[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 62: Lão Châu Chấu

[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 62: Lão Châu Chấu

Kỳ trước, Thùy bắt đầu kể về ông nội mình và lý do ông có được tấm da dê chứa thông tin về Ca Lâu Thành.

Ông nội của Thuỳ tên là Hoàng Quý Châu, gốc gác ở Lái Thiêu. Năm 1948, ông chạy loạn về sống ven kênh Tàu Hủ. Giao báo dạo, đánh giày, chạy việc chạp phô hay bán cao đơn hoàn tán việc gì ông cũng kinh qua, mục đích chỉ là bám trụ lại đất Sài Gòn. Lại nói về Sài Gòn thời ấy vẫn chia ra làm Sài Gòn (khu vực trung tâm ngày nay) và Chợ Lớn (Quận 5, 6) nhưng dân Minh Hương không gọi là Chợ Lớn mà gọi là Đề Ngạn, theo tên xưa. Lúc ấy, ông Châu hay chạy vặt cho người Hoa. Người lúc nào cũng khua khoắng tay chân, không chịu nghỉ, nên người Hoa ở đây đều biết cái danh Lão Hoàng (nghĩa thực ra là Lão Châu Chấu, do ông họ Hoàng, châu chấu tiếng Hán là Hoàng Trùng). Do biết tích cóp nên chẳng bao lâu đã để dành đủ số vốn, Lão Hoàng bắt đầu buôn. 

Ban đầu chỉ là mua đi bán lại mấy loại thuốc lậu. Dần dà đủ vốn rồi thì lụa là gấm vóc cho đến kỳ trân dị bảo, đều thấy ông bán đủ cả. Bến của ông lúc nào cũng đậu bốn, năm chiếc ghe chở đủ thứ hàng chờ giao, thời vận phải gọi là cực kỳ tốt. Người ta vẫn nói, dư tiền rồi chẳng biết làm gì, Lão Châu Chấu khi đứng ở đỉnh cao cũng thế. Hễ thứ gì ông thích thì đều không tiếc tiền mua về trưng trong nhà. Ban đầu cũng chỉ là ngọc ngà đồ trang sức, kế đó thì đến sừng tê, da hổ trắng. Sau này đến cả báu vật lôi từ dưới mộ cổ đào được ở đâu đâu ông cũng đem về, dĩ nhiên là ông thích. 

Chợ Lớn ngày ấy chỉ có ba trục đường chính, cắt nhau nhìn như chữ Điền Hán tự, ý nghĩa Chợ Lớn thì hết sức đơn giản: y hệt như cái tên Việt hoá của nó, mua gì cũng có. Trong cái bàn cờ nhỏ ấy, Lão Châu Chấu đi muốn nát hết cả, thế mà cứ vài ngày ông đều dạo qua khu đồ cổ, xem có gì hay ho thì mua về, cục đá cũng được. 

Hôm nọ trời vào tháng bảy âm lịch, khu người Hoa lác đác đã có người đốt vàng mã cúng cô hồn đề phòng bị quấy phá, về khuya ít người buôn bán hơn. Lão Châu Chấu tối đó chỉ định đi ra ngoài dạo chút rồi về. Ai ngờ đi thế nào đến khi định thần lại thì đã thấy đặt chân đến khu đồ cổ. Định bụng quay về, bỗng nhiên có ánh đèn lồng đi gấp vào con hẻm. 

Quái lạ, Lão Châu Chấu đi bộ khắp cái Chợ Lớn này ít gì cũng hơn mười năm, làm gì có con hẻm nào ông chưa biết, chỗ này rõ ràng không hề có cái hẻm nào cả thì nay lù lù ở đâu xuất hiện khiến ông không khỏi nghi ngờ. Ghé mắt nhìn vào trong chỉ thấy đó là con hẻm nhỏ, bên trong tối mờ mờ, hắt thứ ánh sáng đỏ do giấy dán cửa sổ ra ngoài. Nghĩ bụng có thể do ông chỉ đi ban ngày qua đây, buổi sáng người ta bày đồ la liệt, che cả đường vào nên ông không biết sự tồn tại của cái hẻm này, dù gì cũng lỡ đi đến đấy rồi thì vào thử xem sao. Nghĩ là làm, Lão Châu Chấu bước thẳng vào con hẻm mờ mờ. Vừa lúc đó ngoài đường chính ùa đến trận gió lạnh ngắt, thổi giấy tiền vàng bạc bay tứ tung. 

