Vieseries Hồ Sơ W

Truyền thống lực lượng vũ trang Lê sơ: quân Thiết Đột

Tác giả Wong Trần
Truyền thống lực lượng vũ trang Lê sơ: quân Thiết Đột

Quân Thiết Đột được xem là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của nghĩa quân Lam Sơn. Các họa sĩ tạo hình hiện đại đã cấp cho đội quân này những hình tượng hầm hố với phục trang và binh khí đặc biệt. Nhưng trong lịch sử, Thiết Đột là đội quân như thế nào?

Quân Thiết Đột trong tưởng tượng của họa sĩ hiện đại

Cơ cấu tổ chức và lực lượng quân Thiết Đột buổi đầu khởi nghĩa

Vào buổi đầu khởi nghĩa, lực lượng Lam Sơn chỉ có khoảng 1700 người4 thớt voi. Số quân này được chia thành bốn loại:

Quân Thiết Đột: 200 người.

Nghĩa sĩ: 200 người.

Dũng sĩ: 300 người (Lam Sơn thực lục bản do gia đình công thần Lê Sát lưu giữ ghi con số 200).

Khinh dũng, lão nhược (già yếu) và hộ vệ: khoảng 1000 người ((Lam Sơn thực lục bản do gia đình công thần Lê Sát lưu giữ ghi con số hơn 2000).

Việc phân chia binh lính ra thành các tên gọi khác nhau chứng tỏ có sự phân biệt nào đó giữa các thứ quân. Nhưng chúng ta không thể biết được tiêu chí phân chia và định danh các loại quân đó là gì.

Quân Thiết Đột đã được Lê Lợi xây dựng từ sớm. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Đầu năm 1428, Lê Thái Tổ hạ lệnh chia các hỏa thủ và quân nhân của quân Thiết Đột có công khó nhọc từ Lũng Nhai ra thành ba hạng, tiến hành ban thưởng cho họ. Tổng cộng có 221 người được nhận thưởng. Ghi chép này cho thấy thời điểm xây dựng lực lượng Thiết Đột là trong khoảng hội thề Lũng Nhai năm 1416.

Người quản đội Thiết Đột thứ nhất chính là Nguyễn Xí. Nguyễn Xí người xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc (Nghệ An), gia đình làm nghề bán muối, từng có quen biết với phụ đạo Lê Lợi. Sau này cha Xí là Hội bị hổ vồ, Nguyễn Xí cùng anh trai là Nguyễn Biện tới làm gia thần cho Lê Lợi. Lúc đó Nguyễn Xí mới 9 tuổi. Lê Lợi sai Nguyễn Xí nuôi một đàn chó săn hơn 100 con. Khi cho ăn, Nguyễn Xí rung chuông làm hiệu. Bầy chó theo hiệu lệnh, tiến lui răm rắp. Lê Lợi ấn tượng về chuyện đó, biết Nguyễn Xí có tài đại tướng nên trao cho cai quản đội Thiết Đột thứ nhất.

Tượng thờ Nguyễn Xí

Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn còn ghi nhận một số chỉ huy khác của quân Thiết Đột: Trịnh Khả người xã Sóc Sơn huyện Vĩnh Ninh, theo Lê Lợi từ lúc còn ở Lam Sơn, “ngày càng được vua biết đến và cất nhắc lên cho làm Thứ thủ quân Thiết Đột”. Lưu Nhân Chú người xã An Thuận Thượng, huyện Đại Từ, ban đầu làm nghề buôn bán, rồi vào Lam Sơn theo Lê Lợi, làm “Thứ thủ ở vệ kỵ binh trong quân Thiết Đột”. Lê Lý người thôn Dao Xá ở Lam Sơn, “theo vua Thái Tổ khởi nghĩa binh, làm Thứ thủ vệ kỵ binh trong quân Thiết Đột”. Lê Văn An người sách Mục Sơn, “theo Thái Tổ khởi nghĩa binh, làm Thứ thủ vệ kỵ binh quân Thiết Đột”. Lê Thận cũng người sách Mục Sơn, “được vua trao chức Thứ thủ vệ kỵ binh quân Thiết Đột”.

