Sài Gòn: 20 biểu tượng không thể mất – Kỳ 2

Sài Gòn: 20 biểu tượng không thể mất – Kỳ 2
Sài Gòn 2020 có những biểu tượng gì xứng đáng? Chuyện ấy chắc còn nhiều bàn cãi. Trong khi ấy, Sài Gòn thế kỷ 19 và 20 đã khắc ghi nhiều biểu tượng trong tầm mắt và tâm hồn hàng hàng thế hệ.

Trường Cao Thắng và trường Petrus Ký

Sài Gòn không chỉ là thành phố của giao thương và công nghệ, mà còn là trung tâm đào tạo nhân lực lớn cho cả nước từ rất sớm. Trường Cơ khí và hàng hải Á châu (nay là trường Cao Thắng), thành lập năm 1906 là biểu tượng của giáo dục nghề nghiệp. Còn trường trung học Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong), ra đời năm 1927, là biểu tượng của giáo dục tinh hoa, nơi đào tạo học sinh giỏi.

Điều rất thú vị, tháp đồng hồ của hai ngôi trường đều mang kiểu dáng cách điệu của Khuê Văn Các – Quốc tử giám Hà Nội. Người Pháp xây dựng nhiều trường học mang dáng dấp châu Âu ở Sài Gòn nhưng với hai trường này vẫn thể hiện nét văn hóa Việt Nam trong kiến trúc.

Nhà hát lớn và cụm khách sạn Continental-Caravelle

Sài Gòn có Nhà hát lớn, người xưa gọi là Nhà hát Tây từ năm 1900, sớm hơn Nhà hát lớn Hà Nội. Hai bên nhà hát là những khách sạn “huyền thoại” đã đi vào tiểu thuyết của Graham Greene, bao gồm Continental (xây xong bốn tầng như hiện tại vào năm 1905) và Caravelle (xây dựng năm 1959 trên nền của nhà hát có từ năm 1881).

Hai con đường mang hình ảnh của các phố phường Paris nhộn nhịp quán cà phê, nhà hàng, cửa hiệu quý phái. Đường Catinat còn là địa chỉ của nhiều tòa báo, nhà in, nhà sách tấp nập văn nhân, báo giới, trí thức, thư sinh. Đường Charner với bách hóa Charner và “bồn kèn” – nơi biểu diễn nhạc, và rồi bồn phun nước giữa giao lộ, đã trở thành tượng đài trung tâm Sài Gòn trong tâm khảm nhiều thế hệ.

Nhà thờ Đức Bà và “Vatican nhỏ”

Sài Gòn có nhiều nhà thờ và tu viện Công giáo là những kiến trúc đẹp, thể hiện sự giao hòa văn hóa Đông – Tây. Nhà thờ Đức Bà, hoàn thành năm 1880, có thêm hai tháp chuông năm 1895, từng là tòa nhà cao nhất Sài Gòn (khoảng 57 mét) vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tháp chuông nhà thờ từng là một cột mốc định hướng cho tàu thuyền từ xa vào đến thành phố. 

Cách không xa giáo đường to đẹp này là tu viện Saint Paul và đại chủng viện Joseph (gần xưởng Ba Son, trên đường Tôn Đức Thắng). Hai cơ ngơi này nằm sát nhau, được xây dựng từ những năm 1860. Bên trong còn đó nhiều cây cổ thụ, nguyện đường, tòa nhà xưa, hợp thành khung cảnh an bình thánh thiện, như một “Vatican nhỏ”.

Lăng Ông và đền Ngọc Hoàng

Thờ cúng các danh nhân, thờ cúng Phật hòa chung với nhiều vị thánh thần khác là một tín ngưỡng đặc biệt, rất Việt Nam. Lăng Ông và đền Ngọc Hoàng (còn gọi là chùa) là những không gian tiêu biểu cho tín ngưỡng trên ở Sài Gòn. Tại Lăng Ông, người dân phụng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt – người thay mặt vua Nguyễn toàn quyền quản trị đất Nam bộ và Sài Gòn. 

Quần thể đền thờ và Lăng được xây dựng theo kiến trúc cổ truyền, hoàn thành vào những năm 1910. Riêng cổng tam quan duyên dáng, chỉ mới có từ những năm 1950, từng là biểu tượng văn hóa và du lịch thời đó.

Không phải ngẫu nhiên, Tổng thống Mỹ Obama đã chọn Đền Ngọc Hoàng là địa chỉ văn hóa duy nhất mà ông viếng thăm khi đến thành phố năm 2016. Đền Ngọc Hoàng, ra đời vào những năm đầu thế kỷ 20, có kiến trúc và cách sắp đặt giao hòa tín ngưỡng và văn hóa của người Hoa và người Việt.

Bộ tứ Dinh thự trung tâm Sài Gòn

Dinh Pháp Lý (Tòa án thành phố) hoàn thành năm 1885, nằm vuông góc với dinh Thống đốc Nam Kỳ được xây dựng năm 1890. Những năm 1950, dinh Thống đốc mang tên Dinh Gia Long, bây giờ là Bảo tàng thành phố. Cả hai dinh thự nguy nga là biểu tượng cho hệ thống hành pháp và tư pháp của cả Nam bộ, chứ không riêng đất Sài Gòn. 

Trong khi ấy, Dinh Thượng Thơ (số 59-61 Lý Tự Trọng, hiện là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông và một phần Sở Công Thương) đấu lưng vào Dinh Xã Tây (sau năm 1955 là Tòa Đô Chánh, nay là trụ sở HĐND và UBND TPHCM) là biểu tượng của hệ thống hành chính Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định từ cuối thế kỷ 19 đến giờ. 

Cả bộ tứ dinh thự và các con đường đầy cây xanh chung quanh tạo thành một tứ giác di sản quý hiếm ngay giữa khu trung tâm Sài Gòn.

20 biểu tượng di sản cho một thành phố có tuổi đời hơn 320 năm không phải là nhiều, không phải đã trọn vẹn. Song ngay trong từng biểu tượng, bạn sẽ còn tìm thấy không chỉ 100 mà còn là 1.000 những câu chuyện ký ức riêng chung, đã và đang không thể phai tàn. 
Tác giả Trần Hữu Phúc Tiến (bút danh: Phúc Tiến), sinh ở Sài Gòn 1962, Cử nhân lịch sử. Ông từng làm nhà báo tại các báo Tuổi Trẻ, Saigon Times, Thế Giới Mới. Tu nghiệp báo chí, học bổng Reuters, Đại học Oxford. 
Ông hiện là Giám đốc Công ty Hợp Điểm, vẫn thường xuyên viết bài về các vấn đề Di sản, Lịch sử trên các báo Tuổi Trẻ và Người Đô Thị.
Sách đã xuất bản: Sài Gòn không phải ngày hôm qua (2016), Sài Gòn hai đầu thế kỷ – Saigon then and now (2017), Kiến trúc Pháp – Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội (2021).
* Bài viết trên The Saigon Times được tác giả Trần Hữu Phúc Tiến đồng ý cho phép Vietales thực hiện thiết kế, minh họa và đăng tải.

Art Director Lê Minh
Artist Mỹ Thanh
Researcher Ngô Du
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share