Mộ vua Cảnh Thịnh chôn tại Sài Gòn? Trên đất Nam Kỳ vẫn còn hậu duệ hoàng triều Tây Sơn? Sự thực ra sao?
Mộ vua Cảnh Thịnh chôn tại Sài Gòn?
“Sau ống máng nối với suối nước từ Rạch Cầu Bà Đô, thấy có lăng mộ của hai ông hoàng, Hoàng Thùy, Hoàng Trớt, nghe nói là con Nguyễn Văn Nhạc; ở điểm này xưa có ngôi chợ gọi là chợ Mai (họp buổi sáng)” – Trương Vĩnh Ký đã viết như thế khi mô tả Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận xuất bản năm 1885.
Hoàng Thùy và Hoàng Trớt chính là Nguyễn Quang Thùy và Nguyễn Quang Toản – còn có một tên là Trát. Tây Sơn thuật lược từng mô tả về Nguyễn Quang Toản bằng mấy chữ “Trát môi trớt”. Đó có thể là nguồn gốc của cách gọi Hoàng Trớt. Tuy nhiên, cả hai người này đều là con trai của Nguyễn Huệ, không phải Nguyễn Nhạc.
Theo Đại Nam thực lục thì thi thể của Nguyễn Quang Toản bị giã nát và đầu lâu bị giam giữ tại Huế, còn đầu lâu của Nguyễn Quang Thùy bị bỏ vào hộp, treo ở phía sau đình Quảng Minh tại Hà Nội cho đến năm 1834 thì bị vứt xuống sông. Họ không được chôn cất trên đất Gia Định. Học giả Vương Hồng Sển xác nhận rạch Bà Đô đến năm 1959 hãy còn dấu cũ một con rạch nước dơ, về sau bị lấp đi, nhường chỗ cho một trạm bán xăng “đường Trần Hưng Đạo, ngó xéo qua Đại lộ Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ)”. Hệ thống rạch chỗ này hãy còn thấy rõ trên bản đồ của người Pháp vẽ năm 1923.
Dù sao đi nữa, việc xuất hiện hai ngôi mộ của hai nhân vật thuộc triều đại Tây Sơn tại Gia Định là một sự kiện lạ lùng. Bản đồ phong cảnh Sài Gòn của người Pháp xuất bản năm 1881 cho thấy vào thời của Trương Vĩnh Ký vùng đô thị dừng lại ở khoảng cầu Ông Lãnh (trục đường Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Thái Học). Phía Tây vùng đó là khu vực nông thôn thưa thớt. Đó cũng là khu vực có hai ngôi mộ cổ.
Mặc dù vậy, xét về khoảng cách, nó cũng chẳng xa xôi gì với vùng trung tâm Sài Gòn – nơi chính quyền địa phương do triều Nguyễn bổ nhiệm trú đóng. Hai ngôi mộ đã xuất hiện ở đó từ lúc nào và trong bối cảnh nào? Phải chăng trên vùng đất Nam Bộ từng có hậu duệ của triều đại Tây Sơn?
Hậu duệ vua Quang Trung trên đất Gia Định
Mùa hạ năm Tân Dậu (1801), Nguyễn vương Phúc Ánh dẫn thủy quân rời cảng Thi Nại (Bình Định) kéo ra tập kích Phú Xuân. Ngày mồng một tháng Năm, quân Nguyễn tới cửa Tư Dung, tấn công lực lượng Tây Sơn phòng thủ bờ biển. Sau ba ngày giao tranh, quân Nguyễn kéo vào thành. Vua Cảnh Thịnh chạy trốn ra Bắc.
Nhiều người trong hoàng tộc Tây Sơn rơi vào tay Nguyễn Ánh. Lúc Barizy đi thăm ngục, có 5 người con gái và 3 người con trai bị bắt. Ông này cho biết về 3 thiếu niên rằng:
“Một người 15 tuổi cũng có nước da sẫm và nét mặt bình phàm, hai thiếu niên khác 12 tuổi cũng là con của vương phi Đàng Ngoài (tức công chúa Ngọc Hân), có dung mạo và cách kiểu sức khả ái”.
Đại Nam thực lục ghi tên ba người em vua Cảnh Thịnh bị bắt là Quang Cương, Quang Tự, Quang Điện. Đại Nam thực lục chính biên bản Duy Minh Thị có nói Quang Tự bị dân xã An Cựu bắt giải nạp, và dân ở đó được thưởng 500 quan tiền. Số tiền này tương ứng với bảng treo thưởng do Nguyễn Ánh công bố trước đó: bắt được em trai “ngụy” mà chưa thành niên thì được thưởng 500 quan.
