Khi nhắc đến lăng mộ vua chúa, chúng ta nghĩ gì? Ắt hẳn ai cũng nghĩ đến những kỳ quan. Ở Huế, chúng ta cũng có những lăng mộ như vậy.
Trong quan niệm xưa, các bậc vua chúa là con của trời, thậm chí một vài nền văn minh còn xem họ là thánh thần. Một vị vua càng lừng lẫy thì lăng mộ càng có xu hướng bề thế, thậm chí quy mô còn hoành tráng hơn cả cung điện khi họ còn sống. Ta có thể kể đến lăng mộ các Pharaoh Ai Cập, lăng mộ Tần Thủy Hoàng,..
Đối với các vị vua Huế, lăng mộ của họ khiêm tốn hơn những đại đế kia rất nhiều, nhưng nếu đặt các công trình đó trong một bối cảnh phong thủy lớn hơn thì lại khác. Các thầy địa lý ngày xưa không cần dùng đến flycam mà chỉ bằng mắt quan sát của mình đã chọn được những cuộc đất nhìn thôi đã thấy sướng mắt. Lăng mộ vua Huế không chỉ là nơi chôn cất mà còn là nơi nhà vua nghỉ dưỡng sau những giờ làm việc căng thẳng, chính vì thế tiêu chí đầu tiên là phải đẹp.
Lăng Gia Long có nhiều điều thú vị, nhưng có vài điều nổi bật:
Thứ nhất, thầy địa lý chọn phong thủy cho lăng vua chính là con trai nhà bác học Lê Quý Đôn.
Thứ hai, nhà vua suýt nữa đã sử dụng lăng mộ sớm hơn thời hạn do đang thi công thì bị sập. Người thì u đầu, người thì sứt trán, có người chết luôn, riêng nhà vua nhảy xuống một cái hố nên thoát chết trong gang tấc.
Thứ ba, đây là ngôi mộ đế vương có lẽ là duy nhất trên toàn cõi Việt Nam áp dụng lối song táng. Nhà vua muốn đời đời kiếp kiếp ở bên cạnh người vợ tri kỷ của mình, người suốt hàng chục năm Gia Long tẩu quốc vẫn một lòng thủy chung.
Mộ vua Gia Long nằm xa nhất trong số những vua Huế và rất vắng. Ngày xưa bạn phải đi đò ngang qua. Ngày nay không cần mất công như vậy nữa vì đã có đầy đủ cầu đường. Thứ sẽ làm bạn choáng ngợp đầu tiên là đường vào lăng rất hữu tình, rợp bóng thông xanh và phảng phất mùi cỏ non. Nếu đi đúng mùa, trước mắt bạn là cả một hồ sen nở bừng sáng.
Nếu đọc sử, hẳn bạn cũng biết Minh Mạng là vị vua sắt máu nhất nhà Nguyễn, dìm các cuộc bạo loạn trong bể máu lẫn bành trướng cương thổ quốc gia lên cực điểm, thế nên sơn lăng này trông có vẻ vô cùng uy nghi.
Chỉ riêng cách bài trí cho ta thấy Minh Mạng là vị vua rất cương cường và nghiêm khắc. Một người tỉ mỉ, luôn tự mình làm lấy mọi việc như Minh Mạng thì chuyện xây sơn lăng cũng không nằm ngoài tầm tay nhà vua. Ông đích thân kiểm tra từng bản thiết kế vì muốn nơi đây phải thật hoàn hảo. Một điều thú vị là sơn lăng này mất tới 14 năm để tìm cuộc đất hợp phong thủy vạn niên cát địa, trong khi việc xây dựng chỉ tốn 3 năm mà thôi.
Để vào lăng bạn phải đi qua ba cánh cổng theo lối tam quan lần lượt là:
Cánh cổng chính giữa chỉ được mở một lần duy nhất khi quan tài vua Minh Mạng đi qua. Toàn bộ các công trình trong lăng đều theo một đường thần đạo chạy thẳng băng từ đầu tới cuối, cân xứng như hình người. Đầu hướng về núi Kim Phụng, hai bên là hồ Trừng Minh, còn chân duỗi ra song Hương. Cả quần thể lăng ngập tràn trong sắc xanh của cây cối. Kiến trúc theo hình đối xứng, song song theo ba trục. Cũng như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng cũng được tô điểm bằng sen trong hồ.
Kế đến là lăng Tự Đức. Tính cách Tự Đức cũng bay bổng nên trông lăng giống hệt một resort để vua vui thú tiêu dao. Có điều việc xây lăng này cũng lắm chuyện ly kỳ. Thời điểm đó đất nước đã mất Nam Kỳ vào tay Pháp, nhưng vua Tự Đức vẫn muốn lăng mộ của mình phải thật đẹp, đặt tên là Vạn Niên Cơ với mong muốn công trình trường tồn vĩnh cửu với thời gian.
Giai đoạn này xuất hiện một nhân vật tên Đoàn Hữu Trưng bất mãn với nhà vua nên ấp ủ một cuộc nổi dậy. Anh ta kết giao với những người cùng chí hướng để chờ đợi thời cơ lật đổ vua Tự Đức, đưa cháu trai ngài ta lên làm vua để chấm dứt những hỗn loạn đang xảy ra khắp Đại Nam.
Do nòng cốt chính của vụ đảo chính là đám thợ xây lăng nên còn gọi là loạn chày vôi, theo tên công cụ làm việc của họ. Cuộc nổi dậy thất bại khi Đoàn Hữu Trưng đã kéo tới nơi vua ngủ là điện Càn Thành nhưng không bắt sống được, để quân triều đình có thời gian phản công.
Tuy vậy, sự kiện trên cũng để lại một ám ảnh tâm lý cho Tự Đức. Ông phải đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung và viết một bài trần tình. Trong nhà bia, sừng sững một tấm bia đá nặng 20 tấn khắc bài Khiêm Cung Ký để nhà vua bày tỏ nỗi lòng. Chưa hết, nhiều công trình bên trong lăng đều gắn chữ Khiêm vào để nhún mình. Ví dụ như hồ Lưu Khiêm, đảo Tịnh Khiêm, Khiêm Cung Môn,…
Theo quan niệm triết học Á Đông: Sinh ký tử quy (Sống gửi thác về). Nhà vua nào lên ngôi cũng nghĩ đến chuyện xây dựng lăng tẩm cho mình. Thế giới trần gian chỉ là kiếp sống tạm, thế giới bên kia mới là cuộc sống đời đời, vĩnh hằng. Các vị vua xứ Thần Kinh đã chọn được những vị trí đắc địa, đến Tự Đức thì ông cũng tìm được cho riêng mình một nơi xứng đáng với tính cách của mình.
Nếu xét riêng dưới góc độ “ưng mắt” nhất thì lăng Tự Đức là nhất. Không lăng vua Huế nào chụp ảnh cổ trang đẹp bằng lăng Tự Đức. Kể cả mùa hạ lẫn mùa đông, mùa nắng lẫn mùa mưa, lăng Tự Đức thể hiện đủ sắc thái từ thanh nhàn đến ma mị.
Bởi vì sao?
Phong thủy nơi đây quá đẹp. Đằng trước lăng là núi Giáng Khiêm làm tiền án, ngoảnh lại phía sau thì thấy núi Dương Xuân làm hậu chẩm, còn hồ Lưu Khiêm thì làm Minh Đường. Trên hồ Lưu Khiêm còn có đảo Tịnh Khiêm để trồng hoa và nuôi thú. Còn có cả cầu dẫn đến đồi thông. Đúng thật là:
Tuy không xưa như Duyệt Thị Đường nằm trong Đại Nội, nhưng Minh Khiêm Đường cũng thuộc hàng sân khấu cổ nhất Việt Nam và cũng là duy nhất được xây dựng trong lăng tẩm. Không một lăng mộ vua Huế nào có nhà hát cả. Nếu may mắn, bạn sẽ được ngắm Minh Khiêm Đường lung linh huyền ảo khi nến được thắp lên.
