Bằng bổ nhiệm quan chức thời Cảnh Hưng

Tác giả Wong Trần
Bằng bổ nhiệm quan chức thời Cảnh Hưng

Hoạt động của bộ máy nhà nước Đại Việt thời phong kiến vẫn còn là mảng sử với nhiều chỗ khuyết. Sử sách của các triều đại ít nói rõ chi tiết, mà số lượng thư tịch ghi chép điển chế triều đình cũng không còn lại bao nhiêu. Điều may mắn là trong dân gian vẫn còn một số gia tộc còn giữ được giấy tờ bổ nhiệm của tổ tiên đời trước. Nó giúp ta soi sáng hoạt động bổ nhiệm quan chức cấp thấp dưới thời Cảnh Hưng.

Bằng bổ nhiệm Hà Tông ở Nghệ An năm 1763

Dòng họ Hà Huy ở Nghệ An còn giữ được tờ bằng bổ nhiệm cho Hà Tông đề năm Cảnh Hưng thứ 24 [1763]. Hà Tông lúc đó chỉ là một Giám sinh (học trò) ở Quốc Tử giám, lần đầu tiên được bổ làm Huấn đạo. Tờ bằng cho thấy quy trình bổ nhiệm một người bình thường lần đầu tiên làm quan.

Bằng bổ nhiệm Hà Tông ở Nghệ An năm 1763​
Bằng bổ nhiệm Hà Tông năm 1763. Ảnh: Hà Huy Phú.

Phiên âm:

Lại bộ vi thí quan sự

Cảnh Hưng nhị thập tứ niên, ngũ nguyệt, thập bát nhật, Tư lễ giám nha môn quan đẳng khâm phụng sắc chỉ, chuẩn bản bộ phụng thuyên Hà Tông thí Tướng Sĩ lang, Tĩnh Gia phủ Nho học Huấn đạo. Khâm thử.

Bản niên nguyệt, thập bát nhật, bản bộ quan ư Kính Thiên môn cụ tấu, điền tả “thí tự nhất hiệu”, bán ấn khám hợp, phó bản quan chấp chiếu, tu chí cấp bằng giả.

Hà Tông

(Nghi Xuân huyện, Tiên Điền xã, Quốc Tử giám Quốc Tử sinh, vi xuân thí trúng tam trường, tái cung tiến tiền mễ dĩ tư quốc dụng, dĩ kinh chỉ chuẩn ứng Huấn đạo chức. Kim phụng thuyên thí Tướng sĩ lang, Tĩnh Gia phủ Nho học Huấn đạo, hạ tuyển)

Hữu cấp phó thí Tướng Sĩ lang, Tĩnh Gia phủ Nho học Huấn đạo Hà Tông chuẩn thử.

Thí tự nhất hiệu

Cảnh Hưng nhị thập tứ niên, ngũ nguyệt, thập bát nhật (Đô lại Đồng tri phủ Nguyễn Đăng Vực) thừa

Bộ

(Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, Bồi tụng, Công bộ Thượng thư, hành Lại bộ sự, kiêm Gián nghị đại phu, kiêm Quốc Tử giám Tế tửu, nhập thị Kinh diên, Nghĩa Phương hầu Nguyễn [Vĩ].

Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, nhập thị Bồi tụng, Lại bộ Hữu thị lang Dù Nhạc hầu Trần [Danh Lâm])

Dịch nghĩa:

Bộ Lại, về việc thử làm quan

Ngày 18 tháng Năm năm Cảnh Hưng thứ 24 [1763], các quan nha môn Tư lễ giám nhận được sắc chỉ, chuẩn cho bản bộ [bộ Lại] dùng Hà Tông thử làm chức Tướng Sĩ lang, Nho học Huấn đạo ở phủ Tĩnh Gia. Khâm thử.

Ngày 18 cùng tháng năm, quan bản bộ đã tâu lên cửa Kính Thiên, biên vào chữ “thí tự nhất hiệu” (chữ Thí, số hiệu 01), đóng nửa dấu ấn để ráp lại kiểm tra, giao cho bản quan giữ để đối chiếu, và giao cho người được cấp bằng.

