Tam quốc chip diễn nghĩa – Kỳ 2: Trung & Mỹ phân tranh

Tác giả La Gia Thịnh
Tam quốc chip diễn nghĩa – Kỳ 2: Trung & Mỹ phân tranh

Như đã trình bày, Mỹ giờ phụ thuộc hoàn toàn vào Đài Loan. Nói cách khác, các tập đoàn công nghệ khổng lồ của xứ Cờ Hoa phụ thuộc vào nguồn chip dồi dào được sản xuất bởi các FABs trên xứ Đài. Sự cộng sinh chặt chẽ trên khiến Mỹ thừa hiểu, nếu Đài Loan gặp chuyện, chuỗi cung ứng chip có nguy cơ tê liệt. Từ giờ, Đài Loan giống như một “tiểu bang” xa xôi mà Washington phải luôn để mắt canh chừng.

Rồng Trung Hoa cựa mình

Lúc này, sát bên Đài Loan, con rồng Trung Hoa đã cựa mình thức giấc sau vài thập kỷ ngủ quên. Quốc gia với hơn 1,4 tỉ dân đang hướng đến mục tiêu bá chủ. Nhưng để thực hiện được điều đó, họ không thể đứng ngoài cơn bão công nghệ đang càn quét khắp mặt địa cầu.

Trung Quốc, hơn bất kì quốc gia nào khác, cần một lượng chip khổng lồ để phát triển kinh tế xã hội, và quan trọng hơn là xây dựng quân đội để xưng hùng xưng bá. Tuy nhiên, Trung Quốc giống như một con quái vật khổng lồ đói bụng. Nó rất muốn chiến đấu nhưng lại thiếu thức ăn, thèm khát công nghệ từ những quốc gia đi trước. Trớ trêu thay, thứ Trung Quốc thiếu lại chính là điểm mạnh của siêu cường “đối trọng” Mỹ và gã hàng xóm khó ưa “Đài Loan”.

Ông Tập thừa hiểu Bắc Kinh không thể so được với Washington về khả năng và tiềm lực trong lĩnh vực chip vì Mỹ đã đi trước đến hàng thập kỉ, cũng như đang nắm giữ những đầu mối quan trọng trong ngành công nghiệp này. Để có thể phát triển đất nước, người Trung Quốc buộc phải mua công nghệ và phần mềm của Mỹ, mà những sản phẩm Mỹ bán cho Trung Quốc lại hoàn toàn dựa trên các chip làm ra bởi nhà máy TSMC của Đài Loan. Nói chung, các “giao dịch làm ăn” này đã tạo nên một chuỗi cung ứng, một sự gắn kết rất đỗi bình thường giữa các quốc gia trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay.

Dù vậy, đây lại là một sự phụ thuộc mà Bắc Kinh rất muốn thoát ra. Để làm được điều này, chính quyền Bắc Kinh phải đặt ra hai mục tiêu. Thứ nhất, để tự mình có thể sản xuất chip, hay ít ra là thu hẹp khoảng cách về công nghệ với Mỹ, Trung Quốc phải đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này. Họ phải đào tạo ra nhiều kỹ sư và xây thêm nhà máy. Tuy nhiên, song song với những sự đầu tư đó, Bắc Kinh lúc này phải chú trọng phát triển công nghệ quân sự, nâng cấp trang thiết bị và khí tài phục vụ mọi ý đồ bành trướng và áp đặt ảnh hưởng khắp mọi nơi. 

Người Mỹ từng có lúc không mấy để tâm đến Trung Quốc. Washington cho rằng làm sao Bắc Kinh có thể đuổi kịp một lĩnh vực mà họ đã dành cả vài thập kỉ đầu tư nghiên cứu. Mỹ đang nắm trong tay mọi thứ tốt nhất, từ chuyên gia cho đến công nghệ. Thật viển vông nếu cho rằng Trung Quốc đủ sức vượt mặt Hoa Kỳ trong tương lai gần.

