Tháng cô hồn trong đời sống tâm linh người Việt

Tác giả Huyết Vy
Tháng cô hồn trong đời sống tâm linh người Việt

Đời sống tín ngưỡng tâm linh soi qua những tập tục trong tháng cô hồn là một chiếu ảnh cho tư tưởng, tâm tình người Việt. Đó là vũ trụ quan về sự tồn tại và thế giới sau cái chết, là truyền thống biết ơn và hiếu đạo với tổ tiên, cũng là tấm lòng nhân hậu xót thương trước khổ ải chúng sinh. 

Dải đất nhiệt đới giới gió mùa vào thu trong gió mưa tơi bời. Mưa dầm dề sớm chiều, đất trời não nùng âm u, người họa sĩ vung cọ họa nên đất trời ngày thu, thiếu vắng lá thu vàng ấm áp rực mắt như những vùng ôn đới, chỉ tô pha rặt những sắc xám đen dành cho nền mưa dai dẳng. Anh ta nhìn ra vùng không mịt mù mưa khói, thấy nhập nhòa những tòa nhà, cung đường, dòng xe, thầm chặc lưỡi: “Tháng 7 âm đến rồi, tháng cô hồn đây mà” 

Tin hay không tin thì tự xửa xưa, dọc nam bắc, ông bà truyền, cha mẹ kể, đây là thời điểm xá tội vong nhân, cổng địa ngục khai mở, những u hồn đói khát oan ức sẽ trồi lên dương thế ăn uống, giải oan. Nhưng đối nghịch với tông nền của những ngày mưa ngâu u ám nhuốm màu tâm linh, nhân gian lại chộn rộn với những lễ tục đón tháng cô hồn, đặc biệt là vào Rằm tháng 7, gọi là Tết Trung Nguyên hay Lễ Vu Lan

Đời sống tín ngưỡng tâm linh soi qua những tập tục trong tháng cô hồn đó chính là một chiếu ảnh cho tư tưởng, tâm tình người Việt. Đó là vũ trụ quan về sự tồn tại và thế giới sau cái chết, là truyền thống biết ơn và hiếu đạo với tổ tiên, cũng là tấm lòng nhân hậu xót thương trước khổ ải chúng sinh. 

Hình ảnh tế lễ tháng cô hồn

1. Tín ngưỡng dân gian về cô hồn và một thế giới bên kia cái chết

Có thể nói văn hóa của người Việt là đóa hoa nở trên cột cành của nền văn minh nông nghiệp. Những ý niệm và lý giải về vũ trụ quanh mình được nảy nở trong đời sống hòa hợp với thiên nhiên đất trời, kết thành những gốc rễ đầu tiên cho tinh thần văn hóa cố hữu của dân tộc. 

Đó là văn hóa đồng ruộng, đong đầy tình cảm, cùng vạn vật đồng hóa cảm sinh, lấy nguồn sống của cỏ cây thảo mộc làm ý nghĩa trường tồn. Vũ trụ quan tin rằng vạn vật đều có linh hồn, đó có thể là linh hồn của chính vật ấy, cũng có thể là hồn người chết nương trú vào: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”… 

Tín ngưỡng vạn vật hữu linh lấy nguồn sống tràn ngập làm trung tâm điểm, tự nhiên và hiển nhiên như hơi thở, ăn sâu vào máu thịt và tâm tưởng ngàn đời người Việt:

Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Truyện Kiều

Chị – tức nàng Kiều hứa hẹn sẽ về thăm thân nhân, sau cái chết, báo hiệu bằng gió hiu cỏ động. Chị về bằng cái hồn còn mang nặng lời thề, một cái hồn vô hình vô thể nhưng có sức nặng với tâm tư con người dương thế. Người Việt tin tưởng rằng trong con người có cái vật chất và cả cái tinh thần. 

Tinh thần là thứ trừu tượng, khó nắm bắt, được người xưa tựu chung thành một hình dung gọi là linh hồn. Vì còn có sự tồn lại của linh hồn, trong một vũ trụ lưỡng cực, nên cái chết nhục thể không phải là hồi kết mà chỉ là một sự biến chuyển trạng thái của linh hồn từ động sang tĩnh, thay đổi không gian từ dương sang âm.