Hơn chục ngày sau, vào ngày 18, Nguyễn Đức Xuyên trông thấy hoàng đệ Nguyễn Quang Cương cùng với Phò mã Nguyễn Văn Trị được giải tới quân thứ Bình Định, để đem rao cho quân Tây Sơn nhìn thấy. Sau vài ngày đem rao như thế, họ lại được giải về phủ Gia Định. Đại Nam thực lục chính biên bản Duy Minh Thị cũng ghi nhận tương tự, nhưng cho biết có tận hai hoàng đệ là Quang Xuân và Quang Điện cùng với Phò mã Nguyễn Văn Trị được giải tới Bình Định, rồi đưa vào Gia Định.
Quang Xuân có lẽ chính là Quang Cương. Sách này cũng cho biết vào lúc Nguyễn Ánh sai phá hủy mộ phần của Nguyễn Huệ và vợ ông này (tháng Mười Một cùng năm 1801), một hịch văn thông báo cũng được gửi vào Gia Định, với mệnh lệnh đem giết các hoàng đệ Quang Xuân, Quang Điện và Phò mã Nguyễn Văn Trị.
Phải chăng hai ngôi mộ Hoàng Thùy, Hoàng Trớt chính là mộ của Quang Xuân, Quang Điện?
Hậu duệ vua Thái Đức trên đất Gia Định
Tháng Mười Hai năm Minh Mạng thứ 11 (1830), người Bình Định là Lê Văn Lễ làm thư nặc danh, tố cáo đám người Nguyễn Văn Thể “che giấu nòi giống Tây Sơn”. Nòi giống Tây Sơn trong vụ án này chính là Nguyễn Văn Đức và em là Nguyễn Văn Lương. Cả hai đều là con trai vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc).
Nguyễn Văn Đức còn có hai con trai là Nguyễn Văn Trượng và Nguyễn Văn Đâu. Địa bạ triều Minh Mạng cho biết điền, thổ ở Hưng Ngãi khách hộ ấp của thôn Bàu Chiên Thượng, thuộc Thời Tú, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định là tư điền của “thân tử (con ruột) ngụy Nhạc là Thằng Lương”. Điều này cho thấy chẳng những dòng dõi của Nguyễn Nhạc còn sống ở Bình Định, mà thậm chí còn giữ được một số ruộng đất.
Tiếp được tin này, vua Minh Mạng liền sai Tả tham tri Hình bộ Trương Minh Giảng cầm cờ bài khâm sai, đem theo quan viên của bộ Hình và người của Cẩm Y vệ vào Bình Định nã bắt. Trương Minh Giảng bắt được các thân thuộc “của ngụy” và những người can tội chứa chấp, tổng cộng hơn 100 người. Tuy nhiên, cả Nguyễn Văn Đức cùng hai con trai ông và Nguyễn Văn Lương đều đã bỏ trốn.
Những người bị bắt khai rằng bọn họ “nếu không ở Thạch Thành trấn Phú Yên, thì ở trong hạt Gia Định”. Triều đình nhà Nguyễn phát lệnh cho từ Phú Yên trở vào Gia Định tiến hành truy nã và treo thưởng cho ai bắt được. Lính Cẩm Y vệ là Lê Công Chất, Nguyễn Văn Hòa bí mật đi Gia Định, cuối cùng bắt được Nguyễn Văn Đức và con trai Đức là Nguyễn Văn Đâu. Minh Mạng lại sai vẽ hình Nguyễn Văn Lương và Nguyễn Văn Trượng, rồi truyền cho các hạt từ Quảng Nam cho tới Gia Định phải ra sức lùng bắt.
Lương và Trượng bấy giờ đã đổi họ tên, theo thuyền công vận tải để trốn vào Gia Định. Thuyền này do đốc vận là Trần Văn Tha chỉ huy. Tới Cần Thơ, Tha bỗng đâm nghi Lương và Trượng, nên đi tố cáo với Thủ ngự Lê Thiện Anh. Nhưng Anh lại cho rằng không phải, nên thả cho đi. Về sau, thám tử Mai Văn Cự dò được tin tức, đem mật báo cho quan trấn Vĩnh Thanh. Trấn quan tiến hành vây bắt được Nguyễn Văn Lương đem nộp.
Tháng Tư năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vua Minh Mạng sai đình thần xét án, xử Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Văn Đâu phải chém ngang lưng, thân thuộc và con gái bị trảm quyết. Tổng cộng số người tông tộc Tây Sơn bị giết trong vụ này gồm 16 người. Đó là chưa tính đến Trần Quang Tồn – con trai Trần Quang Diệu – và Nguyễn Văn Thể cũng bị chém lây.
Mặc dù vậy, trong vụ án này vẫn còn một người lọt lưới. Nguyễn Văn Trượng – con trai Nguyễn Văn Đức và cũng là cháu ruột của Nguyễn Nhạc – đã thoát được. Sau khi đến Cần Thơ, Nguyễn Văn Trượng đã đi đâu? Ông ta có người nối dõi hay không? Ông ta có liên quan gì đến hai ngôi mộ Hoàng Thùy, Hoàng Trớt ở Sài Gòn hay không? Đó là những vấn đề hãy còn mờ mịt.