Nhưng Trung Quốc, như lịch sử đã chứng minh, lại là quốc gia của những giải pháp. Ở quốc gia này, quân đội và các siêu doanh nghiệp đều được nhà nước hậu thuẫn. Chính quyền Trung Quốc luôn sẵn sàng chi khủng để giúp quân đội, và các tập đoàn lớn của Trung Hoa có thể mua sắm thiết bị, công nghệ, cạnh tranh sòng phẳng với các cường quốc khác trên mọi phương diện. 

Ở chiều ngược lại, các công ty công nghệ của Mỹ lại luôn bị quyến rũ bởi dòng tiền vô tận của người Trung Quốc. Thế là thay vì chạy theo Mỹ, người Trung Quốc quyết định mua luôn công nghệ của Mỹ càng nhiều càng tốt để thu hẹp khoảng cách công nghệ có vẻ như quá xa này.

Chuyện thật như đùa, Trung Quốc nhập khẩu phần mềm, các thiết kế chip, công nghệ tối tân của người Mỹ với hy vọng vượt qua chính Mỹ và nắm quyền tự quyết trên bàn cờ địa chính trị. Theo The Washington Post, trong những năm qua, Trung Quốc chi nhiều tiền cho việc nhập khẩu chip bán dẫn hơn cả dầu thô. Một minh chứng cho thấy rõ dự tính của Bắc Kinh trong tương lai. 

Công cuộc “nhập khẩu công nghệ” của Trung Quốc diễn ra trơn tru và nhanh chóng đến mức người Mỹ không ngờ được. Họ chỉ bắt đầu giật mình khi chính quyền Bắc Kinh công bố tập trận, trình làng các mẫu vũ khí mới, tàu chiến tối tân hiện đại. Điều này làm người Mỹ sững sờ. 

Nói cách khác, chính lòng tham và sự khinh địch của người Mỹ đã khiến họ trả giá. Tiên trách kỷ hậu trách nhân, Mỹ đã phần nào “cho phép” Trung Quốc ngoi lên tạo thế cân bằng và đạt được những thành tựu về công nghệ quân sự. Giờ đây họ bắt đầu lo lắng.

Công nghệ quân sự Trung Quốc.​

Tên lửa Trung Quốc và sự đáp trả của Hoa Kỳ

Hồi chuông cảnh tỉnh thực sự cho người Mỹ đến vào tháng 7 năm 2022. Thời điểm đó, hàng loạt nguồn tin tiết lộ rằng Trung Quốc đã chế tạo thành công tên lửa siêu âm (hypersonic missiles), đạt tốc độ kinh hoàng khoảng 1 dặm/giây. Kinh khủng hơn, tên lửa này bay thấp hơn dải tần số radar nên gần như rất khó bị phát hiện. Lúc này, Mỹ mới nhận ra rằng mình không đủ sức để xác định vị trí của các tên lửa này chứ đừng nói là bắn hạ hay tiêu diệt chúng.

The Washington Post cho hay, phần lớn công nghệ dùng cho sản xuất các tên lửa này đều là phát triển của các công ty Mỹ, được bán qua Trung Quốc. Vậy là trong lúc quân đội Mỹ vẫn luôn tự hào ngạo nghễ về tầm vóc và vị thế của công nghệ nước nhà, một số kẻ đã “mở cửa sau”, âm thầm giao dịch với đối thủ. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trên “chiến trường công nghệ” theo cách như thế, bằng chính tài nguyên và sản phẩm made in America. Còn gì đau đớn hơn chứ.

Tên lửa siêu âm Hypersonic Missiles DF-26.

Nhận thấy tình hình đang chuyển biến xấu đi và có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát, chính quyền tổng thống Biden đã có những đáp trả. Tháng 10 năm 2022, Cục công nghiệp và an ninh Hoa Kì (BIS – Bureau of Industry and Security under the US Department of Commerce) chính thức công bố một loạt các lệnh cấm xuất khẩu chip bán dẫn và những sản phẩm công nghệ cao, được làm bởi các công ty Mỹ sang Trung Quốc. Thêm vào đó, các công ty nước ngoài mua chip của Mỹ cũng bị cấm giao dịch với Trung Quốc. Cuối cùng, công dân Mỹ và những người có thẻ xanh của Hoa Kì cũng không được phép làm cho các nhà máy Trung Quốc. 

Dù là có phần muộn màng, nhưng ít ra những lệnh cấm của Mỹ sẽ giúp kìm hãm tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trên mặt trận này. Tuy nhiên, khi những con chip bán dẫn không thể lên tàu sang Trung Quốc, bên thiệt hại không chỉ có “người mua”. Những công ty công nghệ Mỹ giờ đây đã mất đi một đối tác cực lớn và đột nhiên trở thành nạn nhân khi doanh thu của họ sụt giảm nghiêm trọng sau lệnh cấm này. 

Hãy lấy gã khổng lồ Nvidia làm ví dụ, công ty này đã mất tới 400 triệu đô doanh thu chỉ trong một quý. Để xoa dịu những tổn thất này, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Chip (the Chip Acts), để hỗ trợ một “khoản bồi thường” lên đến hàng tỉ đô cho các công ty này.

Tổng thống Joe Biden gặp gỡ các doanh nghiệp ngành chip để thảo luận việc mở rộng sản xuất chip ở Mỹ tại Washington D.C hồi đầu tháng 3-2022. (Ảnh: AP)

Chưa hết, Mỹ còn nghiêm túc đầu tư xây dựng FABs (những nhà máy tạo chip) ngay trên đất Mỹ để chắc chắn rằng họ không phải phụ thuộc vào bất kì ai nữa, cũng như những cốt lõi của công nghệ tiên tiến này chắc chắn phải nằm trên đất Mỹ. Vậy là sau khi nhận tiền hỗ trợ của chính phủ, những gã khổng lồ như Intel đang cho xây một nhà máy cực lớn ở bang Ohio. Hay thậm chí cả TSMC, một công ty Đài Loan, cũng được Mỹ hỗ trợ mở nhà máy tại Arizona.

Nhà máy sản xuất chip mới của TSMC tại Mỹ.

Tất cả những nỗ lực của Mỹ cho thấy quyết tâm lấy lại sự chủ động trong cuộc chơi, nhưng cũng chỉ ra rằng Mỹ “sợ” Trung Quốc thế nào. Mỹ có thừa lý do cho những điều mình đang làm: Họ không muốn chip rơi vào tay Trung Quốc.

Nguyên nhân như đã nói, chip sẽ vận hành thế giới trong tương lai. Những vi mạch bé nhỏ này chính là thứ vũ khí tiếp theo mà loài người sẽ dùng để đấu đá với nhau, nên tốt hơn hết là đừng để nó rơi vào tay kẻ thù. Nếu dầu mỏ đã từng thống trị thế giới ra sao thì chip đang làm điều đó theo cách tương tự. Mỹ đang tận dụng tối đa lợi thế của mình để đi những nước cờ chính với hy vọng dồn ép Trung Quốc vào thế bị động.

Chắc chắn khi nhắc đến chip, ta phải đề cập đến Đài Loan – nhà máy chip của nhân loại. Vài tháng trước khi chính quyền Biden tung ra các lệnh cấm, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã đến thăm hòn đảo này. Chuyến thăm được cả thế giới quan tâm vì tầm quan trọng và sự nhạy cảm của nó giữa lúc quan hệ Mỹ – Trung đang leo thang. Đó rõ ràng không phải chuyến thăm ngoại giao thông thường.

Bà Pelosi đã đến thăm TSMC – tập đoàn sản xuất chip lớn nhất xứ Đài. Bà liên tục nhấn mạnh vào tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ – Đài và cam kết rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi “người em” này trong bất kì hoàn cảnh nào. Cùng lúc đó, trên các phương tiện truyền thông, Tổng thống Biden cũng luôn mạnh dạn “say yes” khi bất kỳ ai đặt ra câu hỏi liệu rằng Mỹ có can thiệp vũ trang để bảo vệ Đài Loan hay không. Nói theo cách dễ hiểu, chính quyền Mỹ đang truyền đi thông điệp rằng: 

“Này người em Đài Loan, chú rất quan trọng trong chuyện này. Hãy tin là anh luôn ở bên chú. Chúng ta sống chết có nhau”.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và phái đoàn đến Đài Loan.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Lê Nhi
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share