Tổ chức làng xã Việt Nam: Cơ sở cho một nền văn hóa – Kỳ 2

Tác giả Tường Vân
Tổ chức làng xã Việt Nam: Cơ sở cho một nền văn hóa – Kỳ 2

Mời bạn đọc lại Kỳ 1.

II. Cơ cấu tổ chức của làng

Như đã nói ở phần trước, làng ở Việt Nam có mức độ tự trị cao, gần như là một đơn vị kinh tế – hành chính biệt lập so với hệ thống chính quyền trung ương. Tuy làng xã vẫn thực hiện nghĩa vụ với nhà nước như đóng sưu thuế hằng năm hay cung cấp người đi làm lao dịch, tham gia quân đội khi có lệnh, nhưng nhà nước không bao giờ có thể can thiệp vào công việc nội bộ của làng. 

Lý giải cho hiện tượng này, theo ý kiến của nhà nghiên cứu Phan Ngọc, thì làng mạc do người dân tự mình lập nên, họ có quyền sở hữu và quản lý chúng, “ông vua và dòng họ, bộ máy quan lại không có quyền nhường tài sản này cho bất kỳ ai”. Chính vì vậy, mọi sự can thiệp từ chính quyền phong kiến vào cơ chế làng xã phải được thực hiện hết sức cẩn thận, kiên trì và tế nhị, nếu không sẽ vấp phải phản ứng gay gắt từ dân chúng, thậm chí có nguy cơ dẫn đến nổi loạn.

Hai yếu tố quan trọng nhất xác định căn cốt của một làng là ruộng đấtthứ bậc. 

1. Về ruộng đất

Người ta phân rõ đất ởruộng để trồng cấy, rồi lại phân tiếp thành hai loại công và . Theo đó ta có đất công – ruộng côngđất tư – ruộng tư

Đất côngruộng công theo nguyên tắc là thuộc sở hữu của vua, dân làng chỉ lĩnh canh để nộp thuế. Hay nói cách khác, nhà vua có quyền sở hữu tuyệt đối về đất đai, nhưng vì không thể khai thác được hết nên cho nhân dân quyền hưởng dụng. Khi một làng mới lập, hay một dinh điền, đồn điền mới dựng, nhà vua thường ban cho một phần đất làm tài sản chung cho tất cả người dân. Do đó, đất công, ruộng công của làng không được phép sang nhượng lại trong bất kỳ trường hợp nào, và làng phải đóng thuế điền thổ của đất ruộng ấy cao hơn thuế của đất ruộng khác. 

Theo lệ, cứ ba hoặc sáu năm một lần, đất ruộng công sẽ được Hội đồng kỳ mục căn cứ vào số đinh  và nghĩa vụ của từng đinh để chia cho dân, ai nhận được phần nào phải gánh vác một việc làng nhất định. Bởi thu nhập của dân quê thường không ổn định trong một nền kinh tế tự cung tự cấp, nên làng phải phân chia phần hoa lợi của ruộng đồng cho từng người để giúp họ đóng thuế và thực hiện các công việc chung của làng xã. 

Ngoài ra, làng còn có một số loại đất công, ruộng công khác như đất xây chùa do làng bỏ tiền ra quyên cúng, hay ruộng lính để cung cấp chi tiêu cho những gia đình có người đi lính, hoặc ruộng tuần dành cho các tuần đinh và tuần canh. Làng nào trù phú, sinh hoạt rộng rãi thì còn định ra các thứ ruộng đất trợ cấp cho người yếu thế hoặc dành chi tiêu riêng, như ruộng học cho học trò; ruộng lão cho người già cả; ruộng trợ sưu để giúp một phần tiền sưu cho người nghèo khổ hay tật nguyền; ruộng quả phụ, cô nhi dành cho bà góa và trẻ mồ côi; ruộng oản để cúng lễ chùa, lễ đình; vv… 

Còn những người không con cháu thì mua của làng một phần đất đình (mua hậu đình), hoặc đất chùa (mua hậu chùa) để mai sau được đình, chùa hương khói cho. Các ruộng này được cũng coi là tài sản của làng, không thể sang nhượng cho bất kỳ ai. 

Còn đất tưruộng tư, kỳ thực vẫn thuộc sở hữu của nhà vua, song khoảnh nào mà người dân cày cấy lâu ngày thì trở thành sở hữu của riêng họ, có thể cầm cố hoặc sang nhượng lại. 

Dưới triều Minh Mạng, nhà vua có đạo dụ rằng nếu chính quyền muốn lấy ruộng đất tư để làm việc công thì sẽ chiếu giá mà bồi thường, còn ruộng bỏ hoang lâu ngày không ai coi sóc sẽ lại trở thành của chung. Nhìn chung, ruộng đất tư nhân chỉ có hai loại, một là loại mua bán được như một tài sản riêng của người nông dân, hai là loại dùng làm của hương hỏa

Đất hương hỏa là của chung dòng tộc, do người tộc trưởng quản lý và sử dụng hoa lợi vào cúng giỗ hằng năm. Thông thường, đất hương hỏa được gìn giữ, chăm lo cẩn thận và không sang nhượng, nhưng nếu cả dòng họ đồng thuận thì có thể bán lấy tiền làm việc chung, hay một nhà không còn con trai để kế tự thì cũng nhượng lại cho người khác. 

2. Về thứ bậc

Đây là vấn đề gây nên nhiều tiêu cực trong làng xã nhất, là nguyên do của các cuộc cải lương hương chính thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng, do làng xã Việt Nam độc lập trong giải quyết việc nội bộ, nên việc phân chia ngôi vị, thứ bậc trong làng là cần thiết để tạo dựng bộ máy quản lý hiệu quả. 

Nhìn chung, dân làng được chia thành hai nhóm, thứ nhất là dân nội tịch, được ghi tên trong sổ bộ của làng (cũng vì vậy mà ở miền Nam gọi họ là dân bộ), có quyền tham gia việc làng và được chia ruộng đất. Thứ hai là dân ngoại tịch, không có tên trong sổ bộ, thường là những người nghèo không đóng nổi thuế thân hoặc dân ngụ cư từ nơi khác đến, rất ít khi được dân làng coi trọng.

Tới thế kỷ 19, triều Nguyễn định ra thứ hạng cho dân nội tịch dựa trên nghĩa vụ đóng thuế như sau:

Đầu tiên là những người phải đóng đủ thuế thân, phải làm lao dịch và đi lính khi nhà nước cần, gọi là tráng hạng, tuổi từ 20 đến 55. 

Thứ hai là những người được miễn đi lính và đi phu, nhưng phải đóng một nửa thuế, gồm hoàng đinh, tuổi từ 18 đến 20; miễn giao hạng là lính lệ, hay những người giao công văn của phủ, huyện, tỉnh; lão hạng là người già từ 55 đến 60 tuổi; tàn tật hạng là những người mới bị tàn tật.

Thứ ba là những người hoàn toàn được miễn thuế, miễn lao dịch và đi lính, gồm lão nhiêu hạng, tuổi từ 60 trở lên; nhiêu tàn tật hạng là những người tàn tật nặng; chức sắc hạng là quan lại, con cháu được tập ấm và miễn sai hạng là các chức dịch nhỏ phục vụ chính quyền. 

Xét cách phân chia nói trên có thể thấy cấp bậc quản trị làng xã cũng được chia theo hai cách. Cách đầu tiên là chia theo độ tuổi, còn gọi là thiên tước, tức là trao quyền lực cho người già bất kể địa vị xã hội của họ. Ở thứ bậc cao nhất là những người trên 70 tuổi, bậc tiếp theo gồm những người từ 60 đến 69 tuổi, bậc dưới gồm những người tuổi từ 55 đến 59, và cuối cùng là tất cả những người dưới 55 tuổi.

Cách thứ hai là chia theo giai tầng xã hội, gọi là vương tước, chia thành năm bậc, cụ thể như dưới đây:

Bậc thứ nhất là chức sắc, tức là những người có danh vọng chức tước thông qua thi cử, gồm các quan văn võ có hàm từ cửu phẩm lên nhất phẩm.

Bậc thứ hai là kỳ mục, nôm na là nhân viên hành chính của làng, gồm chánh tổng, phó tổng, lý trưởng, phó lý, hương trưởng, khán thủ, trương tuần,… không phân biệt người cũ hay người đương nhiệm.

Bậc thứ ba là tư văn, gồm những người có học hành nhưng không thuận lợi về đường khoa cử và các khóa sinh. Một số làng còn xếp thêm những người góp tiền của vào việc tu sửa, đắp mới đường sá, đê điều vào bậc này.

Ba bậc nói trên họp lại thành hội quan viên, song họ phải làm đủ lễ khao vọng mới được chính thức công nhận. Lễ khao vọng gồm hai thủ tục là cúng Thành hoàngdọn tiệc đãi làng. Tuy triều định đặt lễ khao vọng tương đối giản tiện, nhưng lệ làng thường đòi lễ rất nặng, nhiều khi người đỗ đạt làm quan phải vay mượn khắp nơi, bán cửa bán nhà để làm lễ, cũng là một hủ tục bị lên án một thời. 

Bậc thứ tư là lão hạng, gồm những người già được miễn nửa thuế thân hoặc được miễn hoàn toàn. Nếu cụ nào ở tuổi cổ lai hy thì được xếp vào hàng tứ trụ, gồm cụ cả, cụ hai, cụ ba và cụ tư, tùy theo năm sinh mà sắp xếp ngôi vị. 

Bậc cuối cùng hoàng đinh, gồm những người đàn ông còn lại trong làng, chủ yếu từ 18 đến 49 tuổi. Bắt đầu từ tuổi lên bảy, con trai làng đã phải trình cau rượu lễ Thành hoàng và trình làng, coi như một thành viên chính thức. Từ lúc ấy cho tới khi lên lão, hoặc lên các cấp bậc khác, họ phải làm lễ khao vọng nhiều lần, rồi theo phiên mà lo gánh vác việc làng xã. 

Đã định xong thứ bậc, những người đàn ông thuộc tất cả các bậc nói trên đều có quyền tham gia bàn bạc, quyết định việc lớn nhỏ trong và ngoài làng. Mỗi bậc có thể họp thành nhóm những người cùng địa vị, cùng chia nhau một quỹ chung lấy từ phí gia nhập (chính là khoản tiền bỏ ra làm lễ khao vọng) của mỗi thành viên, hoặc cùng hưởng hoa lợi từ ruộng đất công. 

Về đại thể, tùy theo nhu cầu, quy mô của từng làng mà các chức vị khác nhau được đặt ra, nhưng đều tuân theo một cách tổ chức nhất định. 

Trên hết, có hai vị Tiên chỉThứ chỉ chịu trách nhiệm cho mọi việc, làng muốn làm gì đều phải hỏi qua ý kiến của hai vị. Tiên chỉ và Thứ chỉ thường là người lớn tuổi nhất, hoặc là quan trí sĩ, hoặc người có danh vọng cao. Tuy vậy, trên thực tế, do tuổi già sức yếu, hai vị này chỉ coi sóc đến những việc đại cương, hệ trọng, còn những việc thông thường lại do Hội đồng kỳ mục nắm giữ. 

Dưới hàng kỳ mục là các chức lý dịch, gồm Lý trưởng hay Xã trưởng và một hai Phó lý do dân làng tiến cử và quan tỉnh phê duyệt. Đây là những người thay mặt Hội đồng kỳ mục mà giao tế với nhà nước, chịu trách nhiệm cả việc quan lẫn việc làng, đứng ra làm trung gian liên lạc giữa chính quyền và làng xã. Lý trưởng có quyền thúc thuế, phân chia ruộng đất, đóng dấu các văn tự mua bán tài sản, lo việc an ninh trong ngoài và trình các công văn về mọi sự vụ nghiêm trọng xảy ra trong làng như tội phạm hay thiên tai. 

Ngoài các chức dịch đó, làng còn cắt đặt thêm Trương tuần hoặc Xã tuần, hay Khán thủ, có vai trò tương tự với cảnh sát ngày nay, chịu trách nhiệm canh gác, tuần tra trong làng và đốc thúc lao dịch. Một số làng còn thêm chức Khoán thủ để trông nom mọi khoán ước của làng, hay những người đốc thúc sưu thuế riêng. 

Đó là cấp bậc quản trị chung của các làng miền Bắc, còn ở miền Nam có phần đơn giản hơn, với bậc kỳ mục gồm Hương cả là người có thế lực nhất, có thể bảo trợ cho làng khi lâm vào cảnh khó khăn, Hương chủ là người có tuổi tác cao và gia sản lớn, Hương lễ là người chủ trì việc tế lễ, và Hương văn là các nhà nho quản lý sổ sách, giấy tờ của làng.

III. Các hội nhóm trong làng

Nếu như cấp bậc là sự phân chia, định danh định phận một người dân làng gần như cố định, lại có phần nghiêm ngặt, thì anh ta có thể tìm thấy phần nào tự do trong những hội nhóm tự phát. Các thành viên của hội nhóm liên kết với nhau thông qua địa vị xã hội, tuổi tác, giới tính, hay một sở thích, thói quen sinh hoạt chung, ví như hội âm nhạc, hội chài lưới, hội chư bà, hội đấu vật, hội đồng quan (tập hợp các đồng cốt thờ Mẫu),…

Ngoài các quỹ tương trợ do chức dịch trong làng quản lý như hoa lợi từ ruộng công đem nuôi người yếu thế, hay những cót thóc chung (xã nghĩa thương) đem phát chẩn, cho vay không tính lãi vào những năm mất mùa, thì người dân còn tự lập ra tổ chức riêng có ít nhiều quyền tự trị, còn gọi là giáp

