Pháp: Thùng rượu ngon bị thủng

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Pháp: Thùng rượu ngon bị thủng

Pháp có lẽ là nước sở hữu địa lý tuyệt vời nhất châu Âu và cũng không nhiều quốc gia trên thế giới nằm ở vị trí đẹp đến vậy. Vietales sẽ cùng bạn phân tích tại sao nhé.

Thùng rượu ngon bị thủng

Bạn có thể thấy trên lãnh thổ Pháp là các đường sông dày đặc và cả quốc gia phủ lên một màu xanh rì. Khí hậu Pháp được nuôi dưỡng bởi dòng hải lưu Gulf Stream, tạo nên một lượng mưa phù hợp để trồng trọt và khiến khí hậu quanh năm dễ chịu. Động đất, núi lửa, lũ lụt, và các thể loại thiên tai rất hiếm khi xảy ra ở đây.

Dòng hải lưu Gulf Stream ảnh hưởng đến khí hậu Pháp.

Xét về khả năng bảo vệ, Pháp ngăn cách với một kình địch khác là Tây Ban Nha do dãy Pyrenees, ngăn cách với Anh quốc nhờ eo biển Manche, ngăn cách với Đức nhờ sông Rhine, chưa kể là dãy Alps về phía Ý.

Hệ thống sông ngòi trên Pháp đều chảy ra các vùng biển quan trọng về kinh tế. Chưa kể, đầu Pháp chạm vào Biển Bắc, còn chân thì đạp xuống Địa Trung Hải, coi như nhà hai mặt tiền hướng ra hai khu vực thương mại sôi động bậc nhất thế giới. Nhờ cách bố trí độc đáo như vậy nên Pháp ngoài việc là một nước rất mạnh trên đất liền, nó dễ dàng trở thành một đế quốc hàng hải, tranh hùng với Anh ngoài biển khơi. 

Vị trí Pháp tương đối an toàn. Nó cách xa Ottoman, cách xa Nga, cách xa Mông Cổ. Đây toàn là những đế quốc khiến các nước Đông Âu phải điêu đứng trong từng thời điểm khác nhau. 

Thế nhưng không có vùng đất nào thật sự hoàn hảo, Pháp vẫn có một lời nguyền địa lý treo lơ lửng trên đầu.

Pháp như thùng rượu ngon bị thủng một lỗ toang hoác.

Như đã nói ở trên, vây quanh Pháp là rất nhiều chướng ngại tự nhiên làm nản lòng các đạo quân xâm lược, duy nhất miền đồng bằng phía Bắc là mở rộng vòng tay hiếu khách. Tử huyệt của Pháp nằm ngay khu vực giáp với Bỉ, chỉ cần một cao thủ điểm trúng huyệt là hắn ta bất động. 

Nếu ví Pháp như cái thùng rượu ngon thì khu vực nhạy cảm đó như một lỗ thủng. Suốt hàng trăm năm, Pháp đã cố gắng bành trướng lãnh thổ nhằm khắc phục các khiếm khuyết địa lý của mình, riêng nơi ấy vẫn chưa trám lại được. Chính vì lẽ đó, Pháp rất sợ một quốc gia đủ mạnh đục thủng biên giới, đâm vào trái tim Paris.

Cơn ác mộng mang tên Đức

Tổng cộng, Pháp đã đại chiến với Đức 3 lần: Chiến tranh Pháp – Phổ, Thế chiến thứ NhấtThế chiến thứ Hai. Người ta nói quá tam ba bận, nhưng Pháp đã bị Đức ủi nhiều lần đúng vào chỗ hiểm yếu ấy.

Lần đầu tiên, Pháp đại bại toàn tập. Ngày 18 tháng 1 năm 1871, hoàng đế Đức lên ngôi trên ngai vàng nước Pháp. Nghiệt ngã thay, Hội trường Gương uy nghiêm tại cung điện Versailles lại là nơi chứng kiến sự ra đời của đế quốc Đức. Tuy các quốc gia nói tiếng Đức đã tồn tại trong Thánh chế La Mã từ lâu, nhưng nước Đức thống nhất lại là một quốc gia rất trẻ, phải nói là trẻ hơn cả Sài Gòn

Sự kiện bi thảm này giống như một giả định tưởng tượng về việc vua Chiêm Chế Bồng Nga đánh ra Thăng Long, ngồi lên ngai nhà Trần mà xưng đế vậy. Thế nên, đừng hỏi tại sao Pháp thù Đức đến tận xương tủy, lúc nào cũng đòi xóa sổ Đức khỏi trái đất.

Hoàng đế Đức Wilhelm I năm 1884.
Tuyên bố của Đế quốc Đức tại Hội trường Gương của Cung điện Versailles vào ngày 18 tháng 1 năm 1871.

Lần thứ hai, Pháp tiếp tục gồng mình chống đỡ trước những đòn tấn công vũ bão của Đức. Thậm chí, “mẫu quốc” phải cố gắng huy động nguồn lực từ các thuộc địa để cầm cự. Ở Đông Dương từng có câu rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc” mang đại ý rằng nước ta sẽ góp tiền của cho Pháp đánh bại Đức. Đây là cách nói hoa mỹ hơn của việc hút máu. Cuối cùng, Pháp giữ được Paris nhưng cũng tàn tạ trước thương vong quá lớn. 

Vòi bạch tuộc người Đức thọc vào trái tim nước Pháp.

