Như đã trình bày ở phần trước, vào thế kỷ 19, công sự Kotor thuộc quyền sở hữu của triều đình Áo, và rất mau chóng dưới sự ảnh hưởng của cuộc chiến Crimea (1853 – 1856), vùng vịnh này trở thành cảng quân sự số hai của đế chế Áo – Hung trên biển Adriatic. Nhiệm vụ chiến lược của cảng quân sự Kotor thay đổi theo từng năm, phụ thuộc vào sự biến chuyển trong quan hệ quốc tế và chiến thuật chiến tranh, có thể chia làm năm giai đoạn chính yếu sau
Giai đoạn thứ nhất (1838 – 1851)
Trong giai đoạn này, hàng loạt công sự mới được xây dựng dọc theo giới tuyến công quốc Montenegro nhằm bảo đảm an toàn cho tuyến đường xuyên núi và vùng biên giới. Mỗi pháo đài trong công sự phải ở vị trí tương đối biệt lập với nhau để có thể tự mình chống chịu được các đợt tấn công vào bất cứ lúc nào, kể cả trong thời bình. Đặc thù kiến trúc của các đơn vị công sự này có sự tương đồng đáng kể với loại hình công sự kiểu Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia đã tồn tại hàng thế kỷ trước đó, chỉ có thể phòng ngự trước các đợt đổ bộ của nhóm nhỏ bộ binh với trang bị súng nòng cỡ nhỏ (small calibre gun).
Pháo đài được xây dựng đầu tiên trong chiến dịch này mang tên Dragalij. Khởi công vào năm 1838, pháo đài tọa lạc nơi thung lũng Han, phía bắc Risan với mục tiêu trọng điểm là bảo vệ tuyến đường thương mại Risan – Nikšić. Tới năm 1845, bốn pháo đài mới được xây dựng ở vùng núi phía đông Budva, lần lượt theo thứ tự là Stagnjevic, Spiridione, Kopacs và Presjeka. Tuy các pháo đài nằm riêng lẻ, song kỳ thực chúng đều liên kết chặt chẽ với nhau thông qua mạng lưới truyền tin quân đội và những con đường bí mật.
Giai đoạn thứ hai (1852 – 1880)
Vào năm 1853, bởi Kotor chính thức trở thành cảng quân sự, lối vào vùng vịnh ngay lập tức được công sự hóa, với vành đai phòng thủ nối bán đảo Prevalaka, đảo Lastavica và Punta d’Arza với nhau, đặt pháo đài biển Mamula làm khu vực trung tâm, bên cạnh là pháo đài Punta d’Ostro cùng tháp Arza để gia tăng sức mạnh toàn khu vực. Đồng thời, phòng tuyến đất liền cũng được củng cố bởi pháo đài vũ trang Kosmač được xây vào những năm 50 của thế kỷ 19.
Tới năm 1859, để chuẩn bị cho chiến tranh, hàng loạt công sự bán kiên cố được thiết lập tại phía tây Kotor và tại thung lũng Župa với mục tiêu kiểm soát tuyến đường chính Budva – Cattaro. Các pháo đài và khẩu đội pháo bán chuyên sau đó được chuyển sang dạng kiên cố hoàn toàn để phục vụ cuộc chiến với Phổ và Ý vào năm 1866.
Giai đoạn thứ ba (1881 – 1893)
Ở trong giai đoạn này, các cuộc nổi dậy tại Dalmatia (Croatia ngày nay) và vùng Bosnia – Hercegovina đã tác động mạnh mẽ lên quá trình kiến thiết công trình quân sự tại Kotor, với ví dụ tiêu biểu là hệ thống công sự Krivošije được xây vào năm 1883. Hệ thống này bao gồm bốn khu công sự nhỏ hơn với tổng cộng tám pháo đài chính và ba pháo đài phụ mà về sau cũng chuyển sang dạng kiên cố hoàn toàn vào năm 1888.
