Nỗi buồn di sản – Kỳ 1: Những di sản đã mất

Nỗi buồn di sản – Kỳ 1: Những di sản đã mất

[…] Trong những năm tháng biến động, khi kinh kỳ “sụp đổ”, lòng người ly tán thì những văn bản quan trọng như châu bản của nhà vua cũng chỉ đáng giá như mảnh giấy gói xôi ở chợ Đông Ba! Những tấm văn khắc sử sách quốc gia để lưu truyền cho hậu thế cũng chỉ đáng để chẻ ra làm củi nhóm lò! […]

Mỗi quốc gia đều có riêng cho mình những trang lịch sử. Thông qua lịch sử, các giá trị của quốc gia được ghi nhận và truyền đạt đến những thế hệ sau. Lịch sử của nước Việt Nam từ những buổi đầu sơ sử cho đến lúc những thái bình thịnh trị đã từng trải qua không ít những gian truân. Trong quá trình đó, người Việt đã không ngừng học hỏi, tiếp thu và sáng tạo ra vô số giá trị, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những giá trị ấy chính là những minh chứng rõ ràng nhất cho văn hiến của một quốc gia. 

Ngay từ những buổi đầu tiên của thời kỳ tự chủ, các triều đại Việt Nam đã luôn coi trọng và đề cao văn hiến. Không khó để bắt gặp việc nhiều triều đại bằng nhiều cách khác nhau đã cố gắng phát triển Việt Nam thành một quốc gia có văn hiến. Tuy vậy, cùng với những biến động của lịch sử. Nền văn hiến hơn ngàn năm của người Việt đến nay đã không còn được gìn giữ trọn vẹn. Ví như đất Thăng Long tự hào là kinh đô ngàn năm văn hiến của 3 triều đại lớn là Lý, Trần, Lê. Sử sách từng ghi chép không ít về những đền đài cung điện nguy nga được xây cất ở nơi này như điện Kính Thiên, phủ Chúa Trịnh, lầu Ngũ Long, Cửu Trùng đài,… Nhưng đến nay hầu hết những lầu son gác tía này chỉ còn lại phế tích….

Nỗi buồn di sản
Lầu Ngũ Long nổi bật trong bức tranh vẽ Thăng Long thế kỷ 17 của Samuel Barron

Nguyên nhân chủ yếu cho sự hủy diệt này phần lớn đều đến từ chiến tranh. Thăng Long là chốn kinh kỳ đô hội nhưng cũng thường xuyên là chiến trường cho những cuộc phân tranh trong thiên hạ lẫn các thế lực ngoại xâm. Lịch sử đã ghi nhận rằng từ quân Mông -Nguyên, quân Minh, rồi đến quân Thanh, gần như không có đạo quân xâm lược nào không tiến hành phá hoại và cướp phá kinh thành Thăng Long. Đỉnh điểm nhất có lẽ chính là cuộc xâm lăng của nhà Minh. Hai mươi năm cai trị của giặc Minh đã để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với những di sản văn hóa ở Thăng Long nói riêng và văn hiến của toàn cõi Đại Việt nói chung. 

Nỗi buồn di sản
Quân đội nhà Minh

Sử sách chép rằng hàng loạt những văn vật, văn thư, những tác phẩm nghệ thuật, sử học quan trọng của thời kỳ Lý – Trần bị quân Minh tiến hành thu thập, vận chuyển rồi tiêu hủy. An Nam tứ đại khí nổi danh thiên hạ, bao gồm vạc Phổ Minh, chuông Quy Điền, tháp Báo Thiêntượng Phật chùa Quỳnh Lâm chính là bị phá hủy trong thời kỳ này. Điều này gây nên một nét đứt gãy văn hóa rất lớn trong lịch sử Việt Nam. Chỉ trong vỏn vẹn vài năm chính trị rối ren, quân giặc thừa cơ xâm phạm, đô hộ 20 năm, ấy vậy mà nguyên khí hơn 400 năm lập quốc đã bị ngoại bang nghiền nát. Nền văn hiến hơn 300 năm của thời đại Lý Trần bị hủy hoại nghiêm trọng và không thể phục hồi. 

Ví như ngày nay chúng ta muốn tìm hiểu về thời đại Lý Trần hầu hết đều phải thông qua những hiện vật khảo cổ ít ỏi còn sót lại. Hoặc thông qua những tài liệu, văn tự được biên soạn ở những thời đại sau. Bởi hầu hết những sách vở, văn vật hay kỹ nghệ của thời đại này đã bị tiêu tán trong đống tro tàn của lịch sử. 

Thử hỏi rằng, nếu như không có những biến cố từ cơn lốc ngoại xâm, lượng di sản mà thời đại trước để lại cho hậu thế sẽ là bao nhiêu?

Nỗi buồn di sản
An Nam Tứ đại khí trong sách Lĩnh Nam Chích Quái

Chiến tranh không chỉ là mối đe dọa với mạng sống con người mà còn là sự hủy diệt đối với những di sản của nhân loại. Trong trường hợp của Việt Nam, chiến tranh rõ ràng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự mất mát của di sản. Tuy vậy, không phải cuộc chiến tranh nào cũng đến từ bên ngoài. Thực tế cho thấy rằng, bên cạnh những nguồn cơn đến từ giặc ngoại xâm thì những cuộc nội chiến trong lòng nước Việt cũng là nguyên nhân chủ đạo của sự hủy diệt.

Lịch sử thực tế đã ghi nhận không ít lần các đạo quân người Việt tràn vào kinh thành đốt phá, cướp đoạt của cải. Ví như giai đoạn cuối nhà Lý, quyền lực của triều đình sa sút thảm hại, lần lượt các sứ quân như Quách Bốc, Nguyễn Tự tràn vào Thăng Long cướp phá cung điện, phóng hỏa đền đài,…

Người nổi tiếng nhất trong số đó có lẽ phải là Trần Tự Khánh – Kiến Quốc đại vương của nhà Trần về sau. Sử sách chép rằng trong nhiều lần tấn công vào Thăng Long, Tự Khánh đã cho tiến hành phóng hỏa đốt cháy các cung điện, vơ vét và cướp phá các kho tàng. 

Thử hỏi rằng sau những cuộc binh lửa như thế, số lượng di sản bị hủy hoại có thể là bao nhiêu?

Nỗi buồn di sản
Trần Tự Khánh nhiều lần mang quân cướp phá và phóng hỏa Kinh thành Thăng Long

Ngay như từ đầu triều Hậu Lê, lần lượt các vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông và đặc biệt là Thánh Tông ra sức khôi phục, chấn hưng nền văn hiến quốc gia sau một thời kỳ loạn lạc liên miên. Tuy vậy, cảnh thái bình thịnh trị chưa kéo dài được bao lâu thì cơn binh lửa lại kéo đến. Khác với những cuộc chiến trước đó, vốn chỉ kéo dài vài năm hoặc hai mươi năm, những cuộc chiến sau khi nhà Lê sơ sụp đổ phải lên đến hàng thế kỷ. Từ các dinh, trấn cho đến kinh thành Thăng Long đâu đâu cũng là những bãi chiến trường.

Thử hỏi rằng trong tình trạng binh đao như thế, lượng di sản, văn vật từ đầu triều Lê sơ sẽ còn lưu giữ được bao nhiêu?Những nghệ nhân tài hoa liệu có thể giữ được mạng mình mà tiếp tục lưu truyền kỹ nghệ đến những đời sau?

Nỗi buồn di sản
Nghệ nhân người Việt

Trong những buổi trung kỳ của thời Lê Trung hưng, chiến sự giữa Đàng TrongĐàng Ngoài tạm chấm dứt. Hai đàng có khoảng thời gian tạm nghỉ khoảng 100 năm để chấn hưng nguyên khí quốc gia. Những di sản văn hóa còn sót lại từ thời kỳ này là đáng kể so với thời đại trước. 

Tuy nhiên, sau gần 100 năm hòa hoãn, chiến sự một lần nữa lại nổ ra. Và sự phá hoại di sản nghiêm trọng nhất trong thời kỳ này là việc vua Chiêu Thống nhà Lê cho phóng hỏa phủ chúa Trịnh để rửa hận trăm năm. Tương truyền rằng, vào thời khắc khi mà ngọn lửa bao phủ khắp Trịnh phủ, ngọn lửa đó đã cháy trong hơn 10 ngày đêm…

Nỗi buồn di sản
Một vụ cháy chùa (chùa Thanh Sơn 2019)

Thử hỏi phủ Chúa thời ấy phải to đến thế nào mà ngọn lửa phải cháy đến tận 10 ngày đêm? Nếu ngày nay còn tồn tại nó phải nguy nga thế nào?

Dẫu vậy có một thực tế cần phải nhìn nhận rằng, chiến tranh luôn là giải pháp cuối cùng trong các vấn đề chính trị. Sự tàn phá của di sản là điều không phải ai cũng mong muốn. Thậm chí đối với những người trong cuộc, đôi khi chính bản thân họ cũng không có suy nghĩ rằng bản thân đang góp phần tàn phá di sản. 

Ví như câu chuyện binh lửa của ở đất Thăng Long đã xa vời với hiện đại hơn 200 năm thì câu chuyện ở Kinh thành Huế có lẽ sẽ dễ hình dung hơn. 

Nỗi buồn di sản
Phủ Chúa Trịnh được vẽ bởi Samuel Barron thế kỷ 17

Đế đô của triều Nguyễn được xây dựng lại vào năm 1802, từ đây lịch sử 143 năm của hoàng tộc Nguyễn Phúc bắt đầu. Như nhiều triều đại khác, trong xuyên suốt thời gian tồn tại của mình, triều Nguyễn đã để lại không ít các di sản. Những thứ đó có thể bao gồm là những kỳ trân dị bảo, những tạo tác xa xỉ dành cho các bậc thân vương quý tộc. Hoặc đó cũng có thể là kho tư liệu chất đầy văn thư, những văn liệu quan trọng trong một thời kỳ biến động của lịch sử quốc gia. Hay trực quan hơn thì đó là những công trình kiến trúc, lầu son gác tía, những di sản kỹ nghệ cung đình một thời là minh chứng cho trình độ kỹ thuật của văn minh người Việt.

