Bán đảo Triều Tiên: Sơn hà chia cắt

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Bán đảo Triều Tiên: Sơn hà chia cắt

Có một điều phải công nhận: Nguy cơ xảy ra Thế chiến thứ Ba ở Đông Á rất cao. Ngoài điểm nóng tại eo biển Đài Loan, chúng ta thấy bán đảo Triều Tiên cũng hệt như một thùng thuốc súng, sẵn sàng nổ tung nếu một mồi lửa châm vào.

Giữa muôn trùng vây

Nếu địa lý thực sự là một lời nguyền, bán đảo Triều Tiên xứng đáng được xem như một trong những nơi hứng chịu lời nguyền khó chịu bậc nhất.

Ta có thể thấy vấn đề nghiêm trọng hàng đầu với sự sinh tồn của người Triều Tiên đến từ các thế lực ngoại bang. Triều Tiên bị kẹp giữa hàng loạt thứ dữ: các dân tộc ở Mãn Châu, Trung Quốc, Nga, và đặc biệt là Nhật Bản. Do đó, chính sách chư hầu được vương quốc Triều Tiên theo đuổi từ rất lâu.

Giống như một nàng tiểu thư khuê các được hàng loạt các anh xã hội đen săn đón. Cô quyết định chọn một người để làm anh em nương tựa. Người đó là Trung Quốc. Ở đây sự thần phục thể hiện qua hình thức cống nạp. Trung Quốc từng đổ rất nhiều tiền của và quân lực để cứu Triều Tiên tới mức gây suy yếu chính bản thân mình. Nhiêu đó đủ để ta thấy sự gắn bó giữa hai quốc gia. Chưa kể, Triều Tiên và trước đó là Cao Ly, đều biết cúi đầu đúng lúc trước những kẻ chinh phạt để bảo toàn đất đai của mình.

Triều Tiên bị kẹp giữa hàng loạt thứ dữ: các dân tộc du mục ở Mãn Châu, Trung Quốc, Nga, và đặc biệt là Nhật Bản.

Tuy nhiên, chưa có một quốc gia nào làm tình làm tội và gây ra nhiều đau khổ cho người dân bán đảo Triều Tiên như Nhật Bản. Vào thời Trung đại, con rồng hung dữ này quyết định đáp xuống Triều Tiên nhằm dọn đường cho giấc mơ cuối cùng: Thôn tính Trung Quốc.

Để xâm lược Triều Tiên, Nhật Bản đã huy động lực lượng lớn nhất thế giới lúc đó. Quy mô của cuộc đổ bộ này phải đến hàng trăm năm sau, khi quân Đồng minh đổ bộ bờ biển Normandy trong ngày D-Day để đánh Đức Quốc xã, mới so sánh được. Mặc dù cuộc xâm lăng bất thành, Nhật Bản vẫn để lại một ký ức khủng khiếp cho bán đảo. Đây không phải lần duy nhất Nhật Bản trút tai ương xuống đây.

Nhật Bản quyết định đổ bộ lên Triều Tiên nhằm dọn đường cho giấc mơ cuối cùng: thôn tính Trung Quốc.

1910 là một năm vĩnh viễn không người dân Triều Tiên nào có thể quên. Trong suốt lịch sử, họ luôn giữ được chủ quyền, trừ năm 1910. Khi hiệp ước Nhật – Triều hợp nhất chính thức có hiệu lực, toàn bộ đất đai và thần dân Đại Hàn, cũng giống như vương quốc Lưu Cầu trên quần đảo Okinawa 31 năm trước, đều thuộc về Nhật Bản.

Thời kỳ này mức độ tàn khốc so ra cũng chẳng kém thời thuộc Minh bên Đại Việt. Người Nhật phá hủy các cung điện, đem tài sản về mẫu quốc, bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục, cấm đoán văn hóa và ép người dân Triều Tiên thờ Thần Đạo Shinto. Hiện tại, người Triều Tiên vẫn căm tức vì Nhật từng xóa sổ triệt để nước này ra khỏi bản đồ thế giới. Giả sử Nhật Bản không đại bại trong Thế chiến thứ Hai thì chắc giờ này bán đảo Triều Tiên vẫn là tỉnh Chosen thuộc Nhật.

Triều Tiên thành tỉnh Chosen của Nhật Bản.
Phụ nữ làm nô lệ tình dục. Ảnh: Okinawan Prefecture Archives
Xử bắn người chống đối. Ảnh: Homer Hulbert

Hiện tại, người dân trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thể thoát ra được lời nguyền này khi đất nước của họ tách ra làm hai nửa: phía Bắc là Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và phía Nam là Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt bằng tên Triều TiênHàn Quốc.

Rạch đôi sơn hà

Sự phân chia bán đảo Triều Tiên đúng ra không phải theo hướng Nam Bắc mà là Đông Tây. Địa hình bằng phẳng hướng Tây và núi non hướng Đông tạo thành một sự khác biệt rõ rệt. Trong khi đó, vĩ tuyến 38 chia cắt bán đảo Triều Tiên ra hai mảng Nam Bắc hoàn toàn là một ranh giới nhân tạo do ngoại bang dựng lên vì mục đích chính trị.

Dù chung nguồn gốc dân tộc nhưng bước đi trên những con đường khác nhau đã đẩy bán đảo Triều Tiên vào cảnh “nồi da xáo thịt”. Triều Tiên (Bắc Hàn) được khối Xã hội Chủ nghĩa chống lưng, trong khi Hàn Quốc (Nam Hàn) có Thế giới Tư bản bảo vệ. Hai thế lực quyết định vĩ tuyến 38 sẽ là ranh giới. Điều cay đắng là không một người Triều Tiên nào được tham gia vào vụ chia chác này cả.

