Philippines: Bài ca lửa và gió

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Philippines: Bài ca lửa và gió
Trong khi Việt Nam lập quốc và nối tiếp nhau bằng các triều đại xuyên suốt, những người sống trên quần đảo Philippines chưa từng có một quốc gia thống nhất. Đó là bởi vì địa lý Philippines quá khó chịu. 

 Trò chơi xếp hình

Quần đảo Philippines cấu tạo từ hơn 7000 hòn đảo. Trên những hòn đảo đó là hàng trăm lãnh thổ của rất nhiều bộ lạc khác nhau. Sự phân mảnh li ti này khiến việc thống nhất và điều hành quốc gia thực sự là một thách thức chứ chưa nói đến bản sắc dân tộc.

Trớ trêu thay, kẻ đặt nền móng cho một nước Philippines thống nhất từ các mảnh ghép rời rạc trên lại chính là đế quốc khét tiếng tàn bạo: Tây Ban Nha. Trước khi Anh Pháp nổi lên, những kẻ thống trị đại dương là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. 

Tây Ban Nha là đế quốc đầu tiên thực sự đặt toàn bộ quần đảo Philippines dưới sự quản lý của mình. Ngay cả tên quốc gia bây giờ cũng lấy từ chính tên vua Philip đệ Nhị. Về sau Mỹ đánh bại Tây Ban Nha, đoạt lấy Philippines. Do Tây Ban Nha cai trị 333 năm và Mỹ cai trị 48 năm nên Philippines là quốc gia Đông Nam Á mang đậm màu sắc phương Tây nhất.

Về cơ bản trò chơi ghép hình Philippines gồm 3 vùng chính là Luzon, Visayas và Mindanao. Trong đó, trung tâm của Philippines nằm ở Luzon, xưa nước ta gọi là Lữ Tống. Trên Luzon, vùng thủ đô Manila bao gồm Manila cùng 16 thành phố khác là khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới. Luzon cũng là nơi gánh còng lưng cả nền kinh tế Philippines.

Từ miền Bắc là Luzon, đi qua Visayas là miền Trung, cuối cùng đến khu vực phía Nam là Mindanao.

Vùng Mindanao khét tiếng là đất dữ. So với Luzon sầm uất, Mindanao nghèo và cũng nguy hiểm hơn hẳn. Khu vực này tồn tại rất nhiều bất ổn xã hội, đặc biệt là tôn giáo. Trong khi tôn giáo ở khu vực ASEAN thường rơi vào hai nhóm chính là Hồi giáo hoặc Phật giáo, Philippines là một quốc gia Công giáo. Đến 92% dân số theo tôn giáo này.

Dù vậy, địa lý Mindanao lại nằm ở tận phía Nam Philippines, rất gần các nước Hồi giáo, khiến nó tiếp nhận ảnh hưởng từ những nước này. Ngoài các cộng đồng Hồi giáo ôn hoà, Mindanao còn tồn tại các nhóm cực đoan. Đặc biệt nhóm Abu Sayyaf có liên hệ với lực lượng IS đáng sợ, muốn đánh chiếm Mindanao để biến nó thành Nhà nước Hồi giáo. 

Thậm chí, ta có thể thấy rõ mạng lưới thánh chiến này qua việc Abu Sayyaf bắt tay với các nhóm cực đoan từ những nước lân cận như Jemaah Islamiyah ở Indonesia và Kumpulan Mujahidin Malaysia ở Malaysia khi lâm vào thế khó. Tổng thống Duterte từng ban bố thiết quân luật để mạnh tay xử lý các nhóm phiến quân này trước khi mọi chuyện đi quá xa.

Bản đồ khởi nghĩa li khai và đánh bom khủng bố ở Mindanao.
Ngoài các nhóm phiến quân thánh chiến, địa lý Philippines khiến nó trở thành nơi rất lý tưởng để các tổ chức ma túy quốc tế để mắt đến. Tại sao chúng lại chọn Philippines làm điểm trung chuyển?

 Lửa, gió và ma túy

Như đã nói ở trên, do cấu tạo từ hơn 7000 hòn đảo, biên giới của Philippines rất rời rạc, cộng thêm đường bờ biển dài. Các tàu tuần tra rất khó bao quát được toàn bộ đất nước. Điều này khiến việc thâm nhập và tuồn ma tuý vào Philippines dễ dàng hơn hẳn.

Ma tuý tràn lan khắp nội địa và vươn đến tận những nước khác. Cái chết trắng là một món hàng nguy hiểm, dư sức đẩy nhiều gia đình tới cảnh tan cửa nát nhà. Một quốc gia cho phép tự do buôn bán và sử dụng heroin sẽ tạo ra một xã hội suy tàn. Sự kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần khiến người dân không còn sức lao động. 