Hà Tông

[Người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, là Quốc Tử sinh ở Quốc Tử giám. Vì thi hương đậu tam trường, lại dâng tiền và gạo cho nhà nước chi dùng, đã được ban chỉ chuẩn cho chức Huấn đạo. Nay vâng bổ thử làm Tướng Sĩ lang, Nho học Huấn đạo phủ Tĩnh Gia, hạ tuyển]

Trên đây là cấp cho thí Tướng Sĩ lang, Nho học Huấn đạo phủ Tĩnh Gia là Hà Tông để chuẩn theo.

Thí tự nhất hiệu

Ngày 18 tháng Năm năm Cảnh Hưng thứ 24 [1763], Đô lại, Đồng tri phủ Nguyễn Đăng Vực thừa hành.

Bộ. 

(Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, Bồi tụng, Công bộ Thượng thư, hành Lại bộ sự, kiêm Gián nghị đại phu, kiêm Quốc Tử giám Tế tửu, nhập thị Kinh diên, Nghĩa Phương hầu Nguyễn [Vĩ].

Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, nhập thị Bồi tụng, Lại bộ Hữu thị lang Dù Nhạc hầu Trần [Danh Lâm])

Quan lại Đàng Ngoài trong Nhất thống chí dư địa đồ bát bức

Tờ bằng cho thấy việc bổ nhiệm nhân sự thoạt tiên do nha môn Tư Lễ giám thông báo cho bộ Lại. Theo Lịch triều hiến chương loại chí, nhiệm vụ của Tư Lễ giám là “giữ việc đóng ấn vua vào các sắc mệnh sắc chỉ và vâng mệnh ban ra các công vụ cùng là chuyển đệ các bản ngự định của vua”. Bộ Lại nhận lệnh xong thì ngay hôm đó tâu trình lên vua (phiếm chỉ bằng chữ Kính Thiên môn), rồi làm tờ bằng. Tờ bằng được chép thành hai bản, có đánh ký hiệu (Thí) và mã số (nhất hiệu – 01). Lại bộ và người được bổ nhiệm mỗi bên giữ một bản.

Sau phần nêu lý do bổ nhiệm là phần ghi họ tên người được bổ nhiệm, có bổ chú quê quán, thân phận của người được bổ nhiệm, lý do bổ nhiệm và chức vụ được bổ nhiệm. Kế đó là dòng ghi ngày tháng bổ nhiệm, chức danh người đứng ra cấp bằng và bổ chú chức tước cùng với họ của người đứng đầu Lại bộ khi đó. Từ chức tước và họ của người ghi trong tờ bằng, đối chiếu với ghi chép lịch sử đương thời, có thể biết Nghĩa Phương hầu là Nguyễn Vĩ, còn Dù Nhạc hầu là Trần Danh Lâm.

Bằng bổ nhiệm Trần Tiến Hà ở Nghệ An năm 1783

Một tờ bằng bổ nhiệm khác được con cháu họ Trần ở Nghệ An lưu giữ cho phép ta xác nhận quy trình bổ nhiệm, cũng như mẫu thức tờ bằng này dưới thời Cảnh Hưng.

Đây là tờ bằng cấp cho Trần Tiến Hà ở xã Quỳ Trạch huyện Đông Thành. Cũng như tờ bằng của Hà Tông năm 1763, người được bổ nhiệm đều mang hàm Tướng Sĩ lang và có bậc thông tư là hạ tuyển. Đó là hàm và thông tư cấp cho các quan chánh cửu phẩm thời Lê Trịnh. Họ Trần có Trần Kệ là ưu binh cơ Trung Trấn, từng tham gia vụ kiêu binh nổi loạn giết Hoàng Đình Bảo, phò chúa Trịnh Tông lên ngôi. Bản thân Trần Tiến Hà cũng đóng vai trò nhất định trong sự kiện đó, vì vậy mới có sự bổ nhiệm này. Điện Thừa Hoa có lẽ là đền thờ Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao – mẹ vua Lê Thánh Tông ở huyện Yên Định, Thanh Hóa.

Bằng bổ nhiệm Trần Tiến Hà ở Nghệ An năm 1783​
Bằng bổ nhiệm Trần Tiến Hà năm 1783. Ảnh: Trần Xuân Thu.

Phiên âm:

Lại bộ vi thí quan sự

Cảnh Hưng tứ thập tứ niên, lục nguyệt, nhị thập bát nhật, Tư lễ giám nha môn quan đẳng khâm phụng sắc chỉ, chuẩn bản bộ phụng thuyên Trần Tiến Hà thí Tướng Sĩ lang, Thừa Hoa điện Tri sự. Khâm thử.

