Cá Voi – Đức Ông Nam Hải ở xứ vạn chài

Tác giả Huyết Vy
Cá Voi – Đức Ông Nam Hải ở xứ vạn chài

Mở - Đức Ông Nam Hải

Có một năm khi trời đang yên, biển đang lặng ngư dân đồng loạt ra khơi đánh cá nhưng thần Nam Hải hiển linh qua hình thức lên đồng gọi tất cả ghe thuyền phải vào bờ, nếu không sẽ gặp bão tố. Khi tất cả ghe thuyền đã vào tới bờ thì bão tố nổi lên theo đúng lời ứng của ngài. Ngoài ra, nhiều lần ngài đã cứu các ngư dân xiêu lạc và đưa dẫn về tới đảo an toàn…

… khi ngài vào đảo đã báo trước cho ngư dân để rước vào. Nhưng do ngài quá to, ngư dân không thể đem lên bờ được. Sau đó ngài ứng lên mách bảo cho dân trong làng cách thức và đúng giờ tự ngài sẽ lên bờ. Đúng giờ, bằng sự nỗ lực của dân làng, ngài vẫy đuôi và phóng thẳng lên bờ. Sau đó dân làng làm lễ mai táng tại đó và xây lăng thờ.” (Tín ngưỡng thờ cá ông của cư dân Lý Sơn – Phan Đình Độ).

Một vài câu chuyện trong ngàn vạn câu chuyện bộc bạch niềm xác tín của ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi về một vị phúc thần được thờ cúng trên đảo – Đức ông Nam Hải. Từ năm 1604, lớp cư dân Việt đầu tiên theo chân 15 vị tiền hiền đã đến miền biển đảo cực đông này gây cơ dựng nghiệp. 

Buổi đầu khẩn hoang đầy gian nguy đẩy đưa những kẻ tha hương kiếm tìm cho mình những vị thần thiêng để gửi gắm thân tâm. Nhiều thế hệ ngư dân đời tiếp đời nương náu trong địa hạt tâm linh mà không gian sinh kế trên biển bồi đắp nên. Bao nhiêu cơ cực hiểm nguy là bấy nhiêu xác tín vào thần, để rồi đức tin vào thần Nam Hải vẫn còn lưu truyền mạnh mẽ qua hàng trăm năm. Không gian sinh tồn cũng là không gian tín ngưỡng, ẩn chứa biết bao câu chuyện về biển, về thần và những người bám biển mưu sinh.

1. Đông

Ông Ngài lụy bờ

Tờ mờ sáng một ngày xưa cũ, cơn bão biển mang theo tiếng rít gào đã hoàn toàn quét qua huyện đảo Lý Sơn, chỉ để lại từng cơn gió thỏ thẻ trên những rặng phi lao chắn trước vạn chài. Có anh thanh niên lớn gan lẻn ra biển thăm dò, rồi ùa chạy về trong tiếng hô hoán:

– Ông Ngài lụy bờ rồi! Ông đi tu kìa bà con ơi!

Vốn có mấy ai sâu giấc trong cơn bão, nên không lâu sau dân làng đã quây quần đông đúc quanh thi thể khổng lồ bất động trên cồn cát. Đám đông chỉ trỏ, trưởng thôn hô hoán người mau đi bẩm báo quan tỉnh để tiến hành lễ mai táng Ông Ngài. Ông Nội – một lão ngư quắc thước ôm chặt cô cháu Mầm Non Biển chen vào giữa đám hương thân, nhìn chầm chập hồi lâu vào thi thể khổng lồ phơi mình trên cồn cát.

