Đàn đáy là một sáng chế riêng của nghệ nhân Việt Nam nhằm phục vụ cho giáo phường ca trù nên có dáng hình và cung – khổ hết sức đặc sắc, không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Nhìn chung, cấu tạo đàn đáy gồm năm bộ phận là thùng đàn, cần (dọc) đàn, dây đàn, bộ phận lên dây và phím gảy đàn.
Thùng đàn đáy có hình thang cân với đáy lớn và đáy bé, mặt đàn bằng gỗ xốp nhẹ, có gắn ngựa đàn, còn thành đàn làm từ loại gỗ cứng hơn. Cần đàn rất dài, lên tới hơn một mét, có thể tháo lắp dễ dàng vì ở thùng đàn có khoét một khoảng hổng để gắn cần vào, ở giữa chêm thanh tre. Điểm đặc biệt là từ ngọn cho tới hơn nửa cần đàn không gắn phím, phần còn lại gắn 8 phím, thêm 2 hoặc 3 phím nữa nơi mặt đàn tạo thành 10 hoặc 11 phím tất cả. Dây đàn chỉ gồm ba dây làm từ tơ se, được lên cách nhau quãng bốn đúng, không đánh âm dây buông. Đầu đàn mang hình lá đề, có ba trục gỗ nằm đối nhau – đây chính là bộ phận lên dây đàn. Khi chơi đàn, người kép sẽ dùng miếng gảy tre hoặc nhựa để chơi các ngón gảy, hất, rung, mổ,…
Đàn đáy cũng chơi theo lối ngũ cung với cung nam, cung bắc, cung nao, cung pha và cung huỳnh, về sau thêm vào cung phú, khiến cho thang âm của đàn đáy rất khác với thang âm ngũ cung của đờn ca tài tử hay nhã nhạc cung đình Huế. Trên chiếu ca trù, đàn đáy có bốn khổ: khổ sòng, khổ đơn, khổ rải và khổ lá đầu.
Lại có hai lối đàn là đàn khuôn và đàn hàng hoa. Người xưa thường ví đàn khuôn như chữ tốt viết chân phương, bởi đây là lối đàn phải theo đúng phép tắc, nhấn gân nhiều, theo cung bậc cao – thấp mà đi, không thêm không bớt. Còn đàn hàng hoa lại như chữ tốt viết thảo, với lối chơi tuy tài tình nhưng kém khuôn phép, ít công phu, chủ yếu là người kép dựa vào tiếng hát rồi thêm bớt các điệu. Khi đi hát cô đầu, chỉ có đàn khuôn – hát khuôn mới được coi là Giáo phường đệ nhất bộ.
Do cấu tạo có phần đặc biệt của đàn mà người chơi có thể nhấn chùn, tức là nhấn phím cao hơn, chữ đàn vẫn giữ nguyên mà âm sắc đổi thay. Ví như cùng một độ cao mà một chữ là Tinh, còn một chữ là Tang. Cùng với kỹ thuật tay như lia, nắn, vê,… ba sợi dây tơ, người kép hát tạo ra tiếng đàn trầm mặc, vững vàng như núi mà vẫn mềm mại tựa nước chảy mây trôi. Giáo sư Trần Văn Khê đã bình về tiếng đàn đáy như sau: