hôm sau, Nguyễn Hữu Tiến lại cho quân chia đường tiến lên. Chưởng cơ Xuân Sơn đưa quân quay lại Dinh Cầu. Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật truy kích xa về phía Bắc, tiến vào xã Lạc Xuyên Hạ ở phía Nam sông Rác. Trấn thủ dinh Bố Chính là Phù Dương đưa quân chiếm giữ Kỳ Quyết. Trấn thủ dinh Cũ là Tống Hữu Đại đem quân theo đường chân núi. Các đạo quân cùng tiến, tiếp tục truy tìm tung tích Lê Văn Hiểu.

Lại nói chuyện Lê Văn Hiểu sau khi bại trận, nghe theo mưu kế của Phó tướng Vinh Dương, tạm thời rút quân về Trại Ống để chấn chỉnh quân lực. Đông quận công Lê Hữu Đức cũng lui về xã Lạc Xuyên Hạ. Nhưng quân Nguyễn vẫn tiếp tục truy kích đến tận đây. Lê Văn Hiểu và Lê Hữu Đức rút tiếp về xã An Trường ở huyện Chân Lộc. Địa điểm đó tức là thành phố Vinh ngày nay. Thời Lê Trung Hưng cũng là một trọng trấn, gọi là Vĩnh Dinh. 

Tin tức về Lê Văn Hiểu được một người dân quê báo lại cho tướng Nguyễn là Tống Hữu Đại. Hữu Đại đem việc này trình cho Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến. Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật đề xuất tiến quân ra các xã Vĩnh Kiều, Vĩnh Lại để cắt đứt đường lui của Lê Văn Hiểu, đồng thời chiêu dụ người Bắc Hà theo về với mình. Nhưng Nguyễn Hữu Tiến thận trọng hơn. Ông chủ trương đem chiến sự báo cáo cho chúa Hiền, rồi chờ chỉ lệnh tiếp theo.

Chúa Hiền nhận được tin chiến thắng thì cả mừng, liền sai chức sự Văn Nghiêm ra Dinh Cầu khao thưởng các tướng sĩ. Chúa còn gửi mật lệnh cho các tướng, dặn dò tìm cách bắt cho được Lê Văn Hiểu. Ông còn gửi một mật thư khác căn dặn Nguyễn Hữu Dật vạch ra kế sách tiếp theo. Nguyễn Hữu Dật trao cho chức sự Văn Nghiêm cuốn sổ ghi tên các tướng Trịnh đầu hàng, kèm theo một tờ khải dâng lên cho chúa. Trong tờ khải, Nguyễn Hữu Dật đề xuất viết thư dụ hàng Lê Văn Hiểu, đồng thời xin chúa thu dùng, hậu đãi các hàng tướng Đàng Ngoài, và tha thuế cho dân chúng các vùng đã chiếm, để mua lòng người. Chúa Hiền cả mừng, bèn truyền lệnh đồng ý. Trong mật dụ cho Nguyễn Hữu Dật, chúa dặn dò ông “án binh chiêu vỗ, để đợi cơ hội, chớ nên khinh tiến”.

Vì quân Nguyễn án binh nên Lê Văn Hiểu và Lê Hữu Đức có cơ hội chỉnh đốn lực lượng. Một bộ phận quân Nguyễn vượt sông Rác kéo vào huyện Thạch Hà. Lê Văn Hiểu và Lê Hữu Đức bèn rời An Trường, dẫn quân Nam tiến, tới đóng ở xã Đại Nại huyện Thạch Hà. Ngày nay, chỗ đó là địa bàn thị xã Hà Tĩnh. Quân Trịnh dựa theo phía Bắc sông Rào Cái để làm phòng tuyến. Từ phía Nam sông Rào Cái tới phía Bắc sông Rác thành vùng đệm giữa hai quân Trịnh – Nguyễn.

