Đạo Ông Trần tại đảo Long Sơn xứ Vũng Tàu

Tác giả Tường Vân
Đạo Ông Trần tại đảo Long Sơn xứ Vũng Tàu

Sinh đồng tịch đồng sàng

Thác đồng quan đồng quách”.

Người xưa thường dùng thành ngữ trên để chỉ tình nghĩa vợ chồng gắn bó keo sơn cho đến khi âm dương cách biệt: Khi sống thì nằm chung chiếu chung giường, khi chết thì chôn cùng một quan một quách. Tuy nhiên, ở đảo Long Sơn thuộc thành phố Vũng Tàu ngày nay, đó không chỉ là câu thành ngữ về tình cảm lứa đôi mà còn là nếp sống đầy tính nhân bản của cư dân nơi đây nhờ ảnh hưởng lâu đời từ đạo Ông Trần. 

Đạo Ông Trần có thể được coi như một trong những tín ngưỡng bản địa vùng Nam Bộ, gắn liền với quá trình di dân, khai khẩn vùng đất mới đồng thời là vỏ bọc hữu hiệu cho phong trào kháng Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19.

1. Lịch sử đảo Long Sơn

Đạo ông Trần tại Long Sơn

Cho tới tận đầu thế kỷ 19, Vũng Tàu vẫn là một vùng đất hoang sơ chưa ai khai phá, chỉ đơn giản là một tiền đồn hải quân của chúa Nguyễn Ánh gồm ba đơn vị quân gọi là thuyền. Sau khi thống nhất sơn hà vào năm 1802, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi xưng Gia Long đế liền giải ngũ ba thuyền và cho phép lập làng từ ba thuyền đó với tên lần lượt là Thắng Nhứt, Thắng Nhì và Thắng Tam. Dần dần, nơi đây thu hút thêm nhiều dân quần cư, bắt đầu từ các cửa sông như Xích Ram, Cửa Dinh với các làng chài lưới, sau mở rộng ra đến các làng làm nông nghiệp ở các vùng đất thấp và sâu hơn. 

Nằm cách bán đảo Vũng Tàu không xa là thôn Long Sơn, hay còn gọi là thôn Núi Nứa, vốn là hai hòn đảo nhỏ được bao bọc bởi các sông lớn như sông Dinh, sông Cái Mép – Thị Vải, lại tiếp giáp với vịnh Gành Rái, vịnh Đồng Tranh nơi sông Đồng Nai đổ ra biển. Cũng như các thôn ổ khác tại Vũng Tàu, với vị trí địa lý như vậy, thôn đảo Long Sơn chủ yếu là nơi cư ngụ của ngư dân và diêm dân. Song cho đến thế kỷ 20, trước khi Ông Trần cùng các đồng đạo tới đây khai khẩn, Long Sơn vẫn chỉ là một đảo nghèo nàn bởi nằm đúng khu vực bãi bồi, đất bằng thì sình lầy nhiễm mặn, đất núi thì sỏi đá khô cằn nên việc giao thương trên biển bị đình trệ, đồng thời rất khó phát triển nghề trồng trọt, chăn nuôi. Như vậy, sinh kế trên vùng đất mới xem ra không có gì khác trong mắt những người dân vùng duyên hải miền Trung đã bỏ làng ra đi tìm cơ hội đổi đời.

Vậy Ông Trần là ai, đạo của ông có sức mạnh nào đã làm biến chuyển hoàn toàn một vùng đất thiếu sức sống như vậy?

2. Đạo Ông Trần - một tín ngưỡng bản địa độc nhất vô nhị

Đạo ông Trần tại Long Sơn

Ông Trần (1856 – 1935) vốn không phải họ Trần, mà chính tên là Lê Văn Mưu, sinh quán tại Hà Tiên. Là một đệ tử của Đức Bổn sư Ngô Lợi phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, khi phong trào tôn giáo kháng Pháp này tan rã dưới sức ép của quân đội thực dân, ông Trần cùng thân quyến và đồng đạo rời quê tới vùng Đông Nam Bộ, một phần để trốn tránh sự truy lùng của quân Pháp, một phần để truyền bá giáo lý, gây dựng lại cơ sở tranh đấu trong nhân dân. 

Do đó, năm 1891 ông tới định cư tại Vũng Vằng thuộc bán đảo Vũng Tàu, làm nghề sản xuất và buôn bán muối, đồng thời huấn luyện ngầm đội quân chống Pháp mộ từ những người lao động bình thường giàu lòng yêu nước. Tuy nhiên do chính quyền thực dân vẫn để mắt tới hành tung của ông nên tám năm sau đó ông cùng đồng đạo và thân quyến dời hẳn sang đảo Long Sơn để thuận lợi hoạt động hơn. 

