Thời khắc lịch sử ngày 30 tháng 8 năm 1945, hoàng đế Bảo Đại tuyên bố thoái vị, kim ấn Hoàng đế chi bảo được chọn làm vật chuyển giao cho chính quyền cách mạng Việt Nam. Từ đây, Việt Nam chính thức khép lại 143 năm tồn tại của triều Nguyễn và hơn 1000 năm chế độ quân chủ phong kiến. Thời đại mới được mở ra, nền dân chủ của Việt Nam chính thức được ra đời…
Từ cổ chí kim, bảo ấn được xem như là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của chế độ vương quyền thế tập tại Á Đông. Trong hơn hai thiên niên kỷ của lịch sử nhân loại, mỗi khi con dấu quyền lực ấy được ấn xuống, một quyết định hệ trọng mang tầm vóc quốc gia sẽ được ban hành. Thông qua những ký tự đỏ thẫm màu chu sa, ý nguyện của hoàng đế sẽ được thực hiện. Những sắc lệnh đó có thể mang đến sự thịnh vượng, vinh quang cho một dòng tộc, một địa phương hay toàn xã hội. Nhưng cũng chính những sắc lệnh đó đôi lúc lại nguồn cơn của những cuộc suy thoái, những sự sụp đổ tiền đề cho một thời kỳ sơn hà loạn lạc.
Vì lẽ đó, trong suốt thời đại phong kiến, số phận của những chiếc bảo ấn này luôn gắn liền với những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, sự hưng vong của một triều đại và những cuộc chuyển giao của lịch sử. Trong trăm ngàn bảo ấn từng được chế tạo bởi người Việt, có lẽ khó có chiếc ấn nào có số phận lẫn giá trị lịch sử đặc biệt như kim ấn Hoàng đế chi bảo. Nó đặc biệt không phải chỉ là bởi số phận long đong, ly kỳ của nó mà còn bởi chính ý nghĩa lịch sử lớn lao mà nó từng mang trên mình.
Kim ấn thực tế là cách gọi có phần chưa chính xác về loại con dấu này. Bởi loại con dấu dành cho nhà vua phải được gọi là tỷ. Bản thân tỷ cũng phân ra thành hai loại gồm Kim Bảo tỷ làm bằng kim loại và Ngọc tỷ được chế tác bằng ngọc quý. Xét về độ cao quý thì Ngọc tỷ luôn xếp trên Kim Bảo tỷ.
Tại Việt Nam, dựa trên những tài liệu nghiên cứu lẫn sử sách ghi nhận lại thì việc sử dụng Kim bảo tỷ phổ biến hơn là Ngọc tỷ. Bởi trình độ chế tác Ngọc tỷ nước ta lúc bấy giờ còn nhiều hạn chế. Theo sự biến động thăng trầm của hơn ngàn năm chế độ phong kiến Việt Nam đã khiến cho hầu hết các bảo ấn (tỷ) trước thế kỷ 19 đều mất tích trong đống tro tàn của lịch sử. Những bảo ấn còn lại đến ngày nay hầu hết đều thuộc về nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng của Việt Nam. Trong số những bảo ấn đang được lưu giữ thì Hoàng đế chi bảo thuộc hàng quý giá nhất.
Kim ấn Hoàng đế chi bảo được chế tác vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) dưới sự phụ trách Bộ Lễ cùng Phủ Nội vụ và Ty Vũ khố. Sự kiện này được ghi nhận trong Đại Nam thực lục như sau:
“Ngày Giáp thìn, đúc ấn Hoàng đế chi bảo (núm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân). Phàm chiếu thư, sắc dụ đều đóng ấn ấy”.
So với các bảo ấn khác còn lưu lại đến ngày nay thì Hoàng đế chi bảo là một chiếc ấn có cấu tạo khá đặc trưng. Ấn cấu tạo gồm hai tầng:
Phần núm ấn được tạo hình rồng năm móng, trán có khắc chữ vương, phần thân uốn vòng tròn từ sau ra phía trước mặt rồng. Đây là một điểm nhận dạng dễ thấy của chiếc ấn này.
Tại phần đế ấn, phía bên phải thân rồng khắc 13 chữ “Minh Mệnh tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo”(Đúc vào giờ lành ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ tư). Còn phía bên trái thân rồng khắc 14 chữ “Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” (Làm bằng vàng mười, trọng lượng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân). Mặt dưới ấn khắc 4 chữ triện hoàng đế chi bảo. Đây đồng thời cũng là bảo ấn nặng nhất trong các bảo ấn hiện còn của nhà Nguyễn với trọng lượng nặng 10,78 kg.