Đó là xác một con cá Ông (cá voi nhưng ngư dân không ai gọi thế mà gọi là cá Ông, theo ông Cadiere), bà con vạn chài vẫn kính cẩn gọi là Ông Ngài, Ông Nam Hải, Đức Ông Nam Hải. Thân xác khổng lồ trước mắt kéo tụt Ông Nội về chuyến một chuyến ra khơi sóng gió suốt đời không quên (*). Đó là một ngày ông bơi thuyền thúng đi câu mực. Thuyền đang êm đềm rẽ sóng thì mây đen ồ ạt dí đến, nhuốm đen thiên thanh, thâu tóm vạn mây thành một khối vũ tầng khổng lồ. Rồi mưa và gió ập đến, giật từng hồi mạnh mẽ, bầu trời đen nghịt ép xuống đến nghẹt thở, biển nổi sóng dữ như muốn nuốt trọn vạn vật, sấm chớp không ngừng giáng xuống, muốn bổ mặt biển thành vạn mảnh. Cơn bão ập đến chóng vánh chẳng để ông kịp trở tay. Cái thúng nhỏ lắc lư dữ dội giữa bão như muốn hất văng mọi thứ bám víu làm nặng thân nó.

Mưa táp rát mặt, theo bản năng cầu sinh, Ông Nội sống chết ôm lấy vành thúng, tận lực co người lại kẻo bị bão hất đi. Đương lúc thập tử nhất sinh, ông bỗng thấy cái thúng thôi chao đảo mà dần ổn trọng, hai bên như có hai cây đèn pha soi sáng. Một tiếng ầm lớn vang lên, tia sét khổng lồ bổ xuống, rạch ngang bầu trời, chiếu rạng cả một vùng. Trong khoảnh khắc ấy, Ông Nội mơ hồ thấy một bóng đen khổng lồ đang đẩy cả người cả thúng về hướng Nam, rời khỏi cơn giông tố. Đó là một con cá lớn, đầu tròn, trán có lỗ nước phun ra, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi chia hai mảng như đuôi tôm (*). Không nhầm lẫn đâu được, con cá voi khổng lồ ấy chính là Đức Ông Nam Hải, cứu độ ông qua khỏi hiểm nguy. Đi qua vùng biển động, nó ngụp sâu vào nước, bỏ lại một vùng một vùng trời hoang vu đen kịt và một nhân loại bé nhỏ thiếp dần trong sợ hãi và kiệt sức.

Hai ngày sau cơn biển động, thúng đem người dạt vào bãi trước dinh Tam Tòa. Những đứa con thôi bất an sau nhiều nỗ lực thuê ghe tàu tìm cha bất thành. Bà Nội nước mắt ngập ngụa, quỳ sụp vái tạ Đức Ông Nam Hải đã hiển linh độ mạng chồng mình.

Đám tang Ông Ngài

Ở huyện đảo Lý Sơn, khi cá voi dạt bờ, người dân tin là Ông đi tu và an táng Ông với lễ nghi như đối với con người từ mai táng đến cải táng. Anh thanh niên phát hiện Đức Ông lụy bờ lúc sáng được mang tước trưởng tử, bịt khăn tang màu đỏ, áo rộng sổ lai, gấu áo bẻ ra ngoài, với một tấm vải nhỏ kết đằng sau. Giờ đây trong bộ chế phục đại tang, anh đã thành người thân thuộc nhất với bậc linh thiêng vừa tạ thế. Anh là người được nhận nhiều ân lành nhất từ Ông, đồng thời cũng có bổn phận lo việc cúng tế và để tang trong 3 năm tới.

Theo nghi thức, cá phải được phủ liệm trọn vẹn bằng vải hoặc lụa. Khi chôn cất, người làng đào một cái lạch dài với kích thước tương đương. Triều dâng sẽ nâng xác Ông vào lạch, nước rút sẽ để thân Ông nằm khô trong lạch. Các anh thanh niên trai tráng hì hục lấp cát lên rồi dựng lên một tế đàn để bà con dâng lễ vật. Tỏ lòng thành của mình với Đức Ông, người rải vàng mã, kẻ đốt nến hương, đặt ít quan tiền, những đầu người nhấp nhô lễ bái như sóng trùng khơi.

