Vieseries Hồ Sơ W

Hội Thề Đốn Sơn – Kỳ 2: Cơ hội cuối cùng

Tác giả Đỗ Minh Nhật
Hội Thề Đốn Sơn – Kỳ 2: Cơ hội cuối cùng

Cướp ngôi nhà Trần

Năm 1400, Quý Ly bức vua nhường ngôi cho mình. Lê Quý Ly tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu, đổi thành họ Hồ. Nhà Trần cáo chung tại đây.

Hồ Quý Ly lên ngôi vua chưa được một năm thì nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương, còn mình lên làm Thượng hoàng. Có vẻ, nhà Hồ sẽ giữ nguyên mô hình nhà nước của Trần để giảm thiểu biến động, tránh mâu thuẫn với giới quý tộc và dân chúng. Thế nhưng, một nan đề mà họ Hồ không thể tránh né đó là chế độ điền trang thực ấp của nhà Trần.

Chế độ phong thực ấp, cho phép tôn thất nhà Trần có quân đội riêng chỉ đạt hiệu quả khi họ một lòng trung thành với chính quyền trung ương. Nay nhà Hồ thay thế nhà Trần khiến cho nguy cơ của một cuộc nội chiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các quý tộc, hoàng thân quốc thích nhà Trần nắm quân đội riêng, chỉ cần một người họ Trần đứng lên hiệu triệu thì quân đội trung ương của nhà Hồ khó lòng dẹp loạn.

Hạn điền, hạn nô

Hiểu được điều đó, cho nên vào năm 1397, tức là ba năm trước khi tiếm ngôi, Hồ Quý Ly đã xuống chiếu hạn chế danh điền tức là ruộng tư. Chiếu quy định bậc đại vương và trưởng công chúa thì số ruộng tư không hạn chế; còn lại từ quan lại cho tới thứ dân thì số ruộng tối đa chỉ được 10 mẫu. Người nào có tội, hoặc quan lại bị biếm chức, mất chức thì được lấy ruộng để chuộc tội. Số ruộng thừa phải hiến cho nhà nước làm quan điền, tức là ruộng công. Như vậy là sau khi có ý định dời đô về Thanh Hóa, Hồ Quý Ly đã sớm có hành động đánh thẳng vào túi tiền của các thế lực địa phương nhà Trần. Qua đó làm suy yếu dần thế lực quân đội địa phương.

Chưa dừng lại ở chính sách hạn điền, năm 1401, Hồ Hán Thương với tư cách là vua nước Đại Ngu đã lập phép hạn chế gia nô. Chiếu theo phẩm cấp của quan lại, quý tộc mà được phép có số lượng gia nô nhất định, còn thừa phải dâng lên cho chính quyền, mỗi tên nô sẽ được trả 5 quan tiền. Thế lực quân đội địa phương vốn được xây dựng từ lực lượng gia nô, nay đã bị phép hạn nô này triệt hạ. Số gia nô đó không được giải phóng thành người tự do, mà lại trở thành quốc nô phục dịch cho nhà vua.

Nhìn chung, chính sách hạn điền, hạn nô của nhà Hồ không nhằm cải cách tình hình đất nước mà thực chất chỉ để làm suy yếu các thế lực con cháu, quý tộc nhà Trần. Những mầm mống có thể gây nội chiến. Thế nhưng nếu xét kỹ, chính sách này lại là một con dao hai lưỡi vô cùng nguy hiểm. Những kẻ bị đụng chạm tới quyền lợi tuy không ra mặt chống đối, nhưng đã ngấm ngầm bất mãn với nhà Hồ. Để rồi khi quân Minh tràn sang với chiêu bài phù Trần diệt Hồ, chính những kẻ đó sẽ hưởng ứng đầu tiên. Lòng dân đã không đứng về phía cha con họ Hồ.

Một chính sách tưởng như tiến bộ khác của nhà Hồ là lưu hành tiền giấy, hóa ra lại vô tình đẩy nền kinh tế của Đại Ngu vào một cuộc suy thoái không thể vực dậy nổi. Việc in tiền giấy vô tội vạ, nạn tiền giả tràn lan đã gây ra một cuộc lạm phát phi mã, tiền giấy trở nên vô giá trị dưới mắt người dân và khiến sự bất mãn với chính quyền lên tới đỉnh điểm.

Bang giao quyết liệt

Đó là đối nội. Còn về mặt đối ngoại, nhà Hồ ban đầu thi hành chính sách khôn khéo, mềm mỏng với nhà Minh. Ngay sau khi truyền ngôi cho Hồ Hán Thương, Quý Ly đã cho sứ sang báo với nhà Minh, nói rằng họ Trần đã tuyệt tự, Hán Thương là cháu ngoại Minh Tông, xin tạm trông coi việc nước. Có vẻ như Minh Huệ Tông cũng chấp nhận việc này nên gần như không có động thái gì. 

Với nhà Minh thì mềm mỏng như vậy, nhưng ngược lại, Hồ Hán Thương rất quyết liệt với Chiêm Thành. Chỉ trong vòng ba năm, vị vua này đã ba lần xua quân tấn công Chiêm Thành. Đến nỗi, vua Chiêm phải sai sứ vượt biển đi cầu cứu nhà Minh. Vua Minh mới lên ngôi là Minh Thành Tổ Chu Đệ lập tức sai 9 thuyền sang yêu cầu Đại Ngu rút quân về nước. Cũng từ đó, sứ nhà Minh qua lại nước ta liên tiếp như mắc cửi, kẻ thì yêu sách, người thì đòi hỏi. Hán Thương phải tùy nghi cứu gỡ, vất vả ứng tiếp. 