Sau Thế chiến thứ Nhất, người Pháp vẫn chưa hết kinh hãi về chiến thắng sát sao của mình. Mặc dù đã đì nước Đức đến kiệt quệ, Pháp vẫn sợ con quái vật láng giềng hồi sinh. Họ vội vã tìm cách hoá giải lời nguyền địa lý dai dẳng kia. 

Người Pháp đòi sáp nhập sông Rhine, biến nó trở thành biên giới. Con sông vừa rộng, vừa sâu, nước lại chảy xiết này sẽ là bức tường thành để che chở cho nước Pháp trước ông kẹ Đức nếu ngày kia nó lại đội mồ sống dậy. Tuy nhiên, Anh và Mỹ không đồng ý gộp những vùng có dân Đức vào lãnh thổ Pháp. Họ hứa sẽ đảm bảo an toàn cho Pháp mà không cần phải sáp nhập sông Rhine. Pháp đành nghĩ cách khác.

Tuyến phòng thủ Maginot hùng mạnh của Pháp.

Nếu Việt Nam có phòng tuyến Như Nguyệt, phòng tuyến Đa Bang và phòng tuyến Tam Điệp lừng danh, thì nước Pháp cũng có phòng tuyến Maginot. Maginot chạy dọc nước Pháp với một hệ thống dày đặc lô cốt, súng chống tăng, súng máy, súng đại bác và đủ các món ăn chơi khác. Nơi này có lẽ là tuyến phòng thủ “khủng” nhất từng được con người xây dựng, tương tự Vạn Lý Trường Thành phiên bản Pháp để ngăn bọn “Hung Nô” từ Đức tràn sang.

Lần thứ ba họ giao tranh, quân Đức vẫn… tìm cách xuyên thủng được phòng tuyến Maginot và vào Paris uống cà phê. Việc Pháp mất Paris quá nhanh trước Đức đã hủy hoại hoàn toàn danh tiếng của nước này, đến nỗi về sau toàn bị trêu là quân Pháp chỉ biết đầu hàng là giỏi, trong khi thực tế tỷ lệ thắng trận của Pháp là cao nhất lịch sử thế giới. Nước nào đánh nhau với Pháp cũng đều ngán cả vì dân Pháp đánh đấm rất ra trò. Đúng là nghìn năm hùng bá chẳng ai nhớ, một lần sấp mặt nhà nhà hay.

Người Đức phá vỡ phòng tuyến Maginot và vào Paris uống cà phê.

Lời nguyền địa lý này chỉ được hóa giải nhờ Liên minh châu Âu được thành lập. Chỉ cần Liên minh châu Âu còn hoạt động, với các ràng buộc chặt chẽ với nhau, thì nền hòa bình giữa Pháp và Đức còn tồn tại. Nói huỵch toẹt ra thì Liên minh châu Âu ra đời cũng để ngăn hai ông nội này đừng đấm nhau nữa.

Con gà trống tham lam

Thế kỷ 20 dần trôi, Pháp lần lượt để trôi khỏi tầm tay từng vùng đất đã tạo nên đế quốc của mình. Châu Phi là phao cứu sinh sau cùng. Tổng thống Pháp François Mitterrand từng phát biểu:

Nếu không có châu Phi, lịch sử nước Pháp trong thế kỷ 21 coi như vứt đi.

Tổng thống Pháp François Mitterrand

Để khống chế châu Phi, Pháp sở hữu nhiều kế sách.

Đầu tiên là thuế thuộc địa. Hiện tại, nhiều nước châu Phi vẫn phải trả tiền cho Pháp để đổi lấy độc lập. Theo người Pháp, đây là khoản tiền chi trả cho các cơ sở vật chất của họ trong thời kỳ đô hộ. Họ không chấp nhận dân thuộc địa hưởng những lợi ích đó một cách miễn phí. Một là trả tiền để độc lập, bằng không sẽ phá huỷ tất cả trước khi rời đi. Các nhà lãnh đạo nước này theo Pháp thì sống, chống Pháp thì chết.

Kế đến, Pháp quyết định dùng đến chiêu bài ngôn ngữ bởi vì đây là một dạng quyền lực mềm. Nước này bỏ tiền ra xây dựng hàng loạt trường học trên châu Phi để thuận tiện cho việc lan tỏa tiếng Pháp. Càng nhiều nước thành thạo tiếng Pháp thì ảnh hưởng của Pháp càng mạnh.

Ví dụ: Nước A học tiếng Pháp thì nước B láng giềng cũng sẽ học để còn làm ăn, điều đó sẽ khiến nước C, nước D, nước E không thể bỏ qua tiếng Pháp.

Hàng năm Pháp chi ra hơn 700 triệu Euro cho kế hoạch phổ cập tiếng Pháp toàn cầu. Kết hợp với việc châu Phi gia tăng dân số rất nhanh, Pháp tự tin rằng có thể bám đuổi Anh về số lượng người sử dụng Pháp ngữ, đồng thời kéo châu Phi gần lại hơn với vòng tay của Pháp.

Tóm lại, Pháp là tổng hợp của những yếu tố mà mọi quốc gia đều thèm muốn: nhiều đường ra biển, có cảng nước ấm, ở giữa các tuyến thương mại, dễ dàng tiếp cận châu Mỹ, khí hậu ôn hòa, lắm đất trồng trọt, sở hữu các chướng ngại tự nhiên. 

Tuy nhiên, hai cuộc Thế chiến đã làm suy giảm nghiêm trọng vị thế của người Pháp và họ đang hướng tầm mắt xuống châu Phi để tìm lại hào quang xưa. Người Pháp luôn nhớ rằng họ từng là một đế quốc và ngọn lửa tham vọng đó chưa bao giờ tắt.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share