Bão Táp tây Sơn Kỳ 13: Thị Cầu sơ chiến

Tác giả Wong Trần
Bão Táp tây Sơn Kỳ 13: Thị Cầu sơ chiến

Khi mặt trận Tam Dị – Trụ Hữu bị vỡ, Chưởng cơ Trần Danh Bính cùng với Chỉ huy Lê Đình, Nội vệ Lật Toàn dẫn 200 tàn quân rút về hướng Nam.

Giữa đường, họ bị phục binh của Phó tướng Tôn Khánh Thành đổ ra đón đánh. Trần Danh Bính cưỡi ngựa, chạy vào trong thôn trước mặt. Tôn Khánh Thành đưa quân tới vây thôn. Ba chỉ huy Tây Sơn đều bị bắt sống, giải đến chỗ Tôn Sĩ Nghị.

Trần Danh Bính tỏ ra cứng cỏi. Ông ta nói thẳng với Nghị:

– Mỗ có lòng phụ bạc, chỉ xin được chết cho mau, chứ không còn điều gì khác!

Tôn Sĩ Nghị cũng không lưu luyến gì. Ông ta sai đem Trần Danh Bính cùng với Lê Đình, Lật Toàn đi chém ngay trước mặt Trấn thủ Lạng Sơn là Phan Khải Đức. Phan Khải Đức sợ hãi ra mặt. Tôn Sĩ Nghị vừa đánh vừa xoa, bèn lựa lời an ủi Đức. Số tù binh Tây Sơn bị bắt trong ba trận đánh vừa rồi lên đến hơn 140 người. Tất cả đều bị Tôn Sĩ Nghị ra lệnh xử tử, không chừa lại một ai.

Ngày 15 tháng Mười năm Mậu Thân (1788), Tôn Sĩ Nghị đưa quân tới bờ Bắc sông Thị Cầu. Xung quanh vùng này là đồng bằng trũng thấp. Bên phải con đường cái quan dẫn về Thăng Long có một dãy núi dài chừng một cây số, đỉnh cao nhất khoảng 60 – 70 mét, tên là núi Tam Tầng. Tôn Sĩ Nghị cho thiết lập bản doanh của mình ở đó.

Sông Thị Cầu ở chỗ này rộng hơn 100 mét, sâu chừng hơn một mét. Vượt qua bờ Nam là trấn doanh Kinh Bắc. Quân Tây Sơn thiết lập đồn trại ở núi Dinh. Dọc sông thì bày bố nhiều lán trại bằng tre, gỗ để phòng thủ. Họ còn lập sẵn cầu phao dẫn sang bờ Bắc.

Các nguồn tư liệu Việt Nam nói rằng vào lúc này, Ngô Văn Sở đã muốn nghe theo kế sách tạm thời rút lui của Ngô Thì Nhậm. Trấn Kinh Bắc được lệnh phao tin sẽ đắp lũy ở sông Thị Cầu, nhưng kỳ thực là chuẩn bị rút quân. Mặc dù vậy, thực tế chiến trận cho thấy quân Tây Sơn ở Thị Cầu không có vẻ gì là muốn lui chạy.

Tôn Sĩ Nghị thừa thắng. Ngay sáng hôm đó, ông ta xua quân tới bờ Bắc sông Thị Cầu. Lúc đó là giờ Tỵ (khoảng 9 đến 11 giờ sáng). Quân Tây Sơn ở bờ Nam nổ đại bác đón đánh. Quân Thanh ở bờ Bắc bị oanh kích tơi bời. Súng điểu thương của quân Thanh chỉ bắn được tới giữa sông là hết. Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh phải ra lệnh cho quân mình đắp bờ đất để ẩn nấp.

Du kích Vu Tông Phạm của nhà Thanh dẫn quân vượt cầu phao tiến sang bờ nam. Quân Tây Sơn phát pháo bắn chặn. Vu Tông Phạm bị bắn chết ngay. Du kích Trần Thượng Cao, Thủ bị Trương Vân, Thiên tổng Trần Liên Quý của nhà Thanh cũng bị pháo bắn bị thương. Quân Thanh chỉ còn cách ẩn sau bờ đất để phòng thủ.

Quân Tây Sơn ngược lại vượt sông công kích. Một mặt, họ dùng thuyền nhỏ vượt sông, mặt khác tiến theo cầu phao qua bờ Bắc. Kinh hoàng trước sức tiến công của đối phương, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh quân mình cắt cầu phao. Đây là lần đầu tiên trong chiến dịch này, ông ta cho cắt cầu phao để ngăn quân Tây Sơn công kích.

Tôn Sĩ Nghị ra sức trấn an binh sĩ, yêu cầu họ cố thủ sau tường đất. Quân Tây Sơn dừng cuộc truy kích, rút lui về bờ Nam, không quên kéo hết thuyền bè về. Hiệp giao chiến đầu tiên giữa quân Thanh và quân Tây Sơn kết thúc. Sau này, Tôn Sĩ Nghị nhớ lại:

Giặc ở sông Thị Cầu khí thế rất dữ. Quân ta huyết chiến suốt hai ngày đêm không nghỉ; không được ăn gì”.

