Truyện Phật mẫu Man nương: Một cái nhìn khác về huyền tích dân gian 

Tác giả Tường Vân
Truyện Phật mẫu Man nương: Một cái nhìn khác về huyền tích dân gian 

Truyện Man nương thuộc tập Lĩnh Nam chích quái là bản ghi chép một huyền tích được truyền khẩu trong dân gian, thuật lại giai đoạn đạo Phật mới truyền sang đất Việt vào những năm đầu Công Nguyên. Cốt truyện vốn kỳ bí với nhiều chi tiết lạ lùng khó hiểu, nhưng dưới góc độ nghiên cứu nhân văn, ý nghĩa thực sự của truyện sẽ mở ra cho người đọc một cái nhìn khác về sinh hoạt tinh thần của người Việt xưa

Chùa Phúc Nghiêm, một đêm tháng năm. 

Nom thấy nồi cháo đỗ đã se mặt, Man nương dập tắt củi lửa, phủi bụi tro khỏi áo rồi đứng dậy múc nước rửa tay. Nước mát làm dịu đi cái oi nóng tiết trời tháng năm, khiến người thiếu nữ gò má đỏ hồng thấy dễ chịu trong chốc lát. Nàng ở chùa đã lâu nhưng không học đạo, chỉ lo việc bếp núc cung dưỡng các vị thiền sư, Phật tử. 

Đã thành thói quen mỗi khi nhà chùa mở lớp học đạo tới canh khuya, nàng thường thổi cháo bưng lên cho các vị thụ trai. Nhưng lần này khi đã lên tới gian nhà trên, Man nương thấy các sư vẫn ngồi xếp bằng tụng niệm, hương trầm khói tỏa man mác khắp không gian. 

Ngồi ngay chính giữa là sư trụ trì Già-La-Đồ-Lê, phong thái ung dung chừng như đã thoát tục, thoáng thấy bóng nàng lấp ló bên cửa liền ra dấu cho nàng hay rằng buổi tụng kinh còn kéo dài. Không nỡ quấy rầy, nàng lại bưng nồi cháo xuống ủ bếp trấu để giữ nóng lâu, rồi ngồi ngay bên ngưỡng cửa chờ đợi. 

Đêm mùa hè sâu và tĩnh lặng, bốn bề chỉ nghe tiếng tụng kinh đều đều, thi thoảng phía ngoài ruộng đưa lại mấy tiếng ếch kêu khan. Man nương tựa cửa suy nghĩ vẩn vơ, rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay.

Quá nửa đêm, các sư mới tụng niệm xong, ai về phòng nấy nghỉ ngơi, không nghĩ tới việc thụ trai nữa. Chỉ có sư Già-La-Đồ-Lê còn nhớ tới nồi cháo, tiếc công Man nương nấu nướng liền gọi nàng bưng lên. Gọi hai ba tiếng không thấy thưa, nhà sư đích thân xuống bếp, thì thấy Man nương nằm ngủ mê mệt ngay thềm cửa. Chẳng dám làm kinh động giấc ngủ của nàng, ngài đành mau lẹ bước qua người Man nương vào bếp lấy cháo. Không ngờ chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi của bước chân đó, tâm Man nương liền động, tựa bông hoa rung rinh bởi ngọn gió phất qua. 

(viết phỏng theo Truyện Man nương, sách Lĩnh Nam chích quái)

Diễn biến tiếp theo của câu chuyện rất khác thường: Man nương chỉ vì bước chân của vị thiền sư mà thụ thai, đủ chín tháng mười ngày sau nàng hạ sinh một bé gái, liền đem giao trả cho sư. Không thể nuôi đứa trẻ, nhà sư đem đặt bé vào hốc cây dâu nơi ngã ba sông với lời giao hẹn: “Cây hãy nhận lấy con Phật để sau trở thành Phật”. Trước khi từ biệt, sư Đồ-Lê trao cho Man nương một cây gậy làm phép có thể hóa ra nước những khi trời làm hạn hán, và khuyên nàng về chùa tu đạo. 

