Nhật Bản: Thần long thức giấc

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Nhật Bản: Thần long thức giấc
Nếu ta xem Trái Đất như một vũ trụ và bên trong nó tồn tại nhiều thế giới, thì đất nước mang hình dáng loài rồng này là một thế giới riêng. Nhật Bản như một hành tinh xa lạ trôi nổi giữa thinh không, mang trong mình nó đầy đủ những điều đáng sợ và kỳ diệu.

 Rồng thần tỉnh giấc

Nếu nhìn vào bản đồ địa hình nước Nhật, ta thấy tuy toàn là núi non, chỉ có 1 phần 5 diện tích trồng trọt được. Tuy nhiên, đây là đất núi lửa, cộng thêm lượng mưa nhiều vào mùa hè nên năng suất rất cao, từ đó dân số cũng đông. Món quà quan trọng nhất mà thiên nhiên ban tặng nước Nhật là hải sản. Nhật Bản sở hữu một bờ biển cực dài. Riêng vùng đặc quyền kinh tế của Nhật đã lớn thứ 6 thế giới. Cá nuôi sống và giúp người Nhật có được nền tảng sức khỏe tốt.
Đất nước hình con rồng.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, Nhật Bản không quá nghèo tài nguyên, trong đó không ít loại tồn tại trữ lượng lớn. Rừng Nhật Bản bao la. Họ còn sở hữu lưu huỳnh để làm thuốc súng, dẫn đến quân đội Nhật trang bị nhiều súng hoả mai từ sớm. Thực tế, Samurai thích súng nhất chứ không phải gươm Katana.

Súng hoả mai Nhật Bản. (Ảnh: Anticstore)

Nhật Bản từng có rất nhiều mỏ vàng bạc tự nhiên nhờ núi lửa. Đó là còn chưa kể đến các “mỏ đô thị” nằm trong các thiết bị điện tử có thể tái chế được, ước tính khoảng 6.800 tấn vàng (16% toàn cầu) và 60.000 tấn bạc (23% toàn cầu). Lượng bạc từ Nhật Bản từng là nguồn cung chính cho Trung Quốc. Ngoài ra còn có 1.700 tấn Iridium (61% toàn cầu). 

Dựa theo số liệu trên, Nhật nhiều vàng hơn cả Nam Phi, và nhiều bạc, Iridium hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Tuy vậy, vàng bạc là những kim loại hữu hạn. Việc sản xuất hiện tại đã không còn đạt đỉnh cao như thời Mạc phủ Tokugawa, nhiều mỏ đã đóng cửa.

Lời nguyền địa lý đáng sợ nhất của Nhật Bản là nước này nằm ngoài Thái Bình Dương – vốn là một vùng biển rất hung dữ – và lại ngay Vành đai Lửa nên sẽ ăn đủ combo núi lửa, động đất, sóng thần, lâu lâu khuyến mãi thêm tí cuồng phong thổi vào nữa. Nhiều nơi ở Nhật Bản phải xây đi xây lại rất nhiều phen không phải vì giặc ngoại xâm mà chính do thiên tai trút xuống. Những đặc điểm địa lý trên khiến họ trở thành một dân tộc với sức chịu đựng cao và biết cách vượt lên nghịch cảnh.

Ngã xuống bảy lần

Đứng lên tám lần!

“”

Thảm họa động đất và sóng thần Tohoku năm 2011 gây thiệt hại nặng nề đối với Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Núi lửa Asama ở miền Trung Nhật Bản phun trào. (Ảnh: The Japan Times)
Sau thời Chiến Quốc, Nhật ban hành chính sách Hải cấm. Sự cô lập này là một con dao hai lưỡi, Nhật Bản có thể hạn chế những đội quân xâm lược, phát triển được nền văn hoá độc đáo của riêng mình, nhưng ngược lại cũng khiến Nhật Bản khó tiếp xúc với văn minh thế giới. Con thần long cứ thế ngủ yên ngoài Thái Bình Dương suốt 200 năm, cho đến khi những chiến hạm của nước Mỹ đánh thức nó dậy. Có lẽ Phó đề đốc Matthew Perry cũng không ngờ rằng, ngày những khẩu pháo Hoa Kỳ chĩa vào Tokyo yêu cầu mở cửa giao thương, ông đang chứng kiến thời điểm con rồng mở mắt. 

Đế chế mặt trời mọc

Tôi chưa bao giờ nghĩ Trung Quốc và Nhật Bản thấp kém hơn nước Đức cả. Họ là những nền văn minh cổ xưa và tôi thừa nhận rằng quá khứ của họ còn lừng lẫy hơn chúng tôi.

Adolf Hitler

Aryan Danh dự là từ được Đức Quốc xã dùng để gọi những ai không thuộc chủng tộc thượng đẳng Aryan nhưng có thể xem như Aryan.

Cuộc Minh Trị Duy Tân thành công đã thay đổi hoàn toàn đất nước nông nghiệp này. Nó vươn mình trở thành quốc gia mạnh nhất châu Á với tốc độ phát triển thần kỳ. Hakko Ichiu – Bát hoành nhất vũ – là khẩu hiệu được người Nhật sử dụng làm kim chỉ nam rằng: thiên mệnh của dân tộc Nhật Bản là thống nhất toàn bộ thiên hạ và cai trị thế giới này theo lời kêu gọi của vua Jimmu ngày xưa.
Thiên Hoàng Minh Trị, gương mặt đại diện cho thời Minh Trị Duy Tân, đưa đất nước trở thành cường quốc.
Nước Nhật không thiếu tài nguyên, nhưng khi bước vào thời công nghiệp, đó là một câu chuyện khác. Để vận hành cỗ máy chiến tranh hiện đại, Nhật thiếu thốn trầm trọng những nguồn tài nguyên then chốt như than, bô xít, thiếc, cao su và đặc biệt là dầu mỏ.