Bản niên nguyệt, nhị thập bát nhật, bản bộ quan ư Kính Thiên môn cụ tấu, điền tả “thí” tự ngũ hiệu, bán ấn khám hợp, phó bản quan chấp chiếu, tu chí cấp bằng giả.

Trần Tiến Hà

[Đông Thành huyện, Quỳ Trạch xã [] nam, vi phụng tự vương sơ chính, trạc chư quân dực đái công. Nhĩ [] kích tập thành trung [] cơ  nhất [][][][][][][][][] thứ. Tư dĩ [][][] chức nhất thứ, chuẩn hứa y dĩ ứng Tri sự chức. Kim phụng thuyên Tướng sĩ lang, Thừa Hoa điện Tri sự, hạ tuyển]

Hữu cấp phó thí Tướng Sĩ lang, Thừa Hoa điện Tri sự Trần Tiến Hà chuẩn thử.

Thí tự ngũ hiệu

Cảnh Hưng tứ thập tứ niên, lục nguyệt, nhị thập bát nhật, Thủ bộ Đô lại, Đồng tri phủ Đào Đình Đàm THỪA

BỘ

Dịch nghĩa:

Bộ Lại, về việc thử làm quan

Ngày 28 tháng Sáu năm Cảnh Hưng thứ 44 [1783], các quan nha môn Tư lễ giám nhận được sắc chỉ, chuẩn cho bản bộ [bộ Lại] dùng Trần Tiến Hà thử làm chức Tướng Sĩ lang, Tri sự ở điện Thừa Hoa. Khâm thử.

Ngày 28 cùng tháng năm, quan bản bộ đã tâu lên cửa Kính Thiên, biên vào chữ “thí tự ngũ hiệu” (chữ Thí, số hiệu 05), đóng nửa dấu ấn để ráp lại kiểm tra, giao cho bản quan giữ để đối chiếu, và giao cho người được cấp bằng.

Trần Tiến Hà

[Người xã Quỳ Trạch huyện Đông Thành, là […] nam. Nay tự vương [Đoan Nam vương Trịnh Tông] mới nắm chính quyền, đề bạt các quân có công dực đái. Ngươi từng […] các cơ trong thành, [nên được thăng thưởng] một bậc. Nay đã […] chức một bậc, chuẩn cho nhận chức Tri sự. Nay vâng lệnh bổ làm Tướng Sĩ lang, Tri sự ở điện Thừa Hoa, hạ tuyển]

Trên đây là cấp cho thí Tướng Sĩ lang, Thừa Hoa điện Tri sự Trần Tiến Hà làm căn cứ.

Thí tự ngũ hiệu

Ngày 28 tháng Sáu năm Cảnh Hưng thứ 44 [1783], Thủ bộ Đô lại, Đồng tri phủ Đào Đình Đàm thừa hành.

Bộ. 

Nửa con dấu khám hợp năm 1783 và hình rồng trên giấy viết tờ bằng năm 1763.

Tờ bằng này còn khá nguyên vẹn, giúp ta hình dung khổ giấy vuông được sử dụng vào thời điểm đó. Việc bảo quản tốt còn cho thấy phương thức đóng dấu giáp lai để khám hợp (ráp nửa con dấu ở hai tờ bằng lại với nhau để kiểm chứng). Trên tờ bằng của Hà Tông năm 1763, dấu mộc đã bị phai mất. Một chi tiết đáng chú ý nữa là ở sau chữ Bộ không có cước chú tên người đứng đầu Lại bộ lúc đó. Có lẽ nó phản ánh tình trạng chuyển đổi chính trị ở thượng tầng chính quyền Lê – Trịnh

Chất giấy trong tờ bằng năm 1783 có vẻ kém hơn. Giấy màu trắng, không có hoa văn. Trong khi tờ bằng năm 1763 được viết trên loại giấy có hoa văn rồng. Sự chênh lệch chất giấy này có lẽ là do vào năm 1783 triều đình chúa Trịnh phải ban cấp một lượng lớn tờ bằng thăng chức cho những nhân vật tham gia sự kiện kiêu binh nổi loạn

Tác Giả Wong Trần
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share