Việt Nam kỹ nghệ: Đồ mã của người Việt

Tác giả Long Tự
Việt Nam kỹ nghệ: Đồ mã của người Việt

Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng lâu đời của người Việt. Phong tục này hình thành trong quá trình trung hòa các yếu tố truyền thống văn hóa của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo với văn hóa bản địa người Việt. Vì lẽ đó, các nghi thức thờ cúng tổ tiên cũng tích hợp nhiều phương thức thờ cúng khác nhau từ Á Đông. Tục đốt mã cho người chết cũng là một nghi thức như vậy. Và không biết từ bao giờ làm đồ mã đã trở thành một nghề truyền thống nổi bật của nước ta. 

Tục đốt mã nguyên có là một hình thức tín ngưỡng phổ biến tại nhiều nền văn hóa. Theo đó, người đốt mã này quan niệm rằng thế giới bên kia sẽ có cuộc sống giống như khi ở trần gian. Do đó, người chết vẫn có nhu cầu sử dụng những vật dụng như áo mũ, giày dép và tiền bạc như khi còn sống. Việc đốt đi những thứ trên được xem như là một hành động tri ân của người đang sống với người ở thế giới bên kia. Từ đây, ta có thể thấy rằng tục đốt mã lẫn hành động tùy táng vật dụng theo người đã mất về cốt lõi là một hành động mang tính nhân văn.

Đồ tùy táng hay Minh khí 冥器

Tục đốt mã ở nước ta vốn có nguồn gốc từ Trung Hoa. Thưở xa xưa, Trung Nguyên đã tồn tại tục này và phát triển đến đỉnh cao vào thời Đường. Tương truyền, vào những năm Khai Nguyên triều Đường, xuất hiện một thương gia tên Vương Dũ. Ông ta được cho là đã chế ra loại những loại đồ mã bằng giấy, khiến cho tục đốt mã phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. Đây cũng là giai đoạn mà tục này du nhập vào nước ta. Bản thân Vương Dũ về sau cũng được xem là thủy tổ của nghề làm đồ mã.  

Về tính chất, đồ mã là đồ được sản xuất dành cho người chết hoặc được dùng để cúng bái các vị thần linh. Cho nên đồ mã còn có tên gọi khác là minh khí (đồ dùng của cõi âm). Hình thức phổ biến của đồ mã thường sẽ là những vật phẩm bằng giấy mô phỏng theo đồ đạc và vật dụng thường ngày. Vì lẽ đó, theo thời gian, đồ mã có những biến đổi về hình dáng và mẫu mã tùy thuộc vào sự phát triển của văn hóa xã hội. Do tính chất ứng dụng rộng rãi, đồ mã cũng không hoàn toàn chỉ được sản xuất để đốt. Một số loại dành riêng cho việc dâng cúng, chẳng hạn đồ mã thờ trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ.

Nghề làm đồ mã lẫn tục đốt mã ở nước ta ban đầu chủ yếu phổ biến trong các cộng đồng người Hoa. Về sau, tục này bắt đầu lan truyền sang các cộng đồng người Việt, dần trở thành một nghi thức thường thấy trong những dịp lễ tế hay tang ma. Nghề làm đồ mã cũng từ đó trở thành một nghề được chấp thuận trong xã hội. 

Một số loại đồ mã được dùng để thờ

Nghề làm đồ mã nước ta có lịch sử phát triển lâu đời. Ngay từ thời Lê đã có sự xuất hiện của các làng nghề. Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nghề này đã có những bước phát triển vượt bậc. Tại miền Bắc, bên cạnh việc sản xuất tranh dân gian, làng Đông Hồ (Bắc Ninh) cũng nổi tiếng với nghề làm đồ mã. Sản phẩm Đông Hồ đa dạng mẫu mã và thường được sản xuất số lượng lớn trong các dịp lễ để mang đi phân phối ở các vùng lân cận, như Hà Nội và Hải Dương. Riêng Hà Nội, nơi nổi danh với Thăng Long 36 phố phường thì trong hơn 36 phố phường ấy, có đến 2 con phố nổi tiếng với buôn bán và sản xuất đồ mã. Đó là phố Hàng Mã và phố Mã Mây.   

Phố Mã Mây còn có tên gọi tiếng Pháp là Rue des Pavillons Noirs - Phố của quân Cờ Đen

Thực tế, dù mang tên gọi như thế nhưng hoạt động sản xuất đồ mã ở 2 con phố này diễn ra khá muộn. Nghề ở Mã Mây phát triển và diễn ra trước Hàng Mã khá lâu. Đồ tại Mã Mây đa phần là những loại cỡ lớn và phức tạp. Ví dụ như ngựa giấy, hổ giấy, hình nhân,… Những mặt hàng này thường được sử dụng trong các dịp tế lễ như đám tang, đám chay, cầu mát hay cúng đền. Đến những năm 30 của thế kỷ 20, nền sản xuất đồ mã ở Mã Mây suy tàn.