Tình hình chiến sự trở nên yên tĩnh lại trong suốt tháng Năm. Nguyễn Hữu Dật nhân cơ hội này tung đòn du thuyết. Vốn là dưới trướng Lê Văn Hiểu có một bộ tướng tên là Triều Lãng. Anh trai Triều Lãng là Lộc Tiên lại đang làm việc cho Đàng Trong. Nguyễn Hữu Dật bèn soạn mật thư giao cho Lộc Tiên lẻn ra Đàng Ngoài, thông qua em trai để dâng thư cho Lê Văn Hiểu. Trong thư, Nguyễn Hữu Dật lên án chúa Trịnh “ngoài danh là bề tôi nhà Lê, bên trong thực là giặc nhà Lê”, đồng thời khuyên Lê Văn Hiểu đầu hàng chúa Nguyễn. 

Lê Văn Hiểu đọc thư mấy lần, rồi trợn mắt nạt nộ, còn toan bắt giải sứ giả về kinh đô. May có Phó tướng Triều Tô can gián. Lê Văn Hiểu chỉ đuổi Lộc Tiên và em trai y là Triều Lãng về Đàng Trong. 

Lê Văn Hiểu đã ở trong thế kẹt hai đầu. Ông từ khước lời chiêu dụ của Đàng Trong, còn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài cũng đã mất kiên nhẫn. Trong tháng Năm của năm Ất Mùi [1655], triều đình Lê Trịnh triệu hồi toàn bộ tướng lĩnh của hai doanh Tả Trấn quân và Hữu Trấn quân về kinh đô. Lê Văn Hiểu trong lúc chiến đấu, bị trúng đạn ở chân. Chưa đi tới kinh đô thì ông qua đời.

Phía Đàng Trong nhận cái chết của Lê Văn Hiểu là chiến công của Nguyễn Hữu Dật. Họ nói rằng Nguyễn Hữu Dật đã soạn một bức mật thư, sai gián điệp Nguyễn Văn Phương lẻn ra Đông Kinh. Văn Phương là con trai của Đô đốc Lễ quận công của Đàng Ngoài. Văn Phương ra đó, trước tiên tìm gặp em trai mình là Nguyễn Văn Tường, rồi đi yết kiến cha là quận Lễ, dâng thư của Nguyễn Hữu Dật. Trong thư, Nguyễn Hữu Dật kể tội Lê Văn Hiểu tự ý phát binh quấy rối Nam Hà, mới gây chuyện đao binh. Quận Lễ bèn đem thư tới trình Hộ bộ Thượng thư, Tả đô đốc Sùng quận công. Quận Sùng bèn vào tố với chúa Trịnh Tráng. Hôm đó là ngày 29 tháng Tư. Chúa Trịnh Tráng bèn sai sứ giả vào Nghệ An, triệu Lê Văn Hiểu về hỏi tội.

Lê Văn Hiểu mượn cớ chân bị thương, xin nghỉ lại dịch trạm một hôm. Đêm ấy, ông ngồi trên chiếc giường tre, ngửa mặt nhìn trời than thở:

– Ta thân làm biên tướng, nhiệm vụ rất nặng, trách nhiệm cũng lớn. Nay coi giữ Dinh Cầu, thành đã mất mà thân vẫn còn, chẳng phải là anh hùng vậy. Miễn cưỡng theo người ta về kinh thì còn mặt mũi nào gặp người trong thiên hạ!

Lê Văn Hiểu than dài ba tiếng:

– Hoàng thiên soi chiếu chăng? Quỷ thần hiểu rõ chăng? Trịnh vương có biết chăng?

Rồi lại than:

– Thời vậy! Mệnh vậy! Vận vậy!

Than xong, bèn uống thuốc độc tự tử, thọ 54 tuổi.

Mặc dù vậy, chính sử của phe Trịnh chỉ ghi rằng Lê Văn Hiểu chết vì vết thương. Trong thời điểm đó, ở Đàng Ngoài không thấy có vị Hộ bộ Thượng thư Tả đô đốc Sùng quận công nào. Nhưng riêng điều này thì đáng tin: việc Lê Văn Hiểu bị triệt hồi khiến cho Tham đốc Đặng Minh Tắc và nhiều thuộc viên văn võ khác ở Nghệ An trốn sang đầu hàng quân Nguyễn.