Con hẻm càng đi vào càng rộng ra, đến một khúc ngoặt thì Lão Châu Chấu hết sức sửng sốt khi thấy ở đây người ta vẫn mua bán náo nhiệt, đèn đuốc sáng rực. Họ nói với nhau đủ thứ tiếng, trao đổi hết sức ồn ào, sầm uất. Lão Châu Chấu đi dọc con phố đó, nó cũng chỉ khoảng trăm mét, chủ yếu bày bán đồ ăn uống. Vốn dĩ lão ta đâu quan tâm, vẫn quan sát xuôi ngược, xem có ai bán đồ cũ đồ cổ hay ho gì không. 

Đang định quay trở ra, lão thấy góc khuất bên kia có một ông già đang nằm bên cạnh một cái chiếu bày đủ đồ đồng la liệt. Tò mò bước sang thì thấy đa phần là đồ thờ cúng, duy chỉ có một tấm da trâu được buộc dây đen, trông hết sức bẩn thỉu. Chính sự cũ kỹ bẩn thỉu đó lại thu hút Lão Châu Chấu rất nhiều, lão mở ra xem, bên trong toàn chữ Hán cổ. Dĩ nhiên lão đọc chữ được chữ không, nhưng nội dung thấp thoáng gì đó về một tòa thành cũ thuộc phạm vi trấn Hà Tiên, Rạch Giá. Lão già nằm nãy giờ, thấy có khách đến thì ngồi dậy, khuôn mặt hết sức kỳ quái: không có chân mày, mũi tẹt thấp, da căng bóng, hai mắt híp lại, hơi thở nhẹ như không có, cả người tỏa ra sự lạnh lẽo đáng sợ. Lão Châu Chấu hỏi về cuộn da, ông già vẫn không tỏ ra chút cảm xúc gì, bảo: 

– Mua làm gì?

Lão Châu Chấu trố mắt ra, nghĩ bụng ai đời có người bán nào lại hỏi thế, bèn nói: 

– Lão phu thích trưng đồ cổ. Vật này có gì đó mỗ mua không đặng hay sao?

Ông già nói như thở ra từng chữ: 

– Chỉ sợ nó làm ngươi chết không nhắm mắt thôi!

Lão Châu Chấu giận đến tím mặt, để lại một lúc sáu chỉ vàng dằn mặt ông già rồi đùng đùng quay trở ra.

Lúc về, Lão Châu Chấu bèn tìm người biết chữ, về dịch lại cho lão nghe. Biết được nội dung của tấm da, từ đó về sau Lão Hoàng đổi tính hẳn, không đi mua đồ về trưng nữa, chỉ lục tìm sách cổ, thư tịch, mọi thứ về địa chí vùng Kiên Lương Hà Tiên, rồi các manh mối về một thứ ông chỉ mấp mé khi có ai hỏi: Ca Lâu Thành.

Kể tới đó, giọng Thùy đượm chút buồn, cô nhìn qua cuộn da mà Tú Linh đang cặm cụi đọc rồi nói: 

