Bão táp Tây Sơn – Kỳ 16: Thắng rồi! Giờ sao?

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 16: Thắng rồi! Giờ sao?

Chiêu Thống quay về được ít ngày liền tổ chức lại chính quyền. Ông cho triệu Tham quân Kinh Bắc lúc trước là Phạm Quý Thích vào chầu. 

Thời chúa Trịnh Tông, Phạm Quý Thích làm Thiêm sai tri Công phiên. Sau khi Nguyễn Hữu Chỉnh đánh đuổi Yến Đô vương Trịnh Bồng, Phạm Quý Thích đã lấy cớ bệnh để xin từ quan về. Lúc đó lại có lệnh đổi Phạm Quý Thích làm Kinh Bắc tham hiệp nhung vụ. Bấy giờ Trấn thủ Kinh Bắc là Nguyễn Cảnh Thước, là người trong đảng của Nguyễn Hữu Chỉnh. Phạm Quý Thích vẫn kiên quyết muốn nghỉ chức quan. Bạn của ông là Phạm Đình Dư lúc này làm Tham tri, nhìn thấy tờ tấu của Quý Thích, mới giấu đi. Ông nói với Phạm Quý Thích:

– Hoàng thượng nổi giận rất dữ, chớ có chuốc tội. Hãy miễn cưỡng tựu chức. Nếu bệnh không xử lý nổi việc thì việc cũng còn đó, chớ có lo gì.

Phạm Quý Thích bèn gượng bệnh lên Kinh Bắc, rồi cáo bệnh từ quan. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh thất bại, Chiêu Thống chạy ra ngoài, Quý Thích không theo được. Đến đây, Chiêu Thống mời ra. Gọi đến mấy lần, Phạm Quý Thích mới vào yết kiến, quỳ lạy xin tội. Chiêu Thống ban cho ông ta được ngồi, rồi phán:

– Lúc đầu mỗi khi trao chức quan, thì khanh liền từ chối; sai làm tham ở Giang Bắc lại lấy cớ bệnh bỏ chức. Ta vốn giận. Nay đi lên bắc, thấy việc làm của Thước Vũ [tức Nguyễn Cảnh Thước] mới biết ông không chịu làm việc cùng mà bỏ đi là phải vậy.

Trong buổi nói chuyện, Chiêu Thống còn bảo rằng:

– Các bề tôi theo ta mà không phải thực lòng, có người muốn theo mà không thể làm được, nay ta đều biết cả. Khanh vốn vô tội, nên lưu ở đây, cùng Quỳnh Phái [tức Phạm Đình Dư] lo việc.

Lê Chiêu Thống tiến chức cho Phạm Đình Dư làm Bình chương sự, Thượng thư bộ Lại; Lê Duy Đản và Vũ Trinh lên Tham tri Chính sự; Trần Danh Án làm Phó đô ngự sử. Riêng Lê Quýnh thì được võ chức, làm Trung quân Đô đốc, tước Trường Phái hầu. Những người đi theo Tây Sơn như Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích bị giáng xuống làm dân thường. Một số đại thần cũ từng ra nói chuyện với Nguyễn Huệ cũng bị giáng chức tước tùy theo mức độ. Riêng Trấn thủ Tuyên Quang là Phạm Như Toại bắt Lê Duy Lứu – em trai vua Chiêu Thống – nộp cho Tây Sơn; Phò mã Dương Bành dẫn quân Tây Sơn đuổi bắt Chiêu Thống. Hai người này bị xử tử.

Lê Chiêu Thống muốn cho Bùi Huy Bích làm Tể tướng. Bùi Huy Bích lúc này mới 44 tuổi. Chiêu Thống biết Phạm Quý Thích có giao hảo tốt với Huy Bích, nên sai Quý Thích đi mời. Bùi Huy Bích từng làm Tham tụng cho chúa Trịnh Tông, rồi sau vì sợ quyền thần Mãn quận công Lê Trung Nghĩa nên từ chức. Bùi Huy Bích không muốn can chính nữa, nên cố từ chối. Nhưng ông ta cũng nói rằng:

– Tuy vậy việc rất đáng lo. Nên nói trước mặt hoàng thượng, rộng cầu lời nói thẳng, mau lo việc binh, chính. Không thế thì không kịp.

Phạm Quý Thích đem việc bẩm lên. Bình chương sự Phạm Đình Dư tán thành. Chiêu Thống bèn ban chiếu cầu lời nói thẳng.

