[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 19: Bến “đò ma” giữa rừng tràm

[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 19: Bến “đò ma” giữa rừng tràm

Tuy đã diệt được bốn con ma con, nhưng tính mạng của Sinh và Hùng cũng như chỉ mành treo chuông. Hùng và Thông chỉ còn thời gian tới ba giờ sáng để tìm ra đò ma hòng níu kéo hy vọng sống sót của cả bọn.

Hùng vừa dứt lời thì Thông xanh mặt nhưng chỉ trong phút chốc. Vốn dĩ Thông cũng là tay gan dạ, cộng với những chuyện xảy ra trong nửa ngày qua, anh cũng có chút khâm phục sự chân thành của Sinh. Lúc Hùng kêu anh chờ ở thị trấn, anh có bỏ chạy, không phải do chết nhát mà là do suy nghĩ anh đơn giản thôi. Chạy được một hồi thì não mới thông, lúc đó anh cũng tự rủa bản thân. Hùng Bonsai lo cho anh mà anh bỏ chạy kiểu tuyệt tình tuyệt nghĩa như vậy. Thông liền quay lại, nhờ vậy mà cả Hùng và Sinh mới còn sống tới bây giờ. 

Bản thân Thông cũng cảm thấy có chút tự hào, kiểu như ý chí dâng cao tột độ, cho nên anh là người sốt sắng nhất. Anh cõng Sinh trên lưng chạy thật nhanh ra đường chính, trong khi Hùng lo chuẩn bị đồ đạc, xe cộ. Thời gian gấp rút nên mấy đồ lỉnh kỉnh Hùng đều bỏ lại, chừa chỗ để tống ba cho dễ. Hùng nổ máy, Thông bế Sinh đặt ở giữa sau đó ngồi kèm phía sau. Chiếc xe phóng như bay, tiếng động cơ gầm lên giữa đêm tối tĩnh mịch của vùng đồng quê Thất Sơn.

Vì không thông thuộc đường ở đây nên khá nhọc nhằn Hùng mới chở được cả bọn tới khu rừng tràm. Trời đã tối nên dân tình ngủ hết cả rồi. Hùng dựng xe, quay lại định hỏi Thông có ổn không nhưng chưa kịp nói gì thì đã thấy chú sãi nhỏ con nằm gọn trên tấm lưng lực lưỡng của anh chàng. Hùng cười rồi nói:

– Giờ đi bộ, trời tối rồi. Không phải là nhát gan gì nhưng chỉ còn anh với mày, tốt nhất là đừng có đánh động. Cái bến đò cũng ở gần đây thôi.

Thông gật đầu. Con đường dành cho người đi bộ và đi xe vốn dĩ vắng người, lại còn sâu hun hút, buổi sáng nhìn vào đã thấy dờn dợn nói gì đến ban đêm khuya khoắt như thế này. Trăng bị mây che, lúc mờ lúc tỏ, cánh đồng ngập mặn ở bên phải con đường phản chiếu ánh sáng lay lắt, gợn sóng, lâu lâu ánh sáng này lại biến mất, như có con gì đó dưới đồng ngoi lên đớp. Cuốc bộ khoảng mười lăm phút, Hùng đứng lại quan sát xung quanh, có thể thấy mờ mờ những tán cây khuynh diệp, cây tràm đu đưa qua lại, chim chóc đã ngủ cả nhưng tiếng xào xạc lâu lâu lại vang lên. Gió như con vật máu lạnh, luồn qua ống tay áo, mơn trớn trên sống lưng cả hai. Định vị lại phương hướng, Hùng rẽ lùm cỏ rồi cùng Thông tiến vào một bờ nước.

Trên đầu cả ba, cây cối um tùm. Lúc nãy có tí ánh trăng còn có thể thấy lờ mờ lối đi dưới chân, nhưng đoạn kênh chỗ bờ nước này tối đến nỗi giơ tay lên không thấy ngón. Hùng lấy đèn pin ra soi nhưng ánh sáng khá yếu, chỉ đủ giúp cả hai thấy một vùng nước đen ngòm nhỏ bằng cái tô in trên mặt kênh. Hùng lia một vòng ngang bờ nước, ánh sáng vừa chiếu đến chỗ một gốc tràm thì cả hai giật thót mình. Một ông lão râu tóc vừa dài lại bạc phơ, khuôn mặt ông trắng bệt, duy chỉ cặp môi là đen ngòm. Lão ta vừa nhai trầu vừa… thả diều. Hùng chỉ đoán vậy thôi, vì thấy lão già đang giật giật một sợi cước theo kiểu động tác thăng bằng diều, nhưng khi nhìn lên thì trời tối đen có thấy gì đâu.

Thông bồn chồn: 

– Giờ sao nữa đại ca?

– Tình hình thằng Sinh sao rồi?

_Còn thở, mà yếu xìu hà. Lâu lâu nó co cả mình lên, hình như đau lắm.

– Còn cử động là còn chưa sao. Giờ khoảng một giờ sáng, mình còn tới hai tiếng đồng hồ để đi lấy thứ đó.

Nói xong Hùng tiến một bước về trước, cất giọng nói với ông lão: 

– Cò trên trời có bảy con, nhất loạt sà xuống bắt cá. Sếu trên cành ngót năm mạng, nhất loạt mổ vào cành cây. Bồ câu trên cao có liệng ngang mặt hồ?

Lão già phun mẻ trầu đang nhai rồi trả lời: 

– Bồ câu vừa uống nước vừa ngậm đá, vô tình làm nước rơi ra. Người liệng ngang mặt hồ nhớ múc nước trả bồ câu.

