Bài viết này sẽ không bàn về lịch sử hay sự linh thiêng của bang Uttah Pradesh, mà sẽ mổ xẻ nó và vị trí hiểm yếu của dãy Himalaya từ góc nhìn thời đại hơn: dân số Ấn Độ.
Uttah Pradesh, một bang ở khu vực phía Bắc Ấn Độ, nổi tiếng với tư cách quê hương của ngôi đền Taj Mahal và cũng là nơi phát tích của thành phố linh thiêng Varanasi bên bờ sông Hằng. Cũng như nhiều bang khác ở vùng Bắc và Đông Bắc Ấn, đây là một trong những bang có dân số rất lớn, với mật độ vào hàng cao nhất cả nước. Theo số liệu của Indiagrowing.com, dân số Uttah Pradesh tính đến năm 2022 xấp xỉ 230 triệu người, lớn hơn cả dân số toàn Brazil. Hiện tại, Uttah Pradesh là bang đông nhất và có mật độ dân cư cao thứ hai Ấn Độ.
Tháng 11 năm 2022, Trái Đất chào đón công dân thứ 8 tỷ trên mặt địa cầu, một con số khổng lồ. 35% trong tổng số này, tức gần 3 tỷ người, chỉ đến từ hai quốc gia mà thôi. Tính tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc 1,41 tỉ dân và Ấn Độ chạm 1,39 tỷ dân, đang độc mã trong “cuộc đua” dân số kinh hoàng này. Trung Quốc đã và đang dẫn đầu cuộc đua trong suốt gần 300 năm qua. Kể từ những năm 1750 dưới thời nhà Thanh, theo số liệu của Our World in Data, dân số Trung Hoa đã lên đến gần 225 triệu người, chiếm gần ⅓ dân số thế giới cùng thời. Từ đó về sau, không một quốc gia nào có thể tranh đoạt ngai vàng của người Trung Quốc khi nói về dân số.
Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng không gì là vĩnh cửu và sự độc tôn này cũng vậy. Chúng ta sẽ chứng kiến lần đầu tiên Trung Quốc bị vượt mặt. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã dự báo rằng năm 2024 Ấn Độ sẽ nhấn ga vượt mặt Trung Quốc, trở thành đất nước đông đúc nhất trên bề mặt địa cầu. Và quan trọng hơn, Ấn Độ sẽ ngồi trên ngai vàng này ít nhất là cho đến hết thế kỷ 21.
Nhìn vào bản đồ dân số Ấn Độ, ta dễ dàng nhận ra những vùng đậm nhất, hoặc có thể hiểu là những bang đông dân nhất gồm những cái tên “lừng lẫy” như Uttar Pradesh, Bihar, Meghalaya, hay Manipur. Có một điểm chung, tất cả những bang này đều nằm ở phía Bắc và Đông Bắc Ấn. Nói cách khác nếu vẽ một đường kẻ như trong hình, ta sẽ có hơn 50% dân số Ấn Độ sống ở “nửa trên đường kẻ này”, trên một khu vực có diện tích chỉ bằng ⅓ tổng diện tích cả nước, trong khi toàn bộ hơn 50% còn lại định cư rải rác ở phía dưới của đường kẻ.
Nhưng bạn cũng đừng vội nghĩ là khu “bên dưới” này có dân cư thưa thớt và “rộng rãi thoáng mát” nha. Do dân số Ấn quá lớn, khu vực “bên dưới” này dù không đông như bên trên, nhưng cũng chật chội đến khó thở. Cụ thể, những thành phố đông dân nổi tiếng như Mumbai, Bangalore, hay Hyderabad đều nằm ở “nửa dưới”.
Nhưng điều gì đã đẩy phần đông dân số Ấn Độ ngược lên phương Bắc, nhồi nhét họ vào một khu vực như vậy, từ đó dẫn đến sự mất cân đối về dân số này? Lý do rất đơn giản là vì dãy Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn). Dù không phải là quốc gia có quyền sử dụng đất lớn nhất với Himalaya, nhưng sự phân bố dân số của Ấn Độ lại chịu ảnh hưởng quá lớn từ sự xuất hiện của dãy núi vĩ đại này. Và Himalaya đã vận hành bánh xe dân số của quốc gia Nam Á này theo ba cách khác nhau.
Đầu tiên, dãy Himalaya đã che chắn và tạo ra một vùng khí hậu cực kỳ thuận tiện cho nông nghiệp và phát triển xã hội. Cụ thể, những luồng không khí siêu lạnh thổi từ vùng Bắc Cực, đi ngang qua Siberia, xuôi về phương Nam đã bị Himalayas chặn lại hoàn toàn. Do không thể vượt qua được “bức tường khổng lồ”, luồng khí lạnh này đành phải dừng lại nghỉ chân tại đây, tạo nên một vùng sa mạc khô và lạnh giá quanh năm mang tên cao nguyên Thanh Tạng ở phía Bắc dãy núi, với quốc gia Tây Tạng lạnh lẽo và khô khốc là một ví dụ rõ nét.
Ngược lại, phía bờ Nam của Himalaya, chính là vùng Bắc Ấn Độ, thì lại quanh năm hưởng trọn khí hậu ôn đới. Chưa hết, ngoài Himalaya, vùng này còn được một dãy núi đồ sộ khác che chở là Hindu Kush. Và thế là cả hai dãy núi vĩ đại như những bức tường do thiên nhiên ưu ái xây nên, chắn gió lạnh cho cả vùng đất rộng lớn.
