Người Óc Eo đặc biệt chuộng trang sức, đeo trang sức như là phục sức. Họ đeo trang sức lên tay, tai, cổ và cả trên đầu. Nếu cư dân tiền Óc Eo, cũng như bao cư dân nguyên thủy khác, sử dụng đá, xương để làm đồ trang sức, thì về sau, sự phân tầng xã hội Óc Eo được thể hiện rõ rệt trên chất liệu và kiểu dáng.
Trang sức đối với người Óc Eo không chỉ là sự theo đuổi cái đẹp, mà còn là lời tỏ bày phú quý, khẳng định quyền lực. Nhu cầu thể hiện của chủ nhân khiến trang sức Óc Eo phong phú về chủng loại, đa dạng về chất liệu từ vàng, đồng, thuỷ tinh, đến đá quý…
Trong số đó, người Óc Eo đặc biệt chuộng vàng và sở hữu nhiều vàng. Các dạng thức trang sức bằng vàng Óc Eo cực kỳ phát triển, được chế tác cầu kỳ hơn các khu vực lân cận. Vàng được gia công thành đủ loại: lá dát mỏng có khắc hình tượng Phật, tượng thần, chim, thú, cá; nhẫn, vật đeo, khuyên tai…
Sau hàng loạt những cuộc khai quật, vẻ đẹp của trang sức Óc Eo hiển lộ rực rỡ trong muôn hình vạn trạng hiện vật. Trang sức được tìm thấy tập trung chủ yếu ở những di tích cảng thị và thánh tích tôn giáo với số lượng lớn, nhiều loại hình trên những chất liệu khác nhau. Chỉ riêng kho tàng khổng lồ hiện vật được công bố lần đầu tiên bởi L.Malleret – với 1.062 hạt ngọc, 1.311 di vật vàng nặng tới 1.120 gram – đã cho thấy đồ trang sức chính là bản sắc, là tinh hoa nở rộ trên đời sống vật chất và tinh thần của cư dân cổ trên đất phương Nam.
Sau này, người Óc Eo sử dụng trang sức không chỉ để điểm tô mỹ mạo, phô bày địa vị mà còn để bộc bạch tín ngưỡng và phụng sự tôn giáo của mình. Sự hiện diện của trang sức Óc Eo, trong muôn màu, trong vạn vẻ, như là dấu chỉ của trình độ phát triển và phân hóa xã hội. Nó là phản ảnh của tư duy thẩm mỹ nhiệt đới rực rỡ phồn hoa, cũng là dư âm mà đời sống tâm linh từ ngàn xưa vọng lại.
Lại nói đến miếng vàng chạm bụt cổ cưỡi voi đào được dưới nền chùa Ân Tông trong ghi chép của Trịnh Hoài Đức. Sau này, cùng với những đối chiếu khảo cổ, nó được nhận định là một trong những vết tích vật chất của văn hóa Óc Eo.
Theo kiến giải của nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret, công bố trong tập sách L’archéologie du Delta du Mékong những năm 1959 – 1963, bụt cổ cưỡi voi rất có thể là hình tượng Indra cưỡi voi trắng Airavata thần thoại Ấn Độ Giáo. Một dấu chỉ tôn giáo, trong hàng ngàn dấu chỉ tôn giáo dựa trên hình hài của trang sức Óc Eo. Càng tìm tòi và đọc vị những dáng hình ấy, lại càng sâu lắng và minh định dáng dấp linh hồn của những cư dân thuộc về ngàn năm quá vãng trên đất phương Nam.
(Còn tiếp)