– Nhất định. Nhất định.

Hùng vừa dứt lời, lão già liền đứng dậy buộc sợi cước vào gốc tràm rồi phóng mình xuống con kênh. Lão gầm lên vài tiếng, nghe như tiếng cọp beo nhưng trầm hơn. Đột nhiên lão nhúng cả đầu xuống kênh rồi giật lên thật mạnh. Nước dính vào râu tóc bay tứ tung khiến Hùng và Thông phải che mặt lại. Đến đó, mặc cho râu tóc rối bù xù, lão già đứng bất động, chờ đợi. Chợt đằng xa có tiếng vật gì rất nặng rơi xuống kênh. Sau đó là hàng loạt tiếng rẽ nước như có cả trăm mái chèo của những lực điền khỏe nhất. Hùng lấy đèn pin rọi ra phía đó thì tá hỏa, một con cá sấu dài chừng năm thước đang vẫy đuôi bơi về phía bờ nước với tốc độ điên cuồng.

Hai người Hùng Thông lùi về sau một bước, chỉ có lão già vẫn đứng bất động. Con cá sấu bơi vừa tới, ban đầu có vẻ dè chừng nhưng sau đó thì giống như con chó con mèo ngửi ra mùi chủ, nó bơi xung quanh lão già, trông có vẻ vui lắm. Lão vuốt nó vài cái rồi leo lên bờ, gỡ sợi cước ra, tiếp tục “thả diều”. Con cá sấu thấy vậy hình như cũng hiểu ý chủ, nó bơi về phía Hùng, Thông và Sinh, tấp vào bờ nước gọn gàng như cách đậu của thuyền tam bản. Thông chưa kịp phản ứng gì thì đã thấy Hùng tiến về phía trước, lấy đà phóng lên lưng con cá sấu.

Thấy vậy, Thông giữ Sinh thật chắc, rồi “hấp” một cái cũng đứng trên lưng con cá sấu. Cả ba thanh niên nặng hơn hai trăm kí vậy mà con cá sấu không có dấu hiệu gì gọi là nao núng, nó vẫy cái đuôi khổng lồ trong nước rồi bắt đầu di chuyển. Hùng lia đèn pin, nước vẫn đen ngòm. Lâu lâu con cá sấu há miệng đớp cái gì đó, chắc là con cá hay con tôm làm cả “chiếc đò” run lên. Cả hai loạng choạng suýt té ngã mấy lần. 

Con kênh này rộng khoảng ba mét. Lia đèn pin lên hai bên bờ thì thấy rễ tràm trong giống như những bàn tay với bộ móng dài thườn thượt, cắm xuống mặt kênh như đang lôi vật gì lên. Trên đầu họ vang lên những âm thanh ma mị nhưng nghe riết thành ra cũng mặc kệ. Tiếng xào xạc như con gì đang chuyền cành. Tiếng xì xầm như có người đang trò chuyện. 

Thông thắc mắc: 

– Đại ca, đó giờ anh em mình đi chung biết bao nhiêu chuyến, chuyện lạ trên đời em tưởng đã thấy gần hết rồi. Ai ngờ chuyến đi An Giang lần này em mới thấy mình hơi ngu. Sẵn vậy em hỏi anh câu này luôn?

Hùng nói: 

– Mày vòng vo chi vậy? Có gì hỏi thì hỏi mẹ đi!

Thông cười hề hề rồi đáp: 

– Làm sao anh biết bờ nước này có bến đò, rồi còn nói mấy câu nhảm nhảm gì đó với ông già lúc nãy nữa?

Hùng nói mà không quay đầu lại, chỉ cố nheo mắt nhìn về phía trước: 

Bến đò là do một phần trực giác thôi. Tao biết giải thích sao giờ? Đứng lại nhìn vòng vòng thấy có cảm giác ngồ ngộ, kiểu vừa biết chắc vừa không biết chắc thì rẽ cỏ đi vô thôi. Còn mấy câu tao nói với thằng Sinh hôm bữa, rồi với lão già lúc nãy tao có nói mày rồi. Đó là ngôn ngữ của lục lâm, gọi là lục ngữ. Kể ra thì dài. Sau chuyến này còn sống trở về, anh em mình đi uống vài chai tao kể chi tiết cho nghe. Đơn giản thì nó cũng giống với chuyện mày vô khách sạn, được “phục vụ” như thế nào tất cả đều nhờ vào cách mày trò chuyện với thằng tiếp tân vậy đó! Với lại…

Chợt mặt Hùng biến sắc, như phát hiện ra điều gì đó, linh cảm thì đúng hơn. Sợ mình mệt nên nghĩ bậy, anh nhăn mặt, quay về phía sau nhìn Thông với vẻ nghiêm trọng: 

– Ê Thông, nãy giờ con cá sấu này bơi, nó có rẽ trái hay rẽ phải gì không?

Vậy là bộ ba đã tìm được đường tới bến đò ma, nhưng con đò này không những dị thường mà ngay cả khu rừng tràm cũng mang lại cảm giác bất an cho Hùng. Liệu Hùng có thể tìm được đúng chỗ mà Sinh nhắc tới hay không, mời các bạn theo dõi kỳ tiếp theo.

Chia sẻ câu chuyện này

Art director : Lê Minh

Minh họa : Minh Thảo Võ

Thiết kế : Nhím

 

Binh lính Đàng Ngoài - tranh của Samuel Baron
Share