Tuy vậy, ngoại giao với nhà Minh vẫn chưa căng thẳng đến mức đối đầu. Cho đến khi một nhân vật xuất hiện mạo xưng là con trai Trần Nghệ Tông sang cầu cứu Minh Thành Tổ. Kẻ đó vốn là gia nô của Trần Nguyên Huy, tên là Nguyễn Khang, nhưng lại tự xưng là Trần Thiêm Bình, con cháu của nhà Trần. Vậy là Chu Đệ đã có cớ để ra quân, ông ta sai hai tướng Hàn Quan và Hoàng Trung đem 10 vạn quân mượn cớ đưa Trần Thiêm Bình về nước lập làm vua. Sự kiện này khiến ta không thể không liên tưởng tới câu chuyện quân Nguyên đưa Trần Di Ái về nước vào đầu thời Trần. 

Cùng một sự kiện nhưng nhà Trần xử lý hết sức khôn khéo, đầu tiên là chặn quân Nguyên ở biên giới, bắt Trần Di Ái rồi đem về cho làm lính hầu ở phủ Thiên Trường. Tương tự, nhà Hồ cũng chặn đánh quân Minh ở biên giới, ép chúng phải giao ra Trần Thiêm Bình rồi mới cho đem quân về. Tuy nhiên, hành động tiếp theo của nhà Hồ thì không khác gì tát vào mặt Chu Đệ, một kẻ rất coi trọng mặt mũi, bởi ông ta vẫn mang tiếng là kẻ cướp ngôi cháu. Sau khi bắt được Trần Thiêm Bình, nhà Hồ đã đem hắn đi lăng trì. 

Hay tin, Chu Đệ nổi trận lôi đình, lập tức sai những dũng tướng hàng đầu của mình là Trương Phụ, Lý Bân, Mộc Thạnh đem theo 80 vạn quân, dùng chiêu bài phù Trần diệt Hồ sang xâm lược nước ta. Chính bản thân Chu Đệ cũng ý thức được đánh Giao Chỉ là một cuộc chiến cam go, ông ta đã tự ví cuộc chiến này không khác gì Vương Tiễn nhà Tần đem 60 vạn quân đánh nước Sở. Thực tế cũng chứng minh điều này, binh hùng tướng mạnh là vậy nhưng quân Minh cũng phải rất chật vật mới tiêu diệt được nhà Hồ.

Ho-Han-Thuong
ảnh Hồ Hán Thương (nguồn: internet)

Vĩ thanh

Lịch sử vốn không có chữ nếu, thế nhưng nếu năm đó ở hội thề Đốn Sơn, Trần Khát Chân có thể quyết đoán hơn. Trước là vạch tội giết vua của Quý Ly, sau là bắt lấy ông ta mà danh chính ngôn thuận giết đi. Thì sẽ không có chuyện nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, quân Minh cũng không thể mượn cớ phù Trần diệt Hồ mà đem quân sang cướp nước ta. 

Nói đi thì cũng nên nói lại, nếu như không có Hồ Quý Ly thì cũng sẽ có một người khác nổi lên. Kể từ sau thời Trần Minh Tông, chính sự nhà Trần đã từng bước suy vong, ngay cả Trần Nghệ Tông cũng không phải là một đấng minh quân đủ để chèo lái con thuyền nhà Trần đang chìm dần. Chế độ điền trang thực ấp khiến trung ương gần như không còn đủ sức mạnh để trấn áp thế lực địa phương nữa.

Chúng ta lại đặt giả thiết rằng, nếu Hồ Quý Ly học theo Gia Cát Lượng mà cúc cung tận tụy với các vua Trần. Với tài năng chính trị của mình, ông ta hoàn toàn có thể vực dậy nhà Trần. Việc thi hành hai chính sách hạn điền hạn nô sẽ giúp chính quyền trung ương nhà Trần lấy lại được sức mạnh quân sự và kinh tế. Tuy vậy, Hồ Quý Ly và vua Trần rất có thể sẽ phải đối diện với một bài toán tương tự như Minh Huệ Tông khi cố gắng triệt hạ các thế lực phiên vương. Một cuộc nổi dậy giành ngôi của các thân vương là hoàn toàn có thể xảy ra khi họ cảm thấy bị đe dọa. 

Có thể điểm qua những quý tộc họ Trần nổi bật, có năng lực khởi binh, đó là Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng. Tuy nhiên, nếu vua Trần vẫn tại vị thì có khả năng những Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị sẽ ra làm quan dưới triều Trần chứ không theo hai vị vương gia nhà Trần khởi nghĩa. Nhưng nếu Hồ Quý Ly chuyên quyền, “ép thiên tử lệnh chư hầu” thì việc quần hùng khởi binh, hoặc làm chính biến đoạt lại quyền lực cho vua Trần là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Cho dù vượt qua được những cơn sóng đó, Hồ Quý Ly sẽ phải đối mặt với làn sóng nhân tài mới nổi. Đó là những Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo,… và đặc biệt là vị hào trưởng ở vùng rừng núi Lam Sơn. Chắc chắn Lê Lợi sẽ không cam chịu cả đời khuất thân chốn sơn cốc. Với tài năng chính trị của mình, ông ta hoàn toàn có thể từng bước leo lên vị trí mà Hồ Quý Ly đang nắm giữ. Chúng ta có thể mường tượng ra được con đường của Lê Lợi. Ban đầu là về làm thuộc hạ dưới trướng Hồ Quý Ly, sau đó dần dần lớn mạnh để rồi cuối cùng nuốt trọn thế lực của ông ta, trở thành tể thần dưới một vua Trần mà đứng trên vạn người.

Thiết kế và dàn trang Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share