Chuyện chiếc bàn Thiên ở đất phương Nam

Tác giả xnghiem
Chuyện chiếc bàn Thiên ở đất phương Nam

Hò ơiiiiii... Đêm đêm con thắp đèn trời

Cầu cho... là cầu cho cha mẹ sống đời với con”

Lại một mùa lũ về miền Nam. Bên dòng Cửu Long, phù sa đỏ rực, chảy ào ào như dòng sữa mẹ mang tôm cá về, bà mẹ vạch ngực ra cho đứa nhỏ trong tay ăn sữa, thuận miệng hát vài ba câu ru ơi hời đưa đứa nhỏ vào trong cơn mơ. 

Hát xong mẹ đặt đứa nhỏ lên chiếc đi văng, ra ngoài sân lấy ba cây nhang, thắp lên chiếc bàn Thiên. Bà cầu Trời cho cửa nhà yên vui, phước-lộc-thọ mãn đường. Bát nhang tròn đặt trên bàn thờ vuông, bàn thờ vuông lại đặt trên trụ tròn, âm dương hòa hợp, vuông tròn hòa minh, trời đất đồng quy. Khói nhang từ bàn thờ thiên tỏa ra, mang theo lời khấn cầu của con người bé nhỏ được “thông thiên”, để trời xanh nghe thấy. Người và trời qua nén nhang mà nối kết với nhau thành một.

Người dân ở mảnh đất Tây Nam bộ là như thế, nhà trong dù có hay không bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, nhưng ngoài trời chắc chắn có bàn ông Thiên. Xứ kinh kỳ không có tục đặt bàn thờ Thiên trong sân. Ở Trung Bộ, tục này có ở một số gia đình xứ Huế, ở miền Đông có nhiều hơn. Chắc chẳng ở đâu như miền Tây Nam nơi này mà ông Thiên được thờ nhiều như vậy.

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long."

Huỳnh Văn Nghệ

Bịch, bịch, bịch. Những tốp người tản cư mới ở dưới xuôi lên đứng ngồi lố nhố cả dưới mấy cây xù xì, cành lá rườm rà ken vào nhau, rải xuống mặt đường và bãi cỏ một vùng bóng mát rộng. Tiếng quạt, tiếng thở, tiếng trẻ con khóc, cùng với tiếng cười nói của cánh đi phá đường về râm ran một góc đường. Dưới chân núi, rừng cây xơ xác còn ghi lại dấu vết một cuộc vật nhau giữa người với hổ. Có mấy bóng cò trắng bay in dấu trên con sông đỏ nặng phù sa. Người miền ngoài đang vào Nam mở cõi.

Đến đây xứ sở lạ lùng,

Chim kêu phải sợ, cá vùng phải lo."

Vết máu kéo dài từ trong nhà tranh đến rừng thì biến mất, có tiếng đứa trẻ con khóc to vì mở mắt ra mà thấy nhà trống huơ trống hoác. Chắc má nó bị ông ba mươi bắt đi rồi. Quay sang, thấy con lạch sau nhà dậy sóng. Theo từng đợt, mảnh đất đang đứng ngồi cũng bắt đầu rung lắc không yên. Keng, keng, keng, người làng người nào người nấy lo chạy vào nhà lấy hết nồi niêu xoong chảo, gậy gộc, vỗ nhau inh ỏi cả một vùng trời, cốt sao cho ông Năm chèo biết sợ mà đi, trả lại người dân cuộc sống coi như là tạm yên bình. 

Con quái đi rồi, coi như là đã ổn định đôi chút, ai trở về nhà nấy, nhưng mặt ai cũng thoáng một vẻ gì đó vừa khó hiểu vừa lo sợ. Có người đứng trầm ngâm một lúc, có đứa nhỏ khóc cạn nước mắt vì chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ai cũng không biết được mình còn trụ lại cái làng này được bao lâu nữa, hay phải Nam tiến tiếp, tìm cho ra chỗ ít yêu quái mà sống.

Ông Trời đã trở thành một phần thân thuộc trong cuộc sống của người nông dân khẩn hoang miền Tây, chứng kiến mọi niềm vui nỗi buồn, hiểu rõ những khó khăn và tâm tư của họ. Ông luôn gần gũi, sẵn sàng ra tay giúp đỡ như người thân trong gia đình. 

Phong thủy đất phương Nam nuôi người, nhưng phong thủy đất Nam cũng dọa người. Ở nơi rừng thiêng nước đọng này, hình như tin chính mình thôi là chưa đủ. Sấu đớp, hổ vồ, hàng ngàn những mối nguy thường trực đặt con người vào cái thế luôn bất an. Những con người với sứ mệnh “mang gươm mở cõi” ấy chỉ còn cách gửi gắm niềm tin vào nơi thánh thần hay một thế lực tâm linh nào đó, mà thế lực đó sẽ chở che họ sống bình an trên mảnh đất lạ lẫm này, để họ thêm vững chân, thêm niềm tin vào cái ngày an cư ở đất Nam Bộ. 

Trong cái thuở ban đầu ấy, họ chưa có được cơ ngơi hoành tráng, nhà cao cửa rộng ổn định, họ vẫn còn phiêu bạt đó đây, chọn nơi có thể sống được. Trong điều kiện đó, mọi thứ cần gọn nhẹ, đơn giản, kể cả tín ngưỡng tôn giáo. Chỉ cần treo một tấm vải màu một cành hoa đồng nội, một chén nước thiên nhiên là có thể làm nơi thờ tự, nơi thực hiện các lễ nghi giao hòa với các thực thể siêu nhiên. Họ đặt niềm tin vào ông Trời.

Vào những ngày sóc vọng, trên bàn thờ ông Thiên thường có thêm chén gạo, chén muối và đĩa hoa quả. Nếu gia đình tổ chức tiệc, giỗ chạp hay cưới hỏi, bàn thờ ông Thiên cũng sẽ có thêm lễ vật như bánh ít, bánh tét, trái cây và đĩa xôi. Đặc biệt, vào dịp tất niên và Tết Nguyên Đán, mọi gia đình đều bày mâm quả hoặc trái dưa hấu tròn đầy để cúng Trời, cầu nguyện cho gia đình luôn sung túc.

Bà má ru cho đứa trẻ an giấc, rồi qua phụ bà hàng xóm người Khmer cũng đang lúi húi dọn bàn Thiên. Cái bàn thờ màu vàng chói, nhìn là biết ảnh hưởng của Phật giáo Nam Tông. Bà hàng xóm người Khmer thờ thêm ông Tà, đặt thêm mấy hòn đá đặt bên cạnh lư hương. Gọn nhẹ như vậy là xong cái bàn thờ. 

Bà má trở vô trông thằng bé đang ngủ. Không biết tầm vài chục năm nữa, có đứa nào còn nhớ chăm lo cho bàn thờ ông Thiên như cha mẹ nó đã từng hay không? Hay cuộc sống đầy đủ quá, người ta quên mất tâm linh, rồi cái bàn Thiên sẽ chỉ còn là chuyện trong quá khứ.

HẾT

Share