Chúa Trịnh Tráng lúc này đã 78 tuổi. Quyền lực chính trị thực tế đã được chuyển giao phần lớn cho người con trai thứ tư là Tây quận công Trịnh Tạc. Năm 1645, Trịnh Tráng đã phong Trịnh Tạc làm Khâm sai Tiết chế các xứ thủy bộ chư doanh, Chưởng quốc quyền bính, Tả tướng, Thái úy, tước Tây quốc công, được mở phủ Khiêm Định. Mọi công việc của quốc gia đều được ủy thác cho Trịnh Tạc xử lý. Tước quốc công được đặc biệt ban cho Thế tử của chúa Trịnh. Trịnh Tạc trở thành vị chúa mới chỉ còn là vấn đề thời gian.

Việc lựa chọn Trịnh Tạc là một quyết định bất ngờ. Người ta cứ ngỡ chức vị đó sẽ thuộc về một trong hai người con trai út của Trịnh Tráng là Hoa quận công Trịnh Sầm hoặc Phù quận công Trịnh Lịch. Điều này cũng khiến bản thân Trịnh Tạc luôn luôn lo sợ cho địa vị của mình, đồng thời cũng là đầu mối cho những biến động chính trị tiếp sau.

Tháng Sáu năm đó [1655], chúa Trịnh xử trí các tướng vì tội để thất trận. Hình phạt đưa ra tương đối nhẹ nhàng. Lê Văn Hiểu đã chết, chỉ bị thu lại sắc ấn và số binh dân được hưởng. Đông quận công Lê Hữu Đức bị giáng làm Đô đốc đồng tri. Về phần thuộc tướng của hai doanh thì Lê Thì Hiến và Trịnh Bính bị bãi hết chức tước, thu hồi dân lộc; Lê Văn Hi, Vũ Bách Phúc bị cách xuống làm lính; Lê Văn Dương bị sung quân. Hai viên Đốc đồng Trần Ngọc Hậu và Vũ Lương cũng bị giáng chức. Ngược lại, thủ hạ của Phạm Tất Toàn là Nguyễn Tất Thú không theo đầu hàng quân Nguyễn, nên được thăng chức tước.

Một đội quân thảo phạt được thành lập. Thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng – con trai thứ ba của Trịnh Tráng được cử làm Thống lĩnh. Bồi tụng Lại bộ Tả thị lang Diễn Thọ bá Nguyễn Văn Trạc làm Đốc thị; Lại khoa Đô cấp sự trung Nghĩa Giang nam Nguyễn Tính làm Phó đốc thị. Dưới quyền Trịnh Trượng là 18 tướng hiệu, quân số ước chừng hai vạn người. Trịnh Trượng có nhiệm vụ tiến về nam thu phục Dinh Cầu. Chúa Trịnh còn sai Nội giám là Đô đốc đồng tri Lũng quận công Vũ Văn Thiêm đem 50 chiếc chiến thuyền tới đóng ở cửa biển Kỳ La để phòng ngự.

Tin tức về đội quân thảo phạt mới này được một người dân đầu hàng báo cáo cho quân Nguyễn. Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến tỏ ra không nao núng chút nào. Ông nói với các tướng:

– Quân giặc như thế, ta nên chia binh bày trận để đợi. Nếu giặc mới đến, quân ta đánh gấp, một hồi trống là bắt được thôi.

Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật vội can ngăn. Hữu Dật nói:

– Đó là phép đoạt chiến ý của giặc. Nay thế giặc mạnh, khó thể tranh phong. Binh pháp nói: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”; “Tính toán nhiều ở miếu đường, đó là điều binh gia quý trọng”. Huống hồ quân giặc đông gấp bội quân ta, lấy ít cự nhiều, ắt khó thủ thắng. Chi bằng đặt kế để bắt, sẽ thu được toàn công.

Không biết Nguyễn Hữu Dật sẽ bày ra mưu mẹo gì đây? 

Chia sẻ câu chuyện này

Minh hoạ: Võ Minh Thảo
Thiết kế và dàn trang: Trần Văn Hậu

Share