Công sự Kotor: Dấu tích một thời chiến chinh – Kỳ 1

Tác giả Tường Vân
Công sự Kotor: Dấu tích một thời chiến chinh – Kỳ 1

Nhắc tới thành và pháo đài châu Âu, có lẽ hình ảnh đầu tiên hiện ra trong tâm trí của hầu hết chúng ta là những tòa lâu đài đẹp lộng lẫy như trong truyện cổ tích. Song trên thực tế, thành và pháo đài vốn là một bộ phận của công sự, được xây dựng với mục tiêu đảm bảo an toàn cho binh lính và tạo thế phòng ngự hiệu quả trước các đợt tấn công của quân địch. 

Suốt chiều dài lịch sử ngàn năm, vùng đất châu Âu chưa bao giờ ngừng xáo trộn bởi tác động của các cuộc chiến chinh, do đó số lượng công sự nơi đây tương đối lớn, thường xuyên được sửa chữa, nâng cấp cho phù hợp với chiến lược quân sự qua từng thời kỳ và tồn tại gần như nguyên trạng tới ngày nay. Trong số đó, khu công sự Kotor thuộc Montenegro (bán đảo Balkan) có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử quân sự, đồng thời là chứng tích của một thời thăng trầm trong quan hệ đối ngoại châu Âu. 

I. Lược sử khu công sự Kotor

Từ xưa tới nay, vịnh Kotor ở Nam Âu luôn được coi là khu vực địa lý chiến lược với cấu tạo địa mạo (geomorphological conformation) hết sức đặc biệt: Các vịnh nhỏ Herceg Novi, Tivat và Kotor nối thông nhau qua các kênh (channel), tạo thành cảng nước sâu tự nhiên có sức chứa lớn và kín đáo nhất vùng Địa Trung Hải. Vào thời cổ đại, Kotor đã được người Hy Lạp và La Mã sử dụng làm nơi neo đậu của các hạm đội hải quân hùng mạnh trong suốt nhiều thế kỷ. 

Khu công sự Kotor, hay Cattaro trong tiếng Ý, tọa lạc tại phía Đông Nam của vịnh là tiền đồn quan trọng bậc nhất trong khu vực, có công năng phòng thủ ở cả hai ngả đường bộ lẫn đường biển, đồng thời độ dốc địa hình ở mức độ vừa phải, cho phép quân phòng ngự quan sát được toàn bộ vịnh từ vị trí an toàn. Căn cứ vào nguồn sử liệu, có thể thấy người La Mã là những cư dân đầu tiên đã cho xây dựng một số công trình kiến trúc ở Kotor. Trong những thế kỷ tiếp theo, từ thời Byzantine cho đến thời Trung Cổ, những bức tường thành Kotor có từ thuở xa xưa được liên tục cải tạo để lập ra một vành đai phòng thủ cho thành phố. 

Vào thế kỷ 15, công quốc hàng hải Venezia  thiết lập quyền tể trị lên vùng vịnh Kotor. Kể từ thời điểm xác định cho đến khi đánh mất chủ quyền với Kotor vào tay đế chế Habsburg năm 1797, người Venezia không ngừng xây mới và nâng cấp công sự khu vực này để đối phó với các cuộc xâm lăng của ngoại tộc, đặc biệt là từ quân Ottoman. Thực tiễn chiến tranh đã chứng minh các đánh giá về Kotor là chuẩn xác, bởi tuy bị tấn công vô số kể bằng cả đường bộ lẫn đường biển, công sự này vẫn hiên ngang đứng vững theo thời gian.

Bởi đã thuộc sở hữu của nhà Habsburg trước đó không lâu, nên vào năm 1815, toàn bộ vùng vịnh Kotor nằm trực tiếp dưới quyền kiểm soát của triều đình Áo một cách danh chính ngôn thuận thông qua Hội nghị Vienna về hòa hợp quyền lực châu Âu. Nhưng chỉ một trăm năm sau đó, khi Thế chiến thứ Nhất nổ ra, Kotor phải trải qua nhiều lần “đổi chủ” mới chính thức thuộc về quốc gia Montenegro độc lập vào thế kỷ 21.