 Linh hồn con người sẽ theo cái chết mà sẽ đến với thế giới bên kia. Lòng tin vào linh hồn bất diệt và hành trình sau cái chết đến bờ bên kia là một ý niệm có nguồn gốc sâu xa, nảy nở từ buổi bình minh của loài người.

Hình ảnh địa ngục mở ra trong tháng cô hồn
Địa ngục biến tướng đồ - Đầu thai 1. Tranh: Cư Sĩ Dật Tử

Cư dân Hòa Bình chôn người chết chủ yếu ở tư thế nằm co. Một số mộ có kê đá hộc xung quanh, rải đá dăm ở dưới. Ðây là tài liệu quan trọng để tìm hiểu mối quan hệ tộc thuộc của cư dân nguyên thủy nước ta.

Đây là một trích đoạn trong bài báo của của GS. Hoàng Xuân Chinh đăng tại Tạp chí Khảo cổ học số 3 năm 82. Ở nhiều báo cáo khác, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận sự hiện diện của nhiều đồ tùy táng là dụng cụ lao động hay trang sức trong các mộ cổ thời tiền sử. 

Những dấu tích của tập tục mộ táng cho thấy cư dân đất Việt từ thuở bình minh của văn hiến đã có ý niệm về “sự tử như sự sinh”, tồn tại một “bờ bên kia” – một thế giới đằng sau cái chết. Cùng với cái chết nhục thể, đồ tùy táng được chôn theo người quá cố như một sự chuẩn bị những đồ dùng, công cụ cần thiết cho đời sống tiếp theo. 

Cũng với ước mong người chết sẽ sớm được đầu thai vào kiếp khác, họ chôn vong nhân trong những chum vò trình tròn, hình trứng dưới dạng tư thế nằm co như hình một đứa hài nhi trong bụng mẹ, một tư thế sẵn sàng để bước vào một cuộc đời mới. 

Ở địa hạt của những cư dân nông nghiệp sông nước, của những ngư dân rong ruổi mù khơi, “thế giới bên kia” thường được cho là ngăn cách với không gian hiện sinh bằng dòng nước mênh mang, người mất là người về nơi chín suối, là người ở dưới suối vàng. 

Cư dân Đông Sơn cách ngày nay hàng ngàn năm trước chôn cất vong nhân trong những con thuyền độc mộc cùng với đồ tùy táng theo sinh hoạt lúc sinh thời. Dọc khắp đồng bằng Bắc Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn còn lưu giữ nghi lễ “chèo đưa linh” – vũ sư múa điệu chèo đó và cất tiếng hay đưa tiễn linh hồn người mất về nơi cực lạc.

Hình ảnh địa ngục tháng cô hồn
Địa ngục biến tướng đồ - Đầu thai. Tranh: Cư Sĩ Dật Tử

Cũng trong quá trình chung sống miên trường với tự nhiên, con người kết tụ được những cảm thụ tế vi sâu sắc với sự biến chuyển của môi trường và thời tiết – những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến nông vụ, sinh kế. 

Tinh hà biến dời, thủy triều dâng hạ, vầng trăng khuyết tròn, nắng mưa luân chuyển. Con người đi ra từ tự nhiên, sống trong những biến chuyển luân liên mang tính quy luật của tự nhiên, cảm nhận nó, thấu hiểu nó, lý giải nó sâu sắc.

 Những tiền nhân nhạy cảm có thể thấy được vào tháng Bảy Âm lịch, đất trời âm u cô tịch, khí âm hàn ngùn ngụt trào dâng từ lòng đất. Niềm tin cố hữu về sự tồn tại của “hồn ma bóng quế” tan trong mưa ngâu tháng Bảy, thâm ngấm những tư tưởng Đạo giáo, Phật giáo đã dần dà kết thành ý niệm về một “tháng cô hồn”, đoạn thời gian người chết từ cõi âm trồi lên dương thế.

2. Chiếu ảnh của tháng cô hồn qua góc nhìn đa tôn giáo

Đa số người Việt tin rằng Lễ Vu Lan cũng là Tiết Trung Nguyên, diễn ra vào Rằm tháng cô hồn, phát nguồn từ kinh điển Phật giáo, từ Trung Hoa lưu truyền vào đất Việt sau ngàn năm chung sống và ảnh hưởng lẫn nhau. 