Đương nhiên khu này cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng từ độ cao và nhiệt độ của Himalaya, nhưng nhiệt độ không quá khắc nghiệt, ngay cả trong mùa đông lạnh giá. Chính điều kiện thời tiết tuyệt vời này đã tạo nên vùng ôn đới rất lớn, ấm áp hơn tất cả những vùng ôn đới khác trên thế giới, thu hút hàng trăm triệu người đổ về đây sinh sống.
Cao nguyên Thanh Tạng
Himalaya không chỉ cho vùng Bắc Ấn khí hậu mát mẻ dễ chịu, mà còn tặng cho nơi này những cơn mưa mùa hè tươi mát. Vào hạ, nước bốc hơi từ Ấn Độ Dương sẽ theo những cơn gió bay vào đất liền, ngao du qua toàn bộ đất nước Ấn Độ rộng lớn. Chúng không thể bay mãi được và rồi bị chặn lại bởi bức tường khổng lồ mang tên Himalaya. Những cơn gió ẩm từ biển đương nhiên không thể vượt qua dãy núi đồ sộ này. Tại đây, chúng bị hơi lạnh làm cho ngưng tụ và sau đó sẽ bay lên trời, chờ điều kiện thuận lợi để hóa thành những cơn mưa tưới tiêu cho vùng đất. Đó là lý do tại sao vào mùa hè, ở Bắc Ấn sẽ có mưa giông thường xuyên. Mưa lớn và dày đặc, trắng cả trời đất.
Để ghi nhớ công ơn những cơn gió thổi vào, người ta gọi đây là mùa mưa Tây Nam. Những cơn mưa không chỉ cung cấp nước cho các dòng sông mà còn điều hòa nhiệt độ vùng đất, giúp vạn vật sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, những cơn mưa mùa hè không phải là nguồn nước quá lớn để người Bắc Ấn có thể tuyệt đối tin tưởng. Vì thế, họ đã đặt trọn niềm tin vào một nguồn nước khác dồi dào hơn và vô tận, một món quà khác nữa từ dãy Tuyết Sơn.
Hướng gió mùa hè thổi vào Tiểu lục địa Ấn Độ từ Ấn Độ dương
Với độ cao trung bình hơn 6000m với nhiều đỉnh núi băng phủ quanh năm, trữ lượng nước trong các lớp băng của Himalaya thực sự khổng lồ, chỉ đứng sau Bắc Cực và Nam Cực. Chính vì thế, trong cái giá lạnh vĩnh hằng của Himalayas, đỉnh Tuyết Sơn là nơi phát tích của nhiều con sông vĩ đại của nhân loại. Từ trên núi cao, chúng chảy xuống núi theo hướng Nam, rồi ban phát sự sống cho bao người.
Ba trong số những dòng nước lớn nhất thế giới đều chảy từ Himalaya, đó chính là sông Indus, sông Hằng, và sông Brahmaputra, lần lượt chảy qua lãnh thổ Pakistan, Ấn Độ, và Bangladesh. Khu vực xung quanh ba con sông này là một vùng đồng bằng rộng lớn, cực kỳ trù phú và màu mỡ có tên đồng bằng Ấn – Hằng. Đây là vùng đất canh tác khổng lồ trải dài liên tục trên một mảnh đất còn lớn hơn cả nước Pháp, quả là đáng kinh ngạc.
Chưa hết, những con sông chảy từ đỉnh Tuyết Sơn mang theo trữ lượng phù sa dồi dào, khiến cho vùng đồng bằng Ấn – Hằng này rất thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Có thể thấy, bản đồ năng suất nông nghiệp và bản đồ dân số Ấn có sự trùng khớp rõ ràng. Vùng phía Bắc Ấn dẫn đầu về nông sản và do đó có dân số trội hơn hẳn so với phần trung tâm của lục địa Ấn Độ. Tóm lại, vùng đồng bằng Ấn – Hằng này, với huyết mạch là con sông Hằng linh thiêng, là nơi biết bao thế hệ người Ấn trồng trọt và canh tác, đảm bảo nguồn cung lương thực khổng lồ cho đến gần 700 triệu người, tức là bằng dân số cả châu Âu gộp lại.
Khí hậu, lượng mưa lớn, và những dòng nước trĩu nặng phù sa, ba món quà vô giá mà Hy Mã Lạp Sơn đã quá ưu ái cho phần “nửa trên” của đường kẻ mà chúng ta đã vạch ra ở đầu bài viết. “Nước chảy chỗ trũng”, đó là quy tắc bất di bất dịch. Với đầy đủ những yếu tố quá thuận lợi như vậy, không khó hiểu khi người Ấn đã và đang ngược về phương Bắc để định cư, tạo nên một sự mất cân đối trong việc phân bố dân cư tại quốc gia mà trong vài năm nữa sẽ làm “bá chủ” về mặt dân số. Sẽ không quá lời nếu cho rằng một mình dãy Tuyết Sơn đã trực tiếp vẽ nên một bàn cờ cơ cấu dân số Ấn Độ như hiện nay.