Ngoài mục tiêu trấn áp các cuộc nổi dậy, nhu cầu bảo vệ thành phố Kotor và các con đường biên giới cũng tăng cao khiến cho việc cải tạo công sự trở nên cấp thiết. Các pháo đài tân kỳ được trang bị khẩu pháo làm từ thép đúc đã xuất hiện và thay thế các cụm pháo đài xây theo lối cũ vào những năm 1884 – 1886, làm tăng hiệu quả chiến đấu trong các chiến dịch lâu dài.
Giai đoạn thứ tư (1894 – 1905)
Đây là thời kỳ xây dựng các công sự với hiệu suất lớn nhất, với “phát súng mở đường” là phòng tuyến thứ hai được thiết lập nơi cửa vịnh Kotor. Ba nhóm công sự nhỏ giúp gia tăng sức kháng cự trên biển cũng ra đời, nối liền hai bán đảo Kobila và Luštica. Ở tổ hợp các công trình quân sự này có tổng cộng tám khẩu đội pháo ven bờ biển, ba trạm gác và một doanh trại phòng thủ, các đài quan sát và rất nhiều kho vũ khí. Thêm vào đó là ba khẩu đội pháo cối với vai trò hỗ trợ tuyến phòng thủ trong và ngoài bờ biển. Tuy nhiên, việc củng cố các phòng tuyến trên đất liền lại không được năng suất như vậy: Chỉ có một trạm gác tại Tivat để canh chừng kho vũ khí và pháo đài Vermac được xây làm cơ sở bảo vệ cho toàn thành Kotor.
Giai đoạn cuối cùng (1906 – 1914)
Có thể nói rằng ở giai đoạn này, việc tái thiết và xây mới khu công sự Kotor không có nhiều điểm mới, chỉ là sự tiếp nối công việc của các giai đoạn trước đây. Cụ thể hơn, để hoàn thiện phòng tuyến trên biển, một nhóm công sự được thiết lập với pháo đài được trang bị vũ trang tối tân và một lô cốt nhỏ. Nhóm công sự này lại được hỗ trợ bởi khu phức hợp công trình quân sự khác gần đó, với đồn lũy kiên cố rất thích hợp dành cho bộ binh.
Kể từ năm 1909 trở đi, quan điểm hiện đại hóa phòng tuyến trên đất liền trở thành xu hướng và được áp dụng nhiều trên thực tế, điển hình là các công sự nơi chiến trường được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh vùng Balkan, hay các bán đảo được củng cố thêm sức mạnh phòng ngự bằng các chiến hào nối tiếp nhau trên mặt đất. Quả thực, Thế chiến I đã làm thay đổi toàn thể cục diện giao chiến: Thành và pháo đài không còn được ưu tiên sử dụng nữa mà thay vào đó là các chiến hào cùng lô cốt, đồng thời quân đội cùng dàn lực lượng trên toàn không gian, từ biển, không trung cho tới đất liền.
Kết luận
Có thể thấy rằng, với vị trí chiến lược đầy lý tưởng của mình, vùng vịnh Kotor đã được khai thác vào mục đích quân sự từ rất sớm và mau chóng trở nên bất khả chiến bại gần như trong suốt mọi cuộc chiến từ cổ chí kim. Nhìn vào sự thay đổi về chủ quyền và những tái thiết diễn ra liên tục trong vòng nhiều thế kỷ, khu công sự Kotor thực sự là một chứng tích sống động của lịch sử quân sự vùng Nam Âu, đặc biệt là khu vực Balkan chưa bao giờ yên ổn.
Ngày nay, do chiến tranh đã được hiện đại hóa với các thiết bị công nghệ cao, tổ hợp công sự – thành thị Kotor không còn đảm trách vai trò phòng thủ nữa, mà trở thành di sản tự nhiên – văn hóa thế giới do UNESCO công nhận vào năm 1979.