Cập nhật: 21 Thg 03, 2025
Vua Trần Anh Tông tên thật là Trần Thuyên, con trưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là bậc minh quân của nhà Trần. Thời đại cai trị của ngài khiến Đại Việt an hưởng thái bình thịnh trị. Thế nhưng cuộc đời vua Anh Tông lại gắn liền với rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.
Năm 1304, triều đình mở khoa thi để kén nhân tài khắp cả nước. Năm đó có 44 người thi đỗ. Người đỗ cao nhất là Mạc Đĩnh Chi. Tuy nhiên, khi tới ngày ban mũ áo, vua Anh Tông lần đầu tiên thấy dung mạo Đĩnh Chi. Ông đã rất nhiệt tình… CHÊ.
Tương truyền, Mạc Đĩnh Chi có vóc người nhỏ, thấp, mặt mày xấu xí, khiến vua chê, không muốn cho ông đỗ đầu. Thử hỏi vua đã “kỳ thị nhan sắc” cụ Chi đến mức độ nào mà khiến sự kiện này được ghi luôn vào sách sử?
Không có tài liệu ghi lại cụ thể nhà vua đã nói những gì với Mạc Đĩnh Chi, nhưng có vẻ như bác Chi cay lắm. Hôm đó về nhà chắc ông cầm mic hát bài “Vẻ bề ngoài quan trọng đến thế à!? VẺ BỀ NGOÀI QUAN TRỌNG ĐẾN THẾ SAO!!?”. Hoặc là ông buồn quá rồi lấy nước mắt làm mực viết bài Ngọc tỉnh liên hoa phú (Bông sen trong giếng ngọc).
Tạm dịch:
“Ta có giống lạ trong tay áo này.
Chẳng phải mận đào phàm tục,
Chẳng phải trúc lạnh mai gầy.
Cũng không phải mẫu đơn cầu kỳ,
Cũng không là cúc rỉ lân sân.
Chính là một giống sen thần,
Mọc trong giếng ngọc giữa làn non hoa”
Ông dâng bài phú cho vua Anh Tông. Vua kiểu… đùa tí mà Trạng nguyên đã căng.
Thật ra thì vua nói:
“Mạc Trạng nguyên quả là bậc thiên tài, có tiết tháo”
Lần sau vua gặp lại hội thi đỗ, Anh Tông đích thân dẫn Mạc Đĩnh Chi và hai người đỗ đầu đi nghỉ dưỡng ở Phượng Thành suốt ba ngày. Đĩnh Chi được vua thăng làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia. Về sau, ông là nhân tố quan trọng trong ngoại giao giữa nước ta với nhà Nguyên.
___
(Tham khảo Đại Việt sử ký toàn thư)