Vĩ tuyến 38 chia cắt bán đảo Triều Tiên ra hai mảng Nam Bắc

Cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ và Hàn Quốc mất thủ đô Seoul chỉ sau 3 ngày. Quân Triều Tiên tiến công như vũ bão, không thể cản phá, tưởng chừng nắm chắc phần thắng trong tay. Quân Hàn Quốc bị dồn ép đến tận cùng bán đảo, cầm cự quanh một khu vực gọi là vành đai Busan.

Số phận Hàn Quốc suýt nữa đã an bài nếu như phút 89 cứu tinh không xuất hiện. Quân Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu đẩy lùi quân Triều Tiên đến tận sông Áp Lục và đó là lúc Trung Quốc tham gia cuộc chơi để cứu bồ. Một màn giằng co bất phân thắng bại khiến hai thế lực quyết định ngừng bắn. Dù vậy, vĩ tuyến 38 vẫn nằm đó và tình trạng chiến tranh chưa chấm dứt dù tiếng súng đã ngưng từ lâu.

Cuộc chiến tranh xé đôi bán đảo

Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục xây dựng lãnh thổ của mình với nhiều mưu đồ toan tính. Bấy giờ Seoul nằm bên phía Hàn Quốc. Trong lịch sử, Seoul luôn là thành phố lớn nhất, mạnh nhất bán đảo. Tuy nhiên, tốc độ phát triển thần tốc là con dao hai lưỡi. Nó biến Seoul thành một thành phố siêu lớn (megacity). Diện tích Seoul chỉ cỡ Sài Gòn khi chưa mở rộng nhưng nó hút phần lớn dân số cả nước vào đó. Điều này dẫn đến hậu quả là bớt đi người làm việc ở nông thôn, giảm sản lượng lương thực, có thể dẫn tới các căn bệnh đô thị trầm kha như kẹt xe hoặc mọi thứ tốt đẹp nhất đều đổ về Seoul thay vì những nơi khác.

Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục xây dựng lãnh thổ của mình với nhiều mưu đồ toan tính
Seoul thành một thành phố siêu lớn (megacity). (Ảnh: worldatlas)
Seoul thành một thành phố siêu lớn (megacity). (Ảnh:CJNATTANAI/GETTY IMAGES)
Hàn Quốc đã giải quyết điều này bằng cách lập Vùng đô thị Seoul (Seoul Metropolitan Region) và Vùng đô thị Thủ đô (Capital Metropolitan Region), bao gồm một vùng rất rộng lớn chứa trong nó nhiều thành phố vệ tinh, hàng chục thị trấn nhỏ, vành đai xanh, trang trại hòa lẫn với nhau, được kết nối với Seoul bằng một hệ thống tàu điện ngầm và cao tốc. Bạn không nhất thiết cứ phải đổ xô đến Seoul sống mà hoàn toàn có những lựa chọn ổn áp không kém và muốn đi Seoul làm việc thì chỉ cần bắt một chuyến tàu mà thôi.
Vậy lời nguyền địa lý bao phủ lên Seoul là gì? 
Thủ đô Seoul quá gần biên giới liên Triều. Khoảng cách từ trung tâm Seoul đến điểm gần nhất chỉ tầm 24 cây số, ngang với đường từ trung tâm Sài Gòn đi Hóc Môn. Vùng Đại Seoul là khu vực cư ngụ của một nửa trong số 50 triệu người Hàn Quốc, nơi các trung tâm công nghiệp và tài chính hoạt động nhộn nhịp. Tất cả đều nằm trong tầm bắn của pháo binh Triều Tiên. Nó như kiểu bạn vẫn sinh sống bình thường, mỗi tội hàng xóm kê súng vào đầu dọa nã bạn nếu anh ta bực vậy.

Mấy quả rocket của Hamas ở dải Gaza bắn vào Israel là trò trẻ ranh so với hàng vạn khẩu pháo của Triều Tiên đặt dọc theo vĩ tuyến 38. Israel đấu với Palestine còn lệch kèo chứ Triều Tiên có thể giáng cho Hàn Quốc mấy quả tối tăm mặt mũi. 

Nếu chiến tranh liên Triều lần hai xảy ra, người ta dự tính trong vòng 5 phút đầu tiên, dù công nghệ Hàn Quốc hiện đại cỡ nào, Seoul vẫn sẽ bị pháo dàn Triều Tiên băm nát. Pháo binh Triều Tiên uy lực rất lớn, trong một giờ đồng hồ có thể oanh tạc nửa triệu phát. Mưa đạn tung toé cứ phải gọi là như quê em mùa nước lũ. Mười cái Seoul cũng chịu không thấu chứ đừng nói một. Sự bất an đó khiến chính phủ Hàn cũng phải tính đến việc đọc “Chiếu dời đô” về một thủ đô mới tên Sejong, nằm ngay dòng sông Geum, cách Seoul 120 cây số về phương Nam.

Một điểm kiểm tra biên giới Hàn Quốc, nằm ngoài Khu phi quân sự Triều Tiên (Ảnh: Driedprawns)
Pháo phản lực Triều Tiên tập trận (Ảnh: Chaplain News)

Sự thù địch giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là một tiêu điểm của thế giới, không dễ dàng giải quyết và cũng không thể không giải quyết. Một khi chiến tranh liên Triều lần hai bùng nổ, đó vẫn sẽ không phải là cuộc chơi của riêng hai người. Các thế lực chi phối bán đảo Triều Tiên sẽ không khoan nhượng để quân cờ của mình ngã xuống. Bóng ma của Thế chiến thứ Ba vẫn luôn chực chờ để đẩy thế giới vào lò sát sinh một lần nữa. Tương lai của nhân loại, dù muốn hay không, cũng đã đặt một cửa vào của hai miền Triều Tiên mất rồi.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share