Tuy nhiên, trông xa rọi gần, sẽ không khó để bắt gặp những dấu tích và ảnh hưởng của Đạo giáo – vốn thừa hưởng hệ giá trị của tín ngưỡng dân gian Á Đông, trong các quan điểm và tập tục thực hành Lễ Vu Lan của người Việt.

Rằm tháng Bảy gọi là Tết Trung nguyên. Ta tin theo sách Phật thường cho hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha một ngày hôm ấy. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất cũng hay đốt mã làm chay về hôm ấy. Tục đốt mã là do tự bên Tàu, đời xưa thường dùng đồ ngọc bạch để cúng tế, đời sau dùng tiền để thế cho ngọc bạch. Đến đời vua Huyền Tôn nhà Đường thấy dùng tiền phí lắm mới truyền cho làm tiền giấy mà thay vào tiền thực. Đời Ngũ Đại lại chế thêm áo giấy, mũ giấy mà cúng cấp quỷ thần.

Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính

Đạo giáo quan niệm Tam nguyên gồm Trời – Đất – Nước là ba nguyên khí căn bản kiến tạo và nuôi dưỡng con người cùng vạn vật. Tam nguyên ứng vào ba ngày âm lịch trong năm thì sẽ có Tam Nguyệt Nhật: 15 tháng 1 Thượng Nguyên, 15 tháng 7 là Trung Nguyên và 15 tháng 10 là Hạ Nguyên

Khoác lên chiếc áo choàng của truyền thuyết, Tam Nguyên Nhật được cho là ngày sinh của Tam Quan Đại Đế trong hệ thần của Đạo giáo. Ứng theo đó, Tiết Trung Nguyên nhằm vào Rằm tháng 7 âm lịch sẽ là ngày Địa Quan Xá Tội Đại Đế cai quản cõi âm tuần du, phổ độ cô hồn, xá tội vong nhân.

Vốn là một tôn giáo cổ xưa, từ Trung Hoa du nhập vào nước ta những năm đầu Công Nguyên. Nhưng trên một xứ sở mộ Phật, Đạo giáo dường như mờ nhạt chìm lấp trong dòng lịch sử, thu hẹp vào một giới trí thức theo con đường tu tiên luyện đạo. 

Một số di tích và di sản để lại bị Phật giáo hóa, Đạo quán trở thành chùa, hệ thần được phụng thờ hỗn hợp với các vị chư Phật. Dù vậy, cùng phương Bắc chia sẻ chung một hệ tư tưởng tâm linh, kính phụng đa thần, cõi âm huyền hoặc, ảnh hưởng và chiều sâu của nghi lễ Đạo giáo vẫn tồn tại sâu trong tâm tưởng Việt.

Trong thế giới quan đó, đầu tháng cô hồn, Quỷ Môn bắt đầu thả lối để quỷ hồn túa ra tứ phương. Đến khi trăng treo tròn vành, trước khi chính thức khép quan, địa ngục sẽ rộng lối, thả linh hồn người mất, gồm cả tổ tiên hay cô hồn dã quỷ lên cõi dương gian. 

Thời điểm này còn được gọi là Quỷ tiết hay Thi cô, là khoảng thời gian âm khí ngập tràn, tai ương xui rủi cũng có khả năng theo cô ma hồn quỷ tiếp cận con người. Những lý giải nhuộm sắc Tiên đạo này thẩm thấu và lưu truyền hầu khắp đất Việt khi nhắc về tháng cô hồn. 

Sau này, theo nguyện vọng của con người sở tại, những điểm giải đó hòa vào vũ trụ hỗn dung của Phật giáo và tín ngưỡng bản địa, kết thành một ngày lễ lớn, được đông đảo người Việt biết đến và hưởng ứng – Lễ Vu Lan.

Tranh Mục Kiền Liên cứu mẹ sự tích tháng cô hồn
Tranh Mục Kiền Liên cứu mẹ. Nguồn: Kinh Vu Lan Bồn.

Vu lan là viết tắt của Vu lan bồn (Ullambana) theo Phạn ngữ. Ullambana được hiểu là treo ngược lên, tức cứu giúp, giải thoát cho những linh hồn lửng lơ, khởi nguồn từ một nghi thức đậm tính Phật giáo. 

Khi Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Trung Hoa, người ta dùng những thuật ngữ cùng tính chất và sẵn có của Đạo giáo để giải thích cho những thuật ngữ tiếng Phạn của nhà Phật. 