Tám mươi năm sau, cây dâu ôm giữ đứa bé con Phật đột nhiên gãy đổ, theo dòng trôi về bến nước cửa chùa Phúc Nghiêm. Dân làng muốn kéo cây lên bờ xẻ gỗ nhưng thử đủ mọi cách cây vẫn không xoay chuyển, tới khi Man nương đưa tay kéo thử, cây mới chịu chuyển dời.

Khi thợ mộc đẽo tới chỗ hốc cây, chỉ thấy một hòn đá nằm trong, mọi búa rìu chạm đến liền sứt mẻ cả. Kế đó họ quăng hòn đá xuống sông, không ngờ hòn đá phát sáng một lúc lâu mới chịu chìm, rồi kéo theo một loạt cái chết của những thợ mộc táo gan kia. Dân làng đành trục vớt hòn đá đem vào chùa thờ làm Thạch Quang Phật, còn gỗ cây dâu thì tạc thành bốn pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện đem phối thờ ở bốn ngôi chùa khác nhau trong vùng. Vì có công sinh thành, nên Man nương được tôn làm Phật mẫu, bốn ngôi chùa thờ Tứ Pháp quây quần quanh chùa Phúc Nghiêm, tạo thành quần thể năm ngôi chùa với mối liên kết mẹ – con bền chắc. 

Bóc tách từng lớp vỏ mà thời gian và những biến thiên trong ý thức hệ phủ chồng lên tích truyện Man nương, ta dễ dàng nhận thấy dấu vết giao thoa, nhượng bộ lẫn nhau của dòng Phật giáo sơ khởi cùng những thực hành tín ngưỡng bản địa thời kỳ Bắc thuộc. Mảnh đất Giao Châu vốn nằm trên tuyến đường thương mại quan trọng nối kết Trung Hoa và Ấn Độ, với thủ phủ Luy Lâu phồn thịnh cả về kinh tế lẫn văn hóa, theo chân đoàn khách buôn và các thiền sư du hành, chủ thuyết Phật giáo đã được truyền tới nơi đây thông qua hai ngả đường bộ (Trung Hoa lục địa) và thủy (các đảo Nam Dương). 

Trong những ghi chép sớm nhất, cái tên Già-La-Đồ-Lê có thể truy nguyên về thân thế của một vị sư Ấn Độ, mà trong nhiều dị bản tên ông được phiên thành Khâu-Đà-La, Cà-La-Chà-Lê, nghi vấn là phiên âm từ Ksudra hay Kalacarya. Ông vốn giỏi phép thuật, nhất là phép đứng một chân, đã du hành nhiều nơi và là một trong những người đầu tiên đem đạo Phật vào đất Giao Châu. Trong câu chuyện Man nương, ông đại diện cho một tôn giáo lớn của ngoại quốc, khi xâm nhập một vùng đất mới, tất phải uốn mình theo những niềm tin sẵn có của dân bản xứ để tìm được tiếng nói chung.

Như nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Việt cổ cũng có tục thờ thần tự nhiên, như thờ đá, thờ cây, thờ các hiện tượng thời tiết. Trọng tâm truyện Man nương xoay quanh đứa bé con Phật – tâm tưởng người Việt ngay từ buổi ban đầu. Trung gian kết nối niềm tin cổ sơ ấy với loại hình tôn giáo mới không phải ai khác là một người đàn bà bản xứ – mượn tính nữ để nhấn mạnh vào khả năng hấp thụ, dung dưỡng và làm nảy sinh những tín điều mới của một vùng đất. 

Chi tiết “mọi búa rìu đều gãy mẻ khi chạm vào thân cây”, “chỉ khi Man nương đưa tay ra kéo, cây dâu mới chịu chuyển dời”, hay cái chết đồng loạt của những người thợ đã dám ném hòn đá – con Phật xuống sông, còn cho thấy quyền uy của các vị thần tự nhiên trước sự thâm nhập của Phật giáo, để rồi các Phật phải tự “hạ mình”, đồng dạng với các nhiên thần (mây, mưa, sấm, chớp) để có được chỗ đứng trong hệ thống thờ tự, để gây dựng được niềm tin cho người dân bản địa nơi này. 