Tang ma cá Ông được vạn chài Lý Sơn đứng ra tổ chức theo Thọ Mai Gia Lễ. Trước khi mai táng phải làm lễ cáo yết 3 ngày 3 đêm tại lăng, sau đó mới chôn cất. Sau khi chôn cất 3 ngày, lần lượt các lễ mở cửa mả, tuần giáp năm, mãn khó diễn ra trong vòng 3 năm. Như vậy, xác thân Ông Ngài sẽ vùi mình dưới lớp cát biển 3 năm cho đến khi được làm lễ thượng ngọc cốt, hay còn gọi là lễ nghinh thần nhập điện. Lúc này dân làng cải táng bằng cách quật cốt, dùng rượu rửa sạch rồi dùng nhang, trầm để xông. Cốt sẽ được đặt vào quan quách chất liệu gỗ hoặc xi măng trong điện để bảo quản. Từ đây, Ông Ngài sẽ chính thức bước vào địa hạt thần linh của ngư dân miền biển, được cúng tế long trọng hàng năm theo các ngày lễ tết, ngày kỵ và lệ xuân thu nhị kỳ: “xuân cầu, thu tạ”.

2. Xuân

Truyền thuyết Đức Ngư

– Đó là con gì vậy nội, nó to khổng lồ. Bà con tổ chức đám tang cho nó chi vậy nội ơi?

Mầm Non Biển lảnh lót hỏi, Ông Nội mới thôi quan sát đám đông lễ bái mà để ý cô cháu nhỏ trong lòng mình. Lọt thỏm giữa huyện đảo xa xôi lắm sỏi cát, con bé nhỏ xíu như lộc xuân mới nhú. Nó có đôi mắt sáng trong như sao trời, luôn giữ thái độ tò mò với vạn vật quanh mình. Ông Nội xoa đầu cháu gái, rưng rức. Ông đang xúc động như đang dự đám tang của một lão nhân đáng kính, ông phải kể làm sao đây. Ông phải kể thế nào về loài cá nhân đức, đã bao lần cứu mạng tổ tiên trong những chuyến ra khơi giông bão. 

Ông sắp xếp lại những hiểu biết mình góp nhặt từ sách vở, lời kể của cha ông và những chuyến giong thuyền vào Nam ra Bắc. Thế là những hiểu biết đầu đời về Đức Ông Nam Hải của Mầm Non Biển được rót từ giọng kể từ tốn đầy tình cảm của Ông Nội. 

Ngày xửa ngày xưa có chàng sĩ tử bị thầy đồ rút gươm chém đầu và thác thành cá Ông, cả đời ngụp chìm trong biển cứu người bị nạn. Đó là truyền thuyết dân chài lưới truyền đời kể nhau về đức Ông Ngài…

Chuyện xưa miền vạn chài, hôm nay lại được truyền thừa. 

Là loài cá hữu linh, lại có duyên ơn nghĩa với con người, nên cá Ông cũng góp mặt trong các sự tích nhà Phật. Theo đó, loài cá được hóa ra từ vô vàn mảnh vụn chiếc áo cà sa của Phật Bà Quán Âm, vì Người thương xót cuộc mưu sinh hiểm nguy, gian khổ của ngư dân. Cá Ông được Phật Bà ban cho bộ xương voi mạnh mẽ, phép thấu đường và tấm lòng bồ tát để gánh vác nhiệm vụ cứu người trong bão tố. Ngư dân Bình Thuận mỗi lần gặp nạn trên biển đều nhớ đến 12 câu nguyện – Quán Âm Thập Nhị Nguyên- để cầu cứu Phật Bà giúp đỡ là vậy.

Dân gian còn truyền lại giai thoại về vua Gia Long, trên đường bôn tẩu về Nam, đã được cá Ông giải cứu khỏi trận đắm thuyền. Ngày đại công cáo thành, cá được các vị vua triều Nguyễn truy tư ân nghĩa mà ban sắc thần ở nhiều địa phương. Trong các sắc thần, cá Ông đã trở thành Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, rồi sau này còn được gia tăng đến Thượng đẳng thần. 

Có một địa vị sâu sắc trong lòng người dân xứ sở, cá Ông còn được Đại Nam nhất thống chí quý trọng gọi là Đức Ngư: 

Đức Ngư đầu tròn nơi trán có lỗ nước phun ra, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi có hai mảng như đuôi tôm, cá tính từ thiện hay giả cứu cho người khi qua biển mắc cạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng vua đặt cho tên là Nhân Ngư, đầy niên hiệu Tự Đức đổi lại tên này (Đức Ngư)

Trước đó vài mươi năm, Gia Định Thành thông chí cũng ghi chép: 

Những khi thuyền bè gặp sóng gió nguy hiểm, thường thấy thần (cá Ông) dìu đỡ mạn thuyền bảo vệ người an ổn. Hoặc thuyền bị chìm đắm, trong cơn sóng gió thần cũng đưa người vào bờ, sự cứu giúp ấy rất rõ

Tế xuân mở biển

– Ông Nam Hải linh lắm, phù hộ bà con mình bình an và bội thu trong những chuyến ra khơi. Ra giêng, ông sẽ dẫn cháu ra lăng Ông xem bà con mình làm lễ mở cửa biển cầu ngư. 