Quân Tây Sơn ở bờ Nam tiếp tục pháo kích giặc ở bên kia sông. Tôn Sĩ Nghị cho quân chế bè tre. Nhưng địa hình ven sông bằng phẳng, lộ liễu, không có chỗ giấu bè. Quân Tây Sơn dùng pháo bắn rát. Bè tre thành ra bia tập bắn. Tôn Sĩ Nghị cũng sai bố trí pháo để bắn trả. Nhưng việc vượt sông xem ra không thể thực hiện được. Giữa lúc này, phe nhà Lê liền xuất hiện giải vây.

Lê Duy Đản – sứ thần của Lê Chiêu Thống, vốn đi theo quân doanh của Tôn Sĩ Nghị – đã hiến kế vượt sông cho Tôn Sĩ Nghị. Sau này, Lê Quýnh nhận rằng đó là kế sách do mình và Lê Duy Đản cùng bàn nhau từ trước. Quýnh lập luận:

– Từ khi rời ải đến nay, quân địch thua luôn. Chắc chúng đặt nhiều quân ở Thị Cầu là nơi có nước chặn để chống cự. Nhưng chúng dùng binh chỉ biết nhìn phía trước, thường không ngó đến phía sau. Nếu dùng kỳ binh chộp phía sau thì ắt thắng. Quân ở doanh Thị Cầu mà bại, thì khôi phục cố đô dễ như nhổ nước bọt vào bàn tay.

Tất nhiên, lúc quân Thanh tới núi Tam Tầng thì Lê Quýnh đã không còn ở đó nữa. Ông ta đã rời chỗ quân Thanh để đi tìm Chiêu Thống. Người dâng kế sách là Lê Duy Đản. Nhưng bản thân ông này không nhắc gì đến Lê Quýnh. Lê Duy Đản đã giận Lê Quýnh ăn chặn tiền hỗ trợ của nhà Thanh cấp cho các bề tôi nhà Lê, lại càng giận vì Quýnh bỏ mình lại chỗ Tôn Sĩ Nghị. Nhưng lúc Lê Quýnh rời đi thì trận chiến Thọ Xương còn chưa nổ ra. Lê Quýnh cũng không giống hạng người có thể đoán trước sự việc để bày kế trước.

Trong văn tập của mình, Lê Duy Đản cho biết ông ta đã bày kế sách lập hai cầu nổi. Một cái ở Hữu Lân, cái kia ở Trúc Tây. Trong hai cầu nổi đó, một cái là nghi binh, cái kia mới là điểm vượt sông thực sự.

Chính Tôn Sĩ Nghị cũng tâu rằng ông ta cho quân tinh nhuệ đi thám sát địa thế ven sông. Người chỉ huy việc thám sát này có lẽ là Tổng binh Thượng Duy Thăng. Đô ty Trần Nguyên Nhiếp kể lại rằng: Trong lúc đi dò thám, không hiểu như thế nào mà Thượng Duy Thăng bị thương nhẹ ở ngón tay. Vụ “tai nạn lao động” này cũng được báo cáo lên vua Càn Long, để mong khen thưởng.

Tôn Sĩ Nghị chọn được một điểm vượt sông ở phía hạ lưu sông Thị Cầu, cách đó chừng 20 hay 25 dặm. Chỗ này dòng sông uốn khúc. Quân Tây Sơn không thể quan sát được. Tôn Sĩ Nghị liền sai bắt dân chúng quanh vùng chở tre gỗ, làm ra vẻ xây dựng cầu nổi ở bên phải quân doanh. Mục tiêu là để thu hút sự chú ý của quân Tây Sơn vào cánh giữa và cánh phải của quân Thanh.

Quân Thanh ở bản doanh pháo kích bờ nam cho đến chiều tối ngày 16, nhằm thu hút sự chú ý của quân Tây Sơn. Tổng binh nhà Thanh là Trương Triều Long thì dẫn 2000 quân, đem theo lương khô, hành quân xuống hạ lưu. Cánh quân đó rời đi chưa lâu, Tôn Sĩ Nghị đã nghe tin viện binh Tây Sơn từ Thăng Long đang kéo tới. Ông ta bèn phái Tổng binh Lý Hóa Long đem 500 quân đi tăng viện cho Trương Triều Long.

Đến nửa đêm, Trương Triều Long dùng bè tre và thuyền nhỏ của dân để vượt sông. Trương Triều Long để lại 500 quân giữ điểm vượt sông, rồi dẫn số quân còn lại tiến lên. Ở bờ Bắc sông Thị Cầu, Tôn Sĩ Nghị cũng chuẩn bị vượt sông đánh vỗ mặt. Quân Thanh được lệnh ăn no. Bỗng nhiên, bên ngoài quân doanh có tiếng nổ chấn động. Ánh lửa chiếu sáng đêm tối. Đó là dấu hiệu của hỏa hổ Tây Sơn. Không đợi quân Thanh tấn công, phía Tây Sơn đã vượt sông tập kích.

Thắng bại sẽ ra sao?

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share