Giống như một con rồng đã thoát khỏi phong ấn và ý thức được sự sống của mình là hữu hạn, Nhật Bản điên cuồng mở rộng lãnh thổ để chạm tay tới những nguồn tài nguyên có thể giúp mình đạt được sức mạnh tối thượng. Từ chính quốc, Nhật Bản bắt đầu đẩy vùng địa lý của mình ra xa và xa hơn nữa. Họ khởi đầu với việc thôn tính những vùng đất xung quanh, trước khi dòm ngó đến thuộc địa của những nước thực dân phương Tây, nơi chứa nguồn dầu mỏ dồi dào đủ sức thỏa mãn cơn khát năng lượng của đế quốc.

Tháng 8 năm 1942, biên cương Nhật Bản đạt đến giới hạn tột cùng.

Trong lịch sử chưa từng có một nước nào nhất thống phần lớn các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á vào cùng một đế chế. Ngay cả các triều đại Trung Quốc suốt hàng ngàn năm cũng chưa từng làm được chuyện tương tự. Một đế chế sở hữu gần như toàn bộ cả Đông Á và Đông Nam Á, nắm trong tay rất nhiều tuyến đường huyết mạch của kinh tế toàn cầu thì nó mạnh cỡ nào? 

Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, Nhật Bản đã hoàn thành được giấc mơ mà rất nhiều quốc gia khác từng mơ. Kẻ đầu tiên và cũng là duy nhất hiện thực hóa điều này. Nó không còn là đế quốc Nhật Bản nữa mà có thể gọi là đế quốc Thái Bình Dương (Pacific Empire).
Dù vậy, việc Nhật Bản liều lĩnh tấn công Trân Châu Cảng nhưng không quét sạch được hạm đội Mỹ là một điểm chết người. Đế chế của họ với những bất lợi về địa lý sẽ không thể chống lại Hoa Kỳ, một quốc gia với tiềm lực công nghiệp khổng lồ.
7-12-1941, những khoảnh khắc đầu tiên khi máy bay Nhật tấn công Trân Châu Cảng.
7-12-1941, những khoảnh khắc đầu tiên khi máy bay Nhật tấn công Trân Châu Cảng.
Người Nhật đã lao vào một trận chiến không cân sức với Mỹ. Những tiếng Banzai uy dũng không thể ngăn được Hoa Kỳ trút cơn thịnh nộ lên Nhật Bản. Lợi thế địa lý của một đảo quốc trở nên vô dụng trước không lực Hoa Kỳ. Những năm cuối Thế chiến, quân đội Nhật Bản bị cắt đứt nguồn năng lượng từ Đông Nam Á. Đế chế của họ cuối cùng đã sụp đổ hoàn toàn như ngày tận thế.

Người mở phong ấn cho con thần long cũng chính là người đóng lại phong ấn đó. Từ nay, Nhật Bản phải thề rằng vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh.

Đám mây nấm từ bom nguyên tử trên bầu trời Hiroshima (trái) và Nagasaki (phải). (Ảnh trái: George R. Caron; Ảnh phải: Charles Levy )
Trận chiến Midway trong chiến tranh thế giới thứ 2. (Ảnh: gettyimage)
Thời hậu chiến là một giai đoạn thần kỳ khác, Nhật Bản tiếp tục vươn mình thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Là một nước dẫn đầu về khoa học kỹ thuật, không khó để nhận ra sức ảnh hưởng địa chính trị của Nhật Bản. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất mà Nhật Bản phải đối mặt lại chính từ trong lòng đất nước của họ: Già hoá dân số. Khi dân số ngày càng già cỗi và những người trẻ không muốn sinh thêm con, lực lượng lao động của Nhật Bản sẽ ngày càng thu hẹp, kèm theo gánh nặng an sinh xã hội ngày càng lớn. 
Nguồn tư liệu: Bộ nội vụ và Truyền thông - Khảo sát thuế quốc gia, Viện nghiên cứu dân số và bảo hiểm xã hội - Dự đoán dân số Nhật Bản (1/2012) (Ước tính trung bình cho tỷ lệ sinh và chết), Bộ Y tế, Lao Động và Phúc lợi - Số liệu thống kê quan trọng.
Chưa hết, Trung Quốc – kẻ thù truyền kiếp – đã vượt mặt về kinh tế và đang bộc lộ nhiều tham vọng hơn bao giờ hết. Được xem như đồng minh thân cận của Mỹ, đồng thời là một phần của chuỗi đảo thứ nhất, bên cạnh Đài Loan và Philippines, Nhật Bản đóng vai trò then chốt để kiềm chế sức bành trướng của Trung Quốc. Trong tương lai, vai trò Nhật Bản vẫn sẽ vô cùng quan trọng và mỗi quyết định của nước này đều đủ sức nặng để thay đổi lịch sử, đặc biệt là trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share