Ấy vậy mà chỉ sau 100 năm biến động của thời cuộc, di sản của nhà Nguyễn lại chịu cảnh “mười phần chết bảy còn ba” như bao triều đại trước đó. Kinh thành Huế bị bom đạn chiến tranh tàn phá, 10 phần thì chỉ còn lại 3 – 4 phần, và hiện tại một nửa kinh thành vẫn còn là phế tích. Những bảo vật cung đình, những kỳ trân dị bảo thì lại rơi vào tay ngoại bang, tuy còn nhưng thực tế là mất. 

Nỗi buồn di sản
Kinh thành Huế bị tàn phá bởi chiến tranh

Dẫu vậy, điều may mắn cho những di sản triều Nguyễn khi so với những vương triều khác nằm ở chỗ nhà Nguyễn tồn tại vào giai đoạn mà khoa học kỹ thuật thế giới đã có những tiến bộ vượt bậc. Nhờ những sự tiến bộ này mà di sản của nhà Nguyễn vẫn còn lưu giữ lại được dấu vết thông qua tranh, ảnh, phim hình và tư liệu “sống”. Nhờ đó mà hậu thế vẫn còn có cơ hội chiêm ngưỡng hoặc phục hồi lại các di sản đã biến mất theo thời gian. 

Không phải thứ gì cũng được may mắn như thế. Ví như những tài liệu văn thư của nhà nguyễn như địa chí, địa bạ, châu bản, mộc bản,… đều là những tài liệu quan trọng của quốc gia. Thế nhưng, trong những năm tháng biến động, khi kinh kỳ “sụp đổ”, lòng người ly tán thì những văn bản quan trọng như châu bản của nhà vua cũng chỉ đáng giá như mảnh giấy gói xôi ở chợ Đông Ba! Những tấm văn khắc sử sách quốc gia để lưu truyền cho hậu thế cũng chỉ đáng để chẻ ra làm củi nhóm lò! 

Thử hỏi rằng trong những năm đó nếu không có những trí sĩ đứng ra thu nhặt lại văn vật, những kỹ thuật tiên tiến để bảo quản giữ gìn thì lượng văn thư trên sẽ còn lại được bao nhiêu? Sự thật đáng buồn là lượng tài liệu khổng lồ trên của nhà Nguyễn đã không còn nguyên vẹn, riêng phần châu bản khổng lồ của triều Nguyễn 10 phần thì chỉ còn lại 2. 

Nỗi buồn di sản
Phần còn lại của Mộc bản nhà Nguyễn

Bên cạnh những thứ đã mất mát do những cơn binh lửa, cũng đã có không ít di sản của nước ta bị phá hủy bởi ông Trời! 

Tạo hóa ban cho Việt Nam một vùng đất trù phú và giàu có về sản vật. Nhưng cũng chính tạo hóa lại gieo rắc không ít những tai ương, thảm họa đối với xứ sở này. Nặng nề thì là thiên tai bão lũ, hủy hoại vật chất lẫn con người. Còn nhẹ nhàng thì là khí hậu nóng ẩm. Thứ khí hậu cực kỳ khó bảo quản hoặc gìn giữ thứ gì đó quá lâu. Đến mức cứng rắn như sắt thép cũng bị hoen gỉ không còn gì chỉ sau vài năm. Hay đến mức dẻo dai và bền bỉ như gỗ quý cũng bị mối mọt xâm hại nghiêm trọng. Những thứ cứng rắn như thế còn không tồn tại được, huống chi đến những thứ mong manh? 

Ngẫm nghĩ lại về lịch sử và đong đếm lại những gì còn sót lại, có không ít những con người yêu văn hóa, lịch sử nước nhà đã phải thở dài. Ngàn năm văn hiến nước Việt, 10 phần chỉ còn lại 2 – 3, đó là một nỗi đau từ lịch sử và không thể xóa nhòa ra khỏi tâm thức quốc gia của những con người Việt Nam yêu nước. 

Tuy vậy, đây cũng không phải chỉ là câu chuyện của riêng người Việt. Ngoài thế giới bao la rộng lớn kia, thậm chí có những nền văn minh rực rỡ đến mức vĩ đại nhưng cũng bị phải chịu cảnh xóa sổ bởi biến cố của thời gian. Nỗi buồn của người Việt cũng chính là nỗi buồn chung của nhiều dân tộc khác. Những thứ đã mất không thể quay trở lại, người Việt vẫn phải tiếp tục tiến về phía trước và phát triển. 

Bây giờ đứng trước văn vật của tiền nhân, chúng ta cần có thái độ đúng đắn trong việc bảo tồn lẫn phát huy các giá trị di sản. Để một ngày nào đó, khi những thế hệ sau nhìn về thời kỳ của chúng ta, tựa như cách mà chúng ta đang nhìn quá khứ, sẽ không phải nuối tiếc và ôm lấy một nỗi buồn mang tên di sản.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share