Điều đáng lưu ý là các chỉ huy kể trên chỉ là Thứ thủ chứ không phải Chánh thủ. Vì vậy có khả năng Lê Lợi là người trực tiếp đứng đầu quân Thiết Đột. Bốn trong năm Thứ thủ được kể tên là tướng kỵ binh. Có thể suy đoán rằng kỵ binh là yếu tố làm nên điểm đặc biệt của quân Thiết Đột trong cơ cấu nghĩa quân Lam Sơn. Tuy vậy, Lê Lợi không thể trang bị ngựa cho tất cả các vệ Thiết Đột mà vẫn có một bộ phận quân Thiết Đột đơn thuần là bộ binh.

Danh sách ban thưởng năm 1428 cũng cho ta biết thêm một số nhân vật từng tham gia quân Thiết Đột giai đoạn đầu. Cụ thể:

Đệ nhất công gồm: Lê Vấn, Lê Quy, Lê Dịch, Lê Ê tổng cộng 52 người được ban quốc tính (họ Lê).

Đệ nhị công gồm: Lê Bồ, Lê Liệt, Lê Khảo tổng cộng 72 người được ban quốc tính (họ Lê).

Đệ tam công gồm: Lê Lễ, Lê Nghiễn tổng cộng 94 người được ban quốc tính (họ Lê).

Dấu ấn quân Thiết Đột trong cuộc kháng chiến chống Minh (1418-1427)

Hoạt động của quân Thiết Đột không được sử sách chép rõ, nhưng có thể suy đoán rằng họ đã tham gia phần lớn các trận đánh quan trọng từ Lạc Thủy cho đến Xương Giang. Phải đến những năm cuối cùng của trận chiến, thông tin về lực lượng Thiết Đột mới được ghi nhận cụ thể.

Ghi chép về hoạt động của quân Thiết Đột trong thời kỳ kháng chiến chống Minh

Sự phát triển của quân Thiết Đột

Cùng với đà thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, lực lượng quân đội dưới quyền Bình Định vương Lê Lợi cũng được mở rộng. Quy mô quân Thiết Đột cũng tăng lên. Năm 1427, riêng lực lượng Thiết Đột tham gia trận Mi Động do Đinh Lễ, Nguyễn Xí chỉ huy đã lên đến hơn 500 người. Đó là chưa kể lực lượng của vệ Thiết Đột tam do Thái giám Lê Chửng chỉ huy vây cửa Tây thành Đông Quan

Không lâu sau đó, Bình Định vương Lê Lợi có ra lệnh dụ cho tướng hiệu và quân nhân của 14 vệ Thiết Đột. Các vệ này được đánh số thứ tự sau chữ Thiết Đột. Ví dụ, vệ Thiết Đột nhị, vệ Thiết Đột tam tham gia bao vây cửa Tây thành Đông Quan dưới quyền Thái giám Lê Chửng. Trong chiến dịch Xương Giang, lực lượng Thiết Đột dưới quyền Lê Vấn, Lê Khôi đã lên tới con số 3000 người.

Cơ cấu quân Thiết Đột thời Lê sơ

Sau khi triều Lê sơ thành lập, lực lượng Thiết Đột vẫn tồn tại. Năm 1429, Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận bấy giờ Thiết Đột được chia thành 5 quân (Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu) do chức Tổng quản cầm đầu. Ngoài ra còn có chức Chỉ huy sứ Ngự tiền Thiết Đột. Các chức vụ này có nhiệm vụ kiểm tra “việc trong điện đình”. Thiết Đột lúc này hoạt động như lực lượng cấm quân bảo vệ nhà vua. Đồng thời, khi có các chiến dịch chinh phạt bên ngoài, các quân Thiết Đột đôi khi cũng được điều động tham gia. Quân Thiết Đột cũng làm một số hoạt động khác như việc năm quân Thiết Đột đi vét sông Đông Ngàn dưới thời Lê Thái Tông.

Năm 1448, dưới thời Lê Nhân Tông, trong tiến trình tinh giản biên chế quân đội, số lượng chỉ huy các quân Thiết Đột cũng bị giảm xuống từ 4 viên xuống còn 2 viên. Quân Thiết Đột ghi dấu ấn cuối cùng của mình trong sử sách trong sự kiện lật đổ Lê Nghi Dân năm 1460. Đại đội trưởng Thiết Đột Tả quân là Nguyễn Yên đã cùng các lực lượng cấm quân khác nổi dậy, tôn phò Lê Thánh Tông lên ngôi. Từ đó quân Thiết Đột không còn được sử sách nhắc đến. Có lẽ nó đã bị thay thế hoàn toàn khi Lê Thánh Tông cải tổ cấm quân vào năm 1470.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share