Sang xuân, hòa trong không khí rộn ràng của lễ và hội cũng là lúc những lăng Ông ngập tràn sinh khí. Huyện nhỏ Lý Sơn của cô bé có đến 7 lăng, lân thờ cá Ông và không đâu trong tỉnh lại có mật độ dày đặc như thế. Những lăng Ông được xây cất khang trang và tu bổ nhiều lần, bộc bạch tính hiện thực hóa, cố định hóa lòng sùng tín cá Ông trong lòng ngư dân. Chính sức mạnh niềm tin đã kể câu chuyện về loài cá thiêng này qua nhiều đời, biến những truyền thuyết ấy thành gạch đá hiện hữu vĩnh hằng. Một niềm tin lớn làm cơ sở để xây những ước vọng lớn hơn. 

Hầu hết lăng thờ cá Ông trên đảo đều được xây dựng nơi cửa lạch, thuận lợi cho thuyền bè ra vào. Thường là vì cá Ông lụy vào đảo theo cửa lạch nên khi người ta phát hiện được xác cá ông thì tiến hành mai táng và xây lăng thờ tại đó luôn. Vô tình hay hữu ý khiến Đức Ông có một nơi tọa lạc chẳng thể hợp hơn. Thần Nam Hải ngự trị bên cửa lạch có thể dễ dàng theo sát, phù hộ thuyền bè ngư dân bình an.

Lăng Ông vào ngày 1 đến ngày 2 tháng 2 Âm lịch là nơi diễn ra lễ tế xuân.  Đó là nghi thức mở mở cửa biển ra khơi, các lái trước chư vị Nam Hải cầu xin được mùa nhiều cá. Mùng 1 tế xuân, mùng 2 lễ đoàn, dưới bài vị Đức Ông Nam Hải, lầm rầm  những tiếng khấn niệm tốt lành, mưa thuận gió hòa, mùa cá bội thu. Sau lễ cầu ngư, những con thuyền lũ lượt ra khơi, kiếm tìm những mẻ cá tươi ngon ngọt lành nhất về cho quê hương xứ sở.

Bao lần tế nguyện, Lăng Ông trở thành nơi kết tụ khí thiêng của tín niệm và truyền thuyết. Không gian lăng chính mạch nguồn năng lượng nuôi dưỡng truyền thuyết, để truyền thuyết lưu giữ hồn cốt bất chấp thời gian, để thế hệ cháu con còn được truyền thừa những câu chuyện của tổ tiên mình. Mầm Non Biển chợt nhớ, cung đường mà Ông Nội chở ra thăm ruộng tỏi sẽ đi qua một bên là đê biển, một bên là hàng dãy  những mái lăng vút cong. 

Những lăng Ông muôn hình vạn trạng, chính là chứng nhân cho tín ngưỡng nhuốm đậm hơi thở biển khơi này. Bên trong những lăng Ông đêm ngày ngóng biển ấy, Đức Ông Nam Hải đang hoài niệm một thời ngụp lặn vẫy vùng hay đang dõi theo phù hộ con cháu ngoài khơi xa?

3. Hạ

Ngóng người khơi xa

Thấm thoát thôi đưa, huyện đảo ngày hè nắng rỡ ràng, nồm thổi khô người. Nắng  len lỏi vào lăng Ông, tắm đẫm bình phong trụ biểu, tưới lên bờ móc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Nắng chiếu vào nhà tiền đường, ủ ấm các ban thờ tiền vãng, hậu vãng, cô hồn. Nắng soi rọi từng đường nét và bố cục lăng Ông. Dưới nắng, không gian lăng Ông hiện lên mồn một: nhà chánh điện thờ thần Nam Hải, tiền hiền, hậu hiền; hậu cung thờ linh vị thần Nam Hải; 2 bên tả hữu hậu cung là nơi đặt cốt cá ông. Mỗi ban thờ đủ đầy đồ thờ tự, lọng tre, ngựa gỗ, lỗ bộ trang nghiêm. 

