Trong khi đó, trên thảo nguyên Trung Á, những thợ rèn Đột Quyết thế kỷ thứ 6, thứ 7 bắt đầu thử nghiệm với lưỡi đao cong. Họ nhận thấy đao cong tăng hiệu quả chém hơn, do tại mỗi thời điểm, chỉ một điểm trên lưỡi tiếp xúc với mục tiêu, nghĩa là áp suất cao hơn hẳn so với nếu nhiều điểm cùng tiếp xúc. Đồng thời, lưỡi cong cũng chịu lực tốt hơn hẳn, do đó phù hợp với những cú chém từ lưng ngựa khi đang phi với tốc độ cao. Từ thế kỷ 13 trở đi, đao cong đã thay thế đao thẳng trong các đội quân du mục.
Sau đó, khi các đế quốc du mục Khiết Đan, Mông Cổ thống trị Trung Hoa từ thế kỷ thứ 10 đến 14, đao cong cũng du nhập vào các nền văn hóa định cư Á Đông, bao gồm cả Việt Nam và Cao Ly. Tại Nhật Bản, cùng thời điểm đó, người Nhật cũng thiết kế Thái Đao (Tachi) với lưỡi cong, nhưng do tiếp thu loại đao của các kỵ binh Emishi bản địa vùng Đông Bắc đảo Honshu, chứ không qua con đường đại lục.
Từ thế kỷ 15 trở đi, đao đều có lưỡi cong, bất chấp là đao kỵ binh hay bộ binh. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự hợp nhất của hai dòng đao cong phát triển độc lập ở Đông Á: Đao du mục và đao Nhật Bản, khi mà Mạc Phủ Muromachi ở Nhật tích cực xuất khẩu đao sang nhà Minh. Lưỡi đao Tachi đã được người Tống đánh giá cao về chất lượng chế tác và chuộng mua từ thế kỷ 11. Tuy nhiên, với hàng trăm ngàn lưỡi mỗi năm, thế kỷ 15 mới thực sự là đỉnh cao của xuất khẩu đao sang Trung Quốc của Nhật Bản. Chẳng hạn, tướng quân Lam Ngọc bị Minh Thái Tổ quy kết tội mưu phản khi khám phủ đệ ông này thấy có gần một vạn thanh Oa đao.
Khi đối đầu với Oa Khấu ở thế kỷ 16, nhà Minh nhận thấy những ưu điểm của trường đao Nhật Bản và họ đã mô phỏng lại loại đao này rồi trang bị cho chính binh sĩ của mình. Tại Việt Nam, giao thương với Nhật Bản thế kỷ 17 cũng bao gồm nhập khẩu binh khí, và rất nhiều lưỡi đao được nghệ nhân bản địa chế tác với các yếu tố Nhật.