II. Tổng quan về thành phố - công sự Kotor thời trung đại

Bởi ảnh hưởng từ địa thế đặc biệt của vùng vịnh nên thành phố Kotor khi nhìn từ trên cao sẽ có hình tam giác, được bao quanh bởi hai dòng sông Škurda và Gurdic´. Công sự Kotor lợi dụng dòng chảy của hai con sông này để làm tuyến đường phòng thủ, đồng thời xây tường thành cao đến 260 mét so với thành thị phía dưới, chạm đến pháo đài St Ivan cũng tọa lạc trên ngọn núi cùng tên. 

Dọc theo bức tường thành là vô số lũy và pháo đài được xây để giám sát chặt chẽ khu vực xung quanh, mỗi lũy đều được kết nối với bệ đặt pháo được đặt theo tên các công trình sư người Venezia, ví như Cotarini (xây vào khoảng thế kỷ 14 – 15), Loredan (xây vào thế kỷ 15), Priuli (xây năm 1767),… Trải qua nhiều lần tu sửa, công sự Kotor được củng cố với khả năng chống chịu các loại vũ khí hạng nặng với tường thành dài hơn 4 km chạy dọc bờ biển và có độ dày dao động trong khoảng từ 2 đến 16 mét. 

Dựa trên phân tích của các nhà sử học, có thể nhận định rằng toàn thể công sự Kotor là sự hòa trộn của nhiều công trình xây dựng theo phong cách thuộc các thời đại khác nhau, tiêu biểu như bờ lũy Corner và Valier được xây sau trận động đất năm 1667 bao quanh công sự có từ thời Trung Cổ với những cánh cửa mang đậm phong cách Roman – Gothic vào thế kỷ 14. 

Do từng thuộc sở hữu của người Venezia trong hơn ba trăm năm nên biểu tượng con sư tử có cánh trên lá cờ của công quốc này được in dấu khắp nơi, từ tường thành cho tới cửa ra vào. Ngày nay, chúng trở thành một dấu chỉ dẫn lối du khách leo tới đỉnh công sự để từ đó phóng tầm mắt thưởng ngoạn phong cảnh kỳ vĩ vùng vịnh Kotor. 

Như mọi công trình quân sự cổ điển khác tại châu Âu, công sự Kotor bao quanh một thành phố mà lối vào chỉ qua duy nhất ba cửa: Porta Marina, Škurda và Gurdic´. Giống như tên gọi của mình, người ta qua cửa Porta Marina  bằng đường biển. Còn hai cửa còn lại có cầu bắc qua, nối với thành lũy ngay gần đó.

Đến với khu vực thành phố Kotor phía bên trong, ta bắt gặp nhiều cụm công trình dân sự có tuổi đời hơn trăm năm vẫn còn trong tình trạng tương đối tốt, tuy một vài tòa nhà đã bị hư hỏng nặng nề sau dư chấn của trận động đất năm 1979. Các công trình tiêu biểu có thể kể đến là Tháp Đồng hồ (xây vào thế kỷ 17), Tòa Thị chính, Xưởng Công binh, các loạt cung điện như Cung điện Bizanti, Cung điện Pima (xây vào thế kỷ 17) và Cung điện Grgurina (xây vào thế kỷ 15) – nay đã trở thành Bảo tàng Hàng hải. Ngoài ra, thành phố còn có rất nhiều nhà thờ Cơ Đốc giáo với niên đại trải dài từ thế kỷ 12 cho tới thế kỷ 16, bao gồm Nhà thờ Thánh Lucas, Nhà thờ Thánh Anna, Nhà thờ Đức Mẹ Mary, Nhà thờ Thánh Michael, Nhà thờ Đức Mẹ Cứu Giúp và đặc biệt là Nhà thờ chính tòa Thánh Tryphon với mặt tiền là hai tháp chuông lớn đầy ấn tượng.

Designer Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share