Vu lan bồn (Ullambana), dịch ra Hán ngữ là “Giải đảo huyền”, lấy ý từ câu “Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã” của Mạnh Tử, ý chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng ở cảnh giới Địa ngục. 

Khi Phật giáo hiển dương trong đời sống thế tục, truyền thuyết “Vu Lan báo hiếu” về lòng đại hiếu cứu mẹ của Mục Kiền Liên cũng được lưu truyền rộng rãi. Mục Kiền Liên là một đệ tử thần thông của Phật, nhưng mẹ ông lại phải chịu đọa đày đói khát dưới địa ngục vì những tội lỗi ở kiếp trước. 

Theo lời chỉ dạy của Phật, Mục Kiền Liên nhằm ngày rằm tháng 7, chư Phật hoan hỉ, chư tăng tự tứ, sửa soạn lễ vật cúng dường, thành tâm thỉnh cầu chư tăng chú nguyện. Mẹ ông nhờ uy lực đó mà siêu thoát khỏi Ngạ quỷ đạo, đồng thời các vong linh khác cũng nhờ phúc lành chư tăng mà được xá tội. 

Từ đó thành lệ, hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, thì lễ Vu Lan báo hiếu lại được tổ chức trong tín tâm mong cầu tổ tiên ở thế giới bên kia thoát khỏi khổ hạnh đớn đau. 

Như vậy có thể thấy, cùng là ngày Rằm tháng 7 nhưng Tết Trung Nguyên với ý niệm Xá tội vong nhân xuất nguồn từ Đạo giáo, còn Lễ Vu Lan báo hiếu, giải cứu đảo huyền lại theo kinh thuyết nhà Phật. 

Cùng chi phối sinh hoạt tâm linh con người xứ sở, năm dài tháng rộng, hai ngày lễ lớn của hai tôn giáo lớn này dần dung nhập vào nhau. Quá trình ảnh hưởng lẫn nhau và dung hòa vào nhau này có nhiều lớp lang, khó có thể truy nguyên và trình bày trong đôi lời. 

Nhưng ít nhiều những tư tưởng  và sự hợp dung ấy sẽ được biểu hiện thành hành động, người mang lòng tìm tòi, có thể lần theo dấu tích lưu lại trong sử liệu cũng như tập tục dân gian về tháng cô hồn.

3. Dấu tích "tháng cô hồn" trên dòng lịch sử và tập tục dân gian

Ở Việt Nam, Tiết Trung Nguyên hay Lễ Vu Lan có lịch sử lâu đời, từ thời Lý đã được nhắc đến trong Đại Việt sử ký toàn thư:
“Mậu Tuất, năm thứ 9 (1118). Mùa thu, tháng 7, tiết Trung nguyên bãi cỗ bàn, vì là gặp ngày lễ Vu lan bồn của Linh Nhân hoàng thái hậu (Ỷ Lan).”
“Mậu Thân, Thiên Thuận năm thứ nhất (1128). Mùa thu, tháng 7, tiết Trung nguyên, vua ngự điện Thiên An, các quan dâng biểu mừng. Vì là ngày lễ Vu lan bồn của Nhân Tông, nên không đặt lễ yến.”
Những sự kiện lịch sử này cho phép chúng ta tin rằng, vào thời Lý nước ta đã có lễ Trung nguyên tổ chức bằng việc tặng quà biếu và mở yến tiệc vào tháng 7 Âm lịch. Tuy nhiên, theo thông tin của sử liệu, ngày này không đặt lễ yến vì trùng với ngày lễ Vu Lan bồn của Lý Thánh Tông (1072), Linh Nhân hoàng thái hậu (1118) và Lý Nhân Tông (1128). 
Tranh chu phật tháng cô hồn
Địa ngục biến tường đồ - A di đà Phật và Chư Phật. Tranh: Cư Sĩ Dật Tử.

Cũng nhận ra rằng, tiết Trung nguyên lúc này được phân biệt rạch ròi, mang tính chất tổ chức khác với lễ Vu Lan, cũng như mức độ ưu tiên của lễ Vu Lan trong một chính quyền trọng Phật. 

