Nhưng hãy tạm thời bỏ qua việc Iran có ký tiếp thỏa thuận, hoặc có manh động giở trò gì hay không, hãy nói về vị thế của Hoa Kì trong sự kiện này, hoặc trong toàn bộ bàn cờ ở Trung Đông.
Trong phiên họp sa mạc hôm ấy, Mỹ cũng xuất hiện, với tư cách trung gian, sắp xếp để các bên gặp nhau. Mỹ thừa hiểu mấy ông Ả Rập dù rất thèm khát ký được các thỏa thuận về công nghệ của người Do Thái, không dễ gì chịu ngồi lại với Israel do sợ mang tiếng phản bội. Nhưng vì Mỹ vốn rất thân với Israel, nên luôn muốn giúp Israel giao kết thêm bạn mới, như vậy sẽ bớt thù.
Trước đây, chỉ tính riêng năm 2020, tổng thống Trump đã đứng ra mời lãnh đạo UAE, Bahrain, và Ma Rốc tới Nhà Trắng, mục tiêu là để họ nối lại quan hệ ngoại giao bình thường với Israel. Một hành động chứng tỏ sự “bảo lãnh” của Mỹ dành cho người em chí cốt Israel. Lần này, Mỹ hiểu rằng “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, nên đã sử dụng Iran như một kẻ thù chung, buộc các anh Ả Rập không còn cách nào khác phải ngồi lại với Israel. Cuộc họp này đã gửi đi một thông điệp rằng Israel và thế giới Ả Rập không nhất thiết phải là kẻ thù “không đội trời chung”.
Trong một ngày đẹp trời, khi nhìn thấy lợi ích của nhau, họ sẽ gạt vấn đề Palestine sang một bên và sẵn sàng ngồi xuống. Chính Israel cũng đã cởi mở hơn, thay vì chỉ làm bạn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ (những quốc gia mà Israel đã thiết lập quan hệ từ 1950) vốn không quá thân thiết với khối Ả Rập, giờ đây họ sẵn sàng bỏ đi cái tôi vì đại cục. Bàn cờ địa chính trị hiện đại giờ đã xuất hiện những nước đi thật khó lường, chỉ cần một biến động nhỏ, thật khó để phân biệt đâu là địch, đâu là thù.
Quay lại với mối kết giao giữa Mỹ và Israel, nó không chỉ là chuyện của ngày hôm qua, mà đã mọc rễ từ khi Israel tuyên bố lập quốc. Lịch sử đã chỉ ra nhiều lý do rõ ràng tại sao Mỹ luôn chống lưng Israel.
Đầu tiên, Israel là đất nước theo thể chế chính trị dân chủ (democracy) giống Mỹ, ngay từ khi lập quốc. Hơn nữa, quốc gia Israel ra đời năm 1948, vào một thời điểm bản lề. Đó là lúc mà Thế chiến thứ Hai vừa kết thúc, Mỹ và Nga cũng bắt đầu bước vào chiến tranh Lạnh. Cả hai phe đưa mắt nhìn ngắm khắp quả địa cầu hòng giành giật và thâu tóm đồng minh. Nhận thấy Israel non trẻ, có cùng đường lối với mình, Mỹ phải nhanh chân kết bạn, hứa hẹn đủ điều, để vừa lấy Israel về phe mình, vừa có chân đứng tại Trung Đông. Kể từ đó, những hỗ trợ Mỹ dành cho Israel rất ấn tượng, nổi bất nhất là vụ Mỹ chống lưng cho Israel trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967, một trận chiến thay đổi bộ mặt Trung Đông, xác lập thế kèo trên cho Israel tại đây.
Thời thế đã khác, Israel giờ không phải là quân bài chiến lược trên bàn cờ chống lại phe Cộng sản của Mỹ như thời chiến tranh lạnh, nhưng lại trở thành người em mà Mỹ đặc biệt tin tưởng trong việc tiêu diệt các lực lượng phiến quân cực đoan Hồi giáo lúc nào cũng lặn sâu bên trong mấy nước Ả Rập. Israel nằm ngay điểm nóng Hồi giáo, như một người cận vệ từ xa của nước Mỹ, một cánh tay nối dài mà các đời Tổng thống Mỹ đều cần cho việc nắn gân mấy ông Ả Rập. Nhưng trước khi Mỹ kịp nhờ Israel ra tay thủ tiêu một ông Ả Rập nào đó, thì Tháp Đôi sụp đổ. Đây cũng chính là lý do thứ hai cho câu hỏi tại sao Mỹ phải đỡ đầu cho Israel.
Ngày đen tối 11 tháng 9 đó càng củng cố tư tưởng bài trừ Ả Rập trong lòng người Mỹ. Dù ngày nay, mọi thứ đã ít nhiều thay đổi, ngày càng nhiều hơn người Mỹ đã thấy xót thương và đồng cảm cho Palestine, nhưng phần đông vẫn ủng hộ Israel. Theo khảo sát của Washington D.C vào năm 2022, hơn nửa dân số Mỹ (55%) cho thấy sự “đồng cảm” với Israel, ngược lại chỉ có 28% nghiêng về phía Palestine. Rõ ràng, sự ủng hộ trong lòng nước Mỹ dành cho Israel là rất lớn, nó ảnh hưởng lên nước đi của các nhà lãnh đạo nước này. Đến năm 2017, để thể hiện sự ủng hộ dành cho Israel, tổng thống Trump đi một nước cờ chấn động, dời tổng lãnh sự quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, dẫn đến vô số cuộc đụng độ giữa hai bên, gây thương vong cho hàng nghìn người.