Kim ấn Hoàng đế chi bảo là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của triều đại nhà Nguyễn, thể hiện quyền lực tối thượng và sự chính danh của nhà vua. Tuy vậy, kim ấn này trong thực tế không hẳn là kim ấn quyền lực nhất cũng như quan trọng nhất của triều đình. Bởi một triều đại luôn tồn tại một hệ thống ấn chương phức tạp, một vị hoàng đế luôn có cho mình rất nhiều bảo ấn để sử dụng cho các công việc khác nhau.
Có loại ấn dùng rất thường xuyên như loại dùng để phê duyệt các tấu sớ, sắc phong. Nhưng cũng có những loại rất hiếm dùng như loại truyền quốc bảo ấn vốn chỉ được sử dụng trong các dịp lễ đăng cơ của hoàng đế. Vì lẽ đó nên nếu xét về mức độ quan trọng thì kim ấn Hoàng đế chi bảo chỉ xếp thứ yếu trong những bảo ấn quan trọng nhất nhà Nguyễn.
Theo đó, kim ấn quan trọng nhất của nhà Nguyễn là kim ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo. Đây là kim ấn được đúc vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1709) và là truyền quốc bảo ấn của gia tộc Nguyễn Phúc.
Sang đến thời vua Thiệu Trị, vua cho khắc thêm ngọc ấn Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ. Cùng với kim ấn chúa Nguyễn Phúc Chu làm truyền quốc bảo tỷ của nhà Nguyễn.
Tuy vậy, hai bảo ấn này không phải là những bảo ấn được sử dụng thường xuyên. Dưới thời Minh Mệnh, vua cho tiến hành đúc kim ấn Hoàng đế chi bảo, trong thời gian đầu thì đây là bảo ấn thông dụng quyền lực nhất của nhà Nguyễn. Đến năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), nhà vua cho đúc thêm kim ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo. Chiếc ấn này được sử dụng trong các hoạt động có tính chất trang trọng hơn như dâng thụy hiệu cho các tiên đế.
Nhưng đến năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), nhà vua lại cho khắc thêm ngọc ấn Hoàng đế chi tỷ. Ngọc ấn này được dùng trong việc thay đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ, ban ơn nhân ngày lễ lớn cho toàn dân và ra ơn ban sắc thư cho ấn quan trong kinh ngoài tỉnh. Đây mới là bảo ấn thông dụng cao quý nhất của nhà vua.
Như vậy, có thể thấy rằng dù trong thời đầu được chế tác như một bảo ấn quyền lực hàng đầu của triều đình nhưng về sau kim ấn Hoàng đế chi bảo không còn đóng vai trò quan trọng như trước nữa. Tuy vậy, kim ấn vẫn là một trong những bảo ấn cao quý nhất của nhà Nguyễn.
Dù có nhiều sự thay đổi về tính chất và vai trò nhưng kim ấn Hoàng đế chi bảo vẫn là một bảo vật quan trọng không chỉ của riêng triều Nguyễn nói riêng mà còn là của cả dân tộc Việt Nam nói chung. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, từ thời kỳ đỉnh cao của đế quốc Đại Nam cho đến bóng đen u tối của kỷ nguyên Pháp thuộc. Chiếc ấn vàng vẫn nằm đó và lần lượt chứng kiến những biến động của quốc gia trong suốt 12 đời vua của triều Nguyễn.
Cách mạng tháng 8 thành công, đồng thời kéo theo đó là sự sụp đổ của ngàn năm chế độ phong kiến ở Việt Nam. Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Kim ấn Hoàng đế chi bảo vinh dự được chọn làm vật chuyển giao giữa thời đại phong kiến sang thời đại cộng hòa.
Từ thời khắc chiếc ấn được trao từ phía cựu hoàng Bảo Đại sang tay của tay của trưởng đoàn Trần Huy Liệu (đại diện Chính phủ lâm thời), vai trò chính trị của nó đã không còn nữa. Kim ấn Hoàng đế chi bảo giờ đây chỉ còn đóng vai trò như một vật biểu trưng, một di sản còn lại của xã hội cũ.
Vương quyền phong kiến đã sụp đổ, đất nước tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm. Số phận của kim ấn cũng trở nên long đong trong thời gian này. Ra Bắc vào Nam, rồi lưu lạc trời Tây, cuối cùng sau gần 70 năm kim ấn cũng đã được hồi hương. Với cái giá 6,1 triệu đô la, vào cuối năm 2023, kim ấn Hoàng đế chi bảo chính thức được bàn giao lại cho Việt Nam.
Kim ấn hiện nay đang được trưng bày ở bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng – Bắc Ninh. Ngoài ý nghĩa về mặt chính trị và lịch sử thì kim ấn còn mang trong mình những giá trị văn hóa – nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 19. Và sẽ không có gì bất ngờ nếu trong tương lai gần Việt Nam sẽ có thêm một bảo vật quốc gia được công nhận mang tên kim ấn Hoàng đế chi bảo.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Công Việt, Ấn chương Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, 2005.