Đồng thời cũng cảm nhận được, nội hàm của lễ Vu Lan lúc này không lấy việc hoằng dương hiếu đạo là chủ đề như ngày nay, mà có thể chỉ được tổ chức trong phạm vi hoàng thất, khi vừa có tiên hoàng hay thái hậu qua đời (Ỷ Lan qua đời vào ngày tháng 7 năm 1117, Nhân Tông qua đời vào tháng 1 năm 1128), mang tính chất như một buổi lễ cầu siêu.

Học giả người Nhật Onishi Kazuhiko trong bài tham luận “Tam giáo thời Lý Việt Nam qua lễ Tết Trung nguyên”, đã đưa ra một số thông tin thú vị khi đối chiếu với các tài liệu Trung Quốc. Ông cho rằng, cho đến nửa đầu thời Lý, có khả năng Tết Trung nguyên được tổ chức vào ngày 5 tháng 7 âm lịch theo lịch của Thiên Sư đạo – Đạo giáo thời Đường. Dần dà, Tiết Trung Nguyên được chuyển từ ngày 5 tháng 7 sang ngày 15 tháng 7 do bối cảnh phát triển và phổ cập Phật giáo trong xã hội Đại Việt. 

Quế hải ngu hành chí (1175) của Phạm Thành Đại từng ghi nhận rằng ở nước ta: “Ngày mồng năm tháng bảy là lễ lớn, mọi người chúc mừng nhau. Quan liêu đem tù binh dâng cho tù trưởng. Hôm sau, tù trưởng mở tiệc để đáp tạ”

Không rõ sự nhập lại giữa hai ngày lễ lớn của hai tôn giáo Đạo – Phật chính xác xảy ra vào khoảng thời gian nào, bằng sự kiện nào, nhưng có thể thấy sự biến chuyển từ việc ăn Tết theo lịch lễ hội của Đạo giáo sang lịch lễ hội Phật giáo trong các tư liệu thiên triều ghi chép về Đại Việt dưới thời Lý – Trần. Điển hình, Chư phiên chí (1225) của Triệu Nhữ Quát nhắc lại gần như chính xác lời của Phạm Thành Đại, nhưng đã ghi nhận ngày ăn lễ là 15 và 16 tháng Bảy.

 
Tranh địa ngục tháng cô hồn
Địa ngục biến tướng - Hồn quy địa phủ. Tranh: Cư Sĩ Dật Tử.

Thời Hậu Lê, dưới thời Lê Thái Tông, ngày Rằm tháng 7 được Đại Việt sử ký toàn thư chép là Lễ Vu Lan, nhưng vẫn mang tính chất như một ngày xá tội vong nhân của Đạo giáo, thay vì nội hàm báo hiếu của nhà Phật: “Mùa thu, tháng 7, năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 (1434); Ngày 15, mở hội Vu Lan, tha tù tội nhẹ 50 người, ban cho các nhà sư tụng kinh 220 quan tiền.”

Sang thời Nguyễn, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều tổ chức trai đàn tụng kinh và cầu siêu dài ngày tại chùa Thiên Mụ và Diệu Đế nhân Lễ Vu Lan. Đại Nam thực lục chép lời vua minh Mạng về dịp này như sau: 

“Đạo Phật lấy tế độ làm trọng, là để giúp cho âm phúc được nhờ. Nay ta sai Bộ Lễ sắm sửa lễ vật đến tiết Trung nguyên truyền cho các sư tập họp ở chùa Thiên Mụ lập đàn tràng thủy lục 21 ngày để siêu độ vong hồn những quan quân ta đã chết vì việc nước. Phật giáo tuy huyền vi mà chưa chắc đã hiển ứng rõ rệt, nhưng lòng ta tưởng nhớ đến tướng sĩ thì không lúc nào quên. Việc lập đàn chay này cũng là ngụ ý thương xót.”

Ngàn năm sử liệu lần nữa bày ra sự hòa nhập những tính chất của Tiết Trung Nguyên vào Lễ Vu Lan trên đất Việt. Trong những nghi lễ “cầu siêu đảo huyền” của Phật giáo vẫn thấp thoáng nội hàm “xá tội vong nhân” của Đạo giáo. Dòng tư tưởng và lễ tục của Đạo và Phật theo đời sống tín ngưỡng dân gian con người xứ sở dung hòa vào nhau, cùng chia sẻ và cộng hưởng, truyền đạt những giá trị thân mang.