Nhân đây tôi cũng xin chia sẻ, Khiêm Lăng của chúng ta đã được Google lưu danh. Dự án di sản mở của tổ chức phi lợi nhuận CyArk đã mất hàng chục năm thu thập dữ liệu để đưa các kỳ quan thế giới lên nền tảng số, từ kim tự tháp Ai Cập đến thành cổ Corinth Hy Lạp. Google Arts & Culture đã đích thân lựa chọn 30 di tích để bổ sung vào thư viện trên và lăng Tự Đức nằm trong số đó. Tất nhiên, cả nội thất lẫn ngoại thất hoàn toàn bằng 3D.
Về phong thủy, lăng Khải Định cũng rất tuân theo quy luật Á Đông truyền thống. Lăng nằm trên núi Châu Chữ là hậu chẩm, có tiền án là một ngọn đồi thấp. Hai bên là núi Chóp Vung và Kim Sơ làm tả thanh long và hữu bạch hổ. Cuối cùng, minh đường chính là suối Châu Ê. Cực kỳ bài bản.
Khi bạn tiến vào thềm lăng Khải Định, bạn sẽ thấy những hàng tượng đá như các lăng vua khác, nhưng càng đi sâu vào trong, sự sáng tạo lại càng rõ nét. Mặc dù diện tích lăng Khải Định không bằng các tiên đế, công trình này lại cấu tạo từ đủ thứ vật liệu quốc tế, như các loại sắt thép, mái ngói, đồ sứ, thủy tinh màu,… ở Tàu, Nhật, Pháp. Kiến trúc lăng Khải Định là sự tổng hòa của Ấn Độ giáo, Phật giáo, La Mã, Gô Tích,… Kiểu kiến trúc giao thoa thế này sẽ khiến bạn liên tưởng đến Tòa Thánh Tây Ninh của đạo Cao Đài, cũng có thể xem là một công trình độc nhất vô nhị khác của Việt Nam.
Bạn để ý xem, các trụ cổng của lăng phảng phất nét Ấn Độ như stupa của đạo Phật, trong khi hàng rào lại giống các cây thánh giá, và nhà bia thì lại có nét của kiến trúc La Mã. Khải Định là một hoàng đế có gu thẩm mỹ tốt. Nếu không làm vua có khi ông hợp với nghiệp thời trang như Yves Saint Laurent chẳng hạn.
Điều thú vị ở đây là, những ngôi mộ vua Nguyễn chưa chắc đã chứa thi hài nhà vua trong đó. Ví dụ khi thực dân Pháp đào mả vua Tự Đức thì cũng không thấy xác nhà vua. Điều này cũng dễ hiểu vì chuyện trộm mồ quật mả ngày xưa rất phổ biến, vua cha phải phòng xa nhỡ đâu có kẻ gian thì sao? Hơn nữa, mộ các vua Nguyễn hoàn toàn lộ thiên chứ không kín đáo tuyệt mật như mộ Tần Thủy Hoàng và với những người lắm kẻ thù như các vua Gia Long hay Minh Mạng thì càng nguy hiểm. Cái vua chúa bị bới hết cả lăng mộ lên không có hiếm.
Ví dụ vua Minh Mạng theo thiết kế sẽ an táng ở núi Kim Phụng, nhưng người ta đồn rằng có một mật đạo khác dẫn tới nơi an nghỉ thật sự của nhà vua. Thế nhưng, lăng mộ Khải Định lại chứa thi hài vua thật và còn cả một bức tượng đồng mạ vàng được đúc theo đúng chiều cao của ông. Và quả cherry trên chiếc bánh kem chính là bức Cửu Long Ẩn Vân trên trần nhà do họa sĩ cung đình Phan Văn Tánh vẽ nên. Đây cũng chính là bức tranh trần lớn nhất Việt Nam.
Tôi đã dắt bạn qua 4 lăng tẩm đáng chú ý nhất của triều đại cuối cùng. Nếu có thời gian, bạn hãy ghé qua các lăng Thiệu Trị, Dục Đức, Đồng Khánh,… để ngắm nhìn trọn vẹn những hình bóng còn lại của một thưở vàng son.