Còn hòn đá, đứa trẻ được sinh ra diệu kỳ và được phong làm Thạch Quang Phật (Phật đá tỏa sáng), có mối liên hệ sâu xa với tín ngưỡng phồn thực trong dân gian. Bởi hòn đá hiện được thờ trong chùa Dâu ngày nay mang dáng dấp của một sinh thực khí nam; đồng thời chi tiết cây gậy làm phép được miêu tả “chỉ cần vẩy trên đất là tạo ra nguồn nước” trong truyện cũng tỏ lộ hình tượng một sinh thực khí nam dồi dào sức sống. 

Với một xã hội trọng nông như xã hội Việt, yếu tố phồn thực như trên không hiếm trong truyện kể dân dã, truyện dân gian hay trong các lễ hội làng, mang theo ước nguyện về sự nảy nở tốt tươi của vạn vật. Không chỉ có vậy, thông qua sự tạo sinh hòn đá – con Phật, chúng ta bắt gặp một mô-típ thường thấy trong thần thoại trên toàn thế giới: Mô-típ thụ thai thần kỳ – sinh đồng trinh. 

Câu chuyện về một phụ nữ nhờ linh ứng hoặc thông qua tiếp xúc với vật chất, tự mình thụ thai và sinh con không cần tới sự hiện diện của người cha, và do đó, bà vẫn luôn là một trinh nữ. Từ buổi bình minh của nhân loại, việc con người tự tạo ra sự sống mới luôn là một trong những bí ẩn lớn nhất, cùng với xu hướng gắn bó chặt chẽ giữa mẹ và con đến mức người cha gần như là kẻ bên ngoài, có thể đó chính là nền tảng dựng lên mô-típ thụ thai thần kỳ – sinh đồng trinh. 

Hoặc có thể hiểu rằng, vì người nữ có thể thụ thai bởi bất kỳ tác động phi nhân nào, quyền năng sinh sản có mặt ở khắp mọi nơi, không bao giờ có thể làm vơi cạn được nguồn sống vĩnh hằng. Cuộc sinh đẻ nhiệm màu, hình ảnh bà mẹ Phật và bốn vị thần nữ đã bộc lộ cái nhìn hồn nhiên của tập đoàn dân cư nơi đồng bằng nước Việt cổ trước những biến hóa, sinh diệt rồi lại tái sinh của hiện tượng tự nhiên: Mây cùng sấm chớp tạo ra mưa, mưa xuống đồng ruộng, chảy ra sông rồi lại hóa thành mây, cứ như vậy mà tiếp diễn trong vòng lặp của cái hằng sống. 

KẾT LUẬN 

Như vậy, khi đã bóc tách từng lớp vỏ văn hóa phủ chồng lên huyền tích Phật mẫu Man nương, soi chiếu dưới góc độ lịch sử và thần thoại học. Cốt lõi của câu chuyện cho chúng ta một cái nhìn thật khác về giai đoạn sơ khởi của Phật giáo tại nước Việt, cùng nỗ lực của tôn giáo này để hòa hợp với niềm tin của dân chúng bản địa vào các nhiên thần, vào yếu tố phồn thực. Từ cái nhìn đó, một thế giới mới chợt hiển lộ: Thế giới tinh thần của người Việt cổ, mà sức mạnh của nó chưa bao giờ mất đi qua hàng bao thăng trầm đất nước, bởi nó là những gì cơ bản nhất trong sinh hoạt con người. 

Ngoài ra, nếu bạn muốn thấy được thêm một góc nhìn nữa, người viết cũng rất vui lòng chia sẻ trong bài tiếp theo.

Chia sẻ câu chuyện này
Share