Ông nội em sau đó bị ám ảnh với cuộn da đó, bỏ hết công chuyện làm ăn, tuyển lực điền, thầy phong thủy, rồi vệ sĩ đủ cả, lên đường đi tìm tòa thành Ca Lâu trong truyền thuyết, nhưng lần nào về cũng thất bại, cả đoàn người chết gần hết. Tuy vậy, ông vẫn cứ kiên quyết. Ông nói đây là sứ mạng của đời ông. Đêm trăng đó, con phố đó, lão bán hàng đó. Ông lúc này đã giàu sụ nên có suy nghĩ của người đứng trên đỉnh cao, đâm ra bệnh tưởng, nói là ông Trời sắp đặt cho ông đi vào khu phố kia và giao phó nhiệm vụ tìm Ca Lâu Thành lại cho ông. Em thương ông lắm. Lúc hấp hối trên giường, ông đuổi hết mọi người ra ngoài rồi nói với em, rằng em là người thông minh, có tố chất nhất dòng họ. Ông nắm chặt tay em, truyền cuộn giấy lại cho rồi bắt em hứa là phải giúp ông hoàn thành sứ mạng, không thôi Ngọc Hoàng không cho ông lên Thiên Đình. Em chịu gật đầu, ông mới bỏ tay em ra.

Tôi nói: 

Vậy cho nên em mới quyết định thi vô trường địa chất hả?

Thùy bảo: 

– Đúng rồi anh. Nói thật em chưa bao giờ quên lời dặn của ông nội. Sau này em cũng ghiền luôn khảo cổ, thám hiểm. Đi vào đây tưởng chỉ là cái hang thôi có gì đâu, ai ngờ…

Tôi cố an ủi Thùy: 

– Em đừng lo, từ giờ về sau, em đi với anh và mấy người này thì yên tâm, không có gì xảy ra nữa đâu.

Anh Hùng tằng hắng/ Sinh cũng thêm vào “ĐI với ANH luôn mới ghê…”. Tôi lườm nó mấy cái. Lúc này, anh Hùng mới đốt điếu thuốc, ngồi trò chuyện với Thùy về bọn chúng tôi, nhưng anh vẫn giữ lại rất nhiều thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến lục lâm. Tuy vậy, Thùy vẫn ngồi nghe rất chăm chú, lại còn trầm trồ mấy lần. Một lúc sau, Tú Linh đã đọc xong cuộn da liền bảo chúng tôi ngồi tụm lại, cô nói: 

– Nhìn chất liệu thì khá giống với cuộn da ở đảo Bia Mộ, nhưng em không dám chắc nghe. Cuộn này thì khá chung chung, chỉ thấy ghi lại công đức của Ca Lâu Vương, ca ngợi công lao của ổng ngày xưa trừ yêu phục ma, về của cải. Rồi ghi về quân đội của Ca Lâu Thành, hai ngàn thần binh, mình cao hai thước, có cả chuyện Ca Lâu Vương có phép trường sinh. Về mặt sử liệu có vẻ như không đáng tin bằng thông tin của Từ Khoái.

Anh Hùng chậc lưỡi: 

– Vậy chắc là giai đoạn trước khi ổng hóa điên rồi. Còn gì khác không em?

– Còn, trong đây có ghi lại thông tin về đường dẫn vào thành chủ, sau khi đã đi qua Bát Quái Động. Đọc qua thì nghe như hư cấu. Nếu đúng như trong này ghi, mình cách thành chủ khoảng mười tám cây số. Đặc biệt có chi tiết làm em quan tâm. Người viết ghi lại rằng mặc dù diện tích tòa thành rất lớn, nhưng đứng ở chỗ nào cũng thấy một “ánh mắt nhìn trừng trừng vào mặt trời đỏ rực”.

Thùy kinh ngạc: 

Em đâu nhớ có đoạn đó đâu ta?

Tú Linh cười chế giễu: 

– Thông tin quan trọng đó cưng.

Anh Hùng bảo: 

Đúng vậy. Anh không dám nói gở, nhưng mà có khi đó là Ngô Công Kim Thân, còn phát sáng vậy là Thái Dương chắc rồi. Nhưng mà…

Tôi hỏi: 

– Nhưng sao anh?

– Quả thật đó là thông tin tốt, nhưng tất cả những chuyện này bốc mùi kinh khủng, lấy ví dụ cuộn da mà Tú Linh vừa đọc ghi lại giai đoạn trước khi Ca Lâu Vương hóa quỷ thì tại sao nó lại nằm riêng; cuộn da ở đảo Bia Mộ có chỗ bị xé ra, thông tin đằng sau ghi lại sự việc gì? Tại sao lại xé nó ra? Ai đã xé nó ra? Ông lão thả diều là do ai giết? Vân vân.