Dưới những bức hoành phi và câu đối nhắc nhớ công đức thần Nam Hải, có bóng người an ổn tựa cửa, ngóng về khơi xa. Mầm Non Biển đầy tò mò với thế giới năm nào nay đã thành Người Đàn Bà Biển trung niên luống tuổi. Nơi khóe mắt đã bị thời gian điêu khắc nhiều vết hằn. Thời gian mang đến nhiều biến dời.

Giờ đây không còn Ông Nội ôm bế kể đủ chuyện trên trời dưới biển cho cô. Xác thân ông đã vùi vào sỏi cát huyện đảo, hòa làm một với xác thân bao Đức Ông Nam Hải lụy bờ. Người Đàn Bà Biển có thêm gia đình nhỏ của mình, chia sẻ đời mình với chồng và những mầm non mới. Đôi mắt sao biển nay đằm lại như ánh trăng. Chị đón nhận vận mệnh của mình và trở thành đàn bà huyện đảo quanh quẩn ở góc bếp, ruộng tỏi và lăng Ông, đong đếm đời người bằng những lần ngóng đợi, đoàn tụ rồi tiễn biệt. 

Đã hai tháng kể từ khi những đoàn thuyền của vạn lũ lượt ra khơi, chị nhìn những người đàn bà đợi chồng đang quỳ sụp dưới bài vị Đức Ông. Họ đang lầm rầm khấn niệm những âu lo và hy vọng nào đó với Ngài. Chồng ra khơi, để lại họ những đêm trằn trọc khó ngủ. Nhưng tính đường sinh kế trên biển mà, không đi thì cá tôm sẽ nhảy vào lưới người khác, rồi cả nhà biết lấy gì mà ăn. Mỗi lần ra khơi tựa như canh bạc. Trúng thì có nhiều tiền, nhưng ngặt nghèo tàu hư hay bão táp là xem như mất trắng.

Bàn tay các chị quá nhỏ bé để có thể với tới con thuyền thiên lý viễn dương của chồng. Vậy nên chỉ có thể đem hết thành tâm cùng tình yêu gửi gắm cho Đức Ông Nam Hải, cầu xin Ông hiển linh trong những lúc ngặt nghèo, phù trợ những đứa con đã hết lòng kính yêu và phụng thờ Ông trên dặm khơi nhọc nhằn.

Một đời ngư phủ

Người Đàn Bà Biển nhớ đến chồng mình, một người đàn ông cộc cằn, không có khái niệm yêu chiều. Nhưng anh khỏe mạnh, chăm làm và có trách nhiệm với con cái. Anh xông pha trùng khơi miên viễn, trở về với làn da đen nhẻm và những mẻ cá tôm đủ nuôi sống gia đình. Chị không thể đòi hỏi anh mang đến nhiều hơn cho mình, bởi anh cũng đang sống một đời lắm cơ cực. Biển ban nguồn sinh kế, đồng thời cũng gieo rắc lắm tai ương thử sức dẻo chí bền. 

Gắn với nghiệp biển, là phó mặc nhiều may rủi cho thời tiết. Ngư dân cha truyền con nối, hiểu từng ngọn sóng, thấu từng cơn gió. Nhưng mà người tính không bằng trời tính. Biển quá thâm sâu khó đoán, khiến kẻ dày dạn kinh nghiệm nhất cũng không dám nhận bách chiến bách thắng. Những đàn cá khổng lồ như thể đang chơi trò trốn tìm trên biển, mà nếu không có vài phần cơ duyên thì đoàn thuyền không tài nào bắt gặp. Những cơn giông bão cúc hù khiến radar phát hiện muộn màng và người ngư phủ chẳng kịp trở tay. Ngày nay, tàu thuyền công suất lớn, hệ thống đài báo bão hay cứu trợ trên biển trong những chuyến ra khơi đã gia nhập đoàn viễn dương. Tuy nhiên, biển vĩnh viễn vô cùng còn loài người muôn đời nhỏ bé. Dẫu là những người đàn ông vững vàng như đá núi cũng phải tìm kiếm sự  gan dạ trong niềm tin vào sự phù hộ của Đức Ông. 