Tình hình chính sự lúc đó vô cùng rối ren. Chính Lê Duy Đản sau này tổng kết: “Đã về kinh rồi, bọn tiểu nhân đa phần nhờ công lao đi theo, cậy sủng chuyên quyền, chính lệnh không thống nhất. Bậc thức giả biết là không thể làm gì. Chẳng ai nắn sửa được… Tổng đốc bị hạ quan dẫn dắt. Lại có tướng giặc là Phan Khải Đức trá hàng, ngày ngày phát tán tin đồn, tiến hành li gián, lời của thần dân nước ta không được đưa lên

Bản thân Phạm Quý Thích cũng lo ngại. Ông dâng sớ nói rằng: “Bệ hạ về nước đã được gần một tháng, chưa từng làm được một việc gì. Địch nay như thế, sợ sẽ nguy trong sớm tối

Vậy Lê Chiêu Thống phải làm gì? 

Tôn Sĩ Nghị thì đang trù tính tiếp tục tấn công xuống phía Nam. Trong những báo cáo đầu tiên gửi về triều, ông ta nhận định “nếu đại quân không ra thì các nơi trông ngóng mòn mỏi sẽ không vì họ Lê mà cố gắng khôi phục”. Tôn Sĩ Nghị xin vua Càn Long “soi xét tình hình, ra lệnh quan quân tiến đánh để người Di biết phải đi theo hướng nào”. 

Tôn Sĩ Nghị tính toán sẽ đưa quân theo hai đường thủy bộ. Nhưng thuyền đi biển đều đã bị Ngô Văn Sở đưa đi. Vì vậy, Nghị phải cố kiếm cho được 40 chiếc thuyền cỡ trung, để chở tầm 2000 quân. Được như vậy thì có thể tiến quân.

Một vấn đề khó khăn khác là cung ứng lương thực. Tôn Sĩ Nghị tính rằng từ Thăng Long tới lãnh địa Tây Sơn lúc xưa phải đi tới 61 ngày, phải thiết lập hơn 50 trạm chứa lương thực. Lúc mới tiến quân, từ Nam Quan tới Thăng Long, nhà Thanh lập 17 đài lương để vận chuyển lương thực từ Lưỡng Quảng tới, “lo được cũng đã kiệt quệ”. Nếu phải chở từ Lưỡng Quảng tới Phú Xuân thì càng khó khăn hơn. Vì vậy, Tôn Sĩ Nghị chuẩn bị lương thực ngay tại Lê Thành.

Tôn Sĩ Nghị đem vấn đề này nói với Lê Chiêu Thống. Nhưng Chiêu Thống trông “có vẻ rất bối rối”. Chiêu Thống báo rằng Đàng Ngoài bị mất mùa nhiều năm; lương thực năm nay đã bị Tây Sơn vơ vét, lương thực trong dân còn rất ít. Tôn Sĩ Nghị dự trù dù có làm hết sức cũng chỉ cấp được 8 – 10 ngày ăn. Ông ta đành phải trở lại với việc lấy lương thực từ Lưỡng Quảng. 

Tôn Sĩ Nghị cũng dự trù điều động thêm nhân sự từ các đài lương dọc đường Nam Quan chuyển vào Nam thiết lập đường vận lương mới. Việc điều động này sẽ hoàn thành vào cuối tháng Chạp. Nếu như lương thực chuẩn bị đủ, thì lúc đó sẽ cho quân đem theo một tháng lương thực tiến lên ngay.

Tôn Sĩ Nghị cũng tính chuyện tăng cường binh lực. Ông đề xuất bắt thêm 3000 quân Quảng Tây tới đóng ở Nam Quan để phòng điều động; và đưa 1700 quân đóng ở Lạng Sơn tới Lê Thành, chỉ để lại đó 200 quân. Lúc này Tôn Sĩ Nghị vẫn chưa được tin tức gì từ cánh quân Vân Nam do Đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy. Nhưng trong tính toán của mình, Tôn Sĩ Nghị muốn dùng Ô Đại Kinh như một con bài ngoại giao để khuyên nhủ Nguyễn Huệ nên tới chỗ quân Vân Nam đầu hàng. Tôn Sĩ Nghị đoán rằng Nguyễn Huệ “đang khi sợ mất mật, có được sinh lộ, ắt tự ý ra đầu thú”.

Trong khi Tôn Sĩ Nghị còn cố vượt ngàn chông gai để tiến quân về Nam, “đảo huyệt cầm cừ”, thì tại Bắc Kinh, vua Càn Long đưa ra một quyết định bất ngờ.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share