Chưa kể, khi cơn nghiện cồn cào không được thoả mãn, họ sẽ đi cướp và giết nhau để có tiền hút. Tỷ lệ tội phạm tăng vọt, kéo theo sự đi xuống của xã hội, an ninh, chính trị, và cuối cùng là sụp đổ quốc gia. Vấn nạn này trầm trọng đến mức chính quyền Philippines phải mở một cuộc chiến và cho phép xử tử tại chỗ những đối tượng tình nghi. 

Đường dây buôn bán ma tuý xuyên quốc gia.
Philippines chính thức phát động chiến dịch chống ma túy mới. (Ảnh: CNN)
Tổng thống Rodrigo Duterte trình bày sơ đồ mà ông cho rằng đây là mạng lưới buôn bán ma túy cấp độ cao có tổ chức ở Philippines. (Ảnh: King Rodriguez)

Trên phương diện quốc tế, Philippines là một mắt xích đặc biệt quan trọng trong chiến lược Chuỗi đảo thứ nhất để kiềm chế sức bành trướng của Trung Quốc. So với việc phải xua quân đánh chiếm Đài Loan, việc đối phó Philippines xem ra dễ dàng hơn nhiều. Trung Quốc liên tục nắn gân Philippines, từ việc đánh chiếm bãi cạn Scarborough cho đến quân sự hoá nhiều khu vực ngoài Biển Đông. Philippines tỏ thái độ rất bực tức vì cho rằng đồng minh Mỹ không bảo vệ mình. Suốt 4 năm, họ có xu hướng ngả về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách này tỏ ra không hiệu quả và thế là họ lại quay xe trở lại với Mỹ.

Cuối cùng, Philippines nằm ngay Vành đai Lửa (Ring of Fire) với các ngọn hỏa diệm sơn chực chờ bùng nổ và nếu nhiêu đó chưa đủ thì tạo hoá ban thêm Vành đai Bão (Typhoon Belt) cho thêm phần bất hạnh. Philippines giống như tấm khiên chắn bão cho Việt Nam chúng ta vậy. Bên ngoài họ là cả Thái Bình Dương mênh mông, biến nước này thành cái rốn bão.

Một năm Philippines hứng chịu đến 20 trận cuồng phong, trong đó có những cơn siêu khủng khiếp. Điển hình khi bão Haiyan quét vào thành phố Tacloban, nó để lại một bình địa tan hoang như vừa trải qua một cuộc dội bom nguyên tử. Các trận cuồng phong liên tục khiến nước này cứ phải trên tinh thần xây đi xây lại đất nước từ đống điêu tàn. Việc khắc phục những tổn thất về nhân mạng và tiền bạc ảnh hưởng rất nhiều đến ngân sách quốc gia – vốn dĩ là nguồn lực để dùng cho các vấn đề an sinh xã hội giáo dục, quốc phòng… 

Núi lửa Mayon phun trào 1984. (Ảnh: C.G. Newhall)
Núi lửa Taal phun trào. (Ảnh: AP)
Bão Haiyan tàn phá nhà cửa. ( Ảnh: thelancet)
Tacloban, Philippines thành bình địa sau siêu bão Haiyan. (Ảnh: Reuters)

Trong tương lai, khi các vùng biển dần ấm lên do biến đổi khí hậu, Philippines sẽ gánh chịu một lời nguyền địa lý nặng nề hơn bao giờ hết. Nước ấm cung cấp năng lượng cho các cơn bão. Hiện tượng La Nina làm giảm nhiệt độ mặt biển ở trung tâm Thái Bình Dương, cùng lúc nước biển ấm vẫn bao quanh Philippines, từ đó đẩy nhanh quá trình hình thành bão tố. Dù chinh phục được thiên nhiên nhưng loài người sẽ không khuất phục được nó. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện rằng thiệt hại ở mức tối thiểu khi thiên tai tàn phá.

Chưa kể, biến đổi khí hậu cũng làm tan băng vùng cực, khiến nước biển dâng lên. Philippines là một quốc đảo với 80% dân số sống trong bán kính cách biển 50km. Trong trường hợp xấu nhất, nhiều khu vực đông dân cư sẽ bị xóa sổ hoàn toàn trên bản đồ thế giới.

Philippines là một đất nước bất ổn với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng từ trong cho đến ngoài nước. Chính phủ Philippines phải đối phó với việc quản lý hàng ngàn hòn đảo, với hàng trăm sắc tộc khác nhau, cộng thêm vấn nạn phiến quân thánh chiến và ma tuý. Song song vào đó là việc cân bằng lợi ích giữa các cường quốc và khắc phục hậu quả do các thiên tai khủng khiếp giáng xuống.

Philippines từng thịnh vượng nhưng cũng đã đánh mất sự thịnh vượng đó. Với lời nguyền địa lý nặng nề giáng xuống, nếu người lãnh đạo Philippines không đủ vững vàng, cả đất nước sẽ rơi vào hỗn loạn không lối thoát.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share