Tại đây, trên cơ sở một vùng đất đã có dân cư tới khai phá – tuy chưa thật hiệu quả – nhờ vào công làm lụng chăm chỉ và tài tổ chức kinh tế, chẳng bao lâu ông Trần đã gây được cơ nghiệp, quy tụ được thêm nhiều di dân về Long Sơn dựng cửa dựng nhà, trồng cây gây trái, cùng làm ruộng muối, đánh cá biển, buôn bán trao đổi ngược xuôi. Sự khởi sắc này một phần đến từ mạng lưới giao thông dưới thời Pháp thuộc đã phát triển hơn, nên việc giao thương hàng hóa cũng dễ dàng, ít khi ách tắc đình trệ. 

Song song với việc lập dinh điền, trị bệnh cứu người, ông Trần còn truyền thụ giáo lý “tu thân – học Phật”, làm tấm gương truyền dạy đạo làm người cho dân chúng nơi đây theo “tứ đạo trọng ân”, tức bốn ân lớn lao cao cả gồm ân tổ tiên, ân đất nước, ân Tam bảo và ân đồng bào. Chính vì lối sống ngay thẳng, giản dị – ông thường hay để mình trần khi lao động – nên người dân được cảm hóa, thường gọi ông một cách tôn kính là Ông Trần và tự nguyện sống theo đạo của ông khi nào chẳng hay. Cho tới tận ngày nay, phần đông người dân trên đảo vẫn mặc bộ bà ba đen, đi chân đất, tóc búi tó, nam giới thì nuôi râu dài giống như hình ảnh ông Trần lúc còn tại thế.

Đạo ông Trần tại Long Sơn

Khi thấy dân cư thuần hậu, vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20, ông Trần để tiền tài xây dựng một khu nhà thờ Khổng Tử, mục đích để dạy “dân luận và ái quốc”. Về sau, khu nhà thờ này trở thành gian chính điện, lại có thêm lầu Tiên, lầu Phật, lầu Trời được mở rộng chung quanh; có lầu Cấm làm gian tiền điện, có nhà đón khách, có cổng tam quan và lầu Dài chia làm hai phần: phần thượng dành cho các ban thờ còn phần hạ là nơi ăn nghỉ cho những ai lui tới thăm viếng. 

Những năm kế tiếp, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân đảo, ông Trần cho xây thêm các dãy phố dành cho dân ngụ cư khi mới tới, trường học cho trẻ, nhà máy xay xát gạo, kho chứa thóc, nhà hội họp, khu chợ,… Vì tất cả đều được xây trong cùng một khu vực nên người dân nơi đây quen gọi chung bằng một cái tên giản dị là Nhà Lớn Long Sơn.  

Xuất phát từ tính hỗn dung trong tôn giáo mà ông trao truyền, Nhà Lớn Long Sơn là một tổ hợp kiến trúc không tuân theo quy luật truyền thống với các khu nhà được xây xen kẽ nhau không cân xứng. Nội thất trong các gian thờ chính cũng khá đa dạng, thể hiện đủ đặc trưng ba miền với hoành phi, liễn đối, chân đèn, đỉnh trầm, độc bình, khánh thờ, sập gụ, tủ chè,… Sau khi ông mất, việc trông nom Nhà Lớn được tất cả người dân trên đảo đảm nhiệm, cứ luân phiên chia thành từng nhóm đều đặn lo việc cúng kiếng, sửa sang hay dọn dẹp cả khu nhà. 

Hàng năm đảo Long Sơn có hai dịp lễ long trọng nhất là ngày vía Ông vào 20 tháng Chạp âm lịch và ngày Tết Trùng Cửu mồng 9 tháng 9. Vào hai ngày này, người dân tổ chức sắm sửa, dâng các sản vật địa phương lên ban thờ và làm lễ, thu hút rất nhiều khách tham dự từ các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ cùng chia sẻ những tín điều của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Đạo Ông Trần, tuy nói là đạo, nhưng kỳ thực không có giáo chủ, không có kinh sách hay đền đài thờ phụng. Dựa trên ảnh hưởng của thầy mình, ông Trần chủ yếu phổ biến tinh thần Phật giáo dân dã có kết hợp thêm yếu tố Nho, Lão và tục thờ cúng tổ tiên theo hình thức cư sĩ, tu tại gia. Tức là tín đồ không cần câu nệ hình thức, không cần cắt tóc quy y, không cần thuộc làu kinh sách, mà tự sửa mình trong nếp sống hàng ngày, chăm lao động, chăm làm việc thiện và luôn kính ngưỡng ông bà tổ tiên. 