Tranh bồ tát phổ độ ngạ quỷ tháng cô hồn
Địa ngục biến tướng đồ - Ngạ quỷ địa ngục. Tranh Cư Sĩ Dật Tử.

Ngày nay, trong ảnh hưởng của khoa học duy vật, lễ tục và kiêng kỵ không còn khắt khe như đã từng, nhưng ý niệm Á Đông thấm nhuần trong máu thịt vẫn khiến một lớp người nguyện tin “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Từ khóa “tháng cô hồn”, “tháng cô hồn cúng gì”, “văn khấn cúng cô hồn” cho ra hàng trăm kết quả tìm kiếm chứng tỏ lòng người vẫn còn lắm tha thiết với lễ tiết truyền thống này.

Những kiêng kỵ trong tháng cô hồn có vài xê xích và biến hóa tùy người, tùy vùng, nhưng tựu chung vẫn nhằm tránh phạm quỷ hồn, dính phải vận rủi, đồng thời cân bằng âm dương. Có thể gom thành các phạm trù cơ bản: 

Không mời gọi, gây thu hút người âm như không treo chuông gió, không phơi quần áo trong đêm, không réo tên nhau khi chơi đêm, không thưa dù có cảm giác ai đó đang đi theo mình hoặc gọi tên mình…; 

Không phạm hoặc đến gần những nơi nhiều âm khí như không chụp ảnh trong miếu mạo chùa chiền, không đến những nơi vắng vẻ, qua nghĩa trang không quay đầu nhìn lại phía sau, kị đến gần cây đa cây si…; 

Không làm những chuyện hệ trọng trong tháng này: như xây nhà, mua xe, không mua bán nhà cửa đất đai…

Lòng người soi chiếu ra lễ tục. Cứ đến chiều ngày rằm tháng cô hồn, dân gian lại bày mâm trước nhà để cúng thí thực. Đa số các gia đình chuẩn bị hai mâm cúng, cúng tổ tiên tại bàn thờ trong nhà và cúng cô hồn ở trước sân nhà hoặc trên vỉa hè.

 Tin tưởng “sự tử như sự sinh”, trên mâm cúng ngoài đồ ăn thức uống tùy gia cảnh, còn đi kèm vàng mã phục sức và đồ dùng như khi còn sống. Chùa quán cũng tổ chức những pháp hội long trọng, đàn lễ Mông Sơn thí thực được dựng lên, hay Văn tế Thập loại chúng sinh của Nguyễn Du cũng được diễn đọc theo năm giọng kim mộc thủy hỏa thổ. 

Bên cạnh đó, để hiển dương lòng hiếu và tình người, các chùa và hội đoàn Việt Nam còn tổ chức nghi thức “Bông hồng cài áo” do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng. 

Tranh ngạ quỷ tháng cô hồn
Ngạ quỷ thảo chỉ. Nguồn: Bảo tàng quốc gia Kyoto

Những ngày này, trái với nền trời âm u và lòng người đè nén trong nhiều kiêng kỵ, dương gian phất tràn sinh khí trong những lễ tục dành cho vong nhân, cô hồn. Muôn hồng nghìn tía đèn giấy gấp hình hoa sen, con thuyền lững lờ thả trôi trên sông để dẫn đường chỉ lối cho dã quỷ. Ngũ lệnh kỳ năm màu phấp phới trên đạo tràng cầu siêu của chùa quán. 

Dọc đường, vàng mã đốt cho tổ tiên đã khuất tàn lụi trong chậu than hồng. Xanh xanh đỏ đỏ bánh trái rải tung tứ phương cúng thí thực. Bên tiếng lễ nhạc tôn nghiêm, bên ngọn lửa ấm nồng rụi thiêu đồ mã, bên sắc trắng sắc đỏ của những “Bông hồng cài áo”, tăng, đạo, tục cùng dâng đại lễ, ngăn chặn quỷ ma, thí thực vong hồn, giải ách tổ tiên, tỏ bày lòng hiếu. 

Người đời mang lòng kính thần, tránh ác mà truyền nhau “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng 7”

Anh họa sĩ chấm nét cọ cuối cùng lên bức tranh tháng cô hồn. Ở đó có dương gian đông đảo hơn thường, nhân sinh rực sắc muôn màu giữa nền đất trời âm u huyễn hoặc.

Chia sẻ câu chuyện này
Tâm linh tháng cô hồn
Share