Ở một số vùng, giáp là đơn vị hành chính nhỏ hơn nhưng lại ngang quyền với thôn hoặc làng, còn ở vùng khác, giáp là phường hội của những người đàn ông sống gần nhau, có quan hệ huyết thống với nhau, hay chỉ đơn giản là cùng chung sở thích, chung chí hướng. Quan hệ giữa các thành viên trong giáp mang tính bình đẳng: Thứ tự trên dưới được phân chia dựa vào thời gian đăng ký gia nhập, thay vì địa vị hay tài sản. Một số giáp có quỹ chung từ đóng góp các thành viên, có thể là tiền hoặc ruộng. Trong những dịp làm ăn, hội họp vui chơi hay cúng tế, giáp sẽ dùng ngân quỹ để trang trải. Khi một thành viên qua đời, những người cùng giáp sẽ lo đầy đủ việc mai táng, chính vì vậy mà người dân quê thường thích gia nhập giáp.

Bên cạnh giáp, còn có các phường hội khác tập trung vào hoạt động cụ thể hơn, chẳng hạn như phường thóc của các chủ ruộng. Sau mỗi mùa thu hoạch, họ đem góp thóc gạo vào kho chung, cho người trong phường vay với số lãi nhẹ hơn vay ngoài. Năm nào được mùa mà dư lúa, họ cho người ngoài vay lấy thêm lãi. Hằng năm phường thóc đều ấn định một ngày hội họp, ăn uống và chia nhau lãi. Hay như phường tư cấp được lập ra để mọi người giúp đỡ nhau các công việc nhà như hiếu hỷ, lễ khao, tiệc mừng, dựng nhà dựng cửa thông qua việc góp tiền, góp gạo và nấu cỗ. Tuy nhiên, để có đủ thời gian chuẩn bị, mỗi tháng các thành viên của phường chỉ giúp một người, hoặc lâu hơn nếu không đủ điều kiện vật chất. 

Về vấn đề chính trị, người dân trong làng cũng tỏ ra có sự quan tâm nhất định qua việc lập hội kỳ hào. Thành viên trong hội này thường thuộc cấp bậc chức sắc hoặc tư văn, góp vốn hoạt động và cho vay lấy lãi. Khi có cuộc họp hành bầu cử chức dịch nào diễn ra trong làng, hội sẽ dùng uy thế để ủng hộ hoặc chống đối một người nào đó. 

Có thể thấy ở trong hội nhóm của làng, người dân có được sự tự chủ, có tiếng nói riêng và được ủng hộ. Ảnh hưởng tốt lành của hội nhóm giúp gia tăng tình thân ái và cố kết sự gắn bó của dân làng với nhau, nhưng trong trường hợp xấu, chúng gây lũng đoạn sinh hoạt chung, làm thất bại những ý tưởng cải cách hay can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của cá nhân gây nên nhiều khủng hoảng, chia rẽ nội bộ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sức mạnh của làng xã nói chung và của các hội nhóm nói riêng, nhất là khi các hội nhóm lan tỏa phạm vi ra các làng khác.

Trên thực tế, các làng tuy độc lập, nhưng vẫn qua lại, giao kết với nhau giữa làng xa làng gần, tục gọi là giao hiếu hoặc đạo hảo. Như đã đề cập ở phần trước, tại miền Bắc, các làng đông dân cư thường tách riêng để lập làng mới, và những người ra đi không bao giờ quên gốc gác của mình, họ vẫn kết chặt mối dây giao hảo giữa hai làng với nhau. Một số làng khác lại kết nghĩa với nhau nhằm tạo dựng một liên minh vững chắc, ứng phó với giặc cướp và cứu trợ nhau khi một trong các làng gặp tai họa, hoặc cùng góp tiền xây trường học, dựng chùa chiền và các công trình công cộng khác. Vào các dịp thuận lợi, các làng còn tổ chức lễ hội chung là những dịp thay đổi không khí thôn quê vốn yên bình êm ả, nhưng vì kinh phí lớn nên tổ chức thường không được đều đặn.

KẾT LUẬN

Tổ chức làng xã Việt Nam, tuy có nhiều nhược điểm, nhưng lại là cái khuôn đúc nên bản sắc văn hóa của người Việt. Trong phạm vi một làng, người ta vừa thuộc về cộng đồng lớn lại vừa có thể tìm thấy cho mình sự tự chủ thông qua các hội nhóm riêng. Sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân trong một làng, rồi mở rộng hơn là liên minh giữa các làng, tất cả đã đặt nền tảng cho tinh thần đoàn kết của người Việt chống lại mọi áp bức, xâm lăng mà về sau này hòa quyện một cách tự nhiên vào chủ nghĩa dân tộc. 

Thiết kế dàn trang Trần Văn Hậu

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share