Lúc sinh thời, ông Trần thường răn dạy rằng: “Tu không thành tiên, mà để thành Phật, thành người”. Quả vậy, đạo Ông Trần là sự thực hành đạo làm người trong đời sống thường ngày, thực hành liên lỉ cho đến khi trở nên tự nhiên như hơi thở, ai ai cũng đều sống có lý có tình, ngay thẳng và hiền hòa như một phần bản chất. Do đó mà người dân đảo Long Sơn đa phần đều chân chất giản dị mà vui tươi cởi mở; đời sống thanh bình, ít âu lo.

Đạo ông Trần tại Long Sơn
Đạo ông Trần tại Long Sơn
Đạo ông Trần tại Long Sơn
Đạo ông Trần tại Long Sơn
Nhà Lớn Long Sơn | Nguồn ảnh : Internet

Ngoài nếp sống đạo – đời không tách biệt, cư dân nơi đây còn lưu giữ nhiều tục lệ độc đáo từ thời ông Trần làm nên bản sắc văn hóa riêng của đảo Long Sơn. Ví như tục viết hàng trăm liễn đón xuân, dựng cây nêu ngày Tết, và đặc biệt hơn cả là tục lệ tang ma nơi đây. 

Lúc còn tại thế, ông Trần chủ trương rằng “Sinh đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách”, bất kể già trẻ gái trai đều bình đẳng. Nên khi trên đảo có người mất, người nhà không đặt sẵn áo quan riêng mà chỉ rước tới huyệt mộ bằng một bao quan duy nhất, còn gọi là lồng liệt. Bao quan này truyền từ thời ông Trần tới nay đã hơn trăm năm, được kết bằng tre cói và sơn màu đỏ thắm, đặt tại Nhà Lớn. Tang gia sẽ tới đây để thỉnh bao quan về và rước người mất vào đó, tới huyệt chôn thì mở nắp bao quan, liệm người mất vào đôi chiếu cói buộc chặt rồi đem chôn. Sau khi chôn thì bao quan lại được rước về chỗ cũ trong Nhà Lớn để dành những dịp sau. 

Đám tang diễn ra hết sức mau chóng và đơn giản, với gia quyến xếp hàng đôi, xả tang ngay tại huyệt, và đặc biệt nhất là nghi lễ tang ma nơi đây đều tuân theo “bốn cái không”: không kèn trống, không tụng kinh, không ồn ào tiếng khóc và không phúng điếu. Ngoài ra khi chôn cất cũng không chọn ngày giờ, không làm cỗ bàn linh đình như tục lệ thường thấy. Có lẽ quan điểm của ông Trần rằng cái chết vốn tự nhiên, nay sống gửi mai thác về là lẽ thường của Hóa công nên không đặt nặng nghi thức chăng? Dẫu sao thì tục lệ ấy cũng phù hợp với cuộc sống giản dị, đúng tinh thần hòa ái của cộng đồng dân đảo Long Sơn, tránh gây phiền hà, lãng phí không cần thiết.

Đạo ông Trần tại Long Sơn
Đạo ông Trần tại Long Sơn

KẾT LUẬN

Có thể thấy rằng, cũng như phong trào tôn giáo – tín ngưỡng mới diễn ra tại miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, đạo ông Trần xuất hiện đã bù đắp phần nào tâm lý những người dân di cư, cho họ một nơi nương tựa tinh thần khi phải lìa bỏ quê hương bản quán, đối mặt với những hiểm nguy của cả một vùng đất mới chưa ai khai phá. 

Không chỉ có vậy, sự biến chạy trốn chính quyền thực dân của ông Trần và đồng đạo vô tình đã tạo nên một cuộc di dân đảo ngược từ miền Tây Nam Bộ về lại miền Đông Nam Bộ nơi trăm năm trước đó người Việt đã bỏ mà đi bởi sự khô cằn, thiếu sức sống của mảnh đất nơi đây. Công cuộc truyền bá giáo lý của ông Trần cũng góp phần làm lan rộng hơn ảnh hưởng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại khu vực miền Đông, đồng thời rèn luyện ý chí kháng Pháp mãnh liệt luôn ngầm ẩn trong tinh thần người dân, chỉ chực chờ có cơ hội là bùng lên dữ dội như ngọn lửa ngay giai đoạn sau đó.

______________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Lê Công Lý, Đạo “Ông Trần” và quá trình phát triển đảo Long Sơn / Núi Nứa ở Vũng Tàu, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140), 2017.

[2]. Anh Minh, Long Sơn có đạo Ông Trần, Báo Tiền phong, 27/06/2011.

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế dàn trang : Nhím

Đạo ông Trần tại Long Sơn
Share