Cô gái nhẹ vía chỉ hát khoảng nửa giờ. Cô chị Cả làm lễ trả hồn Hằng Nga về trời, gọi hồn cô gái trở lại. Sau đó, một cô gái khác được thay vào. Cuộc hát lại diễn ra tương tự. Cứ thay đổi như thế, cho đến khi trăng gần lặn thì hội hát cũng tàn.
Bên cạnh hát hội Hằng Nga, vào mùa thu, người Tày còn có hội diễn Hằng Nga. Hội diễn thường tổ chức trong ba đêm. Một sân khấu đơn giản được dựng lên. Ở vùng Thất Khê của tỉnh Lạng Sơn, Đông Khê của tỉnh Cao Bằng, sân khấu là một cái rạp dựng theo hình chữ Nguyệt, tết hoa lá; bên trong bày trí các loại xôi nhuộm màu xanh, tím, đỏ, theo hình khối tượng trưng cho trời đất, mặt trời, mặt trăng, các loại động thực vật gần gũi với con người. Bảy cô gái chừng 15-16 tuổi, chưa lập gia đình, được chọn ra biểu diễn. Trong đó, một cô gái đóng vai chàng nông dân nghèo, một cô gái đóng vai Nàng Hai – tức Hằng Nga. Hai người cùng các cô gái khác hát đối đáp nhau. Họ kể câu chuyện cổ xưa:
Chàng nông dân nghèo không có tiền cưới vợ. Những đêm trăng sáng, tiếng hát giao duyên của người hát hội Hằng Nga theo gió bay về. Chàng nông dân buồn bã chỉ biết nhìn trăng mà than thở. Hằng Nga động lòng, rời cung Quảng Hàn xuống trần cùng chàng hát đối đáp, tâm sự. Họ kết thành vợ chồng. Sau ba ngày đêm gắn bó, Hằng Nga trở về cung Quảng Hàn.
Câu chuyện tuy đơn giản, nhưng không kém phần lôi cuốn. Trong lúc hát, người xem cao hứng có thể lên sân khấu hát. Bảy cô gái hát đáp lại, cố gắng lái câu chuyện về với kịch bản ban đầu.
Hội diễn Hằng Nga được luân phiên tổ chức giữa các bản. Trên vùng núi cao, các bản thường tọa lạc ở những nơi hẻo lánh xa xôi. Những sinh hoạt hát hội, hội diễn và lễ hội Hằng Nga chính là dịp trai gái các bản biết đến nhau, cùng nhau hát hội, giao lưu tình cảm.