Rồi cả khi may mắn thu được đàn cá lớn, ngư dân cũng nhiều lần điêu đứng trong tay thương lái. Họ mượn vốn của thương lái để trang trải cho những lần ra khơi. Khi có cá thì bị ép giá bởi chính những “chủ nợ” của mình. Chưa kể chỉ một ngọn gió vô tình hữu ý đẩy thuyền đi chệch khỏi lãnh hải cũng có thể dẫn đến bi kịch mất trắng: bị lấy hết cá, bị phạt hàng trăm triệu đồng, thậm chí vướng vòng lao lý. Một đời dãi dầu mưa gió, lênh đênh sóng nước, cuộn trào trong cảm giác bất lực, thân tâm như bị kiểm soát bởi các lực lượng xa xôi, mạnh mẽ và vô hình khiến ngư phủ phải tìm về bệ thờ Đức Ông hứng xin vận khí. 

4. Thu

Tế thu hoàn nguyện

Sang thu, nền trời đặc mây và biển khoác chiếc áo xám xịt. Khi gió về và huyện đảo đắm mình trong những cơn mưa dầm đầu tiên, những đoàn viễn khơi dần hiển hiện nơi cuối trời. Ơn thần Nam Hải, những con thuyền của huyện đảo bình an trở về với đủ người và đầy tôm cá. Đó là một năm nhiều hoan hỷ, báo hiệu làng biển, vạn chài lại ngập tràn sinh khí trong buổi lễ hoàn nguyện kết thúc mùa cá. 

Tế Thu hoàn nguyện thường được tổ chức vào ngày 28 tháng Tám Âm lịch. Để chuẩn bị cho buổi tế, dưới sự phân công của ông chủ vạn, bà con đã tụ họp trang trí cờ ngũ sắc, viết văn tế, quyên góp tiền từ trước. Các khoản đóng góp có thể là tiền mặt hoặc vật phẩm để trùng tu lăng cũng như tổ chức lễ hội. Những ngày lễ hội vui như Tết, gia đình đoàn tụ, lối xóm gặp gỡ sau những tháng ngày biền biệt khơi xa. Trong lúc Người Đàn Bà Biển cùng chị em tụ hội chuẩn bị tế phẩm lợn, gà, trầu, rượu, bánh… thì những người đàn ông trao đổi kinh nghiệm đánh bắt và thăng trầm đường trường vừa kinh qua. Ở Lý Sơn, lễ tế quy mô nhất được diễn ra tại Lăng Chánh.  

Xuân thu nhị kỳ, Lăng Chánh gần như thành nơi hội họp tế lễ của dân làng, hiện diện như một ngôi đình Việt truyền thống. Theo những gì Ông Nội từng kể, kiến trúc gần hai trăm năm tuổi này được xây dựng vào thời Minh Mạng, có hình chữ tam, chia thành tiền đường, chánh điện và hậu cung. Phía ngoài, trụ biển và bình phong đắp nổi long mã chắn lại một kết giới linh thiêng cho lăng. Trên bờ nóc, đốc nhà, rồng phượng đắp nổi uốn lượn sinh động. Đỉnh chánh điện treo hoành phi sơn son thếp vàng có 4 chữ Hán Đại càn quốc gia..

Còn người, còn biển

Nghi lễ hoàn nguyện lễ cáo yết và lễ tế chính. Lễ cáo yết thường diễn ra vào đêm trước ngày diễn ra lễ tế chính, vào khoảng 5, 6 giờ chiều, với sự có mặt đầy đủ bạn tổ chức vạn, ban nhạc lễ, ông cả làng,… Đây là lễ cáo và cung thỉnh thần Nam Hải cùng các vị thần linh khác về chứng kiến lòng thành của bà con trong vạn. Lễ vật trong lễ yết đơn giản, chủ yếu là trầu, rượu, hoa quả, nhang đèn. Buổi lễ diễn ra theo ba bước sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ.

Lễ tế chính được tổ chức vào ngày hôm sau. Trước sự chứng kiến của đông đảo và con, đoàn người mặc  25 – 30 người, gồm: ông chủ vạn, trùm vạn, thủ tự, chấp sự, xướng lễ và người đọc văn tế; ngoài ra còn có thêm 7 ông chủ lân trong làng, các vị cựu chủ vạn, ông cả làng và 2 ông chủ xóm. Trình tự buổi lễ  vẫn là các bước sơ hiến lễ, á hiến lễ, chung hiến lễ. Lễ vật thường phải có thêm 1 con heo, 1 con gà và các lễ vật khác như lễ tế xuân. Năm đó được mùa, ngư dân tổ chức lễ linh đình, mời đoàn hát bội về biểu diễn.

Thành phần tham dự buổi tế lễ gồm có: ông chủ vạn, trùm vạn, thủ tự, chấp sự, xướng lễ và người đọc văn tế. Ngoài ra tham gia đoàn tế còn có 7 ông chủ lân trong làng, các vị cựu chủ vạn, ông cả làng và 2 ông chủ xóm. Số lượng tham gia đoàn tế lên tới 25-30 người, thường mặc áo dài thụng màu xanh hoặc màu đen, đầu đội khăn xếp. 

Và dường như được tiếp thêm sức mạnh, những đoàn thuyền phất cờ đỏ sao vàng vẫn từ Lý Sơn tỏa muôn trùng dương, hứng sóng tiếp gió. Với người ngư phủ truyền đời, nghề biển không chỉ là sinh kế mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, trong những thời khắc cơ cực nhất, họ vẫn hò nhau “ra khơi khám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo”.  Họ tâm niệm, mỗi một tấc đáy biển đều có thi cốt ông cha – những ngư phủ lấy thuyền cá khoanh vùng chủ quyền tổ quốc. Mà người còn, thì biển còn. Như ông chủ vạn từng cảm khái trong lễ tế thu năm nào: 

Tổ tiên năm xưa từng không tiếc máu xương gìn giữ, khai thác thủy sản ở Hoàng Sa. Giờ, dù xảy ra biến cố thế nào đi nữa thì thế hệ con cháu chúng ta phải có trách nhiệm nối nghiệp biển mà đời trước để lại

5. Thần từ lòng người bước ra

Hình thế tự nhiên đã đặt cư dân biển vào thể đứng trước biển. Việc đối diện với thiên nhiên bí ẩn khôn lường này đã hình thành nên tín ngưỡng thờ thần biển, cả ở góc độ kính sợ thần và góc độ mưu cầu lợi ích từ sự phù hộ của thần. Sự bươn chải đã chuyển đổi cuộc sống của họ, gây ra trục trặc, một cảm giác bất lực và cảm giác bị kiểm soát bởi các lực lượng xa xôi, mạnh mẽ và vô hình.

Chính cảm giác bất lực này thôi thúc con người tìm cách vượt qua bằng cách tìm về địa hạt của tinh thần và thực hành tín ngưỡng. Khi nghênh đón rủi ro, con người tìm cách bù đắp cho rủi ro đó, tìm về sự an ủi của những thế lực thần thiêng mang quyền năng siêu nhiệm. Niềm tôn sùng và đền bù cho tình trạng bất an và để giảm bớt lo âu. Cuộc sống nghèo khó khiến họ khát khao một lối thoát.

Bên những lăng Ông nghi ngút khói hương, biển từ một không gian sinh tồn trở thành một không gian văn hóa. Ở đó, sự cố kết nội tại và liên minh với thần linh đã tạo thành một sức mạnh khối trong sự nương theo, thỏa hiệp, chống chọi, đối đầu với sức mạnh thiên nhiên hoang dã của biển khơi. Sự thích ứng với biển chỉ trở nên định hình và sâu sắc khi các cư dân ven biển thể chế hóa tín ngưỡng của mình đối với các vị thần giúp họ bình yên khi ra khơi vào lộng, may mắn trong mọi mặt đời sống hằng ngày.

Tác Giả Huyết Vy
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share