Một góc phố Hàng Mã thời Pháp

Người dân tại phố Hàng Mã nguyên là cư dân của làng Tân Khai di cư đến Hà Nội vào thời Pháp. Tại đây, họ mở hàng đồ mã và còn khá sơ khai trong giai đoạn đầu. Các hộ dân chủ yếu sản xuất những loại nhỏ lẻ, đồ trang trí dùng cho thờ cúng,… Kỹ nghệ sản xuất đơn giản và không có nhiều yếu tố đặc biệt. 

Thời điểm này, cơ sở sản xuất đồ mã chính của Hà Nội vẫn nằm ở phố Mã Mây. Phải đến những năm 1930, khi người dân Mã Mây di cư đến thì nền kỹ nghệ minh khí phố Hàng Mã mới thực sự phát triển. Vào thời điểm này, trình độ thủ công của dân Hàng Mã bắt đầu bước lên một tầm cao mới. Nhiều sản phẩm tuy là đồ mã nhưng lại được làm ra có chất lượng lẫn bề ngoài không khác gì đồ thật. Một số sản phẩm còn đạt đến trình độ nghệ thuật của kỹ nghệ thủ công đương thời!

Một bộ đồ mã ấm trà có xuất xứ Hà Nội đầu thế kỷ 20

Nói đến đỉnh cao của kỹ nghệ làm đồ mã Việt Nam thì không thể không nhắc đến số đồ mã được làm ra trong đám tang vua Khải Định. Đây là số lượng đồ mã lớn nhất được đốt vào đầu thế kỷ 20. Những đồ mã này bên cạnh giấy tiền vàng mã thì đa phần là những mô hình được phỏng theo đồ ngự dụng của nhà vua như ngai vàng, xe kiệu, võng lọng,… Nhưng nổi bật nhất thì đó phải là mô hình cả một tòa cung điện Kiến Trung được chế tác vô cùng công phu và tỉ mỉ. Điều này cho thấy, dù tất cả chỉ là đồ mã nhưng qua bàn tay nghệ nhân, chúng vẫn có thể biến thành những món đồ thủ công tinh xảo, thể hiện rõ nét tài năng của người chế tác. 

Mô hình đồ mã điện Kiến Trung trong đám tang vua Khải Định

Bước sang giữa thế kỷ 20, nền sản xuất đồ mã nước ta bắt đầu suy thoái. Sự biến động của tình hình đất nước khiến nghề làm đồ mã dần mất đi chỗ đứng. Quy mô sản xuất thu hẹp và biến mất ở nhiều địa phương. Tại Hà Nội, nghề làm đồ mã gần như biến mất hoàn toàn. Tại các phố Mã Mây hay Hàng Mã , những hộ gia đình vừa sản xuất và vừa kinh doanh đồ mã gần như biến mất. Còn tại miền Nam, hoạt động sản xuất đồ mã từ trước đến nay chủ yếu thuộc các cộng đồng người Hoa và cũng chịu chung tình trạng suy thoái tương tự. Đến cuối những năm 80, thực trạng suy thoái chung của nghề làm đồ mã vẫn không có nhiều thay đổi. 

Dốt đồ mã quy mô lớn đang trở thành vấn nạn

Đến đầu những năm 2000, do sự tác động của kinh tế thị trường, nền sản xuất đồ mã đã có nhiều thay đổi. Nhu cầu hướng về tâm linh của người dân bắt đầu tăng cao trở lại,  kéo theo đó là sự phục hưng của nghề làm vàng mã. Kinh tế nhiều gia đình và địa phương bắt đầu được cải thiện từ việc kinh doanh minh khí

Tại Đông Hồ (Bắc Ninh), nơi lừng danh với làng nghề làm đồ mã thế kỷ trước đã hồi sinh và trở thành thủ phủ đồ mã Việt Nam hiện tại. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, đồ mã ngày nay có thể sản xuất với số lượng lớn, kèm theo nhiều mẫu mã mới ra đời theo trào lưu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng nghề làm đồ mã lẫn tục đốt mã ở nhiều nơi bắt đầu có những biến tướng.

 Quan niệm “sống sau, chết vậy” khiến không ít các gia đình, tổ chức sẵn sàng chi những con số khủng chỉ để phục vụ cho nghi thức đốt mã. Cứ đến những mùa lễ hội, những thông tin về việc đốt hàng tấn đồ mã ở các miếu mạo, đền chùa thường xuyên xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo. Điều này gây ra tình trạng lãng phí tiền của, kèm theo đó không ít những nguy cơ hỏa hoạn lẫn ô nhiễm môi trường. Đây là một vấn đề đáng báo động. 

Tục đốt mã về căn nguyên là một tập tục nhân văn. Nó không chỉ thể hiện nhu cầu tâm linh đơn thuần của con người. Ở đó còn là tấm lòng tri ân của người sống đến người quá cố, sự tôn kính đến những bậc bề trên. Sự ra đời, phát triển và suy thoái của các làng nghề lẫn kỹ nghệ chế tác đồ mã là một điều hiển nhiên ở diễn ở mọi ngành nghề và lĩnh vực. 

Bản chất của tục đốt mã lẫn nghề làm đồ mã không xấu. Chúng chỉ trở nên xấu khi bản thân những con người sử dụng chúng và phân phối chúng đặt lòng tham lẫn sự ích kỷ lên trên những giá trị nhân văn cốt lõi.

Tác Giả Long Tự
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share