Tôi nghe anh Hùng tổng hợp lại thông tin cũng nổ đom đóm mắt, quá nhiều câu hỏi, nhưng nghĩ lại thì cũng có chút yên tâm, chứ mọi chuyện dễ dàng quá cũng không làm tình hình khá lên bao nhiêu, thà như lúc này.

Lúc này, anh Hùng mới thông báo là cả đoàn sẽ đi tiếp. Tôi đứng dậy vươn vai vài cái, cảm thấy trong lòng phấn chấn lạ thường. Đường đi vẫn bằng phẳng, không có gì để kể. Đi được một chốc, anh Hùng đưa tay ra hiệu cả đoàn dừng lại, tôi biết là sắp có chuyện rồi. Tôi hỏi: “Sao vậy anh, có chuyện g…”, chưa kịp dứt lời thì anh đưa ngón trỏ lên môi, rồi chỉ vào lỗ tai, ý muốn bảo im lặng lắng nghe thử đi. Tôi nhíu chân mày lại, ngoài tiếng nhỏ nước thì có nghe gì khác đâu? Cả đoàn như muốn nín thở, bỗng tôi nghe được tiếng gì đó thật, rất nhỏ thôi nhưng đúng là ngoài âm thanh nhỏ giọt của nước còn có một âm thanh “rạo rạo” khác vang lên. 

Anh Hùng định hướng lại rồi dẫn chúng tôi rẽ vào hướng khác. Chỗ ánh đuốc chiếu vào có một cái hang đủ hai người chui cùng một lúc. Bước qua hang, đoạn đường trong đây trở nên tối hơn hẳn. Tiếng “rạo rạo” giờ đã rõ hơn rất nhiều. Đi khoảng mười phút, chúng tôi phát hiện một kiến trúc trông giống như tường thành nhưng không cao lắm, chỉ khoảng ba thước, ở giữa có một bậc thang dẫn lên trên. Cảnh tượng phía sau những nấc thang này làm tôi không khỏi choáng ngợp. Mờ ảo hiện ra một con đường dài tăm tắp, hai bên đầy sỏi và đặc biệt là con đường này cắt một mặt hồ, hay mặt biển gì đó, không phân biệt được, chỉ thấy sóng đang vỗ từng hồi vào hai bên lề, tấp những hòn sỏi lên trên rồi lôi chúng xuống, âm thanh “rạo rạo” ghê rợn là từ đây mà ra. 

Chúng tôi nhìn nhau, hồ trong núi thì tôi có nghe qua, nhưng hồ kiểu này thì lạ lắm, rõ ràng không khí hoàn toàn lặng gió, không thể nào có sóng được. Chúng tôi theo chân anh Hùng, bước xuống con đường xẻ biển, giờ mới phát hiện những hòn sỏi này có kích cỡ khá to. Đang đi chợt anh khựng lại, ngồi xuống xem gì đó. Tú Linh và Sinh cũng nhìn nhau như hiểu rằng có chuyện không ổn. Anh với tay nhặt lấy một hòn sỏi rồi chầm chậm quay nó lại. Thứ trên tay cũng “nhìn” anh, chỉ có cái, hốc mắt nó đen ngòm, là một cái đầu lâu. Tôi bàng hoàng nhìn xuống bờ nước, nghe giọng Tú Linh vang lên bên cạnh: 

– Biển Oan Hồn…

Thông tin về Ca Lâu Thành bị phân nhỏ ra dường như có bàn tay của ai đó sắp xếp. Cả nhóm còn đang bối rối thì họ đã đụng phải biển Oan Hồn. Chuyện gì chờ đón bọn Hùng Bonsai? Mời các bạn theo dõi kỳ sau.

Nếu yêu thích các câu chuyện tâm linh và kỳ bí, mời bạn tham gia Xóm Sợ Ma.

Chia sẻ câu chuyện này

Minh họa : Minh Thảo